Ngày 18-12 vừa qua, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thể hiện sự nhất trí hiếm có khi thông qua nghị quyết về việc giải quyết cuộc xung đột đang bước vào năm thứ năm tại Syria, gây ra cái chết cho hơn 250 ngàn người và đẩy hàng triệu người ra khỏi nhà cửa của họ. Tuy nhiên, sự nhất trí không có tính tuyệt đối, khi vẫn còn có bất đồng giữa các thành viên hội đồng về tương lai của tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad. Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi ông Assad ra đi vì ông không còn khả năng điều hành đất nước, trong khi Nga và Trung Quốc chống lại chủ trương xem sự rời bỏ quyền lực của ông Assad là điều kiện tiên quyết của các cuộc hòa đàm. Chính vì thế, để đạt được sự đồng thuận tối đa, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không đề cập đến tương lai của ông Assad.
Nội dung của nghị quyết gồm những điểm chính như sau:
– Kêu gọi các bên ngưng bắn và thảo luận sự chuyển tiếp chính trị vào đầu tháng 1-2016.
– Gạt khỏi các cuộc đàm phán các nhóm “khủng bố”, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, Mặt trận al-Nursa.
– Các cuộc tấn công những nhóm khủng bố vẫn được tiếp tục.
– Ngày 18-1-2016, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ báo cáo các phương thức kiểm soát cuộc ngưng bắn.
– Một bộ máy cai trị bao quát, đáng tin cậy, không mang tính phe phái được thiết lập trong vòng sáu tháng.
– Một cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức trong vòng 18 tháng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc…
Theo nhận định của các nhà bình luận, sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là một bước tiến quan trọng trong vấn đề Syria, nhưng mục tiêu hình thành một chính quyền chuyển tiếp “đáng tin cậy, bao quát và không có tính phe phái” trong vòng sáu tháng là một tham vọng quá lớn. Những người ủng hộ tổng thống Assad sẽ đồng tình với một nghị quyết không đề cập đến vai trò của ông, nhưng với phe chống đối và đồng minh của họ, điều này trở thành một cản trở cho tiến trình giải quyết vấn đề. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người chủ tọa phiên họp ngày 18-12 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nghị quyết vừa thông qua đã gửi “một thông điệp rõ ràng cho những ai đang nghĩ rằng đây là lúc cần ngưng các cuộc giết chóc tại Syria”. Ông cũng cho rằng nghị quyết là một cột mốc quan trọng xác định mục tiêu và khung thời gian cho việc giải quyết vấn đề Syria. Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hoan nghênh nghị quyết, nhưng cho rằng ý tưởng vẫn để ông Assad tham gia cuộc bầu cử là “không thể chấp nhận được”. Nói chung, nghị quyết cũng chỉ mới là phần nổi của tảng băng, bên dưới còn có một phần chìm mà giữa Anh – Pháp – Mỹ và Nga – Trung Quốc không dễ gì tìm được tiếng nói chung.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)