BÀI VIẾT NHÂN KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH CỦA NGHỆ SĨ PHÙNG HÁ (1911-2021)
Trong những năm gần đây, Viện Bảo tàng Nhân loại ở Paris (Pháp) đã đẩy mạnh công trình số hóa bộ sưu tập khổng lồ của Charles Wolff (1905 – 1944), gồm gần 18.000 dĩa thu âm 78 RPM của những thập niên đầu thế kỷ XX.
Bộ sưu tập này bị thất lạc nhiều năm, sau đó được đưa về Viện lưu trữ của Đài phát thanh Pháp (Radio France) nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mãi cho đến đầu thế kỷ XXI. Hiện nay Viện Bảo tàng mới số hoá được 142 dĩa gồm một số âm nhạc dân gian của các sắc tộc trên thế giới.
Điều kỳ diệu là trong bộ sưu tập được xem như là lớn nhất của đầu thế kỷ XX này có tuồng cải lương “Mẫu tử tình thâm” với giọng ca huyền thoại của nghệ sĩ Phùng Há “Ngôi sao vô địch nước Nam” (lời phong tặng của tác giả Huỳnh Hà, 1932).
Theo thông tin của Viện lưu trữ âm thanh thuộc Viện Bảo tàng Nhân loại, tư liệu này là một dĩa 78 RPM của hãng Odeon, được sản xuất tại Paris (Pháp), có mã số Odeon 157.677. Dĩa gốc này hiện vẫn được bảo tồn ở Đài phát thanh Pháp.
Năm 1965, một phiên bản được thu lại bằng băng từ và lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Pháp nhưng mãi đến năm 2017 mới được đưa vào thư mục và hoàn tất số hoá vào năm 2019.
Tuồng cải lương “Mẫu tử tình thâm” thu âm thập niên 1930. Tư liệu trích đoạn được sưu tầm bởi TS. Nguyễn Lê Tuyên
Câu chuyện ly kỳ của bộ sưu tập gần 18.000 dĩa thu âm 78 RPM của Charles Wolff hiện chưa có nhiều thông tin và vẫn đang là đề tài mới cho giới nghiên cứu, giới hâm mộ nghệ thuật sân khấu Nam bộ, từ nay có thể vượt thời gian trở về bối cảnh của thập niên 1930 thường thức giọng ca lời thoại tiếng đàn của các nghệ sĩ tiền bối.
Lịch sử của Nam bộ lại có thêm một di sản văn hóa quý hiếm soi sáng thêm về thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương.