Ngày 17-3, tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm trong bối cảnh hai bên đang bất đồng về một loạt vấn đề từ nhập cư cho đến tự do thương mại…
Đây là cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức, một trong những đồng minh phương Tây quan trọng nhất của Washington, kể từ khi ông D. Trump trở thành tổng thống Mỹ. Chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo đề cập đến một số vấn đề trọng tâm như nhập cư, hợp tác kinh tế, thương mại toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố và NATO. Bầu không khí cuộc gặp được cho là khá căng thẳng cho dù trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Trump cho biết đã có cuộc thảo luận “rất hiệu quả” với bà Merkel.
Vấn đề nhập cư được hai nhà lãnh đạo bàn luận với quan điểm trái ngược cho thấy đây có thể đang là bất đồng lớn nhất giữa hai nước. Hai bên trở nên căng thẳng về vấn đề nhập cư kể từ hồi giữa tháng 1 vừa qua sau khi Tổng thống Trump tuyên bố quyết định của bà Merkel mở cửa cho hàng trăm nghìn người tỵ nạn giai đoạn 2015-2016 là một “thảm họa”. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí đã chỉ trích bà Merkel “phá hoại nước Đức bằng chính sách mở cửa đón người tỵ nạn”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel cũng kịch liệt lên án sắc lệnh nhập cư của ông Trump.
Tại hội đàm, ông Trump tái khẳng định quan điểm “nhập cư là một đặc ân chứ không phải là quyền và sự an toàn của người dân luôn phải đặt lên trên hết”.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết tình trạng nhập cư trái phép và đương đầu với các mối đe dọa cực đoan. Bà khẳng định sự cần thiết phải có các đường biên giới quốc gia vững mạnh, song cũng chủ trương giúp đỡ người dân tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông trước khi họ trở thành người tỵ nạn.
Về vấn đề tự do thương mại, tại hội đàm, ông Trump không ngần ngại khi đưa những phát biểu trái ý bà Merkel, người luôn chống chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới. Ông khẳng định nước Mỹ chịu thiệt thòi nhiều nhất trong các thỏa thuận thương mại đã ký kết hàng thập niên qua và điều này phải chấm dứt.
Ông Trump nhấn mạnh không tin vào chính sách biệt lập, ủng hộ tự do thương mại nhưng đó phải là chính sách thương mại công bằng. Ông còn nói rằng “tự do thương mại mà chúng ta theo đuổi hiện nay đang dẫn tới rất nhiều điều xấu”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng vào “những chính sách công bằng và đôi bên cùng có lợi” giữa Washington và Berlin.
Về phần mình, bà Merkel một lần nữa bày tỏ mong muốn nối lại các cuộc đàm phán được khởi động từ năm 2013 về thỏa thuận thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương, có nguy cơ bị khép lại vĩnh viễn dưới thời Tổng thống Trump.
Thủ tướng Đức cho rằng điều này sẽ có lợi cho cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bà Merkel bày tỏ vui mừng nếu các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ về vấn đề này được nối lại. “Chúng tôi đã ký thỏa thuận thương mại với Canada và tôi hy vọng cũng sớm đạt được điều tương tự với Mỹ”, nữ thủ tướng Đức nói.
Liên quan tới NATO, Tổng thống Trump một lần nữa hối thúc Berlin tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng thời nhấn mạnh các đồng minh NATO của Mỹ cần phải “đóng góp một cách công bằng” cho chi phí quốc phòng.
Đáp lại, bà Merkel khẳng định Đức sẽ chi tiêu ngân sách quốc phòng bảo đảm mục tiêu 2% GDP vào năm 2024. Vấn đề liên quan đến NATO này được cho là vấn đề duy nhất cho thấy hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức đạt được sự thỏa hiệp.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel là hai nhà lãnh đạo có nhiều điểm khác biệt. Donald Trump là con trai của một nhà buôn bán bất động sản thành đạt và là một ngôi sao truyền hình thực tế không có kinh nghiệm chính trị. Còn thủ tướng Đức từng là một nhà hóa học và là con gái của một mục sư theo đạo Tin Lành. Bà Merkel là một người thận trọng và kín đáo, hoàn toàn trái ngược với Trump.
Hai nhà lãnh đạo có sự khác biệt lớn về chính trị không chỉ về chính sách nhập cư và người tỵ nạn. Thế giới quan của Trump chủ yếu dựa trên sự theo đuổi một định nghĩa hạn hẹp về lợi ích quốc gia và dành ít chỗ cho các chính sách phối hợp, thỏa hiệp. Hai phẩm chất này lại là trọng tâm của những gì Merkel thực hiện và coi trọng dựa trên vai trò trung tâm của Đức ở EU.
- K.M
Xem thêm:
Làn sóng di dân Hồi giáo giáng đòn chí tử vào EU
Đức có thể siết chặt luật nhập cư sau các vụ tấn công tình dục