Nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân không chỉ là một đặc sản xứ Quảng, mà còn là của cả đất nước, một đặc sản của thời ông.
Tôi gặp Nguyễn Văn Xuân vào năm 1984, khi cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đi thực tế lấy tư liệu làm hai số tạp chí Etudes Vietnamiennes về Quảng Nam – Đà Nẵng và Nghĩa Bình. Bác Viện nói, nghiên cứu một vùng đất phải có một bản đồ, đọc và đi đến các địa danh văn hóa – lịch sử, ăn những món ăn đặc sản…
Đến Đà Nẵng, tôi cùng anh Đào Hùng, nhà văn Thái Bá Lợi đến thăm cụ Xuân. Tôi ngỡ ngàng thấy ở Nguyễn Văn Xuân tất cả những tinh hoa của một vùng đất mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã nói ở trên: một hiểu biết sâu sắc, một tâm hồn rộng mở, một tính cách sôi nổi, phá chấp. Và, quan trọng hơn hết, nhân cách và văn cách của ông.
Nguyễn Văn Xuân, quả thật, là một trong những đặc sản của vùng đất Quảng. Nước ta có nhiều những vùng đất học, được biểu tượng lên bằng những thầy đồ, như đồ Bắc (Kinh Bắc), đồ Nam (Nam Định), đồ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh) và đồ Quảng… Quảng Nam là nơi đất nước ưỡn ra biển, có nhiều lâm thổ sản, đặc biệt vải lụa tơ tằm, nên sớm giao thương với nước ngoài. Vào thời cận đại, thầy đồ Quảng cũng là những người sớm tiếp xúc với Tân thư do các thuyền buôn Hoa thương đưa đến. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ đồ – tân, như Phạm Phú Thứ, Tràn Quý Cáp, Phan Châu Trinh… đều xuất hiện ở đất này. Nguyễn Văn Xuân lớn lên nhờ thụ hưởng được phù sa của miền đất ấy và ánh sáng của tư tưởng duy tân từ phương trời lạ.
Nguyễn Văn Xuân là người chủ yếu tự học, đúng hơn là tự đào luyện. Tuổi nhỏ ông học ở quê nhà Điện Bàn, 12 tuổi ra Huế học tiếp, 16 tuổi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bỏ học, tự kiếm sống và tự học. Ở hoàn cảnh Việt Nam nói chung và hoàn cảnh Nguyễn Văn Xuân nói riêng, tự học là một vấn đề lớn, thậm chí vấn đề của thời đại. Bởi, cái học nhà trường, dù tương đối phóng khoáng cởi mở về phương diện tri thức như trường Tây, mà không có đầu óc độc lập thì cũng dễ trở thành một anh đồ Tây, thậm chí hủ Tây (chữ của Phan Tây Hồ). Hơn nữa, tự học là tự do lựa chọn tri thức, đúng hơn khuynh hướng tri thức, và rèn luyện bản lĩnh cá nhân. Học giả Đào Duy Anh là một tấm gương lớn và tiêu biểu cho tinh thần tự học, tự đào luyện, tự trưởng thành của thanh niên Việt Nam bấy giờ.
Một điểm quan trọng nữa trong việc hình thành nhân cách Nguyễn Văn Xuân, là dù phải làm rất nhiều nghề để sinh tồn, nhưng đều là các nghề tự do, không liên quan gì đến hệ thống hành chính thuộc địa. Sau khi nghỉ học ông lên Tây Nguyên làm thông ngôn, dạy kèm tiếng Pháp cho một me Tây chủ đồn điền. Rời cao nguyên, ông về Đà Nẵng cộng tác với các báo, tạp chí, đồng thời lao vào đọc sách chữ quốc ngữ, chữ Pháp (sau này ông còn học cả chữ Hán, chữ Nôm).
Rồi ông vào Sài Gòn, rồi lại trở ra Trung, hoạt động văn nghệ và làm “giáo khổ trường tư” ở Hội An, Đà Nẵng, Huế. Nghề độc lập, nhất là nghề làm báo, viết văn và dạy học, không lệ thuộc kinh tế vào chính quyền, dung dưỡng những suy nghĩ độc lập, từ đó có tư tưởng độc lập, hình thành nên một trí thức độc lập. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Xuân đã thể hiện rõ điều này.
Bút pháp Nguyễn Văn Xuân là một cách viết (écriture) độc đáo, hấp dẫn, dễ đọc: văn chương thì đầy tính nghiên cứu, nghiên cứu thì đầy tính văn chương, lịch sử thì hàm ngụ tính đương đại, đương đại thì hàm ngụ tính lịch sử. Cái tài của cụ Xuân là hợp nhất được sự biện biệt âm dương đó vào một, một của thái cực đồ.
Ước mơ của Nguyễn Văn Xuân là trở thành một văn hào. Thuở ấy tác phẩm của các nhà văn chủ yếu là đăng báo, theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, thậm chí không chỉ truyện ngắn mà cả tiểu thuyết cũng đăng nhiều kỳ. Như vậy, Nguyễn Văn Xuân là nhà báo văn học. Viết báo, viết văn với ông vừa thể hiện được cá tính, bản lĩnh của mình, được trở thành chính mình, tức sự phát triển đầy đủ ý thức cá nhân, nhất là tự ý thức; vừa bày tỏ được lòng yêu nước của một người dân mất nước, đồng thời đi tìm nguyên nhân vong quốc không chỉ ở các điều kiện bên ngoài, mà quan trọng hơn, ở nguyên nhân bên trong, ở căn cước tộc người hình thành qua lịch sử. Do đó, Nguyễn Văn Xuân, bằng trực giác nghệ sĩ của mình, sáng tác để làm rõ lịch sử, đồng thời cũng nghiên cứu, diễn giải lịch sử để lấy cảm hứng, tư liệu cho sáng tác. Đối tượng của sáng tác và nghiên cứu của ông là một. Đó là con người Việt Nam, nhất là con người đất Quảng. Bởi vậy, nhà nghiên cứu và nhà sáng tác, nhà khoa học và nhà nghệ thuật, trí tuệ và tình cảm ở/của Nguyễn Văn Xuân hòa quyện vào nhau, thành một khối toàn bích.
Tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân có thể tạm chia thành hai nửa: nghiên cứu nhằm diễn giải sự thật lịch sử; và sáng tác nhằm diễn giải hư cấu lịch sử. Hai phần này như hai nửa vầng trăng được chia đôi (để tiện bề nghiên cứu), nhưng chúng không ngừng ảnh xạ, phóng chiếu sang nhau, vừa làm nổi sáng của từng nửa, vừa đảm bảo tính toàn vẹn của một quầng sáng. Hẳn đây cũng là ý tưởng điêu khắc gia Phạm Văn Hạng xây dựng ngôi mộ cho ông bà Nguyễn Văn Xuân.
- Xem thêm: Không dừng lại được biết làm sao!
Phần quan trọng nhất của nửa trên là hai công trình biên khảo lịch sử đặc sắc: Khi những lưu dân trở lại (1967) và Phong trào Duy Tân (1969) và một vài cạnh khía lịch sử khác được Nguyễn Văn Xuân quan tâm đề cập. Qua đó, tác giả muốn nói đến những phát hiện của ông về một vài nét có tính tiêu cực trong cá tính người Việt trước đây, như thói ăn chặn, đòi hối lộ, không giữ chữ tín của những người làm ăn buôn bán, khiến cho việc giao thương với những công ty nước ngoài bị đổ vỡ, trong Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII.
Hoặc về thói hư học, hư danh, học không vì kiến thức, học không đi đôi với hành (thực học), mà học chỉ để thi đỗ làm quan, trong Từ ngũ phụng tề phi đến ngũ phụng bất tề phi. Từ đó, Nguyễn Văn Xuân đề cao các nhà nho duy tân. Họ không chỉ thực học, mà còn thực nghiệp, như mở ra trường Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội, thành lập công ty nước mắm Liên Thành và trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Đồng thời, họ sẵn sàng từ bỏ quan trường để dấn thân vào hoạt động cách mạng, sẵn sàng hy sinh (Trần Quý Cáp, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu), tù đày Côn Đảo (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…).
Nửa thứ hai của sự nghiệp Nguyễn Văn Xuân là truyện hư cấu, nhất là hư cấu lịch sử. Trong đó tiêu biểu là hai tập truyện ngắn Dịch cát (1966), Hương máu (1969) và hai tiểu thuyết Bão rừng (1957), Kỳ nữ họ Tống (2002) và một vài truyện ngắn khác. Nếu Dịch cát và Bão rừng chỉ là những truyện có ý nghĩa lịch sử, nhất là sử đương đại, lịch sử đang trở thành lịch sử, thì Hương máu và Kỳ nữ họ Tống là truyện hư cấu lịch sử.
Ở đây sự kiện, nhân vật có thực, nhưng chỉ là bối cảnh bề ngoài, còn giá trị đạo đức, lối sống, nhân cách, sự lựa chọn sống còn của các nhân vật ấy mới là tâm huyết của Nguyễn Văn Xuân. Nhà văn viết về cái chết của họ để nói lên cái sống của họ. Chết như cái sống cuối cùng. Đó là những người tham gia khởi nghĩa Cần Vương như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến (Hương máu), người tham gia Việt Nam Quang Phục Hội như Trần Cao Vân, Thái Phiên (Rồi máu lên hương), những người dân chợ Củi “ghét Tây” (Cái giỏ), hay như Nguyễn Văn Siêu khóc thương Cao Bá Quát sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Khóc đầu tri kỷ)…
Kỳ nữ họ Tống là cuốn tiểu thuyết được Nguyễn Văn Xuân thai nghén suốt đời, chỉ đến khi về già tác giả mới chấp bút. Từ một vài ghi chép sơ sài trong sách sử như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn, hoặc trong truyện ký lịch sử như Nam triều công nghiệp của Nguyễn Khoa Chiêm, Mộng kinh sư của Phan Du, đến Nguyễn Văn Xuân thì Tống thị mới thành một kỳ nữ. Bà là một nhân vật “trở thành huyền thoại” trong nửa đầu thế kỷ XVII. Sắc đẹp của Tống thị đến mức dù đã có ba con vẫn có thể quyến rũ được các chúa và quan lại? Hay chỉ do bùa yêu là chuỗi bách hoa? Tống thị làm mê muội chúa Nguyễn là vì lợi ích riêng hay do chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cài cắm? Những câu hỏi không có câu trả lời này với nhà tiểu thuyết đôi khi cũng chỉ là cái cớ để lên án các chúa, cả Trong lẫn Ngoài, và bọn quan lại nhiều dục vọng tăm tối, tham ô quyền lực, hám lợi, hám sắc, tàn nhẫn. Đọc Kỳ nữ họ Tống, người ta cũng có thể băn khoăn phải chăng đó là một hằng số lịch sử?
Nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân không chỉ là một đặc sản xứ Quảng, mà còn là của cả đất nước, một đặc sản của thời ông. Bút pháp Nguyễn Văn Xuân là một cách viết (écriture) độc đáo, hấp dẫn, dễ đọc: văn chương thì đầy tính nghiên cứu, nghiên cứu thì đầy tính văn chương, lịch sử thì hàm ngụ tính đương đại, đương đại thì hàm ngụ tính lịch sử. Cái tài của cụ Xuân là hợp nhất được sự biện biệt âm dương đó vào một, một của thái cực đồ. Lối viết này ngày càng trở nên hợp thời, nhất là với những cây văn trẻ đang tiến bước.