Cuối năm 2018, các phim cung đấu Diên Hi Công Lược và Như Ý Truyện khiến đông đảo khán giả say mê khi lần lượt miêu tả chuyện hậu cung thời vua Càn Long. Mặc dù cả hai tác phẩm đều tập trung khai thác hoàng hậu, nhưng nhân vật Hương phi lại thành công tạo ra sức hút lớn, lý do là vì nàng được xem như phi tần đẹp nhất trong số 41 phi tần vốn đã như hoa như ngọc của vua Càn Long, mà cơ thể nàng còn toát ra mùi thơm tự nhiên, quyến rũ cả ong bướm, nên được phong Hương phi , trở thành câu chuyện dân gian mang tính truyền kỳ.
Càn Long sủng Hương phi
Theo sách sử Trung Quốc, trong hậu cung Thanh triều, vua Càn Long không có bất cứ vị phi tử nào tên Hương phi, mà chỉ có Dung phi, người thiếp duy nhất của Càn Long thuộc tộc Duy Ngô Nhĩ. Phải chăng Dung phi chính là nguyên mẫu của Hương phi?
Năm 1755, tức năm Càn Long thứ 20, bộ Hòa Trác người Duy Ngô Nhĩ vùng Nam Tân Cương phản loạn, vua Càn Long điều Định Viễn tướng quân Triệu Huệ đàn áp. 5 hộ người Duy Ngô Nhĩ thuộc bộ Hòa Trác có công trong việc dẹp loạn, đã được
Càn Long triệu họ cùng gia quyến đến Bắc Kinh định cư, phong Đồ Nhỉ Đô, hàm công tước, thành lập làng Hồi Hồi. Đồ Nhĩ Đô đã dâng em gái mình Hòa Trác thị cho vua; lúc đó, nàng đã 27 tuổi, nhưng dung nhan vẫn xinh đẹp, nên được vua và thái hậu sách phong ngay Hòa quý nhân và được ban tặng vô số ngọc ngà châu báu, bản liệt kê nay còn được bảo tồn tại Bảo tàng Cố cung
Hậu cung nhà Thanh gồm 8 đẳng cấp với số biên chế như sau: hoàng hậu (1), hoàng quý phi (1), quý phi (2), phi (4), tần (8), quý nhân, thường tại, đáp ứng, số lượng không hạn chế. Quý nhân thuộc đẳng cấp thứ 6, nàng đã được phong vượt 2 cấp thường tại và đáp ứng. Vì nàng được lòng thái hậu, nên 3 năm sau, được gia phong Dung tần, anh nàng Đồ Nhĩ Đô cũng được phong Phủ Quốc công và Càn Long đã gả cung nữ cho ông.
Sắc đẹp cũng như phong cách dị tộc của nàng đã khiến vua Càn Long say đắm. Thói quen người Hồi cũng như tín ngưỡng đạo Hồi của Hòa quý nhân đã được nhà vua đặc biệt quan tâm. Đạo hồi kiêng cữ thịt heo, nên vua đã mướn riêng đầu bếp người Hồi phục vụ nàng. Nàng được ở trong vườn Viên Minh dành riêng cho hoàng gia, được ăn mặc trang phục dân tộc mình.
Vua còn xây cho nàng thánh đường trong vườn để nàng cầu nguyện hằng ngày, trên tường bằng đá hoa cương của thánh đường còn khắc toàn văn kinh Koran. Ngoài thánh đường, có 1 đình bát giác theo phong cách phương Tây. Tường phía Đông thánh đường có những bích họa theo phương pháp tốc ký (Drawing the line), miêu tả cảnh vật theo mùa vùng Kashgar quê nàng, cho vơi đi nỗi sầu tha hương. Thợ may riêng cho nàng có đội ngũ đông đảo 20 người, cung nữ, thái giám hầu nàng có 24 người.
Năm 1860, liên quân Anh-Pháp đã đánh chiếm Bắc Kinh, phóng hỏa đốt vườn Viên Minh, thánh đường thành đống tro tàn, chỉ còn trơ bộ khung, trở thành di tích cho du khách hoài niệm “Càn Long sủng Hương phi”.
Vua Càn Long không ngại đường sá xa xôi, hạ chỉ bắt vùng Tân Cương phải cống nạp hoa sa táo (Elaeagnus angustifolia, chi Nhót), nhằm giữ được mùi thơm trên thân thể nàng.
Năm 1758, Càn Long xây lầu Bảo Nguyệt dành riêng cho Hương phi, nay là Tân Hoa môn, cửa chính Trung Nam Hải. Nàng chê quanh lầu thiếu cảnh quan, Càn Long liền cho thành lập ấp người Hồi gồm hơn trăm hộ, chợ búa, nhà thờ, v.v. Khi nàng lên lầu, nhìn thấy những tòa nhà kiến trúc kiểu Islam, dân đội mũ trên chóp kiểu Hồi giáo, như trở về quê hương, nên tòa lầu còn được gọi là Vọng gia lầu.
Năm Càn Long thứ 33, thái hậu sai Đại học sĩ Doãn Kế Thiện làm chánh sứ, cầm phù tiết sắc phong nàng thăng chức Dung phi, năm đó nàng 33 tuổi. 3 năm sau, Càn Long dẫn theo 6 phi tần Đông tuần tới núi Thái Sơn và yết Khổng phủ, danh tiếng Dung phi đã nổi như cồn. Sau đó, hoàng hậu Ura Nala, Khánh quý phi, Dự phi lần lượt qua đời, Càn Long không phong hoàng hậu, quý phi nữa.
Phi là tước hiệu cao nhất, nên Dung phi đã được đôn lên vị trí thứ 2, đạt đỉnh cao danh vọng, lúc đó nàng đã 48 tuổi. Năm Càn Long thứ 53, nàng qua đời tại vườn Viên Minh, hưởng dương 55 tuổi. Điều tiếc nuối nhất của nàng là không sinh được cho Càn Long mụn con nào. Càn Long ở tuổi 80, nước mắt dàn dụa, khi qua hồ Bắc Hải đã không cầm lòng được, đề thơ tưởng nhớ phi tử thơm phưng phức:
Chèo thuyền Bắc Hải nhớ người xưa,
Thoang thoảng mùi thơm tựa trong mơ;
Hương hồn lưu luyến bay về xứ,
Để lại nỗi sầu vạn mối tơ.
Đâu là hình ảnh thật Hương phi?
Trên đây, tôi trình bày theo lối “mặc định” Hương phi và Dung phi là một, vì trong hậu cung nhà Thanh chỉ có 1 phi tử người Duy Ngô Nhĩ duy nhất mà thôi, nhưng theo dòng lịch sử, nhân vật “Hương phi” xuất hiện rất trễ.
Sự tích Hương phi cách đây chưa tới 300 năm, nên đã lưu truyền nhiều bức tranh về nàng, nổi tiếng nhất là bức chân dung tranh sơn dầu vẽ nàng mặc trang phục Mãn Thanh được coi là hình ảnh chuẩn, trở thành “quốc bảo” vô giá của TQ, bản gốc được bảo tồn nghiêm ngặt tại Cố cung Bắc Kinh, chỉ mang bản phụ đi triển lãm.
Trong bức tranh này, Dung phi được đánh giá sắc đẹp không thua Tây Thi, phong thái còn hơn Triệu Phi Yến (người đẹp cung Hán, giỏi vũ đạo). Vào thời Càn Long, người TQ chưa mấy ai nắm được cách vẽ tranh sơn dầu, nên tác giả bức chân dung là vị cha đạo, họa sĩ cung đình người Ý Lãng Thế Ninh. Chỉ có những cung phi được Càn Long sủng ái nhất mới đủ tư cách ngồi để Lãng Thế Ninh vẽ chân dung, nói lên Dung phi đã “Sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son” (lời Trường hận ca”, Tản đà dịch).
Năm 1892, thời Quang Tự, văn sĩ Tiêu Hùng không thuận trên đưòng khoa cử, đã phẫn chí đầu quân, lăn lộn ở biên thùy Tây Bắc. Khi về ông đã viết tập thơ “Tây cương tạp vịnh”, trong đó có bài “Viếng miếu Hương nương nương”, miếu ở ngay kế cận TP Kashgar, nơi có mộ Hương phi (Lữ Khách phỏng dịch):
Nguy nga miếu cổ toát mùi hương,
Khách nữ đi cùng yết Thánh Nương,
Thiện tín lòng thành dâng khóa cóc,
Khẩn cầu thầm kín nỗi tơ vương.
Tiêu Hùng viết thêm ghi chú: “Hương nương nương, người Qeqer (Kashgar) thời Càn Long, bà sinh ra đã có mùi hương… Bà rất thiêng, phụ nữ ai muốn cầu tự, muốn kén chồng hoặc hòa giải gia đình lục đục, chỉ cần tay cầm chiếc khóa hình con cóc, đến khóc lóc tỉ tê với Nương Nương, thường được ứng nghiệm”. “Hương nương nương” có lẽ là tiền thân sơ nhất của Hương phi.
Sau khi nhà Thanh diệt vong (1911), năm 1914, trong một cuộc triển lãm trưng bày những văn vật từ Cố cung Thẩm Dương và Sơn trang mùa hạ nhà Thanh ở Thừa Đức, có 1 bức tranh sơn dầu vẽ cô gái trẻ trong bộ giáp trụ dân du mục, lời chú thích rất rõ ràng: “Hương phi, vương phi người Hồi, xinh đẹp, thân thể có hương thơm bẩm sinh, không cần xông hương tắm gội”. Lần đầu tiên xuất hiện tên “Hương phi”. Từ đó, tiếng tăm Hương phi ngày càng lừng lẫy. Tác giả bức tranh cũng là họa sĩ cung đình người Ý Lãng Thế Ninh.
Tuy Càn Long đã vào tuổi “tri thiên mệnh” (ngũ tuần), nhưng mỗi khi gặp nàng, ông đã sục sôi tình cảm. Ông rảnh rỗi là đến lầu Bảo Nguyệt, đánh cờ với nàng hoặc uống rượu đề thơ, hoặc xem những vở múa Tân Cương do nàng biên soạn.
Nhà vua cũng rất thích trang phục Duy Ngô Nhĩ. Có 1 lần, đi săn xong, ông đến thẳng lầu Bảo Nguyệt, Hương phi chưa kịp thay bộ đồ dân tộc, ông cảm thấy nàng còn đẹp hơn muôn phần, liền gọi họa sĩ cung đình Lãng Thế Ninh đến vẽ ngay bức tranh “Hồ trang nhung phục”, treo thường xuyên tại phòng ngủ của nàng tại lầu Bảo Nguyệt.
Năm 1979, mộ Dung phi ở Đông Lăng được khai quật, căn cứ vào hộp sọ, đầu Dung phi đã được phục chế. Theo hình phục chế, nàng có hốc mắt sâu, sống mũi cao, phù hợp đặc điểm người Đột Khuyết (Turkey) vùng Trung Á, giống bức tranh “Mãn phục” nhiều hơn. Nàng cao 1,67m, cao dong dỏng, bộ dạng thướt tha. Phụ nữ Trung Hoa thời đó khó mà được chiều cao như vậy, không hổ danh “quốc sắc thiên hương”!
Những dị bản về Hương phi
Hương phi thề chết không chịu thất thân?
Hương phi từng là vợ một thủ lĩnh người Duy Ngô Nhĩ, Định Biên tướng quân Triệu Huệ nghe lời đồn về nhan sắc nàng, nên sau khi bình định xứ Hồi đã cướp nàng dâng cho Càn Long như chiến lợi phẩm. Hận nước thù nhà, nàng luôn thủ sẵn dao găm sẵn sàng tự vẫn để giữ trọn tiết hạnh, ai khuyên nhủ cũng không lay động được. Nhìn người đẹp như hoa tựa ngọc, Càn Long dùng quyền thế lấy lòng nàng, nhưng cũng đành bó tay.
Hoàng thái hậu còn sốt ruột hơn cả con. Bà nghĩ, cứ năm này qua năm khác như vậy đâu còn thể diện hoàng gia? Một hôm, nhân lúc hoàng đế trai tịnh, thái hậu cho vời Hương phi lại, hỏi lần cuối: “Cô có chịu phục tùng không?”. Hương phi vẫn một mực trả lời “Không!”. “Thế thì ai gia ban cho mày chết”. Cô điềm nhiên: “Từ ngày ta bị các người cướp vào cung, ta đã không tính đến chuyện sống nữa”! Thế là bà ra lệnh cho thái giám thắt cổ nàng chết bằng tấm lĩnh trắng…
Thuyết này có những sơ hở:
Người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được”, có mấy ai chống chọi được vinh hoa phú quý chốn hoàng gia? Hơn nữa, nàng là “phi”, có danh có phận, đâu có thiệt thòi, Càn Long mới là người rộng lượng. Tái hôn đối với người dân tộc cũng là chuyện thường, người Hán dùng tam tòng tứ đức gán ghép cho nàng thật là gượng gạo.
Sử liệu nhà Thanh được bảo tồn đầy đủ, việc thái hậu ban chết cho Dung phi là sự kiện lớn lao vậy mà không hề ghi trên sử sách.
Thái hậu chết năm 1777, Dung phi chết năm 1788, cách nhau 11 năm, không thể có chuyện “hồn ma giết Dung phi”!
Hương phi từng kết hôn trước khi nhập cung?
Theo hồ sơ lưu trữ, Hương phi nhập cung năm 1760, lúc đó nàng đã 27 tuổi. Vào thời đó, con gái lấy chồng rất sớm, vua Thanh tuyển cung nữ từ tuổi 13. Hương phi vào cung ở tuổi 27, có người suy luận nàng từng kết hôn và thời gian hôn nhân cũng khá dài. Vậy chồng trước của nàng là ai? Chồng trước nàng đã chết hay ly hôn? Đều không thể tra cứu được.
Thực ra, Hương phi chưa từng kết hôn, vì kỷ luật cung đình nhà Thanh rất nghiêm, không thể dung nạp gái có chồng, dù Càn Long muốn cũng không được. Thời đó, tuy thịnh hành tảo hôn, nhưng thiếu gì trường hợp “cao không tới, thấp không thông”, như Đông Ca, em gái thủ lãnh bộ lạc Diệp Hách thủy tổ nhà Thanh, nổi tiếng tài mạo song toàn lấy chồng ở tuổi 33, trở thành “gái lỡ thì” nổi tiếng.
Ai cũng ham muốn sắc đẹp Đông Ca, nàng trước sau qua tay 4 tù trưởng, tất cả đều vong quốc, nên nàng đã trở thành “hồng nhan họa thủy” trong lịch sử triều Mãn Thanh.
Hương phi từ đâu tới?
Người Duy Ngô Nhĩ gọi nàng là “Iparhan”, bởi vì trên người nàng tỏa ra hương thơm kỳ lạ. Việc này tuy không thấy trong chính sử, nhưng dã sử bút ký có ghi tường tận: “Dung nhan chưa thấy, mùi thơm đã nức mũi. Không phải hoa thơm, cũng không phải son phấn, mà là mùi thơm kỳ ảo, thấu tận tim gan”.
Tại sao nàng lại có mùi thơm khiến đàn ông say đắm? Chẳng ai có mùi thơm bẩm sinh, có lẽ nàng đã khéo sử dụng các chất thơm thiên nhiên, trong đó có hoa sa táo, đặc sản của vùng Tân Cương mà ở Trung nguyên ít gặp, nên người trong cung tưởng là mùi thơm thân thể nàng.
“Vũ khí” mùi thơm cũng không phải độc quyền của Hương phi. Hơn 2.000 năm trước, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã nắm được sức mạnh kỳ diệu của nước hoa. Bà hằng ngày ngâm mình trong nước đinh hương, xức lên mình xạ hương, chính mùi hương đó đã mê hoặc Đại đế Caesar và Thống chế Antonio nước La Mã, khiến họ vì nàng mà tàn sát lẫn nhau, biến kẻ chinh phục thành kẻ bị chinh phục.
Mùi cơ thể người được tạo ra bởi hỗn hợp các chất tiết tuyến mồ hôi, tuyến nhờn cộng với sản phẩm trao đổi chất của lục phủ ngũ tạng, không người nào giống người nào, cũng như dấu vân tay vậy. Vì thế, có người ác khẩu cho rằng, không có mùi thơm gì cả, mùi hôi nách thì có, chẳng qua là vừa mũi Càn Long! Cũng người cho rằng, nàng là dân du mục, ăn thịt dê, uống sữa dê từ nhỏ, nên có mùi hôi (!). Năm 1979, mộ Dung phi ở Đông Lăng được khai quật, qua xét nghiệm hài cốt, không thể chứng minh nàng có hương thơm bẩm sinh (?!).
Hồn Hương phi trôi dạt về đâu?
Ngoại ô TP Kashgar, cực Tây Khu Tự trị Tân Cương TQ, vẫn còn mộ Hương phi, theo phong cách Hồi giáo, là điểm du lịch hấp dẫn của TQ (hình trên). Lăng mộ được gọi là Apak Khojar Tomb, bao gồm một khu phức hợp lớn với thánh đường và trường học Hồi giáo, khu nhà mộ của năm thế hệ gia đình Apak Khojar, bao gồm có cả thi thể của Iparhan (Hương phi).
Theo truyền thuyết, sau khi chết, để thực hiện di nguyện của nàng, Càn Long đã cử một đội ngũ đưa đám hơn trăm người do chị dâu nàng Tô Đức Hương dẫn dắt, khiêng linh cữu bằng kiệu thồ ròng rã nửa năm trời, vượt qua mấy ngàn cây số mới tới được quê nàng Kashgar. Hiện giờ Apak Khojar Tomb còn giữ lại chiếc kiệu thồ hào hoa năm xưa coi như vật chứng cuộc di quan không tiền khoáng hậu này. Trong mộ cả thảy 52 thi thể, nhưng hỏi đến ai là Iparhan, thì ngay cả người giữ mộ cũng ú ớ!
Dung phi đã là thành viên hoàng gia, sao có thể trở về quê nhà được? Để có kế lưỡng toàn, Càn Long nghĩ nát óc mới ra kế kim thiền thoát xác: một mặt cho đội ngũ đưa đám rầm rộ chở xác giả của nàng tiến về Kashgar; di thể Dung phi tạm thời án binh bất động.
Dung phi mất năm Càn Long 53, tức ngày 19.4.1788, quàng tại Tây hoa viên Hoàng gia. Ngày 27.4, di quan tới nhà tang lễ Tĩnh an trang phía Đông Bắc Bắc Kinh. Đợi cho xa giá đoàn hộ tống Tây hành đã đi xa, ngày 17.9.1788, Càn Long ra lệnh cho hoàng tử thứ 8 Nghi quận vương hộ tống kim quan Dung phi tới chôn ở lăng tẩm các phi tử ở Đông lăng.
Đông lăng là khu lăng tẩm hoàng gia nhà Thanh, ở tỉnh Hồ Bắc, diện tích 80km2, cách Bắc Kinh khoảng 125km theo hương Đông Bắc, trong đó có Dụ lăng là lăng Càn Long. Theo quy chế nhà Thanh, chỉ có hoàng hậu được phép hợp táng với vua, còn lại từ hoàng quý phi trở xuống, chỉ được phụ táng bên cạnh hoàng lăng.
Dung phi được chôn trong Viên tẩm dành cho cung phi, trong viên tẩm có 36 vị cung phi an táng, đánh số rõ ràng. Mộ Dung phi đứng đầu trong dãy mộ thứ 2, nên lăng tẩm nàng ở Kashgar chỉ có thể là mộ gió, mai táng quần áo và nghi trượng nàng lúc sinh thời.
Năm 1979, mộ Dung phi bị đào trộm, Ban Quản lý Đông lăng chỉnh lý địa cung, tuy tài sản đã bị trộm, nhưng đã tìm thấy hài cốt nàng cùng nhiều văn vật giá trị khác. Hộp sọ cùng xương đùi qua phân tích nhân chủng học thì xác định là nữ giới người Duy Ngô Nhĩ.
Bím tóc hoa râm dài 85cm, phù hợp lứa tuổi người quá cố. Bộ triều phục và viên đá mắt mèo khổng lồ đính trên đó, nói lên địa vị của nàng là phi. Trên quách ghi kinh Koran bằng tiếng Arab, mở đầu là “Nhân danh Thánh Allah…”, nói lên cô là người theo đạo Hồi. Tất cả đã nói lên nàng chính là “Hương phi”, được Càn Long vô cùng sủng ái.
Người đẹp năm xưa đã ngọc nát vàng phai, chỉ còn mùi thơm vẫn còn lảng vảng… trong trí tưởng tượng. Nếu có ai phục chế được mùi thơm xưa, không những Đại đế Caesar, Hoàng đế Càn Long, mà tất cả đấng mày râu đều sẽ thần phục dưới váy màu đỏ lựu của nàng!
- Xem thêm: Về niên hiệu ‘Long Phi’