Joan Pabona đã làm nghề giúp việc ở Hong Kong suốt 6 năm qua nhưng giờ đây, sau khi giành giải thưởng về nhiếp ảnh, người phụ nữ Philippines này dự định sẽ bỏ nghề và biến đam mê thành sự nghiệp.
Joan Pabona đã làm nghề giúp việc ở Hong Kong suốt 6 năm qua nhưng giờ đây, sau khi giành giải thưởng về nhiếp ảnh, người phụ nữ Philippines này dự định sẽ bỏ nghề và biến đam mê thành sự nghiệp.
Trong quá trình làm giúp việc ở Hong Kong, Pabona, 36 tuổi, đã tập tành chụp ảnh. Chị đã giành giải trong một cuộc thi nhiếp ảnh hàng đầu và đã tổ chức triển lãm ảnh đầu tiên của mình tại Tổng lãnh sự quán Philippines ở Hong Kong vào tháng 3 vừa qua.
Tại Hong Kong, nơi có khoảng 385.000 người giúp việc nước ngoài mà trong đó khoảng một nửa là người Philippines, các tác phẩm của chị được ca ngợi là có khả năng truyền cảm hứng.
“Tôi tự hào khi vừa là một nhiếp ảnh gia, vừa là một người giúp việc, vì tôi góp sức mình cho thành phố trong cả hai vai trò,” Pabona chia sẻ.
Chị sinh ra và lớn lên ở tỉnh La Union, phía Bắc Philippines. Cha chị làm thợ cơ khí, mẹ chị ở nhà chăm sóc cho 3 người con trai và 2 người con gái, trong đó Pabona là em út.
Chị là một kỹ thuật viên máy tính được chứng nhận và có bằng cử nhân giáo dục trung học. Chị từng làm nhiều nghề khi còn ở Philippines như công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, người thu nợ, nhân viên mã hóa dữ liệu… nhưng triển vọng nghề nghiệp nghèo nàn và đồng lương ít ỏi – khoảng 5.000 peso Philippines/tháng – đã thúc đẩy chị tìm đến công việc của một người giúp việc ở nước ngoài.
Pabona từng đến Singapore vào năm 2008, sau đó đến Hong Kong vào năm 2013. Từ đó đến nay, chị làm việc cho một gia đình ở đây theo một lịch trình dày đặc: thức dậy lúc 6 giờ sáng để nấu bữa sáng, đưa 2 đứa trẻ đến trường, làm việc nhà cho tới khi đi ngủ vào lúc 9 giờ 30 tối.
Dù khối lượng công việc lớn, nhưng chị vẫn dành thời gian cho niềm đam mê nhiếp ảnh. Chị bắt đầu nuôi dưỡng sở thích này từ năm 17 tuổi, nhưng gia đình chị không đủ điều kiện để mua cho chị một chiếc máy ảnh, hay đăng ký cho chị tham gia các khóa học về nhiếp ảnh.
Khi đến Hong Kong, với mức lương 4.300 dollar Hong Kong/tháng, chị đã mua chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đầu tiên của mình – một chiếc Nikon D3100 – với giá 5.000 dollar Hong Kong vào năm 2015 với sự giúp đỡ của chị gái mình.
Kể từ đó, chị luôn mang máy ảnh bên mình khi ra ngoài làm việc vặt, nhưng chỉ cho phép mình chụp ảnh 5 phút mỗi ngày để không ảnh hưởng tới công việc chính.
Chủ nhật hàng tuần, chị lại lang thang khắp Hong Kong, tay cầm máy ảnh, sẵn sàng chụp lại bất kỳ hình ảnh nào hấp dẫn chị.
“Với nhiếp ảnh, bạn có thể ghi lại những khoảnh khắc… mà nếu không có nhiếp ảnh, chúng sẽ trôi đi mất,” chị chia sẻ.
Pabona có được kiến thức về nhiếp ảnh chủ yếu nhờ tự học và tham dự những buổi học thực hành. Chị quan tâm tới kiến trúc và nhiếp ảnh đường phố, mô tả phong cách cá nhân là tối giản với đặc trưng là tính đơn giản và ít yếu tố con người. Với phong cách này, chị cố gắng nắm bắt được khía cạnh yên bình và tĩnh lặng của thành phố.
Năm 2017, chị đã chụp một bức ảnh từ căn nhà nơi chị làm việc trên tầng 8 của một tòa chung cư ở Happy Valley. Trong ảnh, một nữ công nhân đội mũ bảo hiểm đang xếp lưới an toàn cho giàn giáo tre.
Cảm thấy có sự gắn kết với người công nhân mà trong mắt chị là một người đang làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình, Pabona đã đặt tên bức ảnh là “Sự hy sinh.”
“Giống như người phụ nữ trong bức ảnh, những người giúp việc chúng tôi cũng hy sinh cho gia đình mình ở quê nhà,” chị bộc bạch. Chị cũng đang phải xa cậu con trai 12 tuổi hiện sinh sống ở Philippines.
Bức ảnh đen trắng này đã giành giải nhì trong hạng mục Con người và hoạt động của cuộc thi nhiếp ảnh trẻ Wheelock do tạp chí National Geographic tổ chức năm 2017.
Để tôn vinh những tác phẩm đầy cảm hứng của chị, Tổng lãnh sự quán Philippines tại Hong Kong đã tổ chức một cuộc triển lãm những bức ảnh của chị vào trung tuần tháng 3.
“Joan là nguồn cảm hứng cho những người Philippines khác, đặc biệt là những người đam mê nhiếp ảnh. Chúng tôi muốn giới thiệu về các tác phẩm của chị và chia sẻ với những người khác cách thức theo đuổi những đam mê của riêng mình trong thời gian làm việc tại đây,” Lãnh sự Fatima G. Quintin cho biết.
Những vị khách tham quan triển lãm đã đánh giá cao các tác phẩm của Pabona.
“Tôi tới đây để ủng hộ cho chị ấy và cảm ơn chị ấy vì đã yêu mến Hong Kong,” Judy Ng, một thư ký người Hong Kong, chia sẻ.
Averion B. Paderes, 38 tuổi, là một người Philippines khác cũng làm nghề giúp việc và cũng yêu thích nhiếp ảnh.
“Tôi đến đây để học hỏi thêm về nhiếp ảnh từ Joan. Câu chuyện và các tác phẩm của cô ấy đã truyền cho tôi cảm hứng để nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực nhiếp ảnh,” chị bày tỏ.
Vì niềm đam mê với nhiếp ảnh, Pabona dự định sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia toàn thời gian khi hợp đồng của chị kết thúc vào tháng 6.
Qua ống kính, chị muốn ghi lại những hình ảnh ít thấy ở Hong Kong, giống như cộng đồng người giúp việc tại đây, vốn thường không nhận được sự chú ý.
“Tôi muốn mọi người để ý tới những điều không ai để ý tới,” chị chia sẻ.