Giữa tháng Tư vừa qua, tại thư viện và bảo tàng mang tên George W. Bush ở Dallas (Texas), cựu tổng thống Mỹ George Bush đã có cuộc triển lãm tranh với chủ đề “Nghệ thuật lãnh đạo” (The Art of Leadership), một sự kiện được dư luận báo chí Mỹ khá chú ý.
Trước đó, vào tháng 2-2014 tờ Time đã thông tin về cuộc triển lãm dự tính được tổ chức với “hơn hai chục bức tranh chân dung chưa từng công bố” – đó là những nguyên thủ quốc gia, hầu hết đều tại vị cùng thời gian với ông Bush, được ông vẽ từ tháng 11-2013 như thông tin của tờ New York Times. Có thể kể: quốc vương Abdullah của Ả Rập Saudi, thủ tướng Ehud Olmert của Israel, thủ tướng Tony Blair của nước Anh, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, bà Vaira Vike-Freiberga, nữ tổng thống đầu tiên của Latvia, nữ tổng thống Liberia – bà Ellen Johnson Sirleaf, tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan, tổng thống Paul Kagame của xứ Rwanda… và không thể thiếu chân dung tổng thống Putin của nước Nga.
Chân dung đẹp và không đẹp
Khi phóng viên của tờ Time hỏi ông Bush có dự liệu được thái độ của người xem đối với cuộc triển lãm, “họa sĩ mới vào nghề” tự tin cho rằng tài năng của ông trong lĩnh vực mới mẻ này sẽ gây ngạc nhiên cho công chúng. Tuy nhiên, trước và sau khi triển lãm mở cửa, nhiều cây bút chuyên bình luận mỹ thuật đã không ca ngợi tài năng đó. Jerry Saltz của tờ New York Times cho rằng kỹ thuật vẽ của ông Bush vay mượn người này một ít, người kia một ít. Scott Indrisek của tạp chí nghệ thuật online Blouin Artinfo nhận định: “Vài bức cực kỳ kinh dị, giống như thể ông Bush vụt họ bay khỏi sân golf bằng một cú gậy”, chẳng hạn các chân dung tổng thống Rwanda Paul Kagame hay vua Abdullah của Ả Rập Saudi. Nhưng cũng có những bức khá đẹp như chân dung nữ tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga, thủ tướng Anh Tony Blair và nhất là chân dung cựu tổng thống Vaclav Havel của Cộng hòa Czech, bức chân dung mà theo Scott Indrisek là đẹp nhất tại triển lãm.
Ông Bush dù có tiết lộ thông tin về triển lãm với tờ Time và New York Times nhưng đã giữ bí mật rất kỹ những bức tranh để chúng sẽ “gây kinh ngạc” cho người xem. Thế nhưng, một hacker đã xâm nhập được vào địa chỉ email của vị cựu tổng thống, tung lên mạng một số bức, gồm cả hai bức chân dung tự họa của ông, trong đó có một bức khá riêng tư, vẽ ông đang ngồi trong bồn tắm, tất nhiên là trong trạng thái… khỏa thân. Vụ việc đã khiến ông Bush rất “bực bội” và cho rằng đó là một vụ “xâm phạm đời tư cá nhân” khiến ông bị sốc.
Trước khi vẽ chân dung người, ông Bush đã vẽ khá nhiều tranh tĩnh vật và các thú cưng của ông, đặc biệt là con chó Barney. Họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung Austin Lee nhận định: “Tôi cho rằng ông Bush vẽ những chú khuyển đẹp hơn vẽ chân dung người. Tôi thật sự thích bức tranh ông vẽ chú chó Barney. Có lẽ ông yêu con chó ấy lắm”.
Ông Bush không phải “họa sĩ tổng thống” đầu tiên
Trong lịch sử các đời tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông Ulysses S. Grant – tổng thống thứ 18 đã chứng tỏ năng lực hội họa của mình khi tham dự một lớp học vẽ tại Trường võ bị West Point và học vẽ với họa sĩ Robert Walter Weir, người sau này là thầy dạy vẽ cho James McNeill Whistler, một tên tuổi lớn của hội họa Mỹ. Tổng thống Dwight D. Eisenhower cũng từng theo học một lớp vẽ tranh khi đang giữ cương vị Chủ tịch Đại học Columbia.
Ông Eisenhower được bác sĩ khuyên nên vẽ tranh để giảm áp lực công việc và ông có một tấm gương là thủ tướng Anh Winston Churchill, một họa sĩ nghiệp dư có nghề. Tuy nhiên, vị tổng thống thứ 34 của nước Mỹ chỉ coi chuyện vẽ tranh là một thú vui. Năm 1967, khi ông Eisenhower triển lãm tranh thì chính ông đã nói với một phóng viên: “Nếu tôi không phải là tổng thống Mỹ thì chắc chắn là họ (người tổ chức triển lãm hay chủ gallery) đã đốt sạch mớ tranh này lâu rồi!”. Với “họa sĩ mới vào nghề” George Bush, dù ông không làm ai “ngạc nhiên” với phòng tranh của mình thì chuyện vẽ tranh của ông cũng đơn thuần là thú vui của một chính khách ở cuối đời.
- Lê Bản