Sau nhiều nỗ lực kéo dài trong suốt năm năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thông qua hôm 5-10-2015 và theo đánh giá của Công ty nghiên cứu Eurasia Group, Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thỏa thuận thương mại cắt giảm đến 18.000 loại thuế quan tại 12 quốc gia thành viên.
Theo đánh giá ban đầu, nhờ TPP, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng thêm 11%, tương đương 36 tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm 28% trong cùng khoảng thời gian trên, khi ngày càng có nhiều công ty chuyển nhà máy tới Việt Nam.
Hiện thương mại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc với mức nhập siêu quá cao, nay với TPP, hy vọng sự lệ thuộc này sẽ giảm đáng kể nhờ Việt Nam có nhiều sự chọn lựa bình đẳng hơn trong quan hệ thương mại với nhiều nước.
Như vậy, những lĩnh vực nào của nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP?
Thuế nhập khẩu giảm xuống tại thị trường Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường lớn sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất hàng dệt may của Việt Nam.
Với chi phí nhân công rẻ, Việt Nam có thể thu hút nhiều nhà máy dệt may chuyển khỏi Trung Quốc. Hãng nghiên cứu Eurasia Group dự báo xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam có thể tăng 50% trong 10 năm nhờ TPP.
Việc cắt giảm thuế quan đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong TPP có thể sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các công ty thuộc ngành dệt may nổi tiếng như Texhong Textile, Shenzhou International Group, hay Pacific Textile đều đã chuyển nhà máy tới Việt Nam để đón đầu lợi ích mà TPP mang lại.
Ngành công nghiệp thủy hải sản của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu tôm, mực và cá ngừ, từ mức 6,4 – 7,2% hiện nay.
Theo dự báo, TPP sẽ đem đến một cú hích ngắn hạn cho toàn thị trường Việt Nam nói chung. Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán đã bắt đầu tăng sau khi có tin TPP hoàn tất đàm phán. Giới đầu tư nước ngoài tỏ ra mạnh tay mua vào cổ phiếu các công ty quản lý công nghiệp, nghề cá và dệt may – những ngành có khả năng thu hút thêm nhiều vốn FDI từ TPP.
Trong tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 41,8 triệu USD cổ phiếu Việt Nam. Dự báo, các nhà đầu tư ngoại sẽ còn mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau đợt bán ra vào đầu tháng 10.
Đối với người tiêu dùng, TPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp trong thời gian ngắn nhờ sản phẩm cạnh tranh giá rẻ.
Các nhà sản xuất hưởng lợi nhờ giảm thuế, giảm tổn thất từ tệ nạn quan liêu và buôn lậu.
Áp lực cạnh tranh cũng sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng cải thiện cơ chế, luật lệ phù hợp để nền kinh tế đổi mới triệt để hơn.
TPP mới chỉ kết thúc đàm phán và vẫn đang chờ được thông qua tại 12 quốc gia. Đối với nước ta, việc ký kết và phê chuẩn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Quốc hội sau khi Chính phủ đệ trình trong vòng 15 ngày. Nếu kế hoạch ký kết TPP vẫn diễn ra vào đầu năm tới, mọi thủ tục phê chuẩn nhanh nhất cũng phải chờ đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 6-2016.
TPP mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, nhưng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích mà phải vượt qua nhiều thách thức. Lạc quan quá mức không phải là thái độ đúng đắn khi nội lực của chúng ta chưa được nâng cao.
Đức Minh tổng hợp (DNSGCT)