Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bên cạnh việc doanh nghiệp (DN) phải tự thân khẳng định thì yếu tố cải cách môi trường kinh doanh và các vấn đề nền tảng luôn mang tính quyết định.
Khó trăm bề
Nhiều năm nay, lãi suất cho DN vay được Mỹ giữ ổn định ở mức 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%… Chỉ nhìn về lãi suất, DN Việt Nam đã thua, không thể cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngay trên sân nhà. Doanh nghiệp không vay được vốn dài hạn với lãi suất thấp, nên không thể đầu tư vào sản xuất bền vững, bởi thời gian khấu hao đầu tư máy móc để sản xuất hàng hóa cho tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu trung bình từ 5-10 năm. Vì vậy, nhiều DN chỉ tham gia những lĩnh vực mang lại hiệu quả trước mắt, thay vì đầu tư vào sản xuất bền vững, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và phát triển của DN và nền kinh tế.
Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất An Thịnh năm 2012 đã thế chấp nhà máy (diện tích 5.000m2 và toàn bộ dây chuyền sản xuất bia), tổng trị giá khoảng 100 tỉ đồng để được vay 10 tỉ đồng, lãi suất 15%/năm. Ông Lê Văn Dũng – Giám đốc công ty cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ 29-10-2014 đã đưa trần lãi suất huy động xuống mức 5,5% nhưng điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới hầu như không thay đổi, DN vẫn phải thế chấp tài sản. Các ngân hàng vẫn chưa công bố khoanh nợ cũ và cho vay nợ mới với lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh như tuyên bố, nên ông Dũng cho biết “vẫn phải vay tiền của người thân, bạn bè để đáo nợ khi đến hẹn”.
Ngân hàng Nhà nước có vẻ khá thành công khi đưa trần lãi suất về 5,5% sau chín lần điều chỉnh kể từ cuối năm 2011 đến nay. Nhưng điều đang nói, chênh lệnh giữa lãi suất huy động và cho vay luôn trong khoảng 6%. Vì vậy, ngay cả khi các ngân hàng thương mại áp lãi suất huy động dưới trần, chẳng hạn kỳ hạn một tháng xuống thấp nhất chỉ còn 4%/năm, thì DN vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Cùng với đó, mức lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn được các ngân hàng áp mức lãi suất cao nhất, 11%/năm. So với chỉ số tăng giá hiện nay, lãi suất này vẫn vượt quá khả năng chịu đựng của DN. Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại mặc nhiên thừa nhận, lãi suất cao là do cho vay trung, dài hạn tiềm ẩn nhiều ro rủi do nền kinh tế vẫn chưa thực sự phát triển ổn định.
Ngoài vấn đề vốn, nhiều DN cho rằng sức mua thị trường yếu kéo dài, “sức khỏe” của DN ngày càng bị bào mòn. Để chia sẻ khó khăn với bạn hàng, đối tác, các DN đã giảm lợi nhuận, thậm chí phải bán hàng dưới giá thành, nhanh chóng quay vòng vốn để bù đắp khoản thiếu hụt, trong khi giá nguyên liệu đầu vào như than, điện vẫn tăng. Một DN trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu bao bì cho biết “không ít lần phải chấp nhận thâm vào phần tích lũy để duy trì sản xuất, coi như là khoản đầu tư để tồn tại, dù biết đó chỉ là giải pháp tình thế”.
Câu chuyện chi phí phi chính thức của DN là vấn đề không mới. Không nêu rõ địa chỉ cụ thể, nhưng báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2013” do Viện CIEM, Tổng cục Thống kê, Đại học Copenhagen thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch cho thấy, tỷ lệ DN có chi phí phi chính thức giai đoạn 2011-2013 cao hơn giai đoạn 2009-2011. Qua khảo sát 2.500 DN vừa và nhỏ, dù phần lớn không tiết lộ lý do, nhưng qua phân tích mục đích các khoản chi, báo cáo khẳng định DN chi để đối phó với cơ quan/người thu thuế cũng như kết nối dịch vụ công, có tới 45% thừa nhận chi hối lộ để đổi lại dịch vụ nào đó và 19% thanh toán các khoản không chính thức để đối phó với cơ quan thuế.
Báo cáo cũng chỉ ra sự hạn chế của DN nhỏ và siêu nhỏ là ít khả năng sáng tạo, khả năng thay đổi thấp, tỷ lệ tham gia xuất khẩu những năm qua thấp. Năm 2014, tỷ lệ xuất khẩu của DN FDI đạt 68%, còn toàn bộ khoảng 460.000 DN trong nước còn hoạt động chỉ đạt 32%, trong đó, DN siêu nhỏ chỉ đóng góp 1,6%. Báo cáo cũng phát hiện vấn đề năng suất lao động không tăng mà liên tục giảm. Tăng lương là nhu cầu chính đáng của người lao động, nhưng DN không tăng lương được và không có cách gì để tăng vì năng suất lao động không tăng. Nếu bắt DN tăng lương thì đấy là bài toán khó, dù họ rất muốn tăng lương để giữ lao động. Một điểm nữa cũng được báo cáo đề cập, đó là tốc độ chính thức hóa các DN giảm đi. Giai đoạn 2009-2011, tỷ lệ chính thức hóa đạt 20%, bây giờ tỷ lệ từ hộ gia đình chuyển sang DN có đăng ký chính thức chỉ còn có 10%. Điều này đi liền với tỷ lệ đầu tư cũng giảm đáng kể bởi những năm qua DN đã phải trả một giá đắt cho lạm phát và lãi suất tín dụng trên 20%.
Kết quả điều tra trên phần nào giải thích, tại sao trong bối cảnh vĩ mô khá ổn định, chín tháng đầu năm 2014, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động vẫn tăng lên. Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến 30-9, cả nước có 48.330 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước với tổng vốn đăng ký đạt gần 410.000 tỉ đồng.
Không nên né tránh
Vai trò của khu vực kinh tế dân doanh của Việt Nam sẽ như thế nào, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN vận hành vào năm 2015? Ông Nguyễn Gia Hảo, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và kinh doanh Hà Minh cho rằng, Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường có định hướng, mà theo định hướng đó, các nhà hoạch định chính sách chỉ chú ý đến các DN lớn, thay vì quan tâm tới DN vừa, DN nhỏ và siêu nhỏ. Ông Hảo khẳng định: “Chính những điều hành vĩ mô đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và DN, vấn đề là chúng ta đừng né tránh”.
Thực sự khó tách biệt được tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế thế giới đến DN như thế nào, ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh của DN ra sao. Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “cả các nhà hoạch định chính sách và DN đều cho đây là vấn đề toàn cầu, không phải lỗi của mình”.
Như vậy là không dám đối diện với sự thật. Theo bà Chi Lan, bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam xuất hiện sớm hơn so với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bất ổn kinh tế xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2007, đánh dấu bởi cột mốc lạm phát năm đó vọt lên mức 12% sau nhiều năm kiềm chế lạm phát ở mức một con số. Những tín hiệu của bất ổn xuất hiện rất rõ, đến mức tháng 3-2008, Chính phủ phải đưa ra nghị quyết kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếc rằng, nghị quyết đó đi vào cuộc sống chưa được bao lâu thì tháng 9 cùng năm, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, với sự kiện vỡ nợ của các công ty tài chính tại Mỹ và từ đó đã tác động đến Việt Nam. Tác động tiêu cực đầu tiên là làm cho chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta chưa kịp thực hiện đã phải chuyển sang hướng làm sao duy trì được tăng trưởng và các gói kích cầu được tung ra. Các bất ổn cũ như vậy lại được cộng thêm các bất ổn mới do điều khiển chính sách theo hướng kích cầu để đối phó với khủng hoảng bên ngoài.
Việc ra khỏi khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu chưa lạc quan như dự báo, nhưng tác động của nó đang giảm dần ở các nước trong khu vực. Lào và Campuchia hai năm nay có tăng trưởng cao hơn Việt Nam. Trong một hội thảo gần đây, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, nhiều khả năng ít năm nữa, Myanmar cũng vượt Việt Nam về thu nhập bình quân đầu người. Những điều này chứng tỏ rằng, những bất ổn của Việt Nam đến sớm hơn ít nhất một năm so với thế giới và có thể kéo dài hơn so với khu vực ít nhất từ 2-3 năm. Như vậy, về thời gian, những vấn đề kinh tế trong nước tác động rõ hơn đối với DN, nhất là những DN trực tiếp liên quan đến thương mại, tài chính toàn cầu.
Đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, theo bà Chi Lan, tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu nếu có, cũng rất nhỏ. Trong khi đó, họ lại là những nạn nhân chịu tác động mạnh bởi những chính sách trong nước, như môi trường kinh doanh quan liêu, thủ tục phiền hà, nạn chi phí không chính thức… Cả hệ thống ngân hàng liêu xiêu cần tái cơ cấu là vấn đề của Việt Nam, DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn là do vốn đã chảy gần hết vào các DN lớn, từ DN nhà nước đến FDI, kể cả khu vực tư nhân. Việt Nam không thiếu tiền ở các ngân hàng, nhưng tiền huy động một phần được các ngân hàng dùng mua trái phiếu chính phủ, để vừa có thành tích về chính trị vừa có sựổn định dễ dàng hơn nhiều so với cho DN vay vốn. Đó là những vấn đề trong nước của Việt Nam, không phải do khủng hoảng tài chính toàn cầu mang lại.
Ở đây, theo các chuyên gia kinh tế, cần phân biệt rõ như vậy để thấy rõ đâu là bất ổn do điều hành nền kinh tế vĩ mô trong nước kém, cộng với khủng hoảng tài chính toàn cầu một năm sau đó, đã tạo nên tác động tiêu cực nặng nề hơn cho nền kinh tế. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách không thểỷ vào khủng hoảng tài chính toàn cầu để khước từ tất cả những cải cách rất cần thiết ở Việt Nam hiện nay, mà hết nghị quyết này đến nghị quyết khác đều đã nói, đã phân tích đầy đủ nhưng chưa làm được bao nhiêu. Các DN cũng vì vậy, không thấy được cái yếu của chính mình để khắc phục. Khủng hoảng có thể qua đi nhưng DN sẽ vẫn chết nếu không tự nâng cấp mình.
Hoàng Anh