Nơi sông Hồng đổ ra Biển Đông có nhiều câu chuyện đẹp và ly kỳ như huyền thoại. Có người truyền miệng rằng cái tên cửa Ba Lạt bắt nguồn từ chính những xác người chết đói năm 1945 không được chôn cất, phải cột ba mối lạt tre thả trôi sông Hồng để ra nấm mồ lớn ở Biển Đông. Nhiều người khác lại kể tên Ba Lạt phát xuất từ xa xưa khi cửa sông còn phân làm ba nhánh nhỏ chứ không chỉ một như bây giờ. Còn một số sử liệu lại ghi rằng Ba Lạt chính là tên làng xưa.
Cửa Ba Lạt trong sương khói chiều xuân
Nơi sông Hồng chảy vào Biển Đông
Từ Phố Hiến, Hưng Yên, tôi xuôi sông Hồng qua Hà Nam, Nam Định để tìm đến cửa Ba Lạt. Trên dải đất tơi xốp phù sa, đồng lúa đã gặt, trơ những gốc rạ khẳng khiu trong ánh nắng vàng vọt cuối ngày. Dọc đường đê ven sông, mấy chiếc máy tuốt đang gặt nốt những bó lúa cấy muộn. Rơm rạ bay mù mịt lên cao rồi lả tả trải vàng trên mặt đê. Hương lúa ngòn ngọt lẫn trong mùi bùn phù sa ngái nồng. Mặt trời đỏối khuất dần sau lũy tre bên kia sông. Trong tiếng chuông nhà thờ cổ Giao Thiện văng vẳng gọi buổi lễ lẫn tiếng chim chiều chao chát về tổ. Tôi đi dọc bờ đê về cuối sông mà mắt cứ nhòe mờ vì khói đốt đồng…
Một ngôi nhà cổ bên bờ sông Hồng
Đoạn cuối sông Hồng này xuôi trên dải đất mới giữa hai huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Tiền Hải, Thái Bình. Tôi được nghe chuyện kể truyền lưu qua ký ức của bao đời người già địa phương rằng các vỏ sò, vỏ hến cổ đã được tìm thấy từ sâu trong nội đồng bây giờ. Có lẽ, cửa Ba Lạt của sông Hồng xa xưa không chảy ra Biển Đông tại vị trí hiện nay. Nó có thể phải nằm sâu đâu đó trong nội đồng Thái Bình, Nam Định. Và theo thời gian, cửa sông lấn dần ra biển cùng với sự kiến tạo đất mới của vùng duyên hải này. Cách đây gần một thế kỷ, nhà nghiên cứu Pierre Gourou, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, đi khảo sát thực địa và tính toán bãi cửa sông Hồng phía bên Nam Định đã lấn ra biển gần 1km chỉ từ 1895. Còn bên kia cửa sông Hồng ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, một bản đồ in năm 1901 cho thấy biển lùi ra gần hai kilômét. Thời điểm Pierre Gourou nghiên cứu, tuy vùng đất mới được bồi đắp ở cửa sông Hồng này còn là cồn bãi sình lầy chứ chưa phải là đồng bằng, nhưng đã lưa thưa có người ra lập làng, mưu sinh bằng nghề biển. Cuốn Nam Định địa chí cũng chép rằng chỉ bên mạn sông Hồng ở tỉnh này đã được bồi đắp khoảng 90ha đất mới mỗi năm.
Nuôi nghêu trên bãi sông Hồng
Tối đầu tiên ở cửa Ba Lạt, tôi dừng chân tại nhà khách Vườn quốc gia Giao Thủy. Trăng trung tuần sáng vằng vặc. Khí trời lành lạnh, ngái nồng mùi bùn nước lợ cửa biển. Tôi không ngủ được, cùng người bạn mới quen ra bờ sông Hồng chơi. Con đường đất nhỏ từ nhà khách vườn quốc gia ra đồn biên phòng 84 ven sông thật bình yên. Những ngôi nhà dân lưa thưa đã tắt đèn ngủ sớm trên cánh đồng ngập ngụa trong ánh trăng ướt đẫm.
Bên bờ sông, đồn biên phòng còn hắt ánh đèn. Mấy anh lính trấn thủ ngồi nhìn mặt nước loang loáng ánh bạc và tán gẫu để quên nỗi nhớ nhà. Sông Hồng về đến đây tuy không còn thoải dốc như đoạn sơn cước Yên Bái, Lào Cai trên thượng nguồn ở đất Việt, nhưng sức chảy của dòng nước vẫn còn rất mạnh. Dưới ánh trăng, có thể thấy mờ mờ những cây củi đã lìa khỏi núi rừng biên viễn nào đó trên cao để trôi như lao ra biển. Thoáng chạnh lòng, tôi ghen tỵ với những khúc củi tự do phiêu du này. Có lẽ, chính chúng mới thấu cảm đến tận cùng dòng nước sông Hồng trầm đục phù sa, chứ không phải là một lữ khách phương Nam cô đơn như tôi.
Từ bờ đê ở xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, đoạn sông này khá thẳng thớm dù sức nước vẫn làm đôi bờ bị sạt lở nặng. Ngay sát đồn biên phòng, những nền nhà, ao hồ xây kiên cốở ngoài đê đã phải bỏ hoang vì sông lở. Thiếu úy Ngô Xuân Nam tâm sự vùng này có cả đê biển lẫn đê sông được đắp khá kiên cố, nhưng mỗi mùa mưa đến là người dân lại ăn không ngon ngủ không yên vì lo sợ sự tranh giành đất đai của hà bá.
Người ta đã nghiên cứu rằng phải cần đến hàng triệu năm, bà mẹ thiên nhiên mới kiến tạo được sông Hồng và hệ thống đồng bằng châu thổ của nó. Nhưng chỉ trong khoảng 1.000 năm, từ khi lịch sử ghi chép triều đại nhà Lý ở thế kỷ XI manh nha be đắp bờ sông Hồng thì cũng có nghĩa là dòng sông tự nhiên này cũng bắt đầu thay đổi. Các triều đại thịnh, suy của nước Việt nối tiếp nhau từng bước trị thủy sông Hồng để bảo vệ kinh thành Thăng Long và các xóm làng, ruộng đồng châu thổ. Hàng thế kỷ trôi qua, những bờ đất nhỏ bé chưa liền lạc ở bờ sông kinh đô đã dần dần lớn lên, dài dọc thành con đê. Và thế là, nước sông Hồng không còn được hoàn toàn tự do dâng tràn đồng vào mùa mưa lũ như bao ngàn năm trước. Thuở đầu công cuộc trị thủy này, sự thay đổi của dòng sông còn diễn biến chậm. Từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn cuối, dòng sông đã đổi thay mang tính đột biến cùng với ý chí và khả năng can thiệp của con người. Ngay cư dân ở cửa Ba Lạt cũng có thể chứng kiến rõ rệt điều đó. Trước khi có hồ thủy điện Hòa Bình, châu thổ sông Hồng đã hứng chịu rất nhiều trận mưa bão dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng.
Cá vược, loại cá hiếm ở cửa sông Hồng
Các cụ già ở Ba Lạt kể rằng khoảng thời gian trước năm 1970, dòng chính của sông Hồng ở cửa Ba Lạt chảy ở lạch Bắc hiện nay. Tuy nhiên, trận mưa lũ lịch sử trong mùa thu năm 1971 đã dâng tràn nước sông Hồng, và dòng chảy cuộn xiết của lũ đã xoáy tung dải cát bồi tụ giữa cồn Lu với cồn Vành, để tạo ra luồng cửa sông mới. Sau đó, các trận mưa lũ mà đặc biệt là đợt bão lụt mùa thu năm 1973 đã tiếp tục mở rộng luồng sông này. Từ phía Bắc, dòng chủ lưu ở cửa sông Hồng đã đổ sang luồng dẫn mới mặc dù vẫn còn một số lạch phụ hai bên cửa sông như lạch Trà, lạch Vọp, lạch Bắc…