Trong các môn nghệ thuật, âm nhạc được nhiều phụ huynh quan tâm nhất vì đây là môn học lành mạnh và dễ ứng dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng giống như bất cứ môn học nào, âm nhạc cũng cần có sự định hướng rõ ràng từ gia đình, nếu không sẽ phản tác dụng và dẫn đến sự lãng phí đáng tiếc.
Trong những năm gần đây, sự nở rộ của các trường đào tạo âm nhạc đã cho thấy nhu cầu học nhạc của người dân TP.HCM đang ngày càng tăng cao. Trước đây, các chương trình đào tạo chuyên nghiệp hoặc bán chuyên chỉ được giảng dạy tại những trường công thì hiện nay, các trường tư thục cũng bắt đầu vào cuộc. Điểm chung của các trường này là cơ sở trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có giáo trình riêng nhằm rút ngắn và tạo hiệu quả tối đa việc học. Ngoài Trường Suối Nhạc đã có thâm niên hoạt động, Soul Academy và MPU là hai trường tuy mới được thành lập nhưng đã có những thế mạnh riêng. Soul Academy là trường đầu tiên sử dụng hoàn toàn giáo trình nước ngoài (Hal Leonard) từ bậc sơ cấp đến cao cấp. Trong khi đó, giáo trình của MPU được nhạc sĩ Đức Trí phát triển từ những đúc kết của anh sau thời gian theo học tại Berklee College of Music và nhiều năm làm nghề.
Học nhạc không chỉ để tiêu khiển, nó còn đóng góp vào việc giúp trẻ phát triển toàn diện. Theo ông Nguyễn Trung Minh – Giám đốc Minh Nguyên Piano Boutique, người thầy của nhiều lứa học sinh piano: “Người ta thường nghĩ học nghệ thuật – học nhạc sẽ giúp trẻ em phát huy khả năng sáng tạo và nâng cao thẩm mỹ nhưng không chỉ vậy. Âm nhạc dạy các em biết lắng nghe, lắng nghe mình, lắng nghe mọi người để từ đó hoàn thiện bản thân. Âm nhạc là một loại ngôn ngữ trừu tượng, nên việc học nhạc cũng đòi hỏi các em phải động não, phân tích, sắp đặt khoa học và ngăn nắp tư duy của mình, từ đó truyền đạt trọn vẹn đến người nghe”.
Ông Trần Minh Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty TTT và Hiệu trưởng Trường nhạc MPU cho biết: “Không giống các môn Ngoại ngữ, Toán, Văn… Âm nhạc không phải là môn sẽ mang đến cho các em những lợi ích “sát sườn” trong tương lai. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn sẵn sàng đầu tư tiền bạc và thời gian vào bộ môn này, chứng tỏ họ đã nhận thức được những ích lợi mà âm nhạc mang lại. Ngoài ra, thêm một lý do giúp các bậc phụ huynh ngày càng cởi mở hơn là do hình ảnh của người nghệ sĩ đang ngày được nâng cao. Sự nở rộ của các chương trình âm nhạc, nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông gần đây cũng là nhân tố giúp thúc đẩy nhu cầu học nhạc. Sự hiện hữu của âm nhạc đã bắt đầu gần gũi và quen thuộc hơn trong cuộc sống… Đối với tôi, âm nhạc đã mang đến nhiều cơ duyên không ngờ trong cuộc sống. Là thành viên của nhóm Doanh Nhân Hát, tôi luôn được âm nhạc ưu ái cho sự quý mến và nhớ đến của mọi người. Và Trường nhạc MPU đã được ra đời từ sự trân trọng tôi dành cho những món quà mà âm nhạc đã mang đến cho mình”.
Ở Việt Nam, có sự chênh lệch rất lớn giữa số người học piano (đa phần là piano cổ điển) so với các nhạc cụ khác. Đây là hình thức nhập môn âm nhạc lý tưởng vì piano là nhạc cụ cơ bản, người học piano có nhiều lựa chọn và hướng phát triển hơn các nhạc cụ khác. Tuy nhiên, âm nhạc cổ điển là môn nghệ thuật kén người nghe. Nhiều bậc phụ huynh cũng chưa chắc đã yêu thích dòng nhạc này. Chính vì vậy rất khó để đòi hỏi ở các em sự say mê khi không thấy được sự gần gũi và ứng dụng của nhạc cổ điển vào đời sống. Nhất là đối với những em bắt đầu bước vào độ tuổi thiếu niên, việc học nhạc nếu không mang đến hứng thú và giải tỏa được nhu cầu thể hiện cá tính thì sẽ bị gạt sang một bên.
Không phải ai cũng tìm được niềm yêu thích với nhạc cụ đầu tiên mình học, nhất là khi việc học bắt đầu ở lứa tuổi quá nhỏ. Nếu đã xác định mục đích của việc học nhạc là tạo cho con mình một kỹ năng để có thể sử dụng và duy trì suốt đời, đừng ngại thay đổi. Thay đổi ở đây có thể là học thêm một nhạc cụ khác, hay học thêm các khóa về nhạc nhẹ, hòa âm, sáng tác… để việc học của các em gần gũi hơn với dòng chảy của âm nhạc đương đại. Với các em, việc có thể đánh trôi chảy một bản concerto nổi tiếng chưa chắc nghe đã hấp dẫn bằng việc có thể vừa hát vừa đệm bài hát đang thịnh hành với đám bạn. Khi đến lứa tuổi có độ chín vừa đủ, đó cũng là thời điểm thích hợp hơn để các em có thể hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của nền âm nhạc hàn lâm.