Vườn quốc gia Giao Thủy – nơi bảo vệ cửa Ba Lạt
Từ sau năm 1989, khi hồ thủy điện Hòa Bình bắt đầu tích nước và xả nước có điều tiết ra sông Đà, rồi nhập về sông Hồng, thì cửa Ba Lạt lại tiếp tục thay đổi. Giai đoạn đầu là sự tàn phá ồạt các cánh rừng ngập mặn hai bên cửa sông Hồng để nuôi trồng thủy sản và làm nông nghiệp. Nó nhanh chóng làm kiệt quệ hệ sinh thái đa dạng của vùng cửa sông. Mãi sau, khi chính quyền và người dân dừng tay tàn phá để chuyển sang cứu hệ sinh thái này bằng việc phát triển Vườn quốc gia Giao Thủy, trồng rừng trên cồn Lu, cồn Vành, cồn Ngạn và dải bãi cát ven biển thì Ba Lạt dần hồi sinh. Nó lại tiếp tục hành trình lấn ra Biển Đông cùng với sự bồi tụ các cồn bãi ngày càng lớn dần…
Nông dân thu hoạch khoai bên bờ sông
Cuộc chuyện trò miên man với các anh lính biên phòng và người già ở địa phương đã giúp đêm trôi qua nhanh. Tôi về nhà khách vườn quốc gia chợp mắt được một chút trong tiếng cười nói lao xao của những người đi khai thác thủy sản sớm. Bình minh ngày mới vừa lên, tôi thức dậy, đi dọc con đường nhỏ xuyên Vườn quốc gia Giao Thủy, để lên đài quan sát toàn cảnh cửa sông Hồng.
Đến gần 12 giờ trưa, cả hai chiếc ống kính telé và góc rộng máy ảnh mà tôi đã háo hức mang vác suốt hành trình sông Hồng vẫn chưa phát huy được mấy tác dụng ở đây. Sương khói, mây mù lãng đãng như muốn che giấu đoạn cuối thân phận dòng sông, để còn tiếp tục khơi gợi sự tò mò, khám phá của lữ khách phương Nam. Tôi đành tiếc rẻ ngắm những vạt rừng đước gần tầm mắt đang sinh tồn lúp xúp trên mặt nước dâng bãi bồi ven cửa sông. Bờ sông bên huyện Tiền Hải, Thái Bình chỉ có thể thấy một vệt mờ nhàn nhạt như ánh mày thiếu nữẩn sau lớp khăn voan che giấu dung nhan.
Luyến tiếc rời tháp quan sát, tôi lang thang trong Vườn quốc gia Giao Thủy. Từ bao đời nay, nó đã gắn bó cộng sinh với cửa sông Hồng. Có phù sa dòng sông này bồi đắp cùng với quá trình lấn biển miệt mài suốt hàng thế kỷ của tự nhiên, thì mới có hệ sinh thái Giao Thủy. Ngược lại, chính hệ sinh thái Giao Thủy đã giữ được vẻ đẹp tự nhiên cho nơi sông Hồng hòa cùng Biển Đông, mà đặc biệt là giúp cửa Ba Lạt bớt bị tàn phá, đổi thay địa hình bởi bàn tay con người cũng như bà mẹ thiên nhiên. Vườn quốc gia này hiện có tổng diện tích khoảng 15.000ha. Trong đó riêng vùng lõi rộng 7.100ha với 3.100ha đất nổi có rừng và 4.000ha vùng ngập nước.
Lưới cá cầu may ở Ba Lạt
Những ngày mải mê ở cửa Ba Lạt, tôi lang thang thực địa và hình dung vườn quốc gia này được tạo thành bởi bốn “điểm nhấn” chính là Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Mờ và Bãi Trong. “Bức tường thành” không chỉ bảo vệ vườn quốc gia này trước đại dương mà còn ngày ngày lặng lẽ lấn Biển Đông chính là Cồn Lu. Nó rộng nhất vườn với diện tích khoảng 4.500ha và quanh năm xanh tươi cùng hệ thực vật duyên hải ô rô, bần chua, sú vét, mắm, cóc kèn… Non trẻ nhất trong hệ sinh thái Vườn quốc gia Giao Thủy có lẽ là Cồn Mờ, nằm bên ngoài Cồn Lu phía đại dương. Nó vẫn còn đang trong quá trình hình thành từ biển, và có lẽ vì vậy mà người địa phương đã gọi là Cồn Mờ theo nghĩa “còn mờ nhạt”.
Một ngôi nhà cổ bên bờ sông Hồng
Cùng hành trình tìm hiểu vườn thiên nhiên ven cửa sông Hồng với tôi, còn có một nhà sinh học người Pháp. Anh bạn đã đến đây từ nhiều ngày trước để chỉ lặng lẽ một mình ngắm chim. Trên nhiều diện tích vườn quốc gia này, sự can thiệp của con người vào thiên nhiên có thể thấy rõ với những công trình nhân tạo như ao, rạch, bờ đắp. Nhà sinh học Pháp có vẻ trầm buồn trước cảnh này. Một số nhân viên vườn lại cho rằng đó là điều cần thiết, vì có thể điều tiết nước thuận lợi cho việc bảo vệ thảm thực vật cũng như động vật trong vườn. Tuy nhiên, điều trông thấy rõ rệt nhất là nhiều người nghèo địa phương đang sống nhờ vườn quốc gia. Ngược chiều tôi vào vườn là những người lấm lem bùn đất. Họ vào vườn từ lúc trăng còn sáng để nhặt nhạnh những con cá, con vẹm, con tôm nhỏ bé và ít ỏi cho kịp buổi chợ sáng.