Thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu còn nhiều bất ổn
Cuộc khủng hoảng nợ công và tình trạng suy thoái trong khu vực đồng euro năm 2012 đã tác động lên dòng vốn đổ vào các nền kinh tế đang lên và các nước đang phát triển khiến tình hình thương mại thế giới trở nên bất ổn. Thương mại toàn cầu năm 2012 suy giảm do nhu cầu nhập khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu không còn như trước khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển vốn dựa vào hoạt động xuất khẩu gặp khó. Năm 2013, song song với khuynh hướng mở rộng chính sách bảo hộ mậu dịch của nhiều nước trên thế giới, thương mại thế giới có gia tăng, vào khoảng 4,3%, so với 3,3% của năm 2012, nhưng còn kém nhiều so với mức tăng bình quân 6,8% của những năm 2005-2008.
Thị trường hàng hóa toàn cầu còn nhiều bất ổn
Giá dầu giảm nhẹ, giá vàng và thực phẩm tiếp tục tăng
Nhu cầu tiêu thụ dầu lửa giảm sút có khuynh hướng đẩy giá xuống trong khi các nguy cơ về mặt địa chính trịở một số nước sản xuất dầu lại tạo sức ép lên giá. Năm 2012, nhu cầu tiêu thụ dầu lửa toàn cầu giảm 0,9%. Nguồn cung ứng dầu bịảnh hưởng bởi biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ dành cho Syria và Iran, nhưng được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng của Ả Rập Saudi, việc tiếp tục sản xuất ở Libya và khả năng cung ứng cao hơn của Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh và Nga. Dù vậy, trong năm 2012, mức cung ứng chỉ khoảng 2,8 triệu thùng dầu/ngày, giảm gần một phần ba so với mức bình quân 4 triệu thùng/ngày của những năm 2006-2011. Dự kiến năm 2013, nhu cầu tiêu thụ dầu lửa tiếp tục giảm, khu vực cung ứng nhiều nhất là Bắc Mỹ, Nga và Brazil, khu vực giảm mức cung ứng là Bắc Hải và Trung Á. Dự kiến năm 2013, giá sẽ dao động quanh mức 105 USD/thùng, thấp hơn mức bình quân 110 USD/ thùng của năm 2012.
Năm 2013, giá vàng có thể lên trên 2.000 USD/ounce
Về vàng, phần lớn các nhà đầu tư xem loại quý kim này là một thứ đảm bảo giá trị hơn là một phương tiện đầu cơ. Giá vàng tăng liên tục suốt 10 năm qua, ở mức 1.530 USD/ounce vào đầu năm 2012 tăng lên 1.713 USD/ounce vào cuối tháng 11-2012. Theo Bloomberg, đến quý IV-2013, vàng sẽ lên đến 1.925 USD/ounce, còn theo Ngân hàng ScotiaMocatta, giá vàng trong năm 2013 có thể lên trên 2.200 USD/ounce. Công ty khai thác vàng lớn nhất nước Mỹ là Newmont Mining còn dự báo mức giá 2.550 USD/ounce. Rất nhiều con số dự đoán khác nhau được đưa ra, nhưng có điểm chung là đều vượt quá mức tối đa 1.713 USD/ounce của năm 2012.
Thực phẩm tiếp tục tăng giá trong năm 2013
Trong năm vừa qua, sản lượng ngũ cốc của thế giới giảm 2,7% so với năm trước, lúa mì giảm 5,5%, các loại hạt thô khác giảm 2,5%, trong khi sản lượng lúa tăng 0,7% so với mùa trước. Những trận hạn hán khắc nghiệt tại Mỹ, Nga, Ukraina và Kazakhstan là nguyên nhân gây ra tình trạng thất mùa của lúa mì và bắp khiến giá lương thực đạt đến đỉnh cao nhất vào tháng 7-2012. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), tình trạng trên sẽ làm cho tỷ số cung cầu (mức tồn trữ cuối cùng/tổng mức tiêu thụ) các loại ngũ cốc từ mức 22,6% vào năm 2012 giảm còn 20,6% trong năm 2013.
Những nguy cơ và bất ổn của năm 2013
Nền kinh tế toàn cầu năm 2013 ẩn chứa nhiều nguy cơ và bất ổn. Khu vực đồng euro tiếp tục đối mặt với thử thách khi vấn đề nợ công chưa được giải quyết, chính sách khắc khổ gây phản ứng bất lợi, tình trạng thất nghiệp chưa được khắc phục… Mặt khác, sự suy giảm tỷ lệ tăng trưởng của những nền kinh tế đầy triển vọng như Trung Quốc cũng báo hiệu một thời kỳ khó khăn có thể dẫn đến những nguy cơ:
– Nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong khu vực đồng euro và là mối đe dọa lớn nhất cho phát triển toàn cầu. Chính sách khắc khổ có nguy cơ làm trầm trọng thêm đà suy giảm kinh tế và rơi vào một cuộc suy thoái mới. Tình trạng của Hy Lạp là đặc biệt nghiêm trọng. Tây Ban Nha (có GDP gấp hai lần GDP của cả Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại) vào đầu tháng 6-2012 đã phải kêu gọi sự hỗ trợ tài chính quốc tế để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Chương trình OMT (Outright Monetary Transaction) do ECB đề ra nhằm mua lại nợ công của một số nước thành viên thuộc khu vực đồng euro có thể giúp cho Tây Ban Nha và một số nước giảm được phần nào gánh nặng nợ công, nhưng không giúp giải quyết được tận gốc những bất ổn.
– Khó khăn ở một số nền kinh tế đang lên: Tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil là dấu hiệu của một năm 2013 không dễ dàng. Tỷ lệ tăng trưởng của Brazil rơi từ 7,5% (năm 2010) xuống 1,3% trong năm 2012; Trung Quốc từ 10,4% xuống 7,7%; Ấn Độ từ 8,9% xuống 5,5%. Năm 2012, xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 5 – 6% so với mức tăng bình quân 20% trong 10 năm trước. Vốn đầu tư từng đóng góp trên 50% mức tăng trưởng GDP nay cũng suy giảm.
– Nguy cơ suy thoái kép trên quy mô toàn cầu: Theo các nhà phân tích, các chính phủ Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ đẩy mạnh các biện pháp khắc khổ hơn nữa trong năm 2013. Hệ quả là sẽ lan tỏa sang một số nền kinh tế khác thông qua kênh thương mại khiến cho các cơ may hồi phục của khu vực đồng euro trở nên bấp bênh. Cuộc khủng hoảng ở khu vực này sẽ làm thiệt hại bình quân 0,5% GDP của các nước đang phát triển.
– Để tránh nguy cơ một cuộc suy thoái kép, Liên Hiệp Quốc đề xuất Mô hình Chính sách Toàn cầu giúp tái cơ cấu nền kinh tế thế giới theo hướng gỡ bỏ dần các biện pháp khắc khổ, phục hồi việc làm, hướng đến một môi trường tài chính bền vững hơn.
Lê Nguyễn theo UN/DESA và một số tư liệu khác