Tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực euro đều giảm trong quý IV, ví dụ Đức giảm 0,6%, Pháp 0,3%, Tây Ban Nha 0,8% và Ý 0,9%. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu thì GDP của Eurozone trong năm 2012 đã giảm 0,9% so với năm 2011. Một nhà kinh tế có uy tín tại London cho rằng “rõ ràng Eurozone là mắt xích yếu nhất trong nền kinh tế toàn cầu và nó sẽ tệ hơn vì có dự báo khu vực này sẽ sụt giảm 2% trong năm 2013 này”.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Châu Âu tăng nhanh
Xem ra, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã có thể đủ cơ sở để đưa ra những biện pháp mới, kể cả việc cắt giảm lãi suất chính từ 0,75%, nhưng kết quả bầu cử tại Ý trong tháng rồi buộc họ phải nhìn nhận vấn đề thận trọng hơn. Trong khi đó, dù GDP của Nhật Bản đã giảm 0,1% trong quý IV-2012 nhưng sẽ tăng khoảng 1% trong năm nay và Hoa Kỳ tuy chỉ tăng 0,1% cũng trong thời gian trên nhưng sẽ tăng 2% trong năm nay. Cuộc khủng hoảng nợ công từng buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải kêu gọi cứu trợ và đẩy chi phí vay mượn lên mức nguy hiểm tại Tây Ban Nha và Ý, sau đó nguy cơ vỡ nợ đã được giải quyết bằng liều thuốc tăng thuế và hạn chế chi tiêu của các chính phủ, mang lại niềm tin cho thị trường, nhưng lại tạo ra khó khăn về mặt xã hội do tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 11,9% trong tháng 1-2013 (tháng 12-2012 là 11,8%).
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về cổ phiếu châu Âu và họ đã đẩy chỉ số Euro Stoxx 50 (thước đo của các cổ phiếu hàng đầu châu Âu) lên mức cao nhất kể từ tháng 8-2008, khi mà Tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ, khởi đầu thời kỳ khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất. Vào ngày 5-3, chỉ số Dow Jones vượt lên mức cao chưa từng thấy. Đó là một kết quả mà các nhà phân tích lại cho rằng chính là dấu hiệu đáng lo ngại về tình hình suy giảm giá trị các loại cổ phiếu trong một tương lai không xa.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Swordfish Research có trụ sở tại London, sự tăng giá trên thị trường chứng khoán có thể giải thích phần nào do các bộ trưởng tài chính châu Âu có vẻ muốn trì hoãn thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong Eurozone. Thanh khoản do các ngân hàng trung ương đổ vào hệ thống tài chính, mà chủ xướng là Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ, cũng đã góp phần nâng đỡ thị trường chứng khoán. Nhưng chỉ số của thị trường này quá mạnh cũng có thể làm chậm sự hồi phục khi tăng trưởng kinh tế vì làm cho các ngân hàng trung ương trong khối nghĩ đến việc chấm dứt chính sách nới lỏng. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ không sớm cắt giảm lãi suất vì làm như vậy thì tình hình có thể trở nên hỗn loạn. Vả lại, biện pháp này xem ra cũng không cần thiết vì chi phí vay vốn tại Ý và Tây Ban Nha đã hạ xuống bằng mức năm 2012.
Thiên Bảo theo NYT, 6-3-2013