Sở hữu nhiều ngành nghề thú vị, thợ nghề đẳng cấp cao, có bề dày lịch sử và văn hóa… nhưng nhiều làng nghề, thợ nghề Việt vẫn quẩn quanh ao làng theo tư duy sản xuất cục bộ; việc khơi gợi sự sáng tạo từ nét Việt, làm mới nét Việt, đang được nhiều người trẻ khao khát mong làm nên sự thay đổi.
Các nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam với sơn mài, gốm, chạm, khảm… thực sự là nguồn tài nguyên giá trị, bởi bản thân tuổi nghề, giá trị thời gian, yếu tố lịch sử, nét văn hóa không gì đánh đổi được. Nhưng ở bình diện chung, các làng nghề vẫn tiếp tục tư duy sản xuất theo lối mòn trong bối cảnh hiện đại, thật khó để nghề truyền thống tiếp tục phát huy, lan tỏa giá trị vốn có, thậm chí sự bảo thủ dần bóp chết làng nghề, triệt tiêu nghệ nhân, không còn cơ hội để nét Việt được tỏa sáng. Quan điểm của người trẻ với nghề truyền thống, cũng phai nhạt kiểu Bụt nhà không thiêng.
Hành trình khơi gợi bản sắc Việt, nét Việt theo một cách làm mới, hẳn thật cần.
Xây dựng chuỗi giá trị
Mỗi sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, đều gắn với một chuỗi giá trị, nếu ứng dụng tốt vào đương đại, giá trị ấy sẽ là sự cộng hưởng để sản phẩm, tác phẩm có được câu chuyện mới, một sự tái sinh hấp dẫn mà không mất đi bản sắc vốn có.
Lấy nghề gốm làm ví dụ. Việt Nam có nhiều lò gốm, nhiều nghệ sĩ sáng tác gốm, nhưng để tìm trong gốm đương đại một ngôn ngữ thể hiện mới, không dễ dàng khi cái bóng của gốm cổ Đại Việt qua từng triều đại, thực quá lớn. Một dẫn chứng thú vị vượt qua rào cản gốm Việt là nghệ sĩ/họa sĩ Bùi Quốc Khánh.
Cũng là sáng tác gốm, nhưng anh chọn phong cách thể hiện là sự vận dụng kỹ thuật nghề truyền thống làm tò he, với những vê, vuốt, nặn, bóp, xoáy… trong tạo hình, gam màu tô lên gốm là phong cách nghệ thuật đại chúng (pop art) ứng dụng từ kỹ thuật hội họa, qua đến phần hoa văn trang trí, anh sử dụng hình tượng của văn hóa và tín ngưỡng dân gian, với những rồng, phượng, nghê… chốn thờ tự thâm nghiêm, hoàng triều, vào tác phẩm. Định hình một ngôn ngữ gốm đa sắc thái, hiện đại và cũng rất thân quen.
Ở lĩnh vực sơn mài, họa sĩ Nguyễn Xuân Lục, với những dấu ấn về ngôn ngữ sáng tác của bộ sưu tập Bụi, thể hiện hình ảnh những hạt bụi lang thang vô định trong giải ngân hà. Khi thành danh với lĩnh vực sáng tác, Lục quay trở lại thể hiện phần “nghề” khi ứng dụng sơn mài sáng tác vào sản phẩm, vật dụng trang trí, khoác lên các tạo hình bất kỳ những ngôn ngữ của màu sắc trong nghệ thuật sơn mài.
- Xem thêm: Hồn gốm Phước Tích
Lý giải cho việc thiết kế ngược này, Nguyễn Xuân Lục chia sẻ: “Tôi xuất thân từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, từ nhỏ đã quen với việc tạo sản phẩm, cẩn khảm ốc. Trong sáng tác sơn mài, tôi cũng thường đưa chi tiết cẩn, khảm vào tác phẩm. Tôi coi sơn mài có hai phần, phần nghề và phần sáng tác. Chất nghề là cơ bản, giúp tôi sáng tác sơn ta theo kỹ thuật truyền thống nhưng diễn đạt bằng ngôn ngữ hội họa hiện đại. Chất sáng tác giúp tôi ứng dụng vào nghề dễ dàng trên mọi bề mặt chất liệu.
Với tôi, sáng tác và làm nghề không có sự khác biệt, đó là cách tôi kể chuyện về bản thân, về nghề sơn mài, nghề khảm trai mà tôi là người xuất thân từ đó”.
Ở lĩnh vực thiết kế thời trang, nhà thiết kế Vũ Thảo – sáng lập thương hiệu Km109 cũng có cách tạo dựng chuỗi giá trị đương đại theo xu hướng thời trang bền vững từ chất liệu truyền thống là nghề dệt của người Nùng An, Cao Bằng. Những chi tiết, công đoạn, quy trình từ trồng trọt, thu hái, tạo sợi, dệt, nhuộm, thiết kế hoàn thiện… được Vũ Thảo kể chuyện bằng nhiều hình thức sắp đặt đương đại, hình ảnh, video art, vũ đạo, thời trang…
Khi tham gia chuyện kể ấy, Vũ Thảo mang lại sự bất ngờ, bởi đó là hành trình dài tìm lại những giá trị bản sắc, tính dân tộc, chủng tộc, nét văn hóa, tập quán, lối ứng xử, môi trường, xã hội… của người bản địa miền cao. Có thể thấy ở thiết kế cuối cùng là sản phẩm thời trang, lại là điểm khởi đầu để bắt nhịp vào hành trình đi tìm giá trị, bản sắc của nghề, của dân tộc với những khơi dậy, phục hồi mà Thảo muốn thể hiện qua chiếc cầu nối thời trang bền vững.
Phải vững nền tảng
Có thể thấy, việc kết nối giữa cổ điển – đương đại, giữa tính dân gian – hiện đại, được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ thực hiện. Một khi đề cập yếu tố truyền thống, dân gian, dân tộc, đồng nghĩa với việc đề cập tính biểu tượng.
Lấy ví dụ gốm Việt cổ, với khởi đầu sau ngàn năm Bắc thuộc là dòng gốm hoa nâu thời Lý, có những chiếc ấm trang trí cánh sen kép, tạo dáng và kỹ thuật khắc nét mang vẻ đẹp vượt mọi thời đại. Hậu thế khi sử dụng vẻ đẹp mang tính biểu tượng ấy, cần tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng, mới có thể dễ dàng ứng dụng vào hiện đại mà không vấp phải rào cản nào.
Ở một ví dụ khác cụ thể hơn, những biểu tượng mang tính tín ngưỡng như tranh thờ dân gian, các loại trang phục thờ cúng, khi chuyển thể phải nghiên cứu thấu đáo. Họa đàn từng chứng kiến nhiều cuộc “bứt phá”, sử dụng hình ảnh dân gian phối vào đương đại, có người dùng hình, dùng chi tiết, dùng màu, có người dùng cả tác phẩm nguyên bản của tranh thờ dân gian, lấy hình tượng thánh thần, linh vật phối vào cảnh nam nữ khỏa thân đang phô diễn động tác gợi dục.
Chưa bàn về tính thẩm mỹ, nhưng sự gán ghép lệch lạc đó thể hiện thái độ thiếu tôn trọng, thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống và tín ngưỡng dân gian. Những kết hợp thiếu nền tảng như vậy thật khó tồn tại lâu bền và có sức lan tỏa.
Tuy nhiên, nếu cứ khư khư giữ lấy những yếu tố nguyên bản, thiếu đi hơi thở của thời đại, rất dễ khiến vẻ đẹp ấy bị chôn vùi, lãng quên dần. Nghệ sĩ thị giác Bùi Công Khánh chia sẻ câu chuyện anh học hỏi được từ chuyến giao lưu, sáng tác với các nghệ sĩ gốm thế giới ở Cảnh Đức Trấn, Giang Tây – Trung Quốc: “Cảnh Đức Trấn, kinh đô gốm sứ thế giới, nếu xét kỹ thuật tạo tác gốm sứ thì nghệ nhân ở đây đã đạt đến trình độ thượng thừa, nhưng họ nhận ra gốm sứ Trung Quốc chỉ loay hoay với kỹ thuật và hoa văn truyền thống, trong khi các nước có nghề gốm sinh sau đẻ muộn nhưng gốm đương đại đã tiến xa như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu… Vì vậy, chính quyền Cảnh Đức đã tận dụng một đại công xưởng chuyên sản xuất tượng Mao, biến thành nơi giao lưu và học hỏi giữa các nghệ nhân địa phương và các nghệ sĩ gốm đương đại khắp thế giới.
Nơi này có tên gọi là Đào Khê Xuyên (Tao Xi Chuan), vừa là tổ hợp nhà xưởng cho nghệ sĩ địa phương và quốc tế đến thuê, sống và làm việc, vừa là khách sạn, nhà hàng, trại sáng tác cho nghệ sĩ thế giới. Đào Khê Xuyên thu hút nhiều nghệ sĩ gốm cực nổi tiếng trên thế giới chuyển về đây làm việc bởi giá rẻ cũng như sự phong phú nguyên vật liệu và máy móc phụ trợ, điều đó tạo ra thay đổi rất lớn trong diện mạo gốm sứ đương đại ở Cảnh Đức nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Rất tiếc điều này ở Việt Nam chưa xảy ra hoặc sắp xảy ra mà tôi chưa được biết, các hội đoàn cũng có tổ chức trại sáng tác nhưng hầu hết mang tính chất phong trào, vui xong rồi đi chứ không thấy sự kết nối nào giữa nghệ sĩ đương đại với làng nghề truyền thống để cùng tìm tiếng nói chung, cùng tìm hướng đi mới như Cảnh Đức đã làm”.