Khoảng trống thông tin trên thị trường chứng khoán thường không kéo dài, bởi nhà đầu tư luôn tìm kiếm những câu chuyện có tác động đến thị trường chứng khoán để phân tích, dự đoán diễn biến của dòng tiền. Câu chuyện ấy có thể đến từ bên ngoài, cũng có thể xuất phát từ nền kinh tế, với những động thái đến từ doanh nghiệp niêm yết, hay các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động trên thị trường. Vậy nên, khi những xôn xao về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD và hoạt động tái cơ cấu danh mục quý I của các quỹ ETF kết thúc, người ta chuyển hướng ngay sang phân tích kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, để đón đầu kỳ công bố kết quả kinh doanh quý I sắp tới.
Không biết có phải vì sự phòng vệ quá kỹ của nhà đầu tư hay không mà càng ngày những “cú sốc” theo dự báo càng khó xảy ra hơn, chưa kể diễn tiến của thị trường có khi còn ngược chiều dự báo. Nhưng chính vì vậy, những phản ứng của thị trường chứng khoán càng trở nên khó lường. Và không riêng gì nước ta, nhiều thị trường khác trên thế giới cũng thế. Như khi quyết định tăng lãi suất đồng USD được công bố, nhiều thị trường chứng khoán lại tăng điểm thay vì giảm (do nhà đầu tư lo ngại có sự rút vốn khỏi thị trường). Nhiều thị trường chứng khoán phản ứng tích cực cứ như thể lãi suất đồng USD vừa bị cắt giảm – đồng nghĩa chính sách tiền tệ được nới lỏng, có lợi cho thị trường chứng khoán. Với nước ta, thị trường tài chính – chứng khoán dễ dàng vượt qua thử thách đó, thậm chí tỷ giá còn giảm nhẹ. Bên cạnh lý do là phản ứng tích cực của nhà đầu tư, điều này còn chứng tỏ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng vẫn đang vận hành tốt.
Tương tự là phản ứng của thị trường trong ngày kết thúc giao dịch tái cơ cấu của các quỹ ETF. Các cổ phiếu chịu áp lực bán ra từ các quỹ ETF lại được bên mua săn đón, nên không giảm giá, trong khi những cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh như ROS (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros), NVL (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va) lại không hề “thiếu hàng”, trong phiên kết sổ (17-3) còn bị giảm sàn và không có người mua. Việc các quỹ ETF lựa chọn thực hiện mua vào ROS theo phương thức thỏa thuận thay vì khớp lệnh đã khiến các nhà đầu tư chực chờ bán ra giá cao trong dịp này bị “việt vị”. Điều ấy cũng cho thấy hoạt động ăn theo những cổ phiếu lọt vào danh mục của các quỹ ETF rất dễ khiến nhà đầu tư phải trả giá.
Như vậy là gần một tháng qua, VN-Index vẫn loay hoay trong vùng 700-720 điểm và chưa thể bứt phá. Điểm tích cực là thanh khoản của thị trường đang ở mức khá cao, sẽ là tiền đề cho sự đi lên của VN-Index, hay ít ra cũng giúp chỉ số không bị chìm sâu trong những phiên giảm điểm. Việc lãi suất tại một số ngân hàng đang tăng khá nhanh, cả lãi suất huy động và cho vay, có thể khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng. Bởi khi lãi suất huy động của ngân hàng tăng lên, kênh gửi tiết kiệm sẽ được ưa chuộng, dòng vốn vào chứng khoán bị thu hẹp. Trong khi đó, lãi suất cho vay tăng có thể kéo lãi vay margin tăng theo, buộc các nhà đầu tư ưa thích hình thức đầu tư này phải thận trọng hơn.
Trong bối cảnh đó, hoạt động mua vào cổ phiếu đón đầu thông tin kỳ công bố kết quả kinh doanh quý I cần được nhà đầu tư thực hiện cẩn trọng hơn. Dù có nhiều phân tích cho thấy các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính – chứng khoán sẽ có lợi nhuận tốt do thị trường quý đầu năm là tích cực, nhưng điều này không đúng với tất cả. Nhà đầu tư, vì vậy, cần phân tích kỹ yếu tố nội tại của từng doanh nghiệp trước khi ra quyết định.
- Ngọc Khang
Xem thêm: