Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế mới ban hành hướng dẫn quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm giúp người nhiễm HIV ở Việt Nam được tiếp cận điều trị bệnh sớm.
Theo hướng dẫn mới, người nhiễm HIV được khuyên nên bắt đầu uống thuốc kháng virut là thuốc ARV ngay từ lúc mới phát hiện bệnh thay vì đợi đến khi có các dấu hiệu sức khỏe giảm sút. Ngoài ra, những người nằm trong nhóm có nguy cơ bị nhiễm HIV cũng được khuyên nên uống thuốc chống phơi nhiễm gọi là thuốc prophylaxis (hay còn gọi là PrEP). Hướng dẫn trước đây của WHO khuyến cáo người nhiễm HIV bắt đầu uống thuốc khi mức CD4 trong máu xuống tới mức 500. Hướng dẫn mới khuyến cáo người nhiễm bệnh uống thuốc ngay khi vừa phát hiện có virut không cần tính đến mức CD4 bao nhiêu.
Bác sĩ John Bladford – Phó giám đốc Văn phòng chống HIV và Lao toàn cầu, thuộc Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ – cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng việc đợi cho đến khi được điều trị là không tốt cho sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân có sức khỏe tốt là những người được điều trị ngay khi mới được chẩn đoán bệnh. Những quan ngại liên quan đến việc điều trị sớm là do những loại thuốc trước kia có những tác dụng phụ và khó uống. Thuốc bây giờ tốt hơn và người bệnh dùng thuốc sớm thì vẫn có được cuộc sống bình thường và tuổi thọ bình thường. Một điều quan trọng khác nữa là khi người bệnh dùng thuốc thì họ cũng khó truyền bệnh cho người khác. Cho nên điều trị sớm không chỉ tốt cho sức khỏe người bệnh mà còn cho cả những người khác.
WHO không đưa ra con số ước đoán có bao nhiêu người có nguy cơ nhiễm HIV sẽ được tiếp cận với thuốc chống phơi nhiễm, tuy nhiên Cơ quan Phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc ước tính sẽ có thêm khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới, bao gồm phụ nữ và các em gái ở châu Phi, sẽ được uống thuốc phòng chống phơi nhiễm.
Đánh giá về tầm quan trọng của thay đổi mới này trong hướng dẫn của WHO, bác sĩ John Bladford cho biết đây là cách làm rất hiệu quả, ngăn chặn đến 95% khả năng lây nhiễm bệnh nếu dùng thuốc đúng cách.
Việc điều trị bằng thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng thay đổi. Theo đó, tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV và mẹ nhiễm HIV cho con bú sẽ được điều trị ngay bằng thuốc ARV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4, không phụ thuộc các giai đoạn của thai kỳ; điều trị ARV trong suốt thời kỳ mang thai, trong khi chuyển dạ, sau khi sinh con và tiếp tục điều trị suốt đời.
Trên thế giới hiện có khoảng 15 triệu người đang dùng thuốc kháng HIV, chiếm chưa đầy một nửa con số 37 triệu người được xác định là nhiễm HIV trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, con số thống kê được Bộ Y tế công bố tính đến tháng 7-2015 là 227.000 ca nhiễm HIV được báo cáo. Trong số này có khoảng 100.000 được dùng thuốc ARV. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị với thuốc ARV về các trạm y tế xã. Hiện đã có 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Khoảng 95% nguồn thuốc ARV của Việt Nam là do tài trợ từ các tổ chức quốc tế và chỉ có 5% là từ ngân sách nhà nước. Dự tính nguồn tài trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm vào đầu năm 2016 và chấm dứt vào cuối năm 2017. Theo ông Nguyễn Hoàng Long thì Việt Nam cần sớm có giải pháp tổng thể để tìm kiếm nguồn tài chính bền vững vì hầu hết người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam là người nghèo, không có khả năng chi trả các chi phí dịch vụ và thuốc. Hiện tại, Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Theo các chuyên gia về y tế cộng đồng tại Việt Nam thì đây là một hướng tiếp cận hiệu quả để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng, trong đó có HIV/AIDS.
Hoàng Hà (DNSGCT)