Vở Hồn bướm mơ điên không đồ sộ về cảnh trí mà dàn trải bằng cái duyên của cô Lài (Đặng Thanh Vân IDECAF), một cô gái tần tảo nuôi vịt ấp trứng rồi tự đi bán hột vịt lộn. Đây cũng là vai đào thương đầu tiên của Đặng Thanh Vân. Sân khấu mở ra với cảnh chợ miền Tây đủ các bạn hàng, kẻ mua, người bán, vui buồn, chộn rộn, đủ chuyện. Tiếng rao hột vịt lộn lanh lảnh của hai chị em Lài và Thạnh là tâm điểm của mọi người ở chợ.Đây là màn diễn nhiều trò làm cho khán giả cười vui.
Vương (NSƯT Thành Lộc) và đám thanh niên choai choai ham chơi trong làng tối ngày chỉ lêu lổng, chọc phá mọi người.Vương vô tư chưa hề có ý thức về cuộc sống. Khổ nỗi, ông bà già của anh đã có lời hứa kết duyên đôi Vương và Lài như một lời tri ân. Vương thì lấy đó là chuyện đùa và cốt để tranh thủ xin tiền Lài đãi bạn. Lài thì coi đó là lời hứa trăm năm và hết lòng vì niềm tin đó. Chỉ với ý tưởng đó của kịch bản mà đạo diễn Vũ Minh và nghệ sĩ Thành Lộc đã tung ra đủ trò để chọc khán giả cười suốt buổi. Một phong cách dựng và diễn khá hồn nhiên làm người xem đôi khi quên mình đang xem kịch, tưởng như đang đứng ở một góc chợ miền Tây, nhẩn nha xem thiên hạ mua mua, bán bán, chọc ghẹo nhau chơi. Cô Lài hiền lành chất phác cứ bị cậu Vương lợi dụng, chọc phá. Khán giả thương cái khờ của Lài, ghét cái lếu láo của Vương. Bức tranh thôn dã ấy cho khán giả một cảm giác trở về chợ quê nghèo gần gũi, thân thương của mình. Diễn viên Đặng Thanh Vân tạo ra tình thương và tiếng cười hồn hậu cho Lài. Thành Lộc – người nghệ sĩ không tuổi vẫn đầy ắp kinh nghiệm trong nghề, nhảy nhót, hát múa và đứng đầu trò đám bạn siêu quậy tạo cho anh một đất diễn khá tưng bừng. Suốt nửa đầu vở diễn, khán giả luôn bị Thành Lộc dẫn đắt vào các trò vui vẻ, múa, hát và quậy…
Câu chuyện kịch tiếp tục mở cho khán giả xem những bi hài mới: Lài đau khổ vì tình cảm và sự thật thà của mình bị Vương biến thành trò đùa. Vương lại bị bọn xấu lợi dụng sự hời hợt và ham chơi của mình để hy vọng lừa tiền của gia đình cậu.Thông điệp “gieo nhân nào thì gặt quả ấy” ở đây được khán giả tiếp nhận thật thú vị. Rất may gia đình Vương đã kịp thời phát hiện và mọi câu chuyện kết thúc theo chiều có hậu.
Đây là một vở nhiều yếu tố hài trên nền đề cao chữ tâm, chữ tín để khán giả vui xuân là chính. Vì thế, tác giả kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc đã hóm hỉnh pha chế thêm cái kết như câu chuyện tình Lan và Điệp là màn Lài đau khổ vào chùa, Vương ân hận đến tìm. Lài cắt dây chuông, nhưng không may cô bị điện giật phải đưa vào nhà thương. Gia đình nhà Vương bỗng đổi ý, phụ tình Lài… Vở Hồn bướm mơ điên sử dụng một tình huống mới trong mô típ chuyện tình đã bị khán giả quen thuộc, biến bi kịch thành hài kịch quả là một trò chơi độc đáo. Có thể người xem sẽ băn khoăn nên hay không nên như vậy nhưng với một vở mang tên Hồn bướm mơ điên thì có lẽ sự nhái tuồng xưa theo kiểu vẽ rồng rắn thêm cho trò đỡ nhàm, đỡ nhạt cũng là một cách cho vở thêm kịch tính.
Phần cuối của vở những bi hài không chỉ xuất hiện ở Lài và Vương mà nó được chuyển sang câu chuyện tình dỏm của cặp đôi: Vương và Bội Ngọc (Lê Khánh). Cũng vì hoàn cảnh mà Bội Ngọc phải đóng vai cô gái Việt kiều để lừa Vương kết hôn.Cặp đôi không hoàn hảo này tạo hiệu ứng cười chế giễu nơi khán giả.Lần này thì Vương trở thành trò đùa của thiên hạ.Sự dở khóc dở cười của Vương một lần nữa làm cho khán giả thỏa mãn với tài diễn ứng biến bi hài của Thành Lộc và Lê Khánh.
Việc dựng một vở diễn ra gần hai tiếng rưỡi tại Nhà hát Bến Thành để hút được đông đảo khán giả trong một sân khấu lớn là một phiêu lưu, nhưng cũng khá bạo của sân khấu kịch Thái Dương. Từ kịch bản có thể diễn hoàn toàn bằng chính kịch chuyển sang vở hài nhưng vẫn phải chuyển tải đủ ý tưởng, chiều sâu của một vở chính kịch mới có thể giữ được khán giả. Sự điệu nghệ về diễn xuất của Thành Lộc, Lê Khánh cũng đã làm nổi bật diễn xuất chân chất, mộc mạc, tình cảm của diễn viên trẻ Thanh Vân và Thanh Trung tạo nên sự hấp dẫn cho vở diễn.
Việt Nga