Trước thập niên 1870, vải tím hoa cà vẫn là giấc mơ đối với người mặc. Thế nhưng chỉ bằng một lần thất bại trong “bài tập về nhà” tự nguyện để lấy lòng giáo sư của sinh viên hóa William Henry Perkin, 18 tuổi, sắc tím mỗi hoàng gia mới có mà dùng đã trở thành màu của vải vóc mọi nhà.
Mới 19 tuổi, Perkin đã bỏ học trường Đại học Hóa học Hoàng gia Anh danh tiếng lẫy lừng, nài nỉ xin cha cho tiền mở nhà máy, chuyên tâm vào nghiên cứu và thương mại hóa màu nhuộm tổng hợp của mình đồng thời mở ra cuộc cách mạng vải vóc thời trang thế giới.
William Henry Perkin (12.3.1838-14.7.1907) là nhà hóa học và doanh nhân Anh chào đời tại East End, phía Đông London. Vì sớm bộc lộ tài năng hóa học nên từ năm 15 tuổi, Perkin đã được Đại học Hóa học Hoàng gia của Vương quốc Anh nhận vào học.
Ưa được thầy yêu
Vào thời điểm Perkin theo học Đại học Hóa học Hoàng gia, hóa học vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Người ta chưa biết được bao nhiêu về các nguyên tố và hợp chất. Ngay cả nhà hóa học vĩ đại nhất lúc này là August Wilhelm von Hofmann (8.4.1818-5.5.1892), người Đức đồng thời là thầy hướng dẫn trực tiếp của Perkin, cũng chưa nghĩ tới việc có thể chế ra cái gọi là thuốc nhuộm hữu cơ tổng hợp để thay thế cho thuốc nhuộm tự nhiên vốn đắt đỏ và ít sắc trên thị trường.
Trong vai trò là một sinh viên ngành hóa, Perkin thường mày mò nghịch ngợm với đám hóa chất. Nhờ gia cảnh khá giả, anh có hẳn một phòng thí nghiệm trên tầng gác mái của nhà riêng ở Đông London. Vào khoảng tháng 3.1856, trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, để gây ấn tượng với giáo sư Hofmann, Perkin tự ý thử tổng hợp ký ninh (quinine), một loại thuốc dùng điều trị bệnh sốt rét.
Trước năm 1856, Hofmann từng đưa ra giả thuyết cho rằng có thể tổng hợp ký ninh từ các hóa chất, nhờ đó giảm giá thành loại dược liệu này. Vốn dĩ, thuốc ký ninh được chiết xuất từ vỏ cây canh ki na (cinchona). Từ xưa, người châu Âu đã biết bóc vỏ loại thảo dược này, phơi khô, tán thành bột sắc nước uống. Ít nhất là từ năm 1632 đã xuất hiện một thứ dung dịch gọi là dầu canh ki na (chiết xuất từ vỏ cây canh ki na) uống để chữa bệnh sốt rét. Tuy nhiên phải đến năm 1820, hóa học mới phân tích được trong vỏ cây canh ki na có chứa ký ninh (quinin), chất hạ sốt đặc biệt hiệu quả.
Vì chỉ có thể chiết xuất từ vỏ cây canh ki na tự nhiên nên thuốc ký ninh lúc này khá đắt. Là học trò kiêm trợ lý của giáo sư, Perkin nảy sinh ham muốn độc chiếm tình cảm. Anh tin rằng chỉ cần biến giả thuyết của thầy thành hiện thực là thế nào cũng được tin yêu. Thế nên thay vì chơi bời cho hết kỳ nghỉ lễ, thanh niên 18 cái xuân xanh này tình nguyện cắm đầu vào “bài tập về nhà” mà chẳng ai giao hay bắt ép.
Kỳ tích trong thất bại
Để khiến giáo sư bất ngờ, Perkin dĩ nhiên là chẳng báo trước tiếng nào. Anh bí mật mày mò pha pha trộn trộn trên tầng gác mái. Lúc này, hóa học cho rằng nhựa than đá (hắc ín) và ký ninh có cùng một cấu trúc nên Perkin cũng nghĩ chỉ cần dùng nhựa than là chế được ký ninh. Cả ngày, anh quanh đi quẩn lại với các hợp chất thơm có trong nhựa than (aniline, p-toluidine, o-toluidine) và kali dicromat, thêm cái này bớt cái kia, trộn cái nọ hòa tan cái khác… rồi háo hức trông chờ sự biến đổi. Thế nhưng thay vì chuyển hóa thành thứ chất lỏng không màu như thuốc ký ninh, các “thành phẩm” trong mớ ống thí nghiệm của Perkin vẫn đặc quánh một màu đen bóng.
Chán nản, Perkin đem ống thí nghiệm đi đổ và lấy rượu ra cọ rửa. Song cái cục “thành phẩm” đen thui ấy lại đột ngột ánh lên sắc tím kỳ diệu. Nó thậm chí càng sống động khi thấm vào mảnh vải và có giặt giũ thô bạo thế nào cũng không bị phai. Chỉ đơn giản như thế, thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên chào đời. Perkin sẽ chẳng đời nào tạo ra được ký ninh từ nhựa than, nhưng đã khai sinh ra thứ hàng vạn người mơ ước chính từ thất bại đầy may mắn vô cùng ngẫu nhiên ấy.
Trước Perkin, tất cả các loại thuốc nhuộm vải đều có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật hoặc động vật. Màu tím tuy có nhưng đặc biệt cao sang, quý giá, chỉ được dùng bởi giới vương tôn quý tộc. Nếu có hứng thú với phim ảnh cổ trang phương Tây, bạn chắc chắn biết màu tím còn là sắc màu đại diện của hoàng gia. Từ La Mã cổ đại siêu cường đến Vương quốc Anh đều coi sắc tím như màu quyền quý. Người ta tôn sùng nó đến nỗi nếu thường dân mà dám khoác lên mình trang phục tím sẽ bị chém đầu vì tội khi quân phạm thượng.
Sở dĩ như vậy là vì để chế được màu tím cần vô vàn công sức và tiền của. Cả thế giới mới có đúng một nơi hội tụ đủ điều kiện điều chế sắc tím tự nhiên là vùng Tyre (Lebanon ngày nay). Ở đây sinh tồn loài ốc biển Murex tiết ra thứ chất nhầy có thể dùng để làm thuốc nhuộm. Song để thu được chất nhầy này, người ta buộc phải chọn một trong hai cách: ép con ốc phun chất nhầy ra hoặc nghiền vụn chúng.
Cách thứ nhất quá tốn kém thời gian và nhân công nên sớm bị bỏ. Cách thứ hai tuy nhanh nhưng cần đến cả 12.000 con mới thu được gần 1,4g thuốc nhuộm tự nhiên nguyên chất vừa đủ lên màu cho đúng 1 cái áo. Chưa kể nếu thợ nhuộm làm sai dù chỉ một bước trong cả mớ công đoạn, mọi nỗ lực đều thành ra đi tong.
Bỏ học, lập nghiệp riêng
Perkin tuy không thuộc dòng dõi hoàng gia nhưng cũng là con nhà khá giả. Anh dĩ nhiên biết rõ màu tím đáng giá và được mê cuồng cỡ nào. Ở thế kỷ XIX, khi cách mạng công nghiệp lên đến đỉnh cao đem theo sự giàu có, các quý cô quý bà thượng lưu không tiếc tiền bạc tậu cho mình những bộ cánh hào nhoáng, đặc biệt khát thèm những thước vải màu tím kiêu sa.
Cũng trong thời gian này, cuộc cách mạng công nghiệp đã vào giai đoạn hậu, sẵn sàng đưa bất cứ phát minh nào áp dụng vào thực tiễn. Cứ như thể được thần tài chọn, Perkin có cả vận may lẫn thời điểm tiến hành hoàn hảo nhất. Anh quên bénh mất mục tiêu tình thầy trò thân thiết với giáo sư, tự đi đăng ký lấy bằng sáng chế vào tháng 8.1856. Tính từ lúc Perkin bắt đầu nghịch ngợm với mớ hỗn hợp chất thơm có trong hắc ín đến lúc này mới tròn 5 tháng. Anh vẫn là thanh niên 18 tuổi phơi phới xuân tươi, đầy sáng tạo và liều lĩnh.
Mùa hè năm 1857, Hoàng hậu Eugénie của Pháp thướt tha trong lễ hội với chiếc váy lụa duyên dáng màu hoa cà và chiếc mũ đội đầu được gắn một chùm hoa vải tím sẫm tỉa tót như bó bông tử đinh hương trang đài. Toàn thành phố Paris như muốn nổ tung bởi màu tím kiêu sa ấy. Nắm bắt được thị hiếu, Perkin vừa bước sang tuổi 19 liền nghỉ học, về nhà nài nỉ cha cho tiền mở nhà máy sản xuất màu nhuộm tổng hợp để hiện thực hóa màu tím nhân tạo của mình.
Nhờ cha và cả 6 anh chị (Perkin là con út) dốc lòng tin tưởng, ủng hộ, anh đủ vốn xây nhà máy, giới thiệu thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên ra thị trường. Vì chỉ cần nhựa than vốn rẻ bèo (phương Tây rất giàu than đá), Perkin nhanh chóng khiến màu tím cao sang, đắt đỏ trở nên bình dân và phổ biến.
Lần đầu tiên trong lịch sử, ngay cả một cô gái nghèo cũng đủ khả năng tài chính để diện chiếc áo ngắn màu tím hay bộ váy kiêu sa cùng màu. Thuốc nhuộm của Perkin giải quyết được cả 2 vấn đề nan giải của ngành nhuộm: chi phí và sự bền bỉ. Nó đã rẻ, lại không bị phai màu khi tiếp xúc với ánh sáng hay giặt giũ nhiều lần. Thế nên bất cứ ai cũng có thể mua nhuộm mà không cần phải lo lắng về giá cả.
Chẳng bao lâu, sắc tím nhân tạo của Perkin đã tràn ngập, nở rộ đến mức gây ra sự bùng nổ lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến cả xu hướng thời trang. Người ta không ngớt ngợi ca ông như nhân vật “cách mạng hóa thời trang thế giới”. Với nhà máy riêng và tiền bạc đổ về ào ạt, Perkin tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu hóa học hữu cơ, khám phá và đưa ra thị trường các sắc màu nhuộm mới. Ngoại trừ sắc tím cao sang, ông còn khiến toàn phương Tây phát cuồng bởi màu đỏ rực rỡ, đẹp mê hồn.
Tiếc là sang thập kỷ 1880, Đức nhanh chóng soán ngôi Anh để trở thành trung tâm công nghiệp hóa chất ở châu Âu. Qua thập niên 1890, họ đã hùng mạnh và độc quyền đến mức đủ để ép Perkin phải bán toàn bộ cổ phần và về hưu sớm. Dẫu vậy, ông vẫn được hậu thế ghi nhớ như ông tổ của ngành nhuộm.