Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ công bố kế hoạch có tên gọi “Nhà nước Liên minh” tại Nghị viện châu Âu phản ánh quan điểm của EU rà soát các hoạt động đầu tư của Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài khác vào khu vực này.
Theo kế hoạch, chính phủ các nước EU sẽ tăng cường phối hợp khi đánh giá các khoản đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm như năng lượng hay công nghệ cao trên khía cạnh an ninh quốc gia.
Các nước thuộc EU có thể tham vấn EC nếu cho rằng một khoản đầu tư nước ngoài nào đó có liên quan đến không chỉ nước mình mà còn cả các nước khác trong khối và cần trình bày rõ lý do vì sao phê chuẩn dự án đầu tư nước ngoài.
EC sẽ có thẩm quyền xem xét đối với những khoản đầu tư nước ngoài trong các dự án do EU tài trợ như dự án hệ thống định vị vệ tinh Galileo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc kêu gọi tăng cường giám sát các hoạt động mua lại công ty EU của Trung Quốc trong bối cảnh đang có một làn sóng mạnh mẽ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu, mà một trong những khoản đầu tư của nước này gây tranh cãi là vào nhà máy sản xuất robot Kuka tại Đức.
Không chỉ Pháp, Đức và Italy cũng lên tiếng kêu gọi sáng kiến của EU đối với vấn đề đầu tư nước ngoài vào khu vực này sau khi chỉ ra Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đã có hệ thống giám sát đầu tư nước ngoài tại nước họ.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm của mình đối với việc EU thúc đẩy hoạt động giám sát đầu tư nước ngoài khi người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng Bảy lên tiếng cho rằng việc các nước giám sát đầu tư nước ngoài tại các lĩnh vực nhạy cảm quốc gia là đúng đắn nhưng việc xem xét trên góc độ an ninh không thể trở thành công cụ cho chủ nghĩa bảo hộ.
Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ những động thái chính trị của EU nhằm vào các khoản đầu tư của nước này trong các lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm của khối.
Theo Thời báo Tài chính tuần qua, ông Juncker đã thuyết phục EU rằng cần có cách tiếp cận mạnh mẽ để có được sự ủng hộ của các công dân EU đối với các thỏa thuận thương mại.
Tại Mỹ, hôm 13-9 Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ thương vụ Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Canyon Bridge Capital Partners thâu tóm hãng sản xuất chip Lattice Semiconductor có trụ sở ở Hillsboro, bang Oregon (Mỹ) với lý do thương vụ này có thể “gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ”.
Quỹ Canyon Bridge Capital Partners được thành lập vào năm ngoái và có trụ sở ở thành phố Palo Alto, bang California nhưng được bơm vốn từ nhiều đối tác đầu tư ở Trung Quốc bao gồm Yitai Capital, một công ty con ở Hongkong của Quỹ đầu tư Mạo hiểm Trung Quốc.
Trước đó, Lattice Semiconductor đã đồng ý để Canyon Bridge Capital Partners thâu tóm với giá 1,3 tỉ USD.
Hai bên đã ba lần đề nghị Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) duyệt thông qua thương vụ này nhưng đều thất bại. Thông thường, các công ty sẽ rút lui khi các thương vụ của họ không được sự tán thành của CFIUS. Tuy nhiên, Lattice Semiconductor và Canyon Bridge Capital Partners vẫn kháng nghị lên Tổng thống Donald Trump để cứu vãn thương vụ.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump tin rằng thương vụ này có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ vì nguy cơ tài sản sở hữu trí tuệ được chuyển nhượng cho bên mua nước ngoài, vai trò hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc trong thương vụ này, tầm quan trọng của chuỗi cung cấp bán dẫn đối với chính phủ Mỹ cũng như việc chính phủ Mỹ đang sử dụng các sản phẩm của Lattice Semiconductor.
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Donald Trump, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 14-9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói: “Chúng tôi tin rằng việc kiểm tra an ninh các thương vụ đầu tư trong các lĩnh vực nhạy cảm là quyền hợp pháp của một quốc gia nhưng không nên để nó trở thành công cụ để thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ”.
- Đ.N
Xem thêm:
- Pháp quốc hữu hóa Tập đoàn Đóng tàu STX France có vốn Trung Quốc
- Đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc thất bại
- Trung Quốc vẫn là công xưởng toàn cầu