Ma cà rồng là đề tài nói mãi không chán của thế giới nghệ thuật. Bạn có thể tìm thấy nó nhan nhản trong văn chương, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Nhưng liệu bạn đã biết về bệnh lý bí ẩn mang tên “Hội chứng Ma cà rồng” chưa? Giống như viễn tưởng, những người mắc bệnh này cũng bắt buộc phải uống máu mới sống được. Chỉ là chẳng ai lại đi cắn cổ người khác mà hút vì sợ… mất vệ sinh.
Siêu cẩn trọng trước máu
Một buổi tối tại New Orleans (Hoa Kỳ), nhà báo David Robson của Mỹ sẵn sàng bước vào thử thách rùng mình nhất: hiến máu cho ma cà rồng. Người chuẩn bị hút máu của anh là John Edgar Browning. Nếu từng xem hay đọc về ma cà rồng, bạn không lạ gì thói quen của chúng. Bất kể ma cà rồng thiện hay ác cũng nhe cặp nanh dài nhọn hoắt, cắn ngập vào cổ con người và uống máu chảy ra từ vết thương.
Robson tự trấn an, bước vào phòng của Browning với nụ cười thân thiện trên miệng. Khác với những gì anh tưởng tượng, ma cà rồng này lịch thiệp mời Robson nằm sấp xuống và thả lỏng thân thể. Nó lấy bông gòn nhúng vào cồn, cọ sạch một mảng trên lưng của Robson rồi cầm dao mổ dùng một lần, nhẹ nhàng rạch một vết nông. Sau đó, nó cẩn thận nắn bóp cho máu tươi rỉ ra và kề miệng vào húp. Nếm xong vị của vài giọt máu, Browning lau sạch sẽ miệng vết thương và băng bó cho Robson. Trước vẻ ngơ ngác của “con mồi”, nó giải thích máu của anh không đúng vị ưa thích nên chỉ thế thôi là đủ.
Ngoài Browning, tại Mỹ còn hàng nghìn ma cà rồng khác. Họ đều thèm khát và sống nhờ vào việc uống máu. Có điều cũng như Browning, tất cả hết sức kén chọn. Họ vô cùng cẩn thận trong việc lựa tìm loại máu yêu thích và cách uống. Đầu tiên, những người này phải kiểm tra, xét nghiệm máu hiến tặng theo phương pháp y tế. Nếu uống trực tiếp thì trước đó, họ đánh răng, súc miệng sạch tinh. Còn gián tiếp thì rút máu bằng ống tiêm và bịch truyền giống như hiến máu bình thường, sau đó trút ra ly rồi mới uống.
Bệnh lý hiếm gặp
Theo ước đoán của 2 nhà tâm lý học Richard L. Vanden Bergh và John F. Kelley (Mỹ) từ năm 2010, thế giới đã có trên 50.000 người nghiện uống máu. Họ được xếp chung vào danh sách những người mắc “Hội chứng Ma cà rồng” (Vampire Syndrome). Trong thực tế, bệnh ma cà rồng đã được nhắc tới từ hàng ngàn năm trước. Triệu chứng của nó là nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nước tiểu có màu lạ và luôn mệt mỏi.
Trước thế kỷ XX, bệnh ma cà rồng là một điều cấm kỵ. Hầu hết mọi người tránh nhắc tới nó hoặc xem người mắc phải bệnh này như con quái vật. Phần lớn các tác phẩm dân gian phương Tây về ma cà rồng đều miêu tả chúng là ác quỷ giết người, hút máu. Phải sang thế kỷ XXI, ma cà rồng mới từ các tác phẩm kinh dị bước sang trang văn học lãng mạn, trở thành những sinh vật đẹp đẽ, mê hoặc lòng người.
Dù tránh né, phương Tây luôn ý thức được sự tồn tại cũng như cách thức hiệu quả nhất chữa bệnh ma cà rồng. Vào cuối thế kỷ XV, Đức Giáo hoàng Innocent VIII của Ý đã bị bắt vì tội treo và đánh 3 thanh niên đến chết, để máu tươi còn nóng của họ chảy xuống thân thể một người ốm mà ông muốn cứu. Những năm cận đại, người châu Âu thường đem thân nhân mắc bệnh động kinh, trầm cảm đến pháp trường, giành giật máu của các tử tù bị hành quyết cho họ uống.
Bước sang thế kỷ XX, bệnh ma cà rồng mới được y học đưa ra ánh sáng và nghiên cứu tử tế. Người ta phát hiện nó là một kiểu rối loạn chuyển hóa porphyrin (rối loạn máu di truyền hiếm gặp). Phân tử heme trong máu người được cấu thành bởi porphyrin và sắt, giúp vận chuyển oxy và sản sinh các tế bào hồng cầu. Rối loạn chuyển hóa porphyrin ảnh hưởng tới quá trình hình thành phân tử heme bình thường, gây ra nhiều triệu chứng bệnh từ nhẹ đến nặng; trong đó có triệu chứng da nhạy ánh sáng (phồng rộp khi tiếp xúc ánh nắng), gọi là “Hội chứng Ma cà rồng”.
Tỷ lệ người mắc rối loạn chuyển hóa porphyrin khá thấp, chỉ từ 1-5/10.000 người. Dĩ nhiên, tỷ lệ người mắc “Hội chứng Ma cà rồng” lại càng thấp. Dẫu vậy khi xét trên diện rộng, nó vẫn hình thành một cộng đồng lớn. Gần như ở bất cứ khu tập trung đông đúc nào của nhân loại cũng có cá nhân hoặc nhóm vampire người thật. Vì sợ bị kỳ thị, họ che giấu hội chứng.
Chưa có cách chữa trị
Browning vẫn nhớ anh phát bệnh từ thời thiếu niên. Quanh năm suốt tháng, Browning luôn trong trạng thái lờ đờ, khó chịu. Một hôm, anh cãi vã và đánh nhau với người em họ, bị máu của người này quệt vào miệng. Vừa nếm được vị của nó, anh lập tức “tỉnh hết cả người”. Mỗi ma cà rồng đời thực đều có một thời điểm nhận ra mình cần máu. Kể từ lúc này, họ nhất định phải được uống máu thì mới khỏe mạnh. Chu kỳ uống máu của các ma cà rồng – người thật cũng khác nhau. Có người chỉ cần 1-2 ly/tháng, cũng có người cần uống liên tục 1-2 lần/tuần.
Người bình thường không thể trực tiếp uống máu tươi. Máu chứa rất nhiều chất sắt, nếu bị tiêu hóa trực tiếp sẽ gây ngộ độc, làm tổn thương gan, rối loạn thần kinh và huyết áp. Người mắc “Hội chứng Ma cà rồng” thì ngược lại, có thể uống máu an toàn. “Chúng tôi chưa bao giờ gặp bất cứ biến chứng y tế nào do uống máu”, Browning cho biết. Thứ duy nhất mà các ma các rồng đời thực phải lo lắng là chất lượng của máu hiến tặng. Chúng phải đảm bảo không nhiễm các bệnh tật lây truyền như HIV, viêm gan B, C…
Trong thời đại cởi mở ngày nay, nhiều người mắc “Hội chứng Ma cà rồng” thoải mái tiếp xúc và báo cáo tình trạng của mình cho các y bác sĩ biết. “Nếu có cách để chữa, tôi sẵn sàng làm theo”, Kinesia – một ma cà rồng đời thực lên tiếng. “Nhiều người trong số chúng tôi đang phải sống dở chết dở vì chu kỳ thèm máu, muốn chấm dứt nó hoàn toàn”.
Ngoại trừ thèm, các ma cà rồng – người thật còn uống máu vì… sự sống. Khi không được nhận máu, hệ tiêu hóa của họ bài xích các loại thực phẩm thông thường. Nó từ chối tiêu hóa, không hấp thụ chất dinh dưỡng. Nếu một ma cà rồng đời thực cố tình bỏ qua chu kỳ uống máu, họ sẽ rơi vào cảm giác ghê tởm thức ăn, nuốt vào là nôn ra, đau bụng và đau đầu dữ dội. Trước tình trạng này, chỉ có duy nhất một cách cấp cứu là uống máu tươi. “Sức khỏe của tôi hồi phục 100% chỉ với một chút máu”, Kinesia cho biết. Cô cũng có thể ăn uống bất cứ món gì và hệ tiêu hóa lại hoạt động bình thường. Triệu chứng quái lạ này khiến các nhà nghiên cứu vô cùng đau đầu. Họ đặt ra giả thuyết: máu đối với người bị bệnh ma cà rồng cũng như giả dược. Nó tác động lên tâm lý, ảnh hưởng tích cực tới hoạt động tiêu hóa. Tuy nhiên, lý giải này không giúp ích gì cho việc chữa chứng thèm và bắt buộc phải uống máu.
Hiện nay, các ma cà rồng đời thực vẫn chỉ có thể tự lo cho bản thân. Họ cẩn thận sắm bộ dụng cụ lấy và xét nghiệm máu riêng, đảm bảo an toàn y tế. Một số vampire người thật còn khá… thưởng thức, trữ máu trong tủ lạnh, bảo quản bằng chất chống đông, pha chế với trà hoặc thảo dược cho ngon hơn.