Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thường nghe thấy những lời nhận xét về ai đó đã “sinh ra ở vạch đích”. Câu nói này hàm ý rằng nhân vật đó ngay từ khi sinh ra đã có đầy đủ mọi thứ là đích đến của cuộc đời con người, thứ mà những người khác phải phấn đấu, vật lộn, xoay xở kiếm tìm mới có được.
Vậy thì cái “vạch đích” mà người nói câu trên muốn đề cập là gì?
Có lẽ nó là những gì có thể nhìn thấy, sờ thấy, lượng giá được như nhà, xe, tiền bạc… Về cơ bản, người nói muốn chỉ những người sinh ra trong gia đình có nhà cửa đầy đủ tiện nghi, có tài sản lớn, thu nhập dồi dào, cuộc sống vật chất thoát khỏi bóng ma cơm áo gạo tiền và có thể vào học ở những trường danh tiếng có học phí cao ngất ngưởng mà đại đa số trẻ khác không thể vào học được. Tư duy này được nhiều người gật gù tán đồng, nhưng thật sự thì mục đích của cuộc đời có phải là giống hệt nhau cho tất cả mọi cá nhân với những tiêu chí cụ thể vạch ra ở trên không? Hạnh phúc và giá trị của cá nhân có phải luôn trùng khớp với những “vạch đích” đó?
“Sinh ra ở vạch đích” như trên là ưu thế tuyệt đối hay nó cũng đem lại những bất lợi khác? Nếu suy nghĩ kỹ về điều đó và phân tích, ta sẽ đọc hiểu, giải mã được rất nhiều điều về giáo dục đương đại và quan niệm của người dân đối với giáo dục.
“Vạch đích” của trẻ em Việt Nam không lung linh như người ta tưởng
Nếu như đích đến của cuộc đời con người không giản đơn là kiếm tìm và tích lũy vật chất để hưởng thụ, thì hoàn cảnh xuất phát của trẻ em cho dù đảm bảo các điều kiện vật chất trên cũng không mang tính chất lý tưởng như nhiều người nghĩ. Môi trường, điều kiện tốt cho sự phát triển của trẻ không phải chỉ có vật chất. Quan trọng không kém là môi trường văn hóa. Những yếu tố thuộc về môi trường văn hóa rất rộng nên ở đây ta chỉ giới hạn xem xét nó ở góc độ văn hóa đọc. Sẽ rất thú vị nếu như Việt Nam làm một cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc xem có bao nhiêu phần trăm gia đình có tủ sách trong nhà, bao nhiêu cha mẹ đọc sách cho con 0-6 tuổi nghe. Trong đó lại điều tra phân theo tầng bậc thu nhập…
Ở Việt Nam hiện tại, các số liệu như vậy rất khó kiếm và gần như không tồn tại. Tuy nhiên, bằng điều tra thực tế trong phạm vi nhỏ, bằng quan sát và trải nghiệm ta sẽ nhận thấy có một sự không tương đồng, tương xứng khá lớn giữa điều kiện kinh tế và môi trường văn hóa. Trong rất nhiều ngôi nhà lớn, cao tầng, nguy nga hoàn toàn không có bóng dáng của tủ sách. Thói quen đọc sách trong các gia đình có điều kiện kinh tế này cũng không có. Bởi vậy trẻ nhỏ trong gia đình không được tắm mình trong không gian văn hóa từ nhỏ. Đấy không phải là “vạch đích” mà là một sự thiệt thòi lớn. Bởi vì văn hóa đọc là nền tảng rất cơ bản để phát triển cá nhân toàn diện về mọi mặt và tạo nên năng lực học suốt đời.
- Xem thêm: Cái mặt… không đọc sách!
Để dễ hình dung, ta có thể so sánh với Nhật Bản. Kết quả cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản có tên “Điều tra về xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em” năm 2017 cho thấy ở tiểu học, tỉ lệ học sinh Nhật Bản không đọc sách là 10% (tức là trong một tháng không đọc cuốn sách nào). Thói quen đọc sách ở học sinh tiểu học là kết quả trực tiếp của việc tồn tại tủ sách gia đình, thói quen đọc sách trong gia đình và đưa con đến thư viện của cha mẹ. Trong cuốn Nơi chỉ người đọc sách có thể đến (SB Shinsho, 2019), giáo sư Saito Takashi đã dẫn ra một số liệu nói rằng có những trẻ em Nhật Bản trước khi vào tiểu học đã đọc và được cha mẹ, thầy cô đọc cho nghe đến 1.000 cuốn sách các loại.
Như vậy, so sánh với tình hình thực tế ở Việt Nam, ta sẽ thấy “vạch đích” của Nhật Bản ghê gớm hơn nhiều và chúng ta sẽ phải phấn đấu cật lực cho điều đó.
Những cách thức khuyến đọc của Nhật Bản
Trẻ em ở Nhật Bản có nhiều cơ hội để hưởng thụ văn hóa đọc và hình thành thói quen đọc sách ở gia đình, trường học, xã hội. Đây là kết quả cố gắng của nhà nước cũng như người dân Nhật trong thời gian dài, với chiến lược cụ thể kể từ thời cận đại và kế thừa truyền thống ham đọc sách trước đó của người Nhật. Ở phương diện quốc gia, nước Nhật có các bộ luật tạo ra hành lang pháp lý và thúc đẩy khuyến đọc như: Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em, Luật Chấn hưng văn hóa đọc, Luật Thư viện trường học, Luật Thư viện…
Định kỳ 4-5 năm nước Nhật lại có chiến lược quốc gia về văn hóa đọc và dựa theo đó các địa phương sẽ có chính sách cơ bản cho địa phương mình.
Trẻ em Việt Nam đã và đang chịu nhiều thiệt thòi vì không có môi trường để hình thành thói quen đọc sách. Khi tuổi thơ không được trải nghiệm sự tuyệt vời của sách, cá nhân lớn lên sẽ trở thành những người phủ nhận sức mạnh và giá trị của văn hóa đọc hoặc ít nhất cũng thờ ơ với nó.
Ở cấp quốc gia, Nhật Bản có một hoạt động khuyến đọc rất hay, có hiệu quả, kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm” là chương trình Book-Start.
Book-Start hiểu đơn giản là hoạt động tặng sách tranh (ehon) cho trẻ em 0 tuổi và cho trẻ em trải nghiệm đồng thời hoạt động đọc sách tranh khi nhận quà. Đối tượng là tất cả trẻ em sinh ra ở Nhật Bản, tuy nhiên cách thức tiến hành và danh sách các sách được tặng thì thay đổi tùy theo địa phương. Nguồn lực tài chính đến từ nhà nước nhưng nhà nước ủy thác cho tổ chức NPO (Tổ chức phi lợi nhuận) thực hiện.
Nguồn gốc của phong trào bắt đầu từ nước Anh năm 1992 với khẩu hiệu “Share books with your baby” (Hãy chia sẻ sách với con bạn). Năm 2001, nó được du nhập vào Nhật Bản, khởi đầu từ Tokyo và nhanh chóng gây được ảnh hưởng lớn.
Bản thân con trai tôi sinh ra ở Nhật khi đi khám sức khỏe định kỳ lúc 3 tháng tuổi cũng được Book-Start tặng một cuốn sách tranh (ehon), và vợ chồng tôi được hướng dẫn cách đọc sách cho con. Đó là một cơ duyên, một dấu mốc quan trọng để con tôi trở thành một đứa trẻ ham thích đọc sách và tôi quan tâm đặc biệt tới văn hóa đọc, biến khuyến đọc thành công việc thường ngày của mình.
Chúng ta có thể làm gì để trẻ có môi trường đọc sách?
Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển văn hóa đọc, tạo ra nền tảng, động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Trẻ em Việt Nam đã và đang chịu nhiều thiệt thòi vì không có môi trường để hình thành thói quen đọc sách và cơ hội thưởng thức văn hóa đọc ngay từ khi 0 tuổi. Khi tuổi thơ không được trải nghiệm sự tuyệt vời của sách, cá nhân lớn lên sẽ trở thành những người phủ nhận sức mạnh và giá trị của văn hóa đọc hoặc ít nhất cũng thờ ơ với nó.
Trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, xã hội bắt đầu có sự chuyển mình về nhận thức đối với văn hóa đọc và thực tế các biện pháp khuyến đọc đã được tiến hành ở cả khối dân sự và nhà nước. Trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục tiến hành cả các biện pháp ở cấp vĩ mô như hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chiến lược khuyến đọc, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới thư viện công, hỗ trợ các hoạt động khuyến đọc dân sự.
Ngoài ra, trong cuộc sống thường ngày, người dân, các đoàn thể có thể tiến hành nhiều hoạt động phong phú để khuyến đọc và giúp trẻ em có xuất phát điểm tốt như: mừng tuổi sách cho trẻ em; xây dựng tủ sách, thư viện trong chính các gia đình; kết hợp tốt giữa khuyến học và khuyến đọc; các công ty, cơ quan, tổ chức xây dựng thư viện phục vụ cho nhân viên của mình; tặng quà là sách cho trẻ em vào các dịp lễ như Trung thu, ngày 1.6, sinh nhật…; tặng quà bằng sách cho các bà mẹ sinh con, cho các em bé mới chào đời ở bệnh viện, phòng khám gia đình (cách thức tiến hành của Book – Start ở Nhật Bản là một tham khảo hữu ích); hoàn thiện và làm cho các thư viện trường học hoạt động thực chất, có hiệu quả; tổ chức các câu lạc bộ đọc sách ở trường học, khu dân cư; bố mẹ, ông bà đọc sách cho con nghe khi con chưa biết đọc (0-6 tuổi); phổ cập việc đọc sách cho trẻ em ở các nhà trẻ, trường mầm non.
Bằng sự hợp tác, phối hợp của nhiều tổ chức, đoàn thể và tiến hành phong phú các hoạt động nói trên, trẻ em sẽ thực sự có được môi trường tốt để phát triển và hoàn thiện bản thân, từ đó có cuộc sống hạnh phúc và chiếm lĩnh những đỉnh cao trong văn chương, nghệ thuật, khoa học, nghề nghiệp…
Đồng thời, bằng cách xây dựng môi trường văn hóa như trên cho trẻ em, người lớn sẽ dần dần thay đổi nhận thức để thấy rằng không có trẻ em nào, cho dù có may mắn đến đâu, “sinh ra ở vạch đích”, mà tất cả sẽ vẫn là ở phía trước.