Thế giới đã báo động về tình trạng loãng xương trong cộng đồng từ nhiều năm trước, Việt Nam chỉ mới lên tiếng về loãng xương từ vài năm trở lại đây. Tình trạng loãng xương nghe qua có vẻ không đáng lo ngại nhưng khi thấy hậu quả nghiêm trọng của nó thì nhiều người mới hốt hoảng đi tìm cách khắc phục. Đầu tiên, loãng xương gây xẹp lún đốt sống, không chỉ gây gù lưng mà còn gây đau lưng mạn tính và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều nội tạng. Một hậu quả vô cùng phổ biến của loãng xương là gãy đầu dưới xương quay ở cổ tay, gãy cổ xương đùi, gây tàn phế suốt đời hoặc có thể tử vong trong vòng một năm sau đó do nhiễm trùng các cơ quan nội tạng. Như vậy, hệ quả dễ thấy là không chỉ chất lượng cuộc sống của người mang bệnh bịảnh hưởng mà người thân cũng vất vả theo.
Số người bị loãng xương hiện nay không hề nhỏ, ước tính có khoảng gần 3 triệu người Việt Nam hiện đã có dấu hiệu loãng xương. Đây là số liệu thống kê của Hội Loãng xương TP. Hồ Chí Minh. Người bị loãng xương thường mất một khoản chi phí điều trị tương đương với chi phí chữa bệnh đái tháo đường và ung thư vú, trong khi việc phòng ngừa lại khá đơn giản mà hiệu quả.
Hiểu đúng về loãng xương
Loãng xương (còn gọi là xốp xương) là tình trạng suy giảm chất xương gồm các protein và các khoáng chất (quan trọng nhất là canxi) trong xương, khiến xương trở nên mỏng manh, giòn, dễ gãy hoặc lún xẹp ở các vị trí chịu lực của cơ thể hoặc khi gặp chấn thương nhẹ. Loãng xương thường diễn ra một cách âm thầm và không có triệu chứng và không ảnh hưởng rõ rệt trên sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý các biểu hiện như giảm chiều cao và giảm cân nặng nhanh, cơ bắp trở nên yếu dần đi vì đây là số ít những biểu hiện có liên quan đến loãng xương.
Theo BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội Loãng xương thành phố, phần lớn người trên 65 tuổi đều bị loãng xương, do quá trình lão hóa và các nguyên nhân khác như: suy giảm nội tiết tố (ở cả nam và nữ), do công việc hoặc chấn thương phải nằm bất động lâu ngày, các bệnh nội tiết (cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, tiểu đường, suy giảm chức năng của các tuyến sinh dục…), bệnh suy thận mãn, viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp, do sử dụng thuốc (thuốc động kinh, thuốc chữa bệnh tiểu đường, thuốc chống đông, thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid). Phụ nữ hay bị loãng xương hơn nam giới, nhất là sau tuổi mãn kinh. Cứ 10 phụ nữ trên 50 tuổi thì có khoảng ba người bị loãng xương. Bình thường cơ thể luôn tạo ra mô xương mới để thay thế cho mô xương cũ được đào thải thông qua quá trình chu chuyển xương. Nhưng từ sau tuổi 35, các tế bào tạo xương bị lão hóa, các hormon sinh dục giảm nên quá trình tạo xương mới bị sụt giảm, việc hấp thu canxi và vitamin D (hai nguyên liệu chính để xây dựng xương) bị giảm sút dẫn đến loãng xương.
Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên thì lượng xương giảm từ 0,25 – 1% mỗi năm. Sau khi mãn kinh thì giảm với tốc tộ cao từ 1 – 5% mỗi năm. Bước sang tuổi 60-70, xương phụ nữ yếu hẳn, thường xuất hiện hiện tượng gù lưng, xốp xương. Ở nam giới, tỷ lệ loãng xương ở người trên 50 tuổi khoảng 10% (tức chỉ bằng phân nửa so với nữ). Tình trạng loãng xương hiếm khi xảy ra ở người trẻ tuổi mới ngoài ba mươi.
Nhiều người hay lo lắng về tình trạng loãng xương khi thấy đau lưng, mỏi vai gáy hoặc đau cổ tay. Những triệu chứng này có thể do nguyên nhân phổ biến hơn là ngồi sai tư thế khi ngồi làm việc với máy tính hoặc tư thế sinh hoạt, chơi thể thao.
Phòng loãng xương càng sớm càng hiệu quả
Cũng theo BS Lê Chí Dũng, giai đoạn tuổi dậy thì, ở cả nam lẫn nữ, là thời kỳ xương phát triển nhanh và mạnh nhất. Xương sẽ phát triển đến khoảng năm 25 tuổi và giữổn định trong vòng 10 năm sau đó. Vì vậy, việc phòng ngừa loãng xương nên bắt đầu từ giai đoạn tuổi dậy thì và trước 25 tuổi. Những tác động sau năm 35 tuổi chỉ giúp hạn chế tốc độ loãng xương chứ không giúp hệ xương vững chắc hơn.
Chúng ta có thể phòng ngừa loãng xương đơn giản đến “không tưởng”, đó là ăn uống tương đối cân đối, uống sữa mỗi ngày và năng vận động hơn. Trong bữa ăn cân bằng các chất hằng ngày, chúng ta đã hấp thu một lượng đạm và canxi nhất định vì canxi có nhiều trong hải sản, rau xanh, các loại đậu… Nhưng trên thực tế khảo sát, lượng canxi hấp thu từ bữa ăn của người dân châu Á nói chung rất thấp, chỉ khoảng 450mg/ngày (so với nhu cầu là trên dưới 1.000mg/ngày). Nhiều chất trong thực phẩm còn làm giảm hấp thu hoặc tăng đào thải canxi như: chất xơ, cafein trong cà phê, trà, nicotine trong thuốc lá… Chính vì vậy mà mọi người nên uống thêm sữa để tăng lượng canxi thiết yếu đồng thời chú ý nạp thêm vitamin D để tăng hấp thu canxi.
Chúng ta có thểước tính một ly sữa 250ml chứa khoảng 270mg canxi. Người ăn uống tương đối đủ chất cũng nên uống thêm từ một đến hai ly sữa mỗi ngày. Nhiều người lo lắng về vấn đề loãng xương nên mua cho được sữa chứa nhiều canxi tăng sức khỏe xương thường quảng cáo trên tivi. Các loại sữa này khá mắc tiền và không phải ai cũng có thể uống được (do không có men tiêu hóa nên dễ dẫn đến tiêu chảy). Chúng ta không nhất thiết phải uống sữa này mà có thể thay thế bằng sữa tươi nhiều hương vị, thậm chí có thể uống sữa đậu nành vì lượng canxi trong sữa đậu nành tương đương với sữa tươi, nghiên cứu đã chỉ rõ như vậy. Lưu ý là nếu hấp thu quá nhiều canxi (trên 2.000mg/ngày) thì cũng không phải là biện pháp phòng bệnh tốt vì có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận. Do đó, bạn cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc liều lượng cần thiết và thời gian sử dụng.
Vitamin D là một chất cần thiết để cơ thể tăng hấp thu canxi. Nghiên cứu cho thấy bổ sung canxi có thể giảm nguy cơ gãy xương khoảng 20%. Và phơi nắng vừa phải là cách giúp cơ thể bổ sung vitamin D hiệu quả. Điều đáng lo ngại là khoảng 45% người Á châu tuy sống trong vùng nhiệt đới, nhiều nắng nhưng lại thiếu vitamin D trầm trọng vì ngại ra nắng. Từ nay, chúng ta nên dành thời gian đi ra ngoài trời từ 20-30 phút mỗi ngày để tăng hấp thu vitamin D. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng thêm viên bổ sung vitamin D hoặc ăn thêm dầu cá, lòng đỏ trứng…
Tập thể dục đều đặn và liên tục giúp củng cố xương ở người trẻ và hạn chế mất xương ở người lớn tuổi. Những môn đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đi bộ dưới nước và khiêu vũ là những môn rất tốt cho sức khỏe xương. Ngoài ra, hoạt động đi bộ là hình thức tập thể dục kiểm soát trọng lượng có thể thực hiện dễ dàng và có thể thực hiện cùng gia đình hoặc bạn bè. Chúng ta nên tạo thói quen đi bộở những cự li gần như đi ăn trưa cùng đồng nghiệp, đi siêu thị, gởi xe máy xa nơi làm việc, đi cầu thang bộ trong cao ốc văn phòng… Cuối cùng, hãy cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh, lạc quan yêu đời và quyết tâm bỏ thuốc lá và rượu bia.
- Trọng Đức