Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện phải cần tới 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị từ tháng 12-2018 đến tháng 2-2019.
Đây cũng là thời điểm bệnh viện gặp nhiều khó khăn về việc huy động nguồn người hiến máu. Để chủ động khắc phục tình trạng này từ sớm, bệnh viện khẩn thiết kêu gọi cộng đồng hiến máu tiếp sức người bệnh, đặc biệt là nhóm máu khan hiếm như máu nhóm O.
Nhóm máu O chiếm đến 45% dân số Việt Nam. Trung bình cứ 2 bệnh nhân cần truyền máu thì có 1 bệnh nhân nhóm máu O. Mỗi ngày, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cần 700 đơn vị máu nhóm O để cung cấp cho các bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Trước tình hình đó, nhiều chương trình kêu gọi hiến máu vẫn đang diễn ra khắp cả nước. Hiến máu không chỉ giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng mỗi năm, hành động này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe không ngờ cho chính người hiến máu.
Máu chảy tốt hơn
Theo tiến sĩ Phillip DeChristopher, Giám đốc Ngân hàng máu của Đại học Y Loyola, nếu máu có độ nhớt cao hoặc khó chảy, nó sẽ chảy rất chậm. Hiến máu nhiều lần có thể giúp lưu lượng máu chảy dễ dàng hơn, ít gây tổn hại đến niêm mạc của mạch máu, ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch.
Ngoài ra, hoạt động này cũng giúp sản sinh ra lượng máu mới, đồng thời các thành phần trong máu sẽ được trẻ hóa, có sức đề kháng, chống bệnh tật mạnh hơn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Theo Health, hiến máu thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng sắt trong cơ thể, đặc biệt với nam giới. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Đốt cháy lượng calo
Mỗi lần hiến máu sẽ tiêu hao 650 calo. Điều này giúp bạn kiểm soát được cân nặng của mình. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể hiến máu an toàn khi mỗi lần hiến máu cách nhau 2-3 tháng và không được nhiều hơn.
Giảm nguy cơ ung thư
Nồng độ sắt cao trong cơ thể dễ gây ra ung thư. Về mặt lý thuyết, hiến máu thường xuyên có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư như gan, phổi, đại tràng, dạ dày và ung thư vòm họng.
Được kiểm tra sức khỏe miễn phí
Trước khi hiến máu, bạn sẽ phải trải qua một loạt hoạt động kiểm tra sức khỏe như đo nhiệt độ, huyết áp và nồng độ hemoglobin. Sau khi hiến máu, các bác sĩ sẽ kiểm tra lượng máu đó có nhiễm virus, HIV hay các bệnh truyền nhiễm khác hay không.
điểm mới của Thông tư 20/2018/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 30/08/2018 chính thức có hiệu lực từ 1-11-2018. Thông tư này sửa đổi Thông tư 05/2017/TT-BYT ngày 14-4-2017 quy định về giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.
Theo đó, người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật (như hiện nay) hoặc bằng các dịch vụ khám, chữa bệnh có giá trị như sau:
– Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;
– Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;
– Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.
Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật (như hiện nay) hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị như sau:
– Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 150.000 đồng;
– Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 200.000 đồng;
– Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 250.000 đồng.
Thông tư cũng quy định rõ, trường hợp chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.