Bộ não con người có khả năng thực hiện 1016 quy trình mỗi giây khiến nó mạnh hơn bất kỳ loại máy móc nào hiện đang tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là não của chúng ta không có những hạn chế lớn.
Máy tính thấp kém có thể làm hàng ngàn bài toán tốt hơn chúng ta ngàn lần, và bộ nhớ của chúng ta chẳng là gì cả. Thêm vào đó, chúng ta phụ thuộc vào những thiên kiến nhận thức – những thay đổi khó chịu trong suy nghĩ này khiến chúng ta đưa ra quyết định đáng ngờ và đi đến những kết luận sai lầm. Dưới đây là những thiên kiến nhận thức phổ biến và nguy hại nhất mà bạn cần phải biết.
Trước khi chúng ta bắt đầu, điều quan trọng là phải phân biệt giữa những thiên kiến nhận thức và những ngụy biện hợp lôgic. Một ngụy biện hợp lôgic là một sai lầm trong lập luận hợp lý (ví dụ như ngụy biện tấn công cá nhân, con dốc trơn trượt, ngụy biện lòng vòng…). Mặt khác, một thiên kiến nhận thức là một thiếu hụt hoặc giới hạn thực sự trong suy nghĩ của chúng ta – một lỗ hổng trong đánh giá phát sinh từ lỗi của bộ nhớ, thẩm quyền xã hội và tính toán sai lầm (chẳng hạn như lỗi thống kê hay một cảm giác sai lầm về xác suất).
Một số nhà tâm lý học xã hội tin rằng những thiên kiến nhận thức giúp chúng ta xử lý thông tin hiệu quả hơn, đặc biệt là trong các tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng khiến chúng ta phạm những sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta có thể dễ mắc lỗi như vậy trong đánh giá, nhưng ít nhất chúng ta có thể nhận thức được chúng. Dưới đây là một số thiên kiến cần ghi nhớ.
Thiên kiến xác nhận
Chúng ta có xu hướng ưa thích những người đồng ý kiến với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ truy cập vào những trang web thể hiện giống quan điểm chính trị của chúng ta và đó cũng là lý do tại sao chúng ta thích ở cùng những người có những quan điểm và sở thích tương tự chúng ta. Chúng ta thường cảm thấy khó chịu với những cá nhân, nhóm người và các nguồn tin tức khác biệt hoặc khiến quan điểm của chúng ta lung lay – nhà tâm lý về động thái B. F, Skinner gọi đây là “bất hòa nhận thức”.
Chính loại hành vi ưu tiên này dẫn đến thiên kiến xác nhận – hành động vô thức chỉ ghi nhận những quan điểm ủng hộ lập trường sẵn có từ trước của chúng ta, trong khi bỏ qua hoặc bác bỏ những ý kiến đe dọa thế giới quan của chúng ta – bất kể chúng hợp lý ra sao. Và trớ trêu thay, Internet đã làm cho xu hướng này thậm chí còn tồi tệ hơn.
Ưu đãi nội nhóm
Tương tự như thiên kiến xác nhận là sự ưu đãi nhóm, một kiểu ưu đãi thành viên nhóm của mình hơn hẳn các thành viên khác không cùng nhóm. Và kỳ lạ thay, hiệu ứng này có liên quan nhiều đến oxytocin – còn được gọi là “phân tử tình yêu”. Chất dẫn truyền thần kinh này, trong khi giúp chúng ta thắt chặt mối quan hệ với những người có chung quyền lợi, đồng thời lại thực hiện chức năng ngược lại đối với những người ở bên ngoài – điều đó khiến cho chúng ta nghi ngờ, sợ hãi và thậm chí khinh bỉ người khác. Cuối cùng, ưu đãi nội nhóm làm cho chúng ta đánh giá quá cao khả năng và giá trị của nhóm gần gũi với chúng ta, trong khi nó lại gây thiệt hại cho những người mà chúng ta không hề quen biết.
Ngụy biện của những con bạc
Mặc dù được gọi là một sự ngụy biện, nó lại là một trục trặc trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta có xu hướng dựa vào những sự kiện trước đó, tin rằng chúng sẽ bằng cách nào đó ảnh hưởng đến kết quả trong tương lai. Một ví dụ điển hình là trò tung đồng xu. Bạn đã tung 5 lần và cả 5 lần liên tiếp đều nhận được mặt ngửa. Bạn nghĩ rằng đồng xu đã xuất hiện mặt ngửa khá nhiều lần,; vì thế, bạn đoán mặt xấp sẽ xuất hiện ở lần tiếp theo. Nhưng thật ra, xác suất xảy ra mặt xấp hay ngửa vẫn chỉ là 50/50. Theo các nhà thống kê học, kết quả trong mỗi lần tung khác nhau là độc lập về mặt thống kê và xác suất của kết quả bất kỳ vẫn là 50%.
Tương tự như thế, cũng có định kiến về kỳ vọng tích cực thường làm tăng thêm máu cờ bạc. Đó là cảm giác rằng cuối cùng sự may mắn của chúng ta sẽ thay đổi và vận may đang đến. Nó cũng góp phần vào quan niệm sai lầm “bàn tay kỳ diệu”. Tương tự như vậy, khi bắt đầu một mối quan hệ mới, chúng ta lại có cùng một cảm giác tin tưởng rằng nó sẽ tốt hơn so với mối quan hệ trước.
Sự hợp lý hóa sau khi mua hàng
Liệu bạn đã từng có những lúc mua về một vật gì đó hoàn toàn không cần thiết, bị lỗi hoặc quá đắt, và sau đó bạn tự huyết phục mình đó là một ý tưởng tuyệt vời để hợp lý hóa cho việc mua chúng? Vâng, đó là sự hợp lý hóa sau khi mua hàng thể hiện trong hành động – một loại cơ chế được dựng lên làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn sau khi đưa ra một quyết định ngớ ngẩn, đặc biệt là ở quầy tính tiền. Còn được gọi là “Hội chứng Stockholm của người mua hàng”, đó là một cách tiềm thức biện minh cho những quyết định mua sắm của chúng ta – đặc biệt là với những món hàng đắt tiền. Những nhà tâm lý học xã hội nói nó bắt nguồn từ nguyên tắc cam kết, khát vọng tâm lý muốn giữ vững sự kiên định và tránh sự bất hòa nhận thức.
Bỏ qua xác suất
Một số rất ít người gặp vấn đề với việc bước lên xe và lái đi một vòng, nhưng nhiều người trong chúng ta đều trải qua cảm giác lo lắng khi bước vào bên trong chiếc máy bay và bay ở độ cao 35.000 feet. Việc đi máy bay rõ ràng là một hoạt động hoàn toàn không được tự nhiên và dường như nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu như tất cả chúng ta đều biết và thừa nhận thực tế là xác suất tử vong trong một tai nạn ô tô lớn hơn so với một vụ tai nạn máy bay, nhưng bộ não của chúng ta lại cố tình không chịu hiểu lập luận hết sức rõ ràng này (theo thống kê, chúng ta có 1/84 nguy cơ chết trong một tai nạn xe cộ so với 1/5.000 – thậm chí một số nguồn khác trích dẫn tỷ lệ thấp hơn đến 1/20.000 – nguy cơ chết trong một tai nạn máy bay. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi chúng ta thường lo lắng nhiều hơn về việc bị chết trong một hành động khủng bố so với một việc có khả năng xảy ra nhiều hơn, chẳng hạn như ngã khỏi cầu thang hoặc ngộ độc.
- Xem thêm: Được và mất
Nhà tâm lý học xã hội Cass Sunstein gọi đây là “thái độ bỏ qua xác suất” – chúng ta không có khả năng cảm nhận đúng mức độ nguy hiểm và rủi ro, dẫn đến việc chúng ta thường phóng đại rủi ro trong những hoạt động tương đối vô hại, trong khi đó lại buộc chúng ta phải đánh giá quá cao những hoạt động nguy hiểm hơn.
Sai lệch lựa chọn quan sát
Sai lệch xảy ra khi chúng ta đột nhiên nhận thấy những điều mà trước đây không để ý đến, nhưng lại giả định một cách sai lầm rằng sự kiện này lặp lại ngày càng nhiều, chẳng hạn như sau khi chúng ta mua một chiếc xe mới và bắt đầu thấy những chiếc xe tương tự xuất hiện hầu như ở khắp mọi nơi một cách khó hiểu. Một hiệu ứng tương tự xảy ra với phụ nữ mang thai đột nhiên nhận thấy có rất nhiều phụ nữ mang thai khác xung quanh họ. Hoặc có thể là một con số hoặc một bài hát nào đó.
Không phải những điều này xuất hiện thường xuyên hơn, mà là chúng ta đã – vì một lý do nào đó – lựa chọn các mục này trong tâm trí của chúng ta và do đó, chú ý đến nó thường xuyên hơn. Vấn đề là hầu hết mọi người không nhận ra đây là một sự thiên lệch lựa chọn, và thực sự tin rằng những điều hoặc sự kiện đang lặp đi lặp lại ngày càng nhiều có thể gây cảm giác hỗn loạn. Nó cũng là một định kiến nhận thức góp phần khiến bạn có cảm giác rằng sự xuất hiện của những điều hay những sự kiện nào đó không thể nào là một trùng hợp ngẫu nhiên mặc dù nó là như thế.
Định kiến về trạng thái hiện tại
Con người chúng ta có xu hướng sợ thay đổi, thường khiến chúng ta đưa ra những lựa chọn an toàn để đảm bảo rằng mọi thứ vẫn như cũ, hoặc thay đổi càng ít càng tốt. Hiện tượng này có sức ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, từ chính trị đến kinh tế. Chúng ta thường muốn giữ nguyên những thói quen của chúng ta, các đảng phái chính trị và các bữa ăn yêu thích tại nhà hàng. Một phần nguy hại của định kiến này nằm ở những giả định vô căn cứ cho rằng sự lựa chọn khác sẽ kém hơn hoặc làm cho mọi việc tồi tệ hơn. Định kiến về trạng thái hiện tại có thể được tóm tắt trong câu: “Đừng có chữa lợn lành thành lợn què” – một thành ngữ dung túng sự bảo thủ của chúng ta.
Định kiến tiêu cực
Chúng ta thường có xu hướng tập trung sự chú ý nhiều hơn đến những tin xấu. Các nhà khoa học xã hội giả định rằng đó là do lợi ích của việc chú ý có chọn lọc của chúng ta và rằng, khi đưa ra sự lựa chọn, chúng ta nhận định những tin tức tiêu cực quan trọng hơn hoặc sâu sắc hơn. Chúng ta cũng có xu hướng tin vào những tin tức xấu nhiều hơn có lẽ vì chúng ta nghi ngờ hoặc chán nản với lời tuyên bố trái sự thật. Ngoài ra, việc lưu ý đến tin xấu cũng có thể dễ thích nghi hơn so với việc phớt lờ tin tốt. Hiện nay, chúng ta đang chìm sâu vào những suy nghĩ tiêu cực trong khi đánh đổi bằng những tin tức tốt. Trong cuốn sách The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined của mình, Steven Pinker lập luận rằng tội phạm, bạo lực, chiến tranh và những bất công khác đang giảm mạnh, nhưng hầu hết mọi người lại cho rằng mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn; đó là một ví dụ hoàn hảo của định kiến tiêu cực ở nơi làm việc.
Hiệu ứng đoàn tàu
Mặc dù thường không nhận thức về nó, chúng ta thích hùa theo đám đông. Khi đám đông bắt đầu chọn một người chiến thắng hoặc một người được yêu thích, đó là khi những bộ não riêng biệt của chúng ta bắt đầu ngừng hoạt động và bước vào một loại “suy nghĩ nhóm” hoặc tinh thần tổ ong. Không cần phải là một đám đông lớn hoặc ý tưởng bất chợt của cả một quốc gia, nó có thể là những nhóm nhỏ giống như một gia đình hoặc thậm chí một nhóm nhỏ những người cùng làm việc trong văn phòng. “Hiệu ứng đoàn tàu” là những gì thường gây ra hành vi, chuẩn mực xã hội và những biểu tượng về mặt văn hóa tuyên truyền giữa các nhóm cá nhân. Đây là lý do tại sao các cuộc thăm dò ý kiến thường không tốt vì chúng có thể hướng các quan điểm cá nhân cho phù hợp. Định kiến này có liên quan đến đã phải làm với mong muốn sâu bên trong chúng ta về sự thích ứng và phù hợp như đã được các thí nghiệm Asch chứng minh .
Định kiến dự đoán
Bởi vì chúng ta mắc kẹt bên trong tâm trí của chúng ta 24 giờ /7 ngày, thật khó cho chúng ta để dự đoán ra ngoài giới hạn của ý thức và sở thích riêng của mình. Chúng ta có xu hướng cho rằng hầu hết mọi người đều nghĩ giống như chúng ta, mặc dù có thể không có lý lẽ nào biện minh cho việc đó. Sự thiếu sót về nhận thức này thường dẫn đến một hiệu ứng liên quan được gọi là “định kiến đồng thuận sai lầm” mà chúng ta có xu hướng tin rằng mọi người không những có suy nghĩ giống như chúng ta, mà còn đồng ý với chúng ta nữa. Đó là một định kiến do chúng ta đánh giá quá cao bản thân mình và cho rằng luôn có một sự đồng thuận trong mọi vấn đề. Hơn nữa, nó cũng có thể tạo ra hiệu ứng mà các thành viên của một nhóm cực đoan cho rằng có nhiều người khác đồng ý với họ hoặc tự tin quá mức khi dự đoán người chiến thắng của một cuộc bầu cử hoặc thể thao.
Định kiến hiện tại
Con người chúng ta luôn có một khoảng thời gian thực sự khó khăn suy nghĩ về tương lai và thay đổi hành vi và kỳ vọng của chúng ta cho phù hợp. Hầu hết chúng ta thà trải nghiệm niềm vui trong thời điểm hiện tại, chấp nhận để lại nỗi đau về sau. Đây là một định kiến đặc biệt liên quan đến các nhà kinh tế (ví dụ như chúng ta muốn chi tiêu thoải mái và không phải tiết kiệm tiền) và các nhân viên y tế. Thật vậy, một nghiên cứu năm 1998 cho thấy, khi lựa chọn thức ăn cho tuần tới, 74 % người tham gia chọn trái cây. Nhưng khi lựa chọn thức ăn cho ngày hôm nay thì 70 % chọn sô-cô-la.
Hiệu ứng mỏ neo
Còn được gọi là “cái bẫy tương đối” gặp phải khi chúng ta so sánh và đối chiếu phiến diện. Nó được gọi là “hiệu ứng mỏ neo” bởi vì chúng ta có xu hướng gán một giá trị hoặc con số cho một vật và so sánh chúng với tất cả mọi thứ khác. Một ví dụ điển hình là một mặt hàng đang được bán giảm giá, chúng ta có xu hướng cân nhắc và đánh giá sự khác biệt về giá cả, chứ không phải là giá trị của chính món hàng. Đây là lý do tại sao thực đơn một số nhà hàng có những món rất đắt tiền, đồng thời dường như cũng cung cấp những món có giá hợp lý hơn. Đó cũng lý do tại sao, khi đưa ra một sự lựa chọn, chúng ta thường thích những lựa chọn trung bình, không quá đắt và không quá rẻ.