Có một dòng trạng thái trên Facebook của một bạn trẻ khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Nếu bạn muốn sau này đi shopping không phải nhìn giá thì bây giờ hãy học đi, học cật lực vào”. Chủ nhân dòng trạng thái này năm nay 25 tuổi, cô mới xong bằng đại học thứ hai. Ba năm trước, vừa tốt nghiệp đại học cô được nhận vào làm trong một công ty nước ngoài với nhiệm vụ marketing. Cô nói tiếng Anh lưu loát, tính tình mau mắn, ngoại hình xinh xắn nên thuận lợi trong công việc. Cô thường xuyên được cử đi công tác nước ngoài, thuyết trình trước những hội nghị lớn… Nói chung, nhìn vào cô, nhiều bạn trẻ và cả phụ huynh thật sự ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, đọng lại sau dòng trạng thái trên là câu hỏi của một số bậc cha mẹ, vậy thì động lực học cật lực hôm nay chỉ để đi shopping không nhìn giá? Tất nhiên, chỉ là câu ngụ ý, nếu bạn muốn cuộc sống sau này sung túc, có tiền, có thể làm những điều mình thích, mua nhà, sắm xe, đi du lịch, ăn ngon mặc đẹp, thì bạn trẻ phải cố mà học thật giỏi!
Một động cơ không sai!
Có thể thấy, tâm lý mau kiếm được tiền không chỉ ở những người trẻ mà nhiều cha mẹ cũng kỳ vọng như thế ở con mình. Họ đánh giá mức độ thành đạt của con cái qua lương tháng và họ khoe với nhau rằng, con mình thế này, thế kia. Nhiều người còn tư vấn bạn bè nên cho con học ngành này, đừng học ngành khác sau này khó kiếm việc làm hay không làm ra tiền. Họ thẳng thừng bác bỏ ước mơ của con cái, chỉ khẳng định một mục đích: học để có tiền! Tất nhiên, những điều này không có gì sai, bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn đời con khá hơn đời mình. Từ đó, việc họ nỗ lực lo cho con từ khi còn trong trứng nước, dành hết mọi sự tốt đẹp cho con, mong con có đời sống tốt đẹp. Đưa đón con đi học, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, không ngại tiền bạc tốn kém lo cho con cái học hành, thậm chí vay mượn, bán nhà họ cũng sẵn lòng nếu con cái ham học, học giỏi…
Cuộc đời, ai chẳng mong con cái mình thành đạt? Nuôi con ăn học bao nhiêu năm, nhìn con có công việc làm tốt, thu nhập cao coi như cha mẹ được đền bù và tạm gọi nhà có phước.
Tuy nhiên, điều tốt đẹp này có hơi gợn nếu cha mẹ luôn có ý nghĩ, đầu tư như vậy đó, con cái phải có được một kết quả sao cho xứng với sự đầu tư, nghĩa là phải thành đạt, bởi đó là một áp lực rất lớn, đời đâu phải muốn là được?
Nhiều người có con cái thành đạt. Tạm gọi thành đạt ở đây được đánh giá bằng lương tháng. Con cái giúp đỡ cha mẹ từ việc xây sửa nhà đến đưa cha mẹ đi du lịch. Khỏi phải nói, cha mẹ hãnh diện biết chừng nào. Công dưỡng dục được đền bù, bạn bè nhiều người nhìn vô ngưỡng mộ. Cũng có nhiều con cái thành đạt nhưng vì quá bận bịu không có điều kiện chăm sóc cha mẹ, bên cạnh đó cũng có nhiều người khổ ải trăm đường vì con cái. Nhiều người thấy con thành đạt lại thêm lo, lúc nào cũng canh cánh bên lòng, mong con đừng ngựa non háu đá, có được hôm nay phải biết nghĩ đến mai sau.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ suy nghĩ tiền chưa phải là tất cả! Họ cho rằng, chưa thành đạt theo kiểu giúp đỡ được cha mẹ về vật chất, thì làm một đứa con ngoan đã là món quà tốt đẹp với cha mẹ rồi. Theo ý họ, người phương Tây dạy con cái sao cho có nhân cách tốt chứ không quan trọng việc con thông minh hay giàu có, điều này thật sự khác với quan niệm của ông bà xưa là “con hơn cha nhà có phúc” rồi sắp đặt, đưa đẩy con cái theo kế hoạch mà cha mẹ định ra, không cần biết sức con mình có đương đầu nổi hay không. Họ cũng biết, chính quan niệm không đặt nặng việc phải “giàu sang” mà họ dần bị bạn bè (gọi là thành đạt) xa lánh vì cho là không nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Họ kết luận: “Nếu xã hội đánh giá con người qua đồng tiền thì đồng tiền cũng sẽ đánh giá ngược lại xã hội đó. Một thời con người mãi chạy theo các ngành kinh tế gây ra khủng hoảng thừa, đến lúc bão hòa lại giật mình nhìn lại thì những giá trị về nhân văn lâm vào khủng hoảng thiếu”.
Tiền bạc tất nhiên là quan trọng, nhưng liệu có đến mức nó thành một ám ảnh bắt buộc phải giàu sang?
- Kim Duy