Với mong muốn tìm hiểu về những làng nghề truyền thống ở Huế, chúng tôi tìm về làng gốm Phước Tích – một ngôi làng cổ nổi tiếng về nghề gốm đã được hình thành từ cách nay 500 năm thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua khỏi đường quốc lộ đến địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, chúng tôi dọc theo dòng sông Ô Lâu hiền hoà và rẽ vào làng gốm Phước Tích trên con đường lát gạch sạch sẽ và thoáng đãng. Cảm giác thanh bình của làng quê len nhẹ vào tâm tưởng, chúng tôi thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh trí độc đáo của một ngôi làng còn mang đậm nét hương xưa Bắc Trung Bộ với những đình, chùa, miếu cổ kính, rêu phong.
Làng gốm Phước Tích đã được nhà nước công nhận và trao bằng Di tích Quốc gia làng cổ ngày 13-6-2009. Việc thông thương của Phước Tích xưa chủ yếu bằng đường thuỷ, thuyền bè qua lại tiện cho việc mua bán trao đổi gốm và nguyên vật liệu để làm gốm. Đến nay, trải qua bao biến thiên của cuộc đời nghề gốm Phước Tích mặc dù đã dần dần không còn hưng thịnh như xưa, nhưng vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với nghề gốm và hàng ngày miệt mài sản xuất đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân vẫn đang hàng ngày cần đến những vật dụng thân quen của gốm Phước Tích.
Qua sự giới thiệu của người bạn, tôi tìm gặp nghệ nhân Lê Trọng Diễn – một người tâm huyết với nghề gốm từ bao đời nay và là chủ nhân của ngôi nhà cổ hiện đang được làm nhà trưng bày gốm cổ “có một không hai”:
“Ngôi nhà được xây năm 1908. Tổng thể công trình gồm cổng, ngõ, sân hàng rào chè tàu, bình phong, nhà chính. Ngôi nhà được dựng theo lối nhà rường truyền thống một gian hai chái lớn (nhà vuông). Bộ khung kết cấu kiểu sáu hàng chân, vi mái kiểu vi kèo truyền thống ở Huế.
Tại gian giữa vẫn còn giữ được rầm thượng. Các tiết chạm trổ tập trung ở đầu kèo. Tai trến, đòn tay trước với những hoa văn đầu rồng, con dơi, hình cỏ cây, hoa lá… Hệ thống liên ba chạy dọc theo không gian của ngôi nhà được trang trí bằng những ô học hình vuông, hình chữ nhật và được soi chỉ. Mặc dù trải qua một số lần trùng tu nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nguyên bản ngôi nhà rường truyền thống. Tại ngôi nhà, gia chủ đã sưu tập được nhiều sản phẩm gốm truyền thống của Phước Tích qua các thời kì cũng như những kỹ thuật làm gốm cổ để giới thiệu cho du khách”.
- Xem thêm: Tình yêu gốm Việt của một người Nhật
Nhắc đến thời vàng son của làng gốm Phước Tích, bác Diễn cho biết: Cụ thể nhất, gốm Phước Tích được làm từ năm 1470 thời Hồng Đức và đến năm 2006 thì gốm Phước Tích được chuyển qua làm thêm loại gốm trang trí, tức là loại gốm thời hiện đại. Ngày xưa ở làng này, nhà nhà làm gốm, người người làm gốm, người dân chủ yếu lấy nghề gốm này làm kế sanh nhai. Đến nay, do những thay đổi trong nhu cầu sử dụng mà nghề gốm đã có những sự đổi thay trong mẫu mã. Tuy nhiên, bác Diễn là người duy nhất còn giữ lại hầu như nguyên vẹn và đầy đủ những sản phẩm gốm cổ truyền của Phước Tích.
Những người lớn tuổi trong làng kể lại rằng, những ngày đất nước trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, người dân vì muốn bảo vệ những sản phẩm gốm, sợ nghề gốm thất truyền nên họ bí mật chôn gốm dưới đất, đến lúc đất nước thanh bình mới đào lên. Bác Diễn cho biết thêm: Gốm Phước Tích cổ truyền có một nét riêng biệt, đó là cả hàng triệu sản phẩm màu sắc không có cái nào giống cái nào cả, bởi vì thứ nhất là do chất đất và thứ nhì đó là lò nung bằng thủ công (lò gạch, đốt bằng củi).
Nói đoạn, bác lấy những cái chén xếp chồng lên nhau, thấy tôi ngạc nhiên nhận thấy nó không khớp nhau trong một vòng tròn, bác cười và giải thích đó là vì khi đưa vào lò nung, nhiệt độ trong quá trình đun sẽ cao khiến cho sản phẩm có sự đàn hồi. Nói xong bác gõ nhẹ lên những sản phẩm, tôi nghe những tiếng kêu rất thanh, bác lại nhẹ nhàng giải thích cho tôi hay đó là nét riêng biệt của gốm Phước Tích, là một trong những dấu hiệu để phân biệt gốm Phước Tích với những dòng gốm ở những nơi khác. Và để làm ra được một mẻ gốm như thế này người thợ phải thức ròng rã nung lò suốt 3 ngày 3 đêm.
Khi thấy tôi mê mẩn ngắm cái om đất nhỏ bác để riêng trong một tủ kính với một cái nồi bằng đồng, bác cười và cho tôi biết một câu chuyện khá thú vị: Cái om đất này được gọi là “om ngự”, sở dĩ có tên gọi này là suốt từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Khải Định, hàng tháng người dân làng đều phải nộp dâng lên vua 30 chiếc nồi như thế này, các đầu bếp của vua sẽ nấu cơm bằng chiếc nồi đất sét nung của làng Phước Tích, nồi có kích thước vừa đủ lượng cơm cho vua ăn nên chỉ nhỏ vừa đủ thôi, mỗi khi vua ăn xong là chiếc nồi đó không còn sử dụng cho lần sau nữa.
- Xem thêm: Bình nuôi đỉa, kiệt tác gốm một thời
Cũng cần nói thêm rằng những sản phẩm gốm Phước Tích cổ truyền không bao giờ tráng men, chỉ làm từ đất sét nung lên mà thành. Không như chiếc nồi bằng đồng cạnh bên khi ta sử dụng để nấu thức ăn sẽ hình thành độc tố, riêng nồi bằng đất nung khi nấu lên đặc biệt nếu cơm cháy khi đó cơm cháy sẽ là một vị thuốc tốt cho cơ thể, do vậy nên sản phẩm gốm nơi đây được các đời vua sử dụng là vì thế.
Ngày nay, người Huế vẫn còn nhớ câu: “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”, để hiểu rằng gốm Phước Tích từ xa xưa đã là một dòng sản phẩm có uy tín được tin dùng như thế nào.
Cùng với những chum, ghè, om, hũ, chén, bình vôi, ống đựng đũa…, tôi còn rất đỗi thú vị khi bác Diễn giới thiệu một sản phẩm bé tí dành cho tuổi thơ đó là con tu huýt. Nó có hình một chú chim nhỏ và có ba cái lỗ chung quanh để khi ta thổi vào thì sẽ tạo ra âm thanh. Tôi nghe lời bác kê miệng vào thổi thử thì nghe những tiếng kêu vang rất vui tai.
Tôi như thấy cả một vùng tuổi thơ hồn nhiên trong đó, lòng xúc động nghĩ đến những trò chơi dân gian của tuổi thơ ngày xưa. Thấy tôi tần ngần, bác tinh ý liền nhân hậu đem tặng tôi một con. Tôi mừng rỡ quá đỗi và xúc động khi bác nói thứ gì có thể lẫn lộn chứ con tu huýt ni chỉ duy nhất làng Phước Tích mới có, nên mỗi lần nhìn con tu huýt con sẽ nhớ đến tên làng Phước Tích! Tôi nhìn bác mà niềm vui nghe cứ rưng rưng như mình trở lại thời lên năm lên mười.
Sau một thời gian khá khiêm tốn trên thị trường, gốm Phước Tích được giới thiệu phổ biến trở lại vào kỳ Festival Huế trong chương trình “Hương xưa làng cổ”, nhưng do những sản phẩm nhập từ khắp nơi cạnh tranh nên làng gốm Phước Tích vẫn chưa có sự phát triển nào đáng kể. Hiện giờ, chỉ còn duy nhất lò gốm của anh Lương Thanh Hiền cùng hai người thợ của mình hàng ngày còn theo đuổi miệt mài với nghề. Anh cho biết sản phẩm làm ra ngoài những vật dụng dùng trong gia đình thì những dòng sản phẩm mang tính hiện đại cũng được anh sáng tạo thêm.
Những người trẻ ngày nay ít người muốn nối nghề vì nghề gốm vất vả, thu nhập không bao nhiêu lại đòi hỏi phải có sự sáng tạo không ngừng, cho nên thanh niên trong làng giờ toàn kiếm những công việc khác, còn người già giờ đây chỉ khi nào diễn ra các hoạt động quảng bá làng nghề các cụ mới ra làm để tái hiện lại nghề xưa cho du khách tìm hiểu hoặc nhiều lúc nhớ nghề họ ra làm phụ giúp cho vui một thời gian thôi.
Trước đây, cả làng có khoảng 13 lò quanh năm đỏ lửa nhưng bây giờ chỉ còn duy nhất lò anh Hiền còn duy trì hoạt động. Tuy nhiên, theo như tôi nhận thấy có những sản phẩm dường như có phần na ná giống những sản phẩm của gốm Bát Tràng. Trước những thắc mắc của tôi, bác Diễn giải thích có một thời gian sản phẩm gốm Phước Tích bị mai một, do đau đáu muốn vực dậy một làng nghề mà có những nghệ nhân đã ra Bát Tràng (Hà Nội) học hỏi thêm kinh nghiệm để về khôi phục làng nghề. Do đó, những sản phẩm gốm của làng bây giờ có nhiều nét hoà lẫn với gốm Bát Tràng là vì vậy. Nên buồn hay vui?
- Xem thêm: Tôn vinh gốm Thanh Hà
Riêng tôi, tôi chỉ đắm đuối khi ngắm những sản phẩm gốm cổ truyền bên nhà bác Diễn, ở đó tôi cảm nhận một cái gì riêng biệt của gốm Phước Tích, mộc mạc của những vật dụng cần sự giản dị, nhưng vẫn không kém sự sang trọng kiêu kì của kiểu dáng, màu sắc. Những đồ vật đó càng có giá trị hơn qua bộ sưu tập hầu như quá đầy đủ của bác Lê Trọng Diễn. Những sản phẩm in đậm dấu ấn màu thời gian, mỗi sản phẩm đã là hồn cốt của một làng nghề nức tiếng bao đời.
Thấy tôi dừng lại trước những tấm hình gia đình ghi lại trong lúc làm gốm, bác Diễn tự hào khoe 2 cháu bé đang làm gốm là cháu nội của bác, tôi thầm nghĩ đến câu “Tre già măng mọc” và nói ra câu ấy, bác tâm sự đó là niềm trăn trở lớn của bác bây giờ. Giọng bác như muốn khẳng định một điều chắc nịch rằng: bác sẽ tận dụng những ngày còn lại của bác để truyền nghề, truyền lửa cho con cháu nối dõi cơ nghiệp mai này. Nhìn ánh mắt đầy đam mê của bác khi nói về những sản phẩm gốm và đôi bàn tay thoăn thoắt của một tay thợ lành nghề, bất giác tôi như cũng được bác truyền một ngọn lửa đam mê, đam mê những sản phẩm gốm, đam mê với mùi nồng nã của đất sét, của lò sấp lò ngửa, của đống củi chất cao cạnh lò…
Tạm biệt làng cổ Phước Tích, tạm biệt dòng sông Ô Lâu hiền hoà ôm trọn làng gốm và những con người thuần hậu nơi đây, tôi trở về cùng những món quà tặng quý giá trong đó có con tu huýt tuổi thơ tôi thương, tôi trăn trở về những điều bác Diễn tâm sự, thầm mong sao một làng nghề mang đậm tính cách truyền thống Huế sẽ không bị mai một. Và trong giấc mơ đêm qua của tôi là những lò sấp, lò ngửa của làng Phước Tích hừng hực cháy, là những sản phẩm gốm của Phước Tích lan tỏa có mặt trên khắp mọi miền. Và tôi tin câu tuyên bố chắc nịch của bác Diễn khi tiễn tôi ra ngang hàng chè tàu: “Chừng nào làng Phước Tích còn thì nghề gốm còn, nghề gốm còn thì làng Phước Tích còn!”.