Bạn có thường bị quấy rầy bởi những âm thanh bình thường như tiếng nhai thức ăn, tiếng gõ bút hoặc tiếng cót két của một cánh cửa? Nếu có, đó là dấu hiệu của hội chứng nhạy cảm với âm thanh (Misophonia) – một bệnh lý thần kinh khiến bạn ghét phải nghe những âm thanh có thể dẫn đến những cảm giác như tức giận, lo lắng hoặc hoảng hốt.
Hội chứng Misophonia là gì?
Hội chứng Misophonia “ghét âm thanh” là một rối loạn thần kinh trung ương khiến bạn có phản ứng bất thường với những âm thanh bình thường. Nghiên cứu phát hiện khoảng 29% người mắc hội chứng này có xu hướng trở nên nóng nảy khi nghe tiếng ồn họ không thích và 17% số khác tỏ ra tức giận với các đồ vật. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp người mắc Misophonia cũng phản ứng với những âm thanh khó chịu, như tiếng thở nhẹ hoặc thì thầm, khiến họ dễ bị kích ứng do không thể bỏ qua những loại âm thanh ấy. Từ đó, họ bắt đầu xa lánh các cuộc giao lưu về xã hội và giảm dần các mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Những nguyên nhân
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra liệu Misophonia có phải do các bệnh lý tâm thần hoặc thể chất khác, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn ăn uống, ù tai hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay không. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Journal of Clinical Psychology cho biết, một số bệnh nhạy cảm với âm thanh có liên quan đến Misophonia, nhưng không phải tất cả các bệnh lý này có thể lý giải các biểu hiện của hội chứng. Do vậy, đây là một bệnh lý khác biệt và độc lập.
- Xem thêm: Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Các triệu chứng
Triệu chứng của Misophonia bắt đầu từ lúc còn nhỏ hoặc những năm đầu của tuổi thiếu niên, gồm:
- Kích ứng và căm ghét chuyển thành sự tức giận.
- Thể hiện sự gây hấn bằng lời nói hoặc thể chất đối với các đồ vật hoặc người đối diện.
- Lo lắng.
- Áp lực ở ngực.
- Tăng huyết áp.
- Co thắt cơ.
- Tăng nhiệt độ cơ thể và nhịp tim.
Các loại âm thanh dễ kích hoạt Misophonia
Phổ biến nhất là:
- Tiếng hơi thở nặng hoặc âm thanh của mũi, gây ảnh hưởng khoảng 64,3%.
- Tiếng ăn uống ảnh hưởng khoảng 81%.
- Tiếng của ngón tay hoặc bàn tay ảnh hưởng khoảng 59,5%.
- Một số hoạt động thể chất ảnh hưởng khoảng 11,9%.
Các âm thanh khác gây ra hội chứng là tiếng hắng giọng, chép môi, những tiếng viết lách, tiếng giấy xào xạc, tiếng tíc tắc của đồng hồ, tiếng đóng sầm cửa xe hơi và tiếng líu lo của chim chóc, tiếng dế hoặc các động vật khác. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng cho những người mắc Misophonia để phân tích não, nhằm phát hiện những loại âm thanh kích hoạt tạo ra các phản ứng trong vùng vỏ não trước trán – đây là một phần của não chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc.
Cách chẩn đoán và kiểm soát Misophonia
Không có cách cụ thể nào để chẩn đoán Misophonia vì đôi khi có thể nhầm lẫn với rối loạn ám ảnh cưỡng chế, lo lắng hoặc rối loạn lưỡng cực. Điều này thường gây khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán đúng bệnh. Tuy không thể chữa trị hội chứng Misophonia, nhưng có thể kiểm soát theo những cách sau:
- Tư vấn với bác sĩ có thể giúp kiểm soát sự rối loạn.
- Liệu pháp kiểm soát ù tai (TRT) dành cho những người không thể chịu đựng những tiếng ồn. Trong liệu pháp, người bệnh được nghe những điệu nhạc hoặc âm thanh môi trường dễ chịu, giúp họ tạo ra mối liên kết tích cực với âm thanh thông qua thực hành và tư duy có chủ ý.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) kết hợp với liệu pháp TRT, hỗ trợ thay đổi những liên kết tiêu cực từ những âm thanh kích hoạt Misophonia. Nghiên cứu cho thấy đây là liệu pháp hiệu quả trong việc kiểm soát hội chứng Misophonia, nhờ chủ yếu tập trung vào những suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của người bệnh để xác định các kiểu mẫu không lành mạnh và thay thế chúng.
Những cách khác bao gồm liệu pháp nói chuyện và thay đổi cách sống, như tập thể dục, ngủ đúng cách và tránh căng thẳng.