Về huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), ta nhớ đến hình ảnh cô thôn nữ quê mùa đã được tôn vinh Bà Chúa Tằm Tang. Cô thôn nữ này là ai? Từ thế kỷ của computer, của kim khí điện máy trang bị tận răng, ta hãy quay ngược về thế kỷ XVII. Năm 1615. Trăng sáng ngời.
Dọc theo dòng sông Thu Bồn là bãi dâu xanh ngắt. Chiếc thuyền rồng của cha con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thong thả xuôi theo dòng nước. Không gian tĩnh mịch. Cần gì phải đến Thiên thai mới tìm được những giây phút trong trẻo, an nhiên tự tại như thế này.
Trăng vẫn sáng vằng vặc. Thuyền rồng ngược dòng sông từ Chiêm Thanh đến địa phận làng Chiêm Sơn (huyện Diên Phước), ngài cho dừng thuyền để câu cá. Không cần cá phải cắn câu vội, ngài muốn tận hưởng những giây phút thanh nhàn hiếm hoi. Bỗng từ bãi dâu xa xôi kia vọng lại tiếng hát ngọt ngào:
Thiếp nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa
Tiếng hát trong ngần nương theo làn gió mát vọng đến như mơn trớn, như hờn trách dịu dàng. Giây lát sau, cũng giọng hát ấy lại uyển chuyển cất lên:
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình
Tiếng hát trôi theo dòng sông lao xao, nghe da diết. Trái tim đa cảm của hoàng tử Nguyễn Phúc Lan bồi hồi, xúc động. Và, như ta… đã biết rồi, không cần nhắc lại nữa thì cứ theo giai thoại dân gian nhờ câu đối đáp trữ tình, cô thôn nữ này không những lọt vào “mắt xanh” mà về sau còn “nâng khăn sửa túi” cho hoàng tử. Ấy là chuyện sử sách còn ghi rành rành, còn theo truyền thuyết địa phương, ngoài câu ca dao đối đáp trên, lúc ban đầu gặp gỡ hoàng tử Nguyễn Phúc Lan thấy nàng… mặt rỗ (?!) nên mới ra câu đối:
Rỗ chằng, rỗ chịt, rỗ chín mười tầng (?)
Không ngờ nàng đã khôn khéo đối lại:
An nước, an dân, an năm bảy cõi.
Câu đối lại sâu sắc và thông minh quá chừng, lại được thốt ra bằng giọng “nói ngọt như đường cát, mát như đường phèn” khiến cha con của chúa khâm phục và tỏ lòng thương mến. Nghĩ đến câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”, tôi ngờ rằng câu đối trên do người đời sau “bịa” ra, để khẳng định người con gái dù nhan sắc không đẹp nhưng cần cù, chăm làm, hiền hậu, biết “nâng khăn sửa túi” để chồng làm việc lớn thì vẫn được chồng thương yêu. “Gái có công, chồng chẳng phụ” là vậy.
Cô thôn nữ này tên là Đoàn Thị Ngọc, sinh năm 1601 là con gái út của ông Đoàn Công Nhạn và bà Võ Thị Thành – một gia đình nông dân bình thường. Do có công lớn trong việc khuyến khích, ủng hộ nhân dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở Duy Xuyên và Quảng Nam nói chung, bà được người đời tôn kính bằng tên tên gọi Đoàn Quý Phi, Đoàn Ngọc Phi và xưng tụng Bà Chúa Tằm Tang. Vùng đất Quảng Nam nổi tiếng các mặt hàng tơ lụa không thua kém gì hàng của nước ngoài, một phần nhờ chủ trương đúng đắn của bà.
- Xem thêm: Triều Khúc, ngôi làng của xứ tơ lụa xưa
Trong Xứ Đàng Trong – tập ký sự viết năm 1621, Cristophoro Borri ghi nhận: “Còn tất cả những gì thuộc về đời sống hằng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất, là áo mặc, họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp, khỏi rách hay bẩn.
Điều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn người ta hái lá nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng lớn như cây gai bên ta (tức ở Ý) và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm được nuôi ra ngoài khí trời và đồng thời nhả tơ, làm thành cái kén nhỏ với số lượng rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong không chỉ đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang Lào để rồi sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn, nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu”.
Làm nên sự kỳ diệu của sản phẩm độc đáo này, ngoài chủ trương đúng trên, sự quyết định còn chính từ những con người cần cù, thông minh, chịu thương chịu khó ngày đêm hái dâu nuôi tằm, miệt mài bên khung cửi. Như một lẽ tự nhiên, trong quá trình lao động, nhằm xua tan đi mệt nhọc thì, lúc đó, sinh hoạt “văn nghệ văn gừng” ra đời.
“Nguyên lý văn học” này, ta có thể nhìn thấy qua hò kéo lưới, kéo gỗ, kéo thuyền, giã gạo, đánh cá, hát đối đáp… Qua đó, ngoài việc tạo nên sự nhịp nhàng nhằm tập trung cùng thể hiện động tác, còn là dịp trao duyên gửi tình, phát sinh tình cảm. Một khi về đến vùng nổi tiếng với lụa tơ tằm xứ Quảng, từ trong tiềm thức vọng đến câu ca dao thốt lên tiếng lòng của người bình dân lao động. Nghe ra xao xuyến không nguôi:
Kể từ ngày cấy nông tang
Em đau nằm đó, lòng chàng như tơ
Các từ “tang, tơ” đã cho thấy về nghề và còn ngụ ý do người yêu bệnh nên lòng chàng lo lắng, rối như tơ/ rối như tơ vò. “Mối sầu tơ vương rối ruột tằm/ Cơ sầu này giải mấy năm cho rồi”. Dù vậy, chàng vẫn không ủy mị, buông xuôi mà quả quyết:
Việc nông tang thiếp cấy chàng cày
Em đau nằm đó để chàng đi cày trả công
Thiệt là thương hết sức. Hoặc có lúc họ thổ lộ thiệt tình, nghe mắc cười:
Giả đò mua kén bán tơ
Đi ngang qua bờ ruộng… sập cái lờ không hay
Ở nông thôn, ai cũng biết lờ là đồ đan bằng tre, hai đầu có hom để cá chui vào mà không ra được. Từ cái vụ sập bất ngờ này, lòng chàng đâm ra… nhớ. Nhớ như thế nào? Ta hãy nghe lối ví von chân chất rất Quảng Nam mà gợi hình gợi cảnh, khó quên:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ om cơm nguội, nhớ niêu nước chè
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non
Nhớ hồi cá trích y con
Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
Nhớ khi rau muống bò bờ
Nhớ nải chuối chát, nhớ hồ rau răm
Nhớ tình bạn cũ ghé thăm
Nhớ thuyền tìm bến, nhớ tằm tìm dâu…
Qua các từ như om, niêu, chén “y con”, “y khúc” và nhất là “nhớ tằm tìm dâu”, cho phép tôi “địa phương chủ nghĩa” mà rằng, hẳn bài ca dao này ra đời từ Duy Xuyên Quảng Nam đấy chứ? Sự tham lam này, có lẽ chẳng ai trách móc gì, vì có những câu dao được nơi này, nơi kia cho là xuất phát từ quê mình cũng không sao cả miễn nó nói hộ được tấm lòng về quê hương – nơi mình chôn nhau cắt rốn…
- Xem thêm: Lâm Đồng tìm cách gỡ khó cho nghề tơ tằm
Thật vậy, một khi đã về quê khi đi lại trên bến đò cũ, nhìn lại dòng sông đã tắm mát trưa hè, đi ngang qua bờ ruộng đã từng thả diều sau mùa gặt hái, ai lại không bồi hồi nhớ về năm tháng thanh xuân tươi trẻ? Mà thuở ấy, có gì? Có câu hò đối đáp bay bướm, lẫn thử thách lúc trao duyên tán tỉnh xa vời nhung nhớ. Chẳng hạn, đối đáp này có thể là lúc các chàng trai này đi ngang qua nhà nọ thấy mấy cô nàng đang dệt cửi chăng?
Ngồi dựa ghế ba, hỏi thăm cây chuối nào cha
Một mình bà mẹ sinh ra từ bề?
Thoáng nghe qua đã thấy khó lắm rồi, thế nhưng các cô thôn nữ vốn đáo để thông mình bèn ngon lành trả lời tắp lự:
Mấy lời phân với anh em nam nhi
Bụi chuối kia ai trồng xuống đó thì kêu người đó bằng cha
Mai sau hái trái đem về mà ăn
Ăn rồi mới ngẫm nghĩ mừng rằng nói ra
Mình ăn bụi chuối tê cũng bởi ông cha mình trồng
Đôi lúc đùa mà thật, thật mà đùa, đơn giản người “vấn”, kẻ “đáp” cùng tình làng nghĩa xóm nên sự bỡn cợt có lúc khiến họ… đỏ mặt. Phải nói ngay rằng, một khi đã đi vào văn học bình dân, trên đồng cạn dưới đồng sâu, trăng thanh gió mát, chèo thuyền trên sông… ta không thể đến bằng tâm thế nghiêm nghị đạo mạo, khuôn phép đạo đức một cách thái quá mà cần phải mở lòng chung vui thì mới có thể “nhập cuộc” với họ.
Hơn cả thế, phải nhìn nhận rằng có lúc họ nói huỵch toẹt nọ kia là cũng nhằm mục đích gây cười, tạo ra tiếng cười vui vẻ, xua tan đi mệt nhọc chứ không hề có ý nghĩ vẩn đục. Hiểu như thế là cảm thông, là chia sẻ với sự khỏe khoắn của bà con chân lấm tay bùn đã sáng tạo ra văn học bình dân. Hãy nghe thử nhé, có lúc hứng khởi, cánh nam nhi bèn hò bỡn cợt:
Đánh trống cái bùm
Đánh kiểng cái bon
Mang mang con c. dọa gái son chưa chồng
Tưởng thế là ghê, là ghê gớm à? Đừng hòng, “chuyện nhỏ như con thỏ”, có gì mà dọa? Các cô nàng “trả đũa” ngay:
Đánh trống cái bon
Đánh kiểng cái bùm
Vỗ l. cái bép, dọa anh hùng cái chơi
Thiệt, quá hay. Đúng là táo tợn. Không cười cũng… uổng. Rồi, bên nữ lại cất lên tiếng hò:
Khoai lang mới đào sao kêu khoai lang cũ?
Anh đối đặng rồi em cho ngủ một đêm
Chà, nghe “ngon ăn” quá đi chứ? Đám trai làng bèn đáp:
Chợ lập lâu rôi sao kêu chợ Mới?
Anh đối đặng rồi, em phải… nới dây lưng
Cứ như thế, cuộc hò đối đáp kéo dài, tưởng chừng như thâu đêm suốt sáng. Bây giờ, ta hãy trở lại với giai thoại từ câu hò:
Thiếp nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa
Thì đây, về sau, các cô thôn nữ ở Duy Xuyên Quảng Nam cũng lém lỉnh ví von:
Thuyền rồng em chèo trên dòng Thủy Long
Ới anh ơi, đi đâu thanh vắng thong dong có một mình?
Ở xứ Quảng là gì có dòng sông này, chỉ có Vu Gia, Trường Giang, sông Hàn, cửa Đại v.v. thôi chứ? Ấy là một cách chơi chữ. Long là rồng. Đã thuyền rồng thì phải xuôi ngược trên dòng Thủy Long thì mới xứng “cặp đôi hoàn hảo”. Ngẫm nghĩ thế, chàng trai cất lên tiếng cười mà rằng:
Trăng thanh gió mát, anh nghe cái giọng hát hữu tình
Ới thục nữ ơi, lại đây anh hỏi có gia đình hay chưa?
Không biết về sau họ có nên duyên chồng vợ như uyên ương Bà Chúa Tằm Tang cùng chúa Nguyễn Phúc Lan hay không? Nhưng có một điều chắc chắn, hiện nay, lăng mộ của bà, gọi là lăng Vĩnh Diên tọa lạc tại Gò Cốc, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh. Gần đó, còn có lăng công chúa Ngọc Dung – con gái của bà và lăng của bà Mạc Thị Giai – vợ của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên. Hằng năm đến ngày 14.3 Âm lịch nhân dân và tộc họ quanh vùng thường làm lễ dâng hương và tưởng niệm công đức của bà và lăng mộ của bà đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích Văn hóa, lịch sử.
- Xem thêm: Tơ lụa Việt sau bước đầu hồi sinh
Đến nay “thương hiệu” tơ lụa Quảng Nam vẫn còn giữ một vị trí đáng kể trên thương trường. Có một điều không thể không tự hào, tại Sài Gòn khi nhắc đến địa danh Bảy Hiền (quận Tân Bình) lập tức người ta biết đây là làng dệt của người Quảng Nam, trong đó có người Duy Xuyên và nơi đó cũng còn giữ được nhiều thổ âm, thổ ngữ quê nhà. Cái làng dệt Bảy Hiền này nổi tiếng không kém gì Chợ Lớn – nơi tập trung hầu đông đúc người Hoa tại Sài Gòn.