Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, là nền tảng kinh tế không thể thiếu của chiến lược xoay trục về châu Á nhằm tăng cường phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng của Mỹ với tư cách là cường quốc số một thế giới tại một khu vực phát triển kinh tế năng động nhất hành tinh, củng cố cột trụ vững chắc của liên minh Nhật Bản – Hoa Kỳ, thúc đẩy việc mở rộng các mối quan hệ đối tác kinh tế thương mại giữa những quốc gia có tiềm năng phát triển ở hai bên bờ Thái Bình Dương.
TPP còn giúp Mỹ và Nhật tạo nên một vành đai sắt ngăn chặn sự trỗi dậy bá quyền và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt là mưu đồ của nước này kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, một hải lộ huyết mạch của các nước Đông Á, nhất là Nhật Bản, nơi có 5.000 tỉ USD giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu được chuyên chở qua mỗi năm.
Các nhà thương thuyết Mỹ đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của TPP đối với lợi ích an ninh và kinh tế cốt tử của Mỹ đến mức đã nhất quyết gắn kết sự tồn tại của hiệp định tự do thương mại này với sự hiện diện không thể thiếu của Mỹ bằng một điều khoản đòi hỏi rằng TPP chỉ có hiệu lực nếu hội đủ sáu thành viên có tổng mức GDP bằng 85% tổng GDP của 12 nước tham gia. Mỹ là quốc gia có GDP ngang với 60% tổng GDP các nước còn lại, nên điều kiện tiên quyết này có nghĩa là: Không có Mỹ, không có TPP.
Chính vì vậy, khi nghe tin Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ ngày 8-11, một điều không ai ngờ tới trừ những nhà tiên tri, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thúc giục Hạ viện Nhật thông qua TPP, để ông có thể lập tức mang quyết tâm chính trị của toàn dân Nhật sang New York thuyết phục Trump, vì quyền lợi sinh tử của quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, không rút Mỹ khỏi TPP như ông này đã từng nhiều lần tuyên bố khi tranh cử tổng thống.
Sau cuộc gặp, Shinzo Abe không giấu được nỗi thất vọng khi than thở rằng TPP sẽ vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Chỉ ít lâu sau, ông Trump tuyên bố việc làm đầu tiên của ông khi nhậm chức tổng thống Mỹ là ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. Đây sẽ là một hành động mang lại hậu quả tai hại khôn lường về lâu dài cho Mỹ và các đồng minh, các đối tác của Mỹ trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Còn đối với Trung Quốc, đây lại là một món quà vô giá mà ông Trump biếu không cho họ.
Đối với Việt Nam, một tương lai không TPP màu hồng hay màu xám tùy thuộc vào thái độ và hành động của chúng ta nhiều hơn là chính TPP. Trước TPP, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt trên 150% GDP. Việt Nam đã gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), ký các hiệp ước mậu dịch song phương và đa phương với Hoa Kỳ, EU, ASEAN…
Nông dân Việt Nam, công nhân Việt Nam, doanh nhân Việt Nam chưa hề tỏ ra sợ hãi toàn cầu hóa và đã đạt được những thành quả đáng tự hào mặc dù phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các nước bạn hàng có điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất, lãi suất ngân hàng và môi trường sản xuất kinh doanh, chưa nói đến phải chịu đựng những biện pháp chống phá giá bất công của các cường quốc công nghiệp.
Trong suốt nhiều năm thương lượng TPP, các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ rõ quyết tâm tham gia, dù phải chấp nhận một thực đơn cải cách tuy biết là bổ dưỡng nhưng cũng không dễ nuốt như thu hẹp hoạt động kinh tế Nhà nước, phát triển kinh tế tư doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi doanh nghiệp các nước thành viên, tôn trọng quyền tự do thành lập công đoàn của người lao động…
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, vì không những nó giúp phát triển mạnh mẽ các ngành công nông nghiệp và ngoại thương của Việt Nam, TPP còn là cơ hội vàng thúc đẩy nhanh việc cải cách thể chế xã hội, cải cách hành chính công, tái cấu trúc nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế quốc doanh, tạo nhiều công ăn việc làm, đồng thời giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của ngoại thương với Trung Quốc như nhập siêu kéo dài, nguy cơ trở thành bãi chứa rác thải công nghiệp lạc hậu, thị trường tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng và thực phẩm bẩn.
TPP đối với Việt Nam là một động lực, một cơ hội cho phát triển, nhưng động lực đó, cơ hội đó không đến từ bên ngoài mà là từ nỗ lực tự thân. TPP buộc chúng ta phải cải tiến thể chế, tạo hành lang pháp lý cho môi trường đầu tư và cạnh tranh bình đẳng, tôn trọng tự do kinh doanh và quyền lợi người lao động, tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và người lao động nâng cao năng suất… giúp nền kinh tế nước ta đủ sức tham gia một sân chơi ngang bằng với các đối tác và cùng họ hưởng lợi ích từ mậu dịch tự do.
TPP cũng tạo ra một hiệu ứng tâm lý tích cực cho các doanh nhân, các nhà đầu tư. Trong suốt quá trình đàm phán cho đến khi 12 nước đạt được sự đồng thuận lịch sử về hiệp định TPP vào ngày 5-10-2015, niềm tin về tương lai phát triển kinh tế Việt Nam không ngừng tăng lên trong giới doanh nghiệp, công nhân và nông dân. Nhiều dự án đầu tư đón đầu đã được triển khai, đặc biệt là đầu tư bất động sản, xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất nông phẩm.
- Xem thêm: Đẩy nhanh tiến độ cải cách
Không có TPP, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ vẫn cần chủ động thực hiện những cải cách thể chế, vì điều đó đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân và quyền lợi của nền kinh tế quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa. Nền kinh tế Việt Nam cần có những điều chỉnh vĩ mô phù hợp với một tương lai không TPP, nhưng chắc chắn đó không phải là những bước lùi đối với cam kết cải cách cần thiết mà chúng ta đã quyết tâm khi thương lượng TPP.
Trước mắt, thị trường Mỹ có thể khắt khe hơn trước với một số rào cản phi thuế quan và chúng ta phải chuẩn bị đương đầu với nhiều vụ chống phá giá hơn, nhưng Hoa Kỳ vẫn là một thị trường xuất khẩu lớn và tốt nhất mà chúng ta phải giữ vững và phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta còn thị trường EU, Nhật Bản và ASEAN. FDI từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN và EU vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump.
Về phần mình, Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện các chương trình thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh và cải tổ hệ thống ngân hàng trên lộ trình lành mạnh hóa cơ cấu kinh tế tài chính quốc gia. Thị trường bất động sản cao cấp của Việt Nam có thể tạm thời nguội lạnh, đòi hỏi một số giải pháp hỗ trợ tích cực. Giá vàng trong năm 2017 sẽ không nhiều biến động. Tỷ giá đồng đôla Mỹ trước mắt sẽ có xu hướng tăng so với đồng Việt Nam nhưng vẫn kiểm soát được. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 có thể không đạt mục tiêu kỳ vọng, riêng lạm phát sẽ tăng nhẹ.
Hãy còn quá sớm để nói về thời kỳ hậu TPP. Vì lợi ích của nền kinh tế đất nước, các nhà lãnh đạo nước ta cần hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong nỗ lực duy trì TPP. Một TPP không có Mỹ vẫn tốt hơn là không có TPP. Tổng GDP của TPP không Mỹ (11 thành viên còn lại) chỉ bằng 16% GDP toàn cầu, khối lượng giao dịch thương mại nội vùng chỉ chiếm 14% giao dịch toàn cầu. Thị trường Nhật không thể thay thế Mỹ để trở thành chỗ dựa vững chắc cho phát triển giao dịch nội vùng.
- Xem thêm: ASEAN là trung tâm của RCEP
Tuy vậy, mỗi thành viên TPP đều có hiệp ước thương mại song phương với Mỹ và EU nên họ vẫn có đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu nếu năng lực sản xuất tăng lên. Mặt khác, TPP có thể mở rộng ra cho những ứng viên tiềm năng khác đã từng ngỏ ý muốn tham gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và nếu có thể lôi kéo thêm Ấn Độ, Indonesia vào cuộc chơi, TPP sẽ trở thành một khu vực thương mại tự do có dân số lớn nhất hành tinh.
Viễn cảnh đó tuy khó khăn, nhưng không phải là không thể, nếu các nước trong vùng nhận thức được lợi ích chung của họ là cùng nhau tạo một đối trọng kinh tế có đủ thực lực, giúp cân bằng ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có tham vọng soán ngôi đầu của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Sau này, mọi người sẽ thấy rằng, Donald Trump có thể không cần TPP nhưng nước Mỹ lại rất cần.
Donald Trump khiến nước Mỹ và thế giới bước vào một thời kỳ bất định khó đoán, giống như tính cách của ông. Nhưng nền kinh tế thế giới vẫn phải đi vào một xu hướng tất yếu là sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của hành tinh: nhân lực, tri thức, đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên, dựa trên nguyên tắc tự do mậu dịch win-win.