“Kìa còn biết bao người/Dìu dặt tới quanh đây…”. Trịnh Công Sơn viết như thế trong một ca khúc rất dễ thương mang đầy tính triết lý của anh: “Ngẫu nhiên”.
Anh không viết “dập dìu”. Mà viết “dìu dặt”. Dập dìu thì đông đúc quá. Náo nhiệt quá. Ngựa xe như nước quá! Anh viết “dìu dặt”, bởi dìu dặt thì khoan thai, lúc gần lúc xa, lúc cao lúc thấp… Như tiếng sáo diều, như khúc dân ca, như khúc tình ca.
Phải rồi. Trịnh Công Sơn viết tình ca như người ta thở vậy. Tình gần, tình xa, tình quên, tình nhớ. Tình núi cao, tình vực sâu.
Tình “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” nhưng tình cũng có thể “một lần là trăm năm”. Anh vẫn miệt mài ru. Ru tình. Hết “ru em từng ngón xuân nồng” lại “ru ta ngậm ngùi”, hết “ru đời đi nhé” lại “ru đời đã mất”… Không chỉ ru cho mình. Mà ru cho mọi người.
Những người biết yêu, đã yêu, đang yêu, sẽ yêu không thể nào không “nhâm nhi” một chút gì đó câu hát của anh, dù lãng đãng nhớ quên.
Nói nhâm nhi bởi nó phải từ tốn, phải “chánh niệm”, phải ngấm, phải thấm, phải tiêu hóa, phải hấp thu. Nếu không vậy, không còn là nhạc Trịnh.
Kìa còn biết bao người/Dìu dặt đến quanh đây. Ở đó, dưới gốc cây đa già sum suê cành lá, chằng chịt rễ chính rễ phụ có một ngôi nhà mở, toang hoang, tuếch huếch, như tấm lòng rộng mở, bên dòng nước uốn quanh lên xuống đầy vơi như những cuộc tình.
- Xem thêm: Những người lãng mạn
Ở đó, tiếng nhạc đôi khi đột ngột, thanh thoát, dìu dặt bay ra từ những vòm cây, những bờ cỏ, những hốc đá… làm giật mình những bước chân qua! Ở đó, những cặp tình nhân dắt díu nhau nhẹ nhè như sợ giẫm lên tiếng hát của lòng mình.
Họ dắt díu dìu dặt đến quanh đây để làm gì ư? Để ghi lại những hình ảnh kỷ niệm ngày trọng đại của đời họ: ngày cưới!
Họ mong ngày cưới của họ được “chứng giám” bởi một người chưa từng có một cuộc hôn nhân nào cho riêng mình mà lại có tất cả của những cuộc tình, cho những cuộc tình, vì những cuộc tình.
Đó là nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới. Khu ốc đảo thơ mộng nhàn nhã của một thành phố nhộn nhịp. Nơi dìu dặt của một chốn dập dìu.
Ở đó, những cặp tình nhân đi giữa cái nắng Sài Gòn tháng Chạp, vừa đủ làm hanh đôi má hồng đào, đôi môi đốm lửa, quần là áo lượt, luộm thuộm, lếch thếch, phấp phới tung bay. Ở đó, chàng nhạc sĩ bồ tát của tình yêu kia hình như đã lo lắng bày biện sẵn một nơi nương náu cho cuộc tình của họ.
“Tôi xin làm mây bay
Trong vườn em mùa hạ
Tôi xin làm chút gió
Mát thêm những bờ vai…”
chỉ để rồi
“Tôi xin làm cây xa/Đứng nhìn em rực rỡ”…
Khi họ bước những bước khoan thai bên những bờ kỳ hoa dị thảo thì cũng đã hiểu chính chàng đã khổ công bao nhiêu, chắt chiu bao nhiêu vì họ:
“Tôi đi tìm quanh đây
Bao loài hoa cỏ lạ
Tôi mang về giữa phố
Cắm trên những đường đi…”.
Vì sao ư?
“Vì tôi cần thấy em yêu đời/Vì tôi cần thấy em yêu hoài”…
Yêu đời. Yêu hoài. Chàng nhạc sĩ chỉ muốn thế. Chỉ mong mọi người như thế. Vậy thì, không phải vô cớ mà người ta dìu dặt tới quanh đây! Như để nhắc nhở nhau. Như một ước hẹn. Một lời nguyền.
Đôi khi, cũng có những người không đôi không cặp, không là ngày cưới mà cũng tìm đến ngồi đâu đó, thì đã có chàng nhạc sĩ thì thầm: “Ru em ngồi yên nhé/Tôi tìm cuộc tình cho!”… Sài Gòn mùa cưới.
Lạ thiệt! Không hiểu sao cứ đến mùa này thì người ta lũ lượt cưới. Cứ y như tới mùa thì bướm bay từng đàn, tới mùa thì ếch kêu ỏm tỏi. Người ta cũng cưới nhau từng đàn, cưới nhau ỏm tỏi như vậy.
- Xem thêm: Cắt nghĩa Tình yêu?
Mới đầu chỉ đôi cặp, chán cái cảnh chụp hình lưu niệm như một công nghệ sản xuất theo kiểu dây chuyền hàng loạt, chán cái cảnh studio kỹ thuật cầu kỳ, với những động tác lãng mạn rẻ tiền mòn mỏi… đã “dìu dặt tới quanh đây”.
Rồi mười đồn trăm, trăm đồn ngàn. Tôi đâm lo rồi đây sẽ chẳng còn một chốn nào cho dìu dặt nữa mà chỉ còn những nơi dập dìu mất thôi! Mà như vậy, chẳng tiếc lắm ru?
Hẹn thư sau. Thân mến.