“Bây giờ, nhiều công ty khi tuyển người nhất quyết không chịu tuyển lao động một vài địa phương nào đó. Họ sợ!”. Nghe bà xã nói thế, tôi hỏi: “Họ sợ gì vậy em?”. “À, vì người của những địa phương ấy nổi tiếng dữ dằn và… đoàn kết, hễ có chuyện gì là kết bè kết đảng lại, đối phó rất mệt mỏi.
Bà Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trả lời trực tuyến kia kìa. Chính sách thì ai cho phép phân biệt đối xử thế đâu, vậy mà thị trường lại “lòi” ra như vậy. Đến khổ!”.
Tôi giật mình, có khi nào bà xã nhân tiện nói cạnh khóe tôi không. Vì cô ấy từng khổ sở với “bè đảng” nhà tôi, tức họ bên chồng, nặng gánh lắm. Cái ngày xưa đói khổ gạo chẳng có ăn, cứ nhìn thấy bóng dáng cả phái đoàn nhà chồng kéo ra là cô ấy khiếp vía, lo đi vay gạo. Nay thì ai cũng thành đạt giàu có, cô ấy vẫn còn bị ám ảnh ngày xưa. Vẫn sợ lắm, nhưng quen đi nhiều.
- Xem thêm: Thầy cãi
Lý do: Bây giờ xã hội nhiều người rất thích cãi nhau, lập hội kết bè để cãi cọ qua lại. Không chỉ vậy, còn xúm vào “ném đá” một ai đó không thương tiếc. Mà họ ném hay lắm nhé. Cô ấy đọc Facebook của một người bạn: “Anh nghe này. Vàng thế giới xuống dưới ngưỡng 1.500 USD/ounce, tức chưa đầy 38 triệu đồng. Vàng xứ ta vẫn kiên định lập trường ở mức gần 44 triệu. Công anh Bình lớn thật. Bà con ơi đi buôn vàng nào…”.
Cô ấy cười: “Thấy hay chưa, mấy dòng hay hơn cả chục bài báo in, uốn éo từ ngữ né bên này bên kia, lượn đến mức đọc mãi chẳng hiểu gì, nào là thị trường, lãi suất, tỷ giá, liên thông, kéo chênh lệch… đọc chóng hết cả mặt. Đây vài dòng đủ hết tình hình, nguyên nhân, thái độ. Trình độ ném đá của dân mình đúng là đã tiến xa”.
Tiến xa đâu mà xa, tôi phản bác: “Không thấy cãi cọ phạm vi thế giới rồi mà ăn nói có ra sao. Mấy ông bất động sản cãi nhau với cái ông Việt kiều Alan Phan đó”. “Ai bảo ổng chọc vào lợi ích của người ta.
Đang chờ giải cứu thì ổng nói để cho rơi tự do, nghĩa là cứ để cho té chết đó”. Thì chính ổng đã thất bại té chết ở Mỹ nên nói thật kinh nghiệm. Nào ngờ đụng đến cả đống biệt thự, nhà vườn, chung cư cao cấp như thành phố ma.
Có nhiều biệt thự, nhà cao tầng xây dở hết vốn ngưng lại, trông loang lổ xám xịt như ma làm thật. Lại còn chỉ ra mấy ông lúc huy hoàng vơ lợi chẳng thấy chia cho ai, giờ quá bội thực nằm ế lại kêu Nhà nước cứu. Vậy mà sao người ta không ức.
Nếu mà cứu thì lại mấy gã to đầu vây cánh hứng hết chứ cứu ai. Cô ấy cãi: “Anh không nghe chính sách, người ta cho dân mua nhà vay chứ có cho mấy ông cá mập đó đâu, chưa gì đã nghi ngờ, đổ oan”.
“Thế em có sợ rồi người nghèo vay được tiền, mua nhà xong lại bán đi cho các nhà đầu tư thứ cấp, tức là bán lại cho người giàu hơn và cuối cùng vẫn sống nơi ổ chuột chứ có hình thành lớp trung lưu mới như ông Alan Phan nói đâu”. Trời đất, chuyện nhà đất ở Việt Nam thì nhiều người ngã ngửa lắm.
Nhà kinh tế nước ngoài nói ông bàng hoàng vì giá nhà Việt Nam cao gấp 25 lần lương trung bình. Người thì cười: “Bàng hoàng cái gì, người Việt có sống bằng lương đâu, nếu tính lương thì sao lại có ôtô chạy đầy đường, mỗi năm bỏ mấy tỉ đô cho con du học…”.
Cứ lên mạng thì thấy cãi dữ lắm. Ai cũng cãi. Có người còn cãi vu vơ, chẳng có đối tượng, ai muốn hiểu nói cái gì thì tự hiểu. Thí dụ “Mặc áo Harvard, quấn khăn MIT, xách cặp UC Berkeley mà cái đầu heo thì cũng vô dụng…” (ý nói những ai ăn học ở các nước tiên tiến về mà cư xử như Chí Phèo). Rồi có người chẳng cãi nhau cũng kêu lên: “Đã nghèo lại túng. Có mỗi em Samsung Wave phò để nhìn xa vài kilomet thì virus tấn công sắp thân bại danh liệt rồi…”.
- Xem thêm: Cãi cả… Nobel
“Có thằng bé nó già sớm, nói như cụ non thì mắc mớ gì. Nó giỏi thật, nó già thật thì kệ nó đi, mình không thích thì đừng học theo (mà nó giỏi quá, liệu có học theo nổi không), mắc mớ gì cũng cãi nhau, cũng ném đá tội nghiệp”. Đó, đó chỉ là vài “Xì ta tút” trên Facebook của bạn bè cô ấy thôi đó (Xin bạn bè tha thứ tội cô ấy lấy ra vi phạm bản quyền để “cãi” với chồng, nhằm chứng minh cho máu hay cãi giờ quá lan tràn…).