Nguyễn Thị Tâm là một trong những nữ họa sĩ tên tuổi của TP. Hồ Chí Minh, được biết đến với sở trường tranh lụa. Tranh của bà là một hiện tượng trong giới hội họa, vừa có giá trị nghệ thuật gắn liền với quê hương, khơi dậy những cảm xúc gần gũi và có sức lan tỏa xa, lại vừa thành công về mặt thương mại. Có thể nói bà là một trong những họa sĩ bán nhiều tranh nhất trên thị trường của Việt Nam hiện nay, nên dù bà không nghĩ đến nhưng theo chúng tôi, ở một khía cạnh nào đó, bà đã là một doanh nhân. Những tác phẩm của bà đều lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, từ cảnh sắc quê hương.
Cả dải đất hình chữ S từ Bắc chí Nam, nơi nào cũng in dấu chân người phụ nữ này để rồi với giá vẽ và cây cọ trên tay, với trái tim yêu nghề đến kỳ lạ, bà đã đưa những phố cổ, chợ hoa, những làng quê hẻo lánh, núi cao, ao bèo… vào các bức tranh rất nên thơ của mình. Có người ví tranh của Nguyễn Thị Tâm giống như cô thôn nữ đang tuổi cập kê, không sắc sảo, tân thời nhưng cái duyên thầm làm “chết” bao cái nhìn của người đời. Không chỉ sáng tác không mệt mỏi, bà còn trực tiếp đào tạo ra nhiều thế hệ họa sĩ, nhiều người đã thành danh từ lớp học tại gia của bà.
Chúng tôi gọi điện thoại xin một cuộc hẹn với họa sĩ Nguyễn Thị Tâm với lý do muốn ngắm tranh mới và cũng để nói chuyện tâm tình vì khá lâu không gặp bà. Bên kia đầu dây, giọng bà vồn vã: “Nhà báo tới đi, nhưng mà buổi tối mới được, ban ngày phải tranh thủ vẽ cho kịp triển lãm, sắp tới rồi mà chưa hoàn thành. Ừ, nói chuyện tâm tình thì được chứ đừng phỏng vấn gì đó nhé, ngại lắm!”. Với bà, năm tháng và tuổi tác hầu như chỉ làm chín thêm cảm xúc sáng tác để đua với quỹ thời gian còn lại của cuộc đời.
Một buổi tối tháng Sáu, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm tiếp tôi tại nhà trong con hẻm khá yên tĩnh. Phòng khách cũng là nơi bày tranh. Không gian như chật lại bởi rất nhiều tranh lụa, tranh sơn dầu xếp chồng lên nhau, treo trên tường, đủ mọi kích cỡ. Tôi đứng lặng ngắm bức tranh hoa quỳnh. Từng đóa, từng nụ quỳnh trắng muốt giữa màu lam tím của đêm dưới vầng trăng lạnh đẹp tinh khôi, hiện diện đấy mà cứ như hư ảo. Cảm giác lạ lùng đó khiến tôi chợt nhớ về kỷ niệm ngày nào phải ráng thức để chờ xem hoa nở, để được ngắm cái màu trắng giống như trong tranh hôm nay của họa sĩ.
Có khi trong một cuộc triển lãm của nhiều họa sĩ mà chỉ có mình tôi là tranh lụa, tự dưng thấy lạc lõng vô cùng.
____
Hình như bà rất yêu hoa quỳnh, một loài hoa chỉ nở về đêm?
Đúng vậy, tôi đã vẽ không biết bao nhiêu tranh về hoa quỳnh và hoa sen, nhưng mỗi lần cầm cọ, trong tôi luôn có một cảm xúc mới lạ, không bao giờ trùng lặp. Đây là hai loài hoa mà tôi yêu nhất, vì nó giống như thân phận con người. Trước đây tôi làm việc hầu như liên tục, đến tận đêm khuya mỗi ngày. Sau này thì chỉ vẽ vào ban ngày thôi, thế nhưng để vẽ hoa quỳnh, tôi phải phá “lệnh giới nghiêm” của mình. Tôi từng ngắm hàng giờ hoa quỳnh nở trong đêm và cảm thấy bàn tay của tạo hóa sao mà kỳ diệu vô cùng.
Có lần tôi dẫn học trò đi vẽ tranh phong cảnh ruộng lúa. Thầy trò ra đến nơi, tôi chợt đổi ý khi bắt gặp một chiếc lá sen già đã chuyển sang màu đỏ, trên lá sen còn đọng mấy giọt nước, có mấy chiếc lá non vừa nổi lên mặt nước, chỉ có hoa sen vẫn vươn lên khỏe mạnh, tươi tắn. Hình ảnh ấy giục tôi phải cầm cọ ngay. Nó gợi cho tôi suy nghĩ về sự sống, cái chết và sự tái sinh trong vòng hữu hạn của kiếp nhân sinh. Tôi thường vẽ theo đề tài tùy hứng và rất thích những bức tranh ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
____
Có nhiều họa sĩ vẽ tranh thiên nhiên, nhưng để làm bật lên được thứ “ngôn ngữ thầm lặng” trong tranh thì có lẽ cũng không có mấy người. Làm thế nào để bà giữ được cảm xúc sau bao nhiêu năm cầm cọ mà tác phẩm cứ tươi mới, “nói” được nhiều đến thế?
Tôi sống thanh thản, ung dung tự tại, không toan tính nhiều về lẽ được mất ở đời. Có sống vậy thì lòng mới rung động được, mới cảm nhận được sự tinh tế và vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất. Tôi luôn nuôi dưỡng cảm xúc qua những chuyến đi. Có khi bước chân ra khỏi nhà, nói là đi du lịch, nhưng lúc nào cũng lỉnh kỉnh đầy đồ nghề để vẽ, ngay cả khi chỉ đi lòng vòng trong thành phố.
Nó đã thành một thói quen nghề nghiệp cố hữu mất rồi, đến nỗi có bạn bè bảo tôi sao mà khổ vậy, nhưng tôi thì nghĩ thế mới là hạnh phúc. Còn khi không đi thực tế để sáng tác được thì tôi ngồi nhà vẽ tĩnh vật, trở về những vật quanh mình như cây cỏ sân nhà hay một quang gánh đổ bóng trên đường trước hẻm…
____
Có phải nhờ chất liệu tranh lụa và với chủ đề phong cảnh quê hương nên tranh của bà rất được Việt kiều và du khách nước ngoài ưa chuộng? Bà có nghĩ là mình đã thành công khi thương hiệu tranh lụa Nguyễn Thị Tâm đang trở thành một nhịp cầu văn hóa?
Tôi đã đi rất nhiều nước để triển lãm tranh, từ đó tôi thấy rằng nền hội họa của nước nào cũng có hai luồng phát triển song hành, vừa theo trường phái cổ điển, vừa theo xu hướng hiện đại. Dù theo trường phái nào thì bức tranh tốt vẫn có đối tượng khán giả riêng của nó, không thích hợp với người này nhưng lại là sự lựa chọn của người khác. Càng đi nhiều, tôi càng hiểu rõ một điều rằng mình phải là mình, phải giữ và phát triển tranh lụa, cái mà mình có sẵn.
Vẽ tranh lụa truyền thống Việt Nam vốn không được thế giới biết đến nhiều nên chưa được ưa thích, do đó mình càng phải giới thiệu nhiều hơn nữa. Nếu mình thay đổi, chạy theo cái mới, dù có học hỏi được họ thì mình vẫn đi sau người ta quá xa, không thể theo kịp, lại dễ bị so sánh hơn kém. Cho nên nền hội họa Việt Nam nếu không muốn lẫn vào đám đông, muốn khác người thì phải giữ được tính dân tộc.
Có người hỏi tôi tại sao bán tranh lụa ít tiền, rồi tranh lụa không được ưa chuộng như vậy mà vẫn không chịu bỏ, lại còn nuôi ý định giới thiệu rộng rãi thì có thực tế không? Tôi trả lời, đó là “lập trường” của tôi, tôi quyết tâm giữ tranh lụa ít nhất là cho riêng mình. Cho dù có thăng trầm, biến cố cỡ nào, có đói nghèo đến đâu, tôi vẫn sống theo tâm nguyện, sở thích của mình, dứt khoát không thay đổi. Bây giờ tôi đã có nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Tôi chỉ chuyên tâm sáng tác chứ không phải lo việc bán tranh nữa. Người ta chỉ mua tranh khi họ yêu thích, có sự đồng cảm với tranh của mình nên ai đã mua thì thường quay trở lại. Tôi cảm nhận và vẽ tranh về quê hương bằng trái tim mình chứ không theo một tuyên ngôn nào cả. Có lẽ vì thế mà một số người Việt xa xứ vẫn thường đến với tôi.
Có lúc tôi làm ra rất nhiều tiền nhưng rồi nó cũng đi đâu mất, mà tôi cũng chẳng bận tâm là mình có bao nhiêu tiền nữa.
____
Vẽ tranh nhiều như vậy thì làm sao bà kiểm soát hết được, chẳng hạn khi bị ăn cắp bản quyền? Bà có băn khoăn về tình trạng bảo hộ bản quyền như hiện nay không?
Đúng vậy, tôi đã vẽ rất nhiều tranh và không nhớ nổi số lượng tranh đã vẽ trong ngần ấy năm cầm cọ. Nhưng tranh là đứa con tinh thần của mình, cho dù thế nào thì mình vẫn nhận ra. Trong thời gian qua, không chỉ riêng tôi mà nhiều người trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật đều bị ăn cắp, sao nhái tác phẩm một cách vô tội vạ. Bây giờ thì Nhà nước đã ban hành Luật Bản quyền nhưng để thực hiện nó thì vẫn còn tốn nhiều thời gian và ngại nhất là rườm rà về thủ tục.
Muốn xin bảo vệ tác quyền thì tranh vẽ xong phải đi chụp ảnh để đưa đi kiểm duyệt, mỗi bức tranh phải ghi rõ lý lịch, rồi làm thành 5 bộ hồ sơ, chờ người ta gửi ra Hà Nội duyệt xong mới có quyết định công nhận. Theo cách làm ấy, tôi rất khó thực hiện vì số lượng tranh thì nhiều, mà tôi lại không có thời gian.
____
Bà có tin tưởng rằng tranh lụa Việt Nam sẽ có mảnh đất tốt để phát triển?
Tôi đã sống với nghề, đeo đuổi suốt cả cuộc đời, vậy mà có lúc phải day dứt với nghề ghê gớm. Có khi trong một cuộc triển lãm của nhiều họa sĩ mà chỉ có mình tôi là tranh lụa, tự dưng thấy lạc lõng vô cùng. Mình bỗng thành người “không giống ai” ngay trên quê hương của mình! Tôi biết trong suy nghĩ của một số người, tranh lụa có vẻ “bình dân, quê mùa”, nhưng là người lạc quan nên cho dù hoàn cảnh nào, tôi vẫn tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, nếu mình mong muốn và cố gắng.
Dòng chảy của nghệ thuật truyền thống Việt Nam vẫn đang phát triển, nhất là tranh lụa và tranh sơn dầu theo trường phái bán cổ điển. Ví như cái cây, một khi đã bám rễ sâu vào đất thì nó sống âm ỉ và sẽ có ngày xanh tươi. Bằng chứng là tôi có nhiều học trò, các em rất yêu nghề và có sức sáng tạo tốt. Một số em hiện ở nước ngoài cũng đã thành danh với nghề. Có em được hãng phim hoạt hình Walt Disney của Mỹ nhận vào làm việc.
Nói về việc dạy học, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm thoáng suy tư khi nhắc đến người thầy của mình – họa sĩ Lê Văn Đệ, Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ trước năm 1975, người đã trực tiếp dạy tranh lụa cho bà. Bà kể rằng lúc dạy, thầy Đệ không cho dùng màu trắng để vẽ, vì nó làm đục bức tranh. Bà đã cãi lời thầy, cương quyết vẽ màu trắng.
Cái lý của bà là nếu nghe thầy, để trống khoảng màu trắng trên lụa thì một thời gian lụa sẽ ngả màu ố vàng, không giữ được màu trắng thì bức tranh cũng hư theo, làm sao giữ gìn lâu dài được. Và bà đã có lý khi sáng tác. Bà chỉ tôi xem bức tranh vẽ một đầm sen với rất nhiều hoa trắng, giọng như chùng lại: “Tôi đã tranh cãi, phải nói là chống đối thầy về cách dùng màu trong hội họa như thế, nhưng thầy vẫn rất thương tôi. Khi tôi ra trường được vài năm thì thầy mất.
Trong đời, tôi cứ mãi hối tiếc một điều là cả hai người, thầy và ba tôi đều không thấy được sự thành công của tôi trong nghề nghiệp. Ba tôi là người đã ủng hộ, động viên tôi theo con đường hội họa, nhưng ông đã mất sau giải phóng. Đến khi tôi kiếm được nhiều tiền từ chính nghề nghiệp của mình thì ba lại không còn”. Trong dòng chảy của ký ức miên man về những điều được, mất của cuộc đời, người phụ nữ đã gần đến ngưỡng “thất thập”này vẫn luôn thiết tha với cuộc sống…
Con người nghệ sĩ của bà cứ hiện, hòa trộn trong một người phụ nữ chân chất, bộc trực Nam bộ. Bà kể, thời hoàng kim của tranh lụa là lúc người ta xuất ngoại nhiều và trong hành lý của người xa quê, ai cũng muốn mang theo bức tranh quê hương. Có lúc bà vẽ tranh không kịp để bán…
____
Bán được nhiều tranh như vậy, chắc bà giàu lắm…
(Cười…) Nói thật, có lúc tôi làm ra rất nhiều tiền nhưng rồi nó cũng đi đâu mất, mà tôi cũng chẳng bận tâm là mình có bao nhiêu tiền nữa. Có lúc cuộc sống rất khó khăn, ai cũng vất vả với miếng cơm manh áo nên tôi đã quen với cái khổ. Sau này thì cuộc sống khấm khá hơn, tôi cũng chỉ lo cho gia đình được chu tất, các con được học hành đàng hoàng, ngoài ra, tôi chẳng nghĩ đến chuyện tích lũy làm giàu.
Cuộc đời này mọi vật đều phù vân, cứ bon chen, ganh đua với đời mà nhiều người cuối cùng cũng “sắc sắc không không” thôi. Tôi thích sống trải lòng với mọi người, với bạn bè, người thân và cả với người khổ hơn mình. Tình người quý hơn tiền, lúc nào tôi cũng cảm nhận như thế. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng của cách giáo dục xưa, ông bà mình dạy phải biết tu nhơn tích đức.
Tôi rất xót xa, thương cảm cho những số phận trẻ em không may mắn, bệnh tật… nên làm được việc gì giúp được cái gì là tôi luôn sẵn sàng. Không biết có tích được phước để con cháu hưởng sau này không, nhưng tôi không nghĩ làm như thế để người ta giúp lại mình.
Hội họa là thực hành, từ thực hành mới có sáng tạo, chứ lý luận suông không giúp người ta trở thành họa sĩ thạo nghề.
____
Chắc bà có một gia đình hạnh phúc? Làm thế nào để bà cân bằng bản tính một người nghệ sĩ lãng mạn và người phụ nữ đời thường để gia đình được ấm êm?
Tôi may mắn sinh ra trong gia đình mà cha mẹ dạy con cái rất mực thước. Các anh em tôi được tự do chọn nghề nghiệp, mỗi người một nghề, nhưng phần đông đều làm nghệ thuật. Đến khi tôi lập gia đình, chồng tôi cũng là họa sĩ nên dễ dàng có sự thông cảm, chia sẻ với nhau. Tôi thức khuya để làm việc, trăn trở suy nghĩ với đề tài, tìm một cái tên hay cho bức tranh, rồi đến phương pháp dạy, “bắt mạch” từng học trò… tất cả những việc ấy đều được tạo thuận lợi, không có cản trở nào cả. Các con tôi, đứa nào thích hội họa thì tôi đều khuyến khích và hướng dẫn.
Tôi nghĩ làm nghệ thuật cần sự lãng mạn, thi vị hóa một chút để tác phẩm được đẹp hơn, lung linh hơn, nhưng không được để nghệ thuật làm hư con người. Ai cũng phải sống có kỷ luật với chính mình và với chung quanh mình. Trong gia đình, mình cũng là người phụ nữ nên tôi luôn giữ đúng lễ giáo đối với họ hàng hai bên. Ai nói nghệ sĩ thường sống “bay bướm”, riêng tôi thì không, thậm chí còn rất “cổ”. Mình muốn người ta đối đãi tử tế, tôn trọng mình thì trước tiên mình phải sống cho tử tế.
____
Ngoài phương pháp sư phạm, bà thường khuyên điều gì với học trò khi họ dấn thân vào nghề cầm cọ?
Tôi nói với các em rằng muốn thành công thì phải yêu nghề, phải xem nó như là huyết mạch trong cơ thể của mình, là một thứ đạo để theo. Tiếc là, lớp trẻ ngày nay có ít người nghĩ đến điều này. Có người chỉ chăm đến việc bán tranh, không bán được thì bỏ nghề, nhảy sang nghề khác. Có người thì lại ham chơi, không cố gắng học hỏi, trau dồi nghề nghiệp nên không tiến xa được. Hội họa là thực hành, từ thực hành mới có sáng tạo, chứ lý luận suông không giúp người ta trở thành họa sĩ thạo nghề. Nhưng trên tất cả, tôi tin là nếu mình có lòng yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình.
____
Mỗi sớm mai thức dậy, bà nghĩ gì?
Cuộc đời này đáng cho mình sống và cống hiến. Tôi pha màu để vẽ cuộc đời, để ai nhìn vào cũng thấy được điều ấy. Tôi vẽ cuộc sống tôi đang sống, tôi không vẽ ngày mai tôi chưa đến. Tôi cũng không nghĩ tôi phải vẽ Thiên đàng hay Địa ngục.
____
Nhưng hình như cuộc sống ngày càng nhanh hơn, vội vã hơn nên nét bình yên, thơ mộng trong tranh cũng bị dần phai thì phải?
Khi cuộc sống phát triển, con người được hưởng nhiều tiện nghi vật chất, văn minh thành thị lan xa thì nhịp sống cũng hối hả hơn. Đó là điều đáng mừng, nhưng đương nhiên cũng có chút nuối tiếc. Với tôi, cảm xúc về con người, làng quê, cảnh vật dù qua bao thay đổi vẫn còn nguyên vẹn. Đề tài sáng tác là vô tận nếu mình biết khai thác. Nếu không phản ánh những vấn đề lớn được thì đi vào những đề tài nhỏ, sâu hơn trong cuộc sống đời thường, như giọt nước trên lá sen, lá bàng rụng trên sân, hay gà mẹ dẫn đàn con…
____
Nếu được trở về sự lựa chọn ban đầu, bà vẫn sống với hội họa, sống với tranh lụa chứ?
Chắc chắn như vậy rồi! Một khi tôi đã chọn cho mình con đường riêng thì phải quyết tâm đi cho đến đích. Không có gì hạnh phúc hơn khi mình được sống với nghề mà mình yêu thích. Tôi nhớ có mấy lần đi triển lãm tranh ở nước ngoài, được bạn bè dẫn đi tham quan, thấy cảnh đẹp mà không vẽ được ngay, tôi bứt rứt vô cùng. Cái cảm giác thèm vẽ lúc đó không sao diễn tả nổi.