Jeff Bezos – “cha đẻ” của tập đoàn thương mại điện tử Amazon.com Inc sẽ còn được nhắc đến nhiều nhờ sự nhiệt tâm phục vụ người tiêu dùng khắp thế giới trên hành trình đưa Amazon trở thành doanh nghiệp khó lật đổ.
Nhu cầu tiêu dùng là niềm tin và cũng là điểm tựa trong mọi kế hoạch kinh doanh của tập đoàn này.
Nổi tiếng với phương châm “cán cân của sức mạnh nghiêng về phía người tiêu dùng”, Jeff Bezos đã hiện thực hóa hướng đi của mình đối với Amazon, biến doanh nghiệp trở thành một chiếc kiềng nhiều chân vững chãi.
Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy ở Amazon là liên tục điều chỉnh mô hình hoạt động để phù hợp dòng chảy cuộc sống.
- Xem thêm: Jeff Bezos – Cuộc đời là sự lựa chọn
Trung tuần tháng 2/2019, Rivian – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông báo nhận khoản đầu tư trị giá 700 triệu USD từ Amazon không lâu sau khi Amazon bơm tiền vào Aurora Innovation, doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ xe tự lái do các kỹ sư trước đây của Google, Tesla và Uber sáng lập.
Amazon ngày 6/3 cũng đã công bố kế hoạch mở rộng chuỗi hiệu sách Amazon Books và cửa hàng Amazon 4 sao; đồng thời ngừng chương trình cửa hàng thực địa (pop-up stores) tại Mỹ vốn được triển khai từ năm 2014.
Trước đó, Amazon công bố kế hoạch mở hàng chục cửa hàng tạp hóa tại các thành phố của Mỹ, tiến thêm một bước sau việc mua lại Whole Food – chuỗi siêu thị chuyên cung cấp các thực phẩm hữu cơ vào năm 2017.
Về mô hình kinh doanh, không thể bỏ qua việc Amazon triển khai hệ thống cửa hàng tạp hóa tự động Amazon Go vận hành hoàn toàn bằng máy móc không cần người bán hàng và hướng đến mục tiêu tới năm 2020 sẽ mở 3.000 cửa hàng tiện lợi, tự động kiểu này trên toàn nước Mỹ trong khoảng 3 năm tới.
Cửa hàng Amazon Go đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt đầu tháng trước vừa được khai trương tại New York, trong khi các cửa hàng Amazon Go còn lại chấp nhận thanh toán bằng phần mềm có liên kết với thẻ tín dụng hoặc tài khoản Amazon.
Mới nhất, Amazon thông báo một bước đi hiếm tập đoàn nào đủ tiềm lực để thực hiện nhằm tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển phát của Bưu điện Mỹ và FedEx.
Theo đó, Amazon tuyên bố trả cho nhân viên 10.000 USD để nghỉ việc và trở thành nhà vận chuyển hàng độc lập cho mình, nối tiếp chương trình “đối tác dịch vụ vận chuyển” lần đầu được Amazon triển khai vào năm 2018.
Amazon tiến bước dài vào ngành bán lẻ thực phẩm thế giới khi dẫn đầu trong số vốn 575 triệu USD rót vào Deliveroo – một trong những công ty giao đồ ăn trực tuyến của Anh, gióng lên hồi chuông báo động cho Just Eat, Uber Eats, Takeaway.com, Delivery Hero…
Amazon hiện sở hữu mạng lưới giao hàng không e ngại bất cứ đối thủ nào thông qua Prime delivery: giao hàng trong hai ngày, một ngày, trong cùng ngày, trong hai giờ…
Khởi đầu với ý tưởng thành lập Amazon như một cửa hàng sách trực tuyến khi đang là Phó Chủ tịch D.E. Shaw & Co., công ty tài chính tại Phố Wall, ông Bezos có lẽ khó lòng hình dung “con cưng” đến một ngày lớn mạnh như hôm nay.
Thành công này có được phần nào nhờ sức “đề kháng” mà Amazon tự tích lũy cho bản thân sau hàng loạt cú sốc thị trường trong đó có cả thời điểm bong bóng dotcom bùng nổ, niềm tin cùng đồng tiền nóng vội đổ vào những công ty công nghệ đổ vỡ.
Kết quả xếp hạng tổng hợp bởi WPP và Kantar ngày 14/5 cho thấy giá trị thương hiệu của Amazon đã tăng gần gấp đôi lên 316 tỷ USD, vượt con số 131 tỷ USD của Alibaba. Amazon đầu năm nay vươn lên trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên toàn thế giới xét về giá trị thị trường với 796,8 tỷ USD, cao hơn con số 784 tỷ USD của Microsoft.
Danh sách do Morning Consult công bố cho thấy Amazon với 261,9 điểm trở thành doanh nghiệp được yêu thích nhất tại Mỹ bởi tất cả nhóm tuổi và khu vực tại nước này. Lợi nhuận ròng trong quý I/2019 của Amazon đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.