Ở Hollywood, để thành công và được công chúng biết đến, nghệ sĩ và hãng đĩa luôn có một mối quan hệ hai chiều ràng buộc và mật thiết. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cống hiến là vì nghệ thuật, trong khi hãng đĩa bao giờ cũng lấy lợi nhuận làm trọng nên ẩn sau những thành công rực rỡ là không ít những bất đồng quan điểm sâu sắc.
Cuộc chiến giữa sao và các hãng đĩa
Thoạt nhìn, mối quan hệ giữa hãng đĩa và nghệ sĩ là một mối quan hệ “cộng sinh”, có nghĩa là đôi bên cùng có lợi. Các hãng đĩa lúc nào cũng cần tìm kiếm nhân tài mới để bổ sung vào công ty, lăng-xê họ thành những cỗ máy hái ra tiền cho mình. Ngược lại, với những nghệ sĩ mới chập chững, bập bẹ bước vào nghề, cần được nâng đỡ và hướng dẫn, hãng đĩa chính là vị cứu tinh. Họ sẽ cùng nhau ký một hợp đồng bản quyền, trong đó có những thỏa thuận cả về việc lợi nhuận sẽ được chia chác ra sao và quyền hạn của đôi bên trong công việc sáng tạo nghệ thuật. Đối với những nghệ sĩ mới, hãng đĩa sẽ can thiệp khá sâu vào sản phẩm đầu tay của họ, từ việc chọn nhà sản xuất, những ca sĩ khách mời nào nên xuất hiện trong album, phong cách âm nhạc và phong cách thời trang… Trong khi đó, đa phần các nghệ sĩ đã có tên tuổi trên thị trường đều sẽ được các hãng “thả” trong giai đoạn thu âm. Sau khi sản phẩm hoàn tất, các ông trùm của hãng đĩa chỉ cần nghe thử và đưa ra quyết định có phát hành hay không. Nếu mọi việc thuận lợi, album sẽ nhanh chóng được quảng bá và ấn định ngày phát hành.
Tất nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp như vậy. Quay lại vấn đề đã đề cập ở trên, mối quan tâm của nghệ sĩ và hãng đĩa vô cùng khác nhau, nó là cuộc đối đầu vô tận giữa nghệ thuật và lợi nhuận. Một khi nghệ sĩ có cá tính âm nhạc quá mạnh, không chịu đi theo định hướng của hãng đĩa thì mối quan hệ này sẽ nhanh chóng trở nên căng thẳng và tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Hoặc tệ hơn, với những nghệ sĩ đã có tiếng, nếu album mới thu âm bị các nhà đầu tư đánh giá là không hợp thị hiếu của thị trường hiện tại, họ sẽ yêu cầu các nghệ sĩ đổi tên, thu âm lại vài ca khúc khác, hoặc khủng khiếp hơn là thu âm lại toàn bộ album và sẽ khấu trừ bớt đi phần lợi nhuận bán ra cho sự phát sinh này.
Lấy trường hợp của hai cô nàng Lady Gaga và Avril Lavigne, hai nghệ sĩ có tiếng và rất được hâm mộ trên toàn thế giới. Cô nàng rocker Avril đã hợp tác với hãng đĩa RCA từ khá lâu. Tuy nhiên, cô nàng vẫn than phiền rằng cách làm việc của họ quá độc tài và gần như bóp nghẹt sức sáng tạo của cô. Ba album trước đó: Let go, Under my skin, The best damn thing đều được phát hành đúng thời hạn, vừa thể hiện đẳng cấp pop-rock của Avril lại vừa hái về không biết bao nhiêu tiền cho RCA. Tuy nhiên, họ cho rằng Avril cần phải thay đổi hơn nữa. Họ muốn cô đưa nhạc dance, autotune vào các sáng tác của mình để các sản phẩm bán chạy hơn. Đối với một rocker thì đây là một sự sỉ nhục, thế nên, cô nàng đã nổi giận và liên tục cãi vã với hãng đĩa này. Kết quả là trong bốn năm, cô nàng vắng bóng và lãng phí rất nhiều thời gian, công sức để có thể đánh bóng lại tên tuổi của mình khi trở lại vào năm 2011. Lý do là trong suốt bốn năm ấy, cô nàng phải liên tục sáng tác và thu âm lại album Goodbye Lullaby đến hàng chục lần chỉ vì RCA cảm thấy “mọi thứ chưa hoàn hảo”! Kết quả cuộc chiến này, người thiệt nhất vẫn là các fan vì đến tận bốn năm, từ 2007 đến 2011 mới có thể chứng kiến sự trở lại của thần tượng, chưa kể, đó chưa phải là sự trở lại đáng mong đợi nhất!
Trường hợp của Lady Gaga lại hoàn toàn khác. Cá tính của cô không chỉ thể hiện trong các sáng tác, trên sân khấu, mà ngay cả đối với Interscope, hãng đĩa quản lý của cô cũng phải cúi đầu nhún nhường. Chuyện là sau khi album The Fame thành công vượt mức mong đợi, Interscope yêu cầu Gaga thu âm thêm vài ca khúc khác để bổ sung vào album đầu tay của cô như các bonus tracks trong dịp phát hành lại album này. Mục đích của Interscope là tiếp tục thu lợi một cách triệt để từ The Fame. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, Gaga đã sáng tác được tới tám ca khúc khác mà theo ý cô, mỗi ca khúc này đều đủ vững để đứng thành một album riêng. Cô cũng cho rằng thật bất công khi bắt fan phải mua lại The Fame với số lượng ca khúc chỉ tăng có ba bài. Thế là cô tự ý cho phát hành The Fame Monster với tám ca khúc trên và chính bản thân Interscope cũng không ngờ album thứ hai này lại gặt hái thành công không thua kém gì The Fame trong khi công sức bỏ ra lại ít hơn hẳn! Việc làm này của Gaga càng làm các fan khắp nơi trên thế giới mến mộ cô hơn. Bên cạnh đó, nhờ vậy, trong các album tiếp theo: Born this way và Artpop, Interscopeđã tin tưởng và cho phép Gaga quyết định mọi thứ từ bài hát, nghệ sĩ hợp tác đến việc nên phát hành ca khúc nào làm đĩa đơn,…
Tuy nhiên, với những cô nàng không có khả năng thuyết phục như Kelly Clarkson và ông trùm ranh ma như Clave Davis của hãng Sony-BMG, tỷ số của cuộc chiến nghệ thuật – lợi nhuận hoàn toàn ngả về hãng đĩa. Sau thành công vang dội của album Breakaway, Kelly quyết định sẽ cho ra mắt album My December với màu sắc u tối hơn một chút. Tuy vậy, Clave Davis đã phản đối kịch liệt và yêu cầu cô thu lại toàn bộ album vì chất nhạc quá tiêu cực, không phù hợp với thị trường hiện tại. Tất nhiên là Kelly không đồng ý. Vụ việc còn được báo chí nước Mỹ khá chú ý và vị giám khảo khó tính của American Idol, Simon Cowell, cũng đã lên tiếng bảo vệ Kelly, yêu cầu hãng đĩa cho cô phát hành album vì đó là sự tôn trọng sức sáng tạo của cô. Trước những áp lực từ nhiều phía, Clave chấp thuận cho album ra mắt. Tuy nhiên, single đầu tay Never again không trụ nổi trên các bảng xếp hạng quá một tháng, trên các phương tiện truyền thông radio, MTV, VH1 cũng đột ngột ngưng phát sóng ca khúc này. Bản thân album cũng không được quảng bá mạnh và tốc độ bán ra rất trì trệ. Hậu quả là Kelly Clarkson phải quay về cầu cứu Clave. Ông chỉ đơn giản bảo cô nhanh chóng vào studio và thu âm một album khác! Lúc đó, Kelly mới nhận ra mình bị hãng đĩa chơi xấu và việc chấp nhận phát hành My December chỉ là đòn trừng phạt của Clave “ưu ái” dành cho cô.
Cuộc chiến ngầm giữa nghệ sĩ và hãng đĩa dưới cái tên “Lợi nhuận hay nghệ thuật” vẫn mãi là một cuộc chiến không hồi kết. Lằn ranh giữa hai khái niệm trên cũng thật sự mỏng manh vì mối quan hệ mật thiết giữa chúng. Và tất nhiên, trong một cuộc tranh chấp sẽ luôn có kẻ thắng người thua, vấn đề là giữa nghệ sĩ và các nhà đầu tư, ai là người thông minh hơn để đưa ra đòn quyết định mà thôi!
Chuyện văn hóa nghe nhạc phải trả tiền
Câu hỏi “Lợi nhuận hay nghệ thuật?” còn có thể nhìn nhận dưới góc độ nghệ sĩ – khán giả.
Vào năm 2013, iTunes store chính thức mở tại Việt Nam, cùng lúc đó, các trang nghe nhạc quen thuộc khác như Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn,… cũng đồng loạt tính phí nếu bạn muốn download ca khúc về. Điều này đã khiến cộng đồng nghe nhạc dấy lên tranh cãi, cho rằng đây là hành động thiển cận, không phù hợp với văn hóa nghe nhạc miễn phí vốn có tại Việt Nam, rằng nghệ thuật phải được thưởng thức dưới góc độ phi lợi nhuận… Đành rằng chuyện nghe nhạc miễn phí ở nước ta đã tồn tại từ khá lâu nhưng có thể nói, những nhận xét trên là vô cùng nóng vội và thiếu hiểu biết. Tại nước ngoài, iTunes, Amazon là những trang bán nhạc cực nổi tiếng và gần như là độc quyền. Các hành vi buôn bán lậu, vi phạm bản quyền của các nghệ sĩ đều bị pháp luật xử lý nghiêm trọng. Điển hình là trang Mediafire đã bị cảnh cáo vì tình trạng không kiểm tra các dữ liệu nhạc được up lên, hay tệ hơn, trang Megaupload bị đóng cửa hoàn toàn vì sử dụng các TV show, MV ca nhạc không đăng ký bản quyền. Thế nên, chuyện nghe nhạc phải trả tiền là một văn hóa bắt buộc mà ở đó, khán giả vừa tôn trọng mình và người nghệ sĩ.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm Apple như iPod, iPad, iPhone hiện nay, iTunes store gần như chiếm lợi thế độc tôn trên thị trường thế giới. Vì thế, các nghệ sĩ luôn có kế hoạch hợp tác chiến lược mỗi khi có một sản phẩm sắp ra mắt. Chẳng hạn như với một album sắp phát hành, họ sẽ đăng tải trên iTunes tầm 10 giây của những ca khúc hot trong album đó và tất nhiên những đoạn snippet, sampling này là độc quyền. Hoặc tinh tế hơn, vào ngày phát hành của đĩa đơn hoặc album, các nghệ sĩ cũng chỉ cho phép một mình iTunes tung ra sản phẩm. Việc các nghệ sĩ và khán giả nước ngoài tuân thủ đúng những tinh thần của văn hóa nghe nhạc này khiến cho câu hỏi “Lợi nhuận hay nghệ thuật” dần hiện lên một câu trả lời với ý nghĩa tích cực – nếu không có lợi nhuận, các nghệ sĩ sẽ nhanh chóng cạn kiệt và kiệt sức trước vòng xoay khắc nghiệt của nghệ thuật! Bản thân các fan nước ngoài đều nhận thức rõ điều này và thế nên, họ luôn chấp nhận việc trả tiền để nghe nhạc. Lấy trường hợp của những nghệ sĩ underground làm ví dụ, chúng ta có thể thấy những sản phẩm của họ tuy hay nhưng được đầu tư rất tiết kiệm, còn nhiều lỗi và mức độ phát hành rất hạn chế. Ước mơ làm nghệ thuật của họ có thể nhanh chóng bị dập tắt chỉ vì công việc ở thế giới ngầm này không đủ để họ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Thế nên, đấy là lúc các hãng đĩa, các nhà đầu tư nhúng tay vào, cho họ một hợp đồng cùng những cam kết về lợi nhuận. Sau đó là những tay bán hàng tài giỏi như iTunes, Amazon sẽ giúp họ phân phối sản phẩm đến khách hàng ở chất lượng tốt nhất, đảm bảo cho các sáng tác của họ luôn tạo ấn tượng mạnh nơi khán giả.
Ở Việt Nam hiện tại, vì kinh tế còn khó khăn và văn hóa nghe nhạc trả phí còn khá mới mẻ nên iTunes store, Amazon vẫn chưa có cơ hội phát triển. Các trang Mp3 Zing, Nhaccuatui cũng đã phải chuyển sang một chế độ hợp lý hơn, đó là chỉ trả phí khi tải ca khúc về ở định dạng HQ – 320kbps. Đây thực chất là một dấu hiệu tốt cho văn hóa nghe nhạc tại Việt Nam và hứa hẹn sự phát triển vượt bậc, chậm mà chắc trong tương lai. Bên cạnh đó, khi nhìn nhận vấn đề “Lợi nhuận hay nghệ thuật” ở góc độ này, chúng ta dễ dàng thấy nó không còn quá phức tạp, không còn là một cuộc chiến vô tận, mà bây giờ, lợi nhuận và nghệ thuật có quan hệ bổ sung cho nhau, không bên nào có thể tồn tại nếu như một trong hai mất đi. Vì thế, ở vị trí một người đam mê âm nhạc và nghệ thuật chân chính, chúng ta nên đảm bảo văn hóa nghe nhạc luôn được tuân thủ vì đó là cách thể hiện sự tôn trọng đối với riêng chúng ta và các nghệ sĩ nói chung!
Phương Phi