Chẳng hiểu sao chị lại làm tôi nhớ đến hình ảnh ông già Noel với niềm tin vào những gì mình mang tặng thay vì những gì mình nhận được. Từ một cô bé mồ côi, tài thêu thùa vá may và bản tính vén khéo rất phụ nữ, chị làm nên những sản phẩm xinh xắn tràn đầy tình yêu, bắt đầu từ những mảnh vải thừa, để từ đó gầy dựng một hệ thống “siêu thị” mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ với cái tên rất ấn tượng: Miss Áo Dài.
Miss Áo Dài không chỉ nổi tiếng trên thị trường Việt Nam, Nhật, Nga, Mỹ… mà còn là… tên riêng của chị. Người phụ nữ có nụ cười đôn hậu ấy suốt ngày tất bật trăm mối làm ăn, nào xuất khẩu mỹ nghệ, xây dựng, đầu tư bất động sản, nào kinh doanh Spa… nhưng vẫn dành thật nhiều thời gian công sức để làm từ thiện, giúp đỡ cả dòng họ, nhân viên và những em bé mồ côi mắc bệnh hiểm nghèo… Chọn sự yêu thương, chia sẻ làm tâm điểm cho mọi suy nghĩ, hành động của mình, chị đã vượt qua mọi nghiệt ngã của cuộc sống bởi trong chị luôn còn điều gì đó để cho đi.
Mạo hiểm liên tục với những vận hội, chị đã học được từ đó cách sống dũng cảm. Đối với chị, cuộc sống là sự tranh đấu không ngừng, chính sự tranh đấu mới làm phát lộ sức mạnh tiềm tàng trong con người chị… Thực tế hơn ai hết, nhưng cũng lãng mạn hơn ai hết là chị, với giấc mơ về một Miss Áo Dài như biểu tượng của vẻ đẹp Việt, tâm hồn Việt.
Bạn hãy bắt đầu từ việc kiếm 1 đồng, sau đó 5 đồng, rồi hẵng đến 10 đồng, đừng bao giờ muốn ngay 10 đồng, bạn sẽ không có gì hết.
____
Nhiều hướng dẫn viên du lịch thường nói với du khách: “Miss Áo Dài đi tới con đường nào là khiến con đường đó đẹp hơn, sầm uất hơn”… Chị đã biến một nơi sình lầy nước đọng của đường Nguyễn Trung Ngạn ở phường Bến Nghé, Quận 1 thành giấc mơ của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra sao?
Hồi trước đây là con đường cỏ dại mọc đầy, dơ không tưởng nổi, Miss Áo Dài đã lát lại đường này, biến nó trở thành một thiên đường mua sắm cho người ngoại quốc khi đến TP. Hồ Chí Minh, lọt vào Top 10 địa chỉ mua sắm tin cậy ở Việt Nam trong các tạp chí du lịch nước ngoài. Kể cả khu Núi Trúc – Ba Đình Hà Nội cũng vậy. Ở đây có tất cả những sản phẩm làm bằng tay của Việt Nam mình.
Tòa nhà 12 tầng sắp khởi công trên diện tích hơn 2.000m2 này là ước mơ của tôi với Miss Áo Dài, một trung tâm khép kín phục vụ khách du lịch, với đầy đủ mọi dịch vụ từ thời trang, thiết kế, Spa, đến dạy cắt may và nấu ăn cho du khách… Khi tôi quyết định mở Miss Áo Dài ở Hà Nội, chồng tôi cản dữ lắm. Anh sợ tôi vất vả, lại là nơi xa lạ, rủi ro rất lớn.
Nhưng tôi vẫn cương quyết, cương quyết có cơ sở. Tôi thấy tour Hà Nội ngày càng nhiều, những đoàn đi Hà Nội vào TP.HCM thường không mua gì cả. Lý do là hướng dẫn viên dẫn đi không đúng chỗ, giá cả “búa xua”, mua nhầm hàng hư hàng giả, về nước họ mới phàn nàn. Muốn nuôi Miss Áo Dài và Đông Phương ở đây, phải mở thêm ở Hà Nội. Ăn dầm nằm dề suốt ba tháng mùa đông rét mướt, ngủ dưới đất ngay trong phòng làm việc, suốt từ sáng đến tối tôi lăn lộn cùng nhân viên trưng bày từng món đồ, sắp xếp từng gian hàng sao cho cùng phong cách, tạo sự nhất quán và niềm tin cho khách về Miss Áo Dài.
Mọi thứ ban đầu đều rất cần mình, từ chuyện xây dựng, thiết kế, đặt để mọi cái, và nhất là chuyện tiếp khách hàng ngày. Nguyên tắc của tôi là “Không bao giờ được nói “không” với khách hàng”, dù họ có khó tính đến đâu cũng phải chiều chuộng, nâng niu, làm thỏa mãn khách. Thế mạnh của Miss Áo Dài là phục vụ tốt nhất, chế độ hậu mãi tốt nhất.
____
Từ chuyện kinh doanh những món hàng nhỏ xíu do chính tay mình làm ra, đến chuyện kinh doanh địa ốc, đầu tư, với nhiều dự án lớn như tòa nhà The Lancaster, trạm dừng chân cho khách du lịch ở Tiền Giang, Anam QT Spa… chị đã chuyển từ một người buôn bán nhỏ sang một doanh nhân thực sự như thế nào?
Tôi có thể ngồi hàng giờ để may một chiếc túi xách nhỏ xíu với giá 2USD bằng vải vụn, ráp mảnh này, nối mảnh kia, tạo ra những “tác phẩm” xinh xắn làm tăng lên vẻ đẹp của một món quà. Tôi rất mê thiết kế, chính những lúc đó tôi lại thấy tâm hồn mình dường như được giải tỏa, bớt nhức đầu vì những con số, và được thăng hoa. Tôi cũng là người mê kiếm tiền, và có thể kiếm từ 1 đồng đến 10 triệu USD đều với sự say mê như nhau.
Tôi biết khách cần gì, và bán cái họ cần, chứ không bán cái tôi có. Đương nhiên cái gì mình sáng tác ra thì bán cũng thú vị hơn và được nhiều tiền hơn. Phải biết làm việc nhỏ, mới có thể làm được việc lớn. Tôi thường khuyên những nhân viên của mình: “Bạn hãy bắt đầu từ việc kiếm 1 đồng, sau đó 5 đồng, rồi hẵng đến 10 đồng, đừng bao giờ muốn ngay 10 đồng, bạn sẽ không có gì hết. Đi lên từ những cái rất nhỏ sẽ tập cho bạn sự tự tin và kiên nhẫn, những đức tính quan trọng để có thể thành công trong kinh doanh”.
____
Dường như đam mê cái đẹp cũng ăn vào trong máu của chị rồi? Trong việc làm ăn với nước ngoài, nữ tính và sự tự học đã giúp chị điều gì?
Rất nhiều. Kinh doanh dịch vụ rất cần đến những ưu điểm trời cho của phái nữ, đó là sự mềm mỏng, dịu dàng. Tôi biết 5 ngoại ngữ, đa phần là từ khách, vì khách. Vừa mướn thầy về nhà dạy, vừa phải đến trường, tôi đã học ròng rã suốt bao năm nay, và đến giờ vẫn học. Một ngày tôi tập nói với nhân viên bằng tiếng Nhật, ghi chép bằng tiếng Hoa, trò chuyện với khách bằng tiếng Anh… Có lần một người Nhật nói với tôi: “Metabete” có nghĩa là người giàu ăn bằng mắt.
Khách hàng là người dạy tôi nhiều nhất về kinh doanh, cảm nhận về cái đẹp, sự tinh tế. Tôi mang ơn họ, vì chính họ là người tạo dựng sự nghiệp ban đầu cho tôi, nhất là người Nga. Người Nga rất thật thà, dễ thương, 10 ngàn USD lớn lắm chứ, tôi cứ nghĩ là mất luôn rồi, nhưng sau khi phục hồi lại, họ đã mang tiền trả cho tôi. Một ngày tôi có thể tiếp xúc đến 500 người khách, tức là 500 người thầy, đó là cái được lớn nhất của người làm dịch vụ.
Người ta đến đây để mua, để thưởng thức những gì thực sự Việt Nam, thật sự khác biệt. Tôi tự hào giới thiệu vẻ đẹp của áo dài, của những nghề thủ công truyền thống với sự sáng tạo vô tận đến thế giới, nhưng ngược lại tôi mong muốn người ta hãy trả lại cho áo dài vẻ đẹp nguyên thủy. Áo dài là quốc hồn quốc túy của Việt Nam, vừa có thể mặc được ở mọi nơi, mọi lúc. Chứ áo dài mà lai “xường xám”, lai Nhật thì đâu còn là áo dài nữa.
Nhiều khi xem các cuộc trình diễn thời trang mà tôi… muốn khóc luôn. Có vị khách Nhật xem xong về bàng hoàng hỏi tôi: “Áo dài gì mà kỳ vậy? Như vậy mà là áo dài sao?”. Điều đầu tiên tôi nói với du khách là: “Tôi chỉ may áo dài cổ điển”. Vừa rồi ba mươi chiếc áo dài cho cuộc trình diễn thời trang của các bà vợ tổng lãnh sự tại TP.HCM do tôi tài trợ cũng đều là áo dài cổ điển hết.
Khách hàng là người dạy tôi nhiều nhất về kinh doanh, cảm nhận về cái đẹp, sự tinh tế. Tôi mang ơn họ.
____
Chị đã có một liên kết khá thành công với Anam QT Spa, qua sự liên kết này chị rút ra những nguyên tắc gì?
Phải tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, sòng phẳng, rõ ràng ngay từ ban đầu. Tôi có một người bạn từ thuở ấu thời, và đang dự định làm ăn chung, nguyên tắc chính là không lấn sân nhau, và phải biết lắng nghe, bởi đâu phải suy nghĩ của mình lúc nào cũng đúng, cũng phù hợp với thời đại.
____
Theo chị, doanh nhân Việt Nam có gì đặc biệt? Tại sao một người hiểu về sự nghèo khó hơn ai hết như chị lại tỏ ra không hề quan tâm về sự giàu có của mình? Chị nghĩ gì về sự “cho đi”?
Doanh nhân Việt Nam có cái tâm rất tốt, khi làm được đều biết chia sẻ cho cộng đồng, bản thân tôi cũng vậy. Bằng chứng là những chương trình từ thiện doanh nhân đóng góp rất nhiều. Tôi đã từng bị xua đuổi đến mức chỉ muốn chết, nhưng chính những lúc ấy tôi đã được giúp đỡ, thương yêu, để hiểu rằng người ta cần sự chia sẻ như thế nào. Nếu bây giờ trở về số 0, tôi cũng không vì thế mà thất vọng.
Nhiều người hỏi tôi tại sao đến giờ này vẫn cứ lao đầu vào công việc? Dù bây giờ có thể hưởng thụ được rồi. Tôi không bao giờ biết mình có bao nhiêu tiền, thậm chí cũng không biết tiền của mình nằm ở đâu. Mọi việc tài chính đều do ông xã tôi quản lý hết. Lần phỏng vấn đi Mỹ vừa rồi, cả công ty mới phát hiện ra một điều: tôi vô sản! May mắn là tôi có một người gìn giữ cho mình tất cả mọi thứ, tôi tin tưởng anh ấy 100%, và không bao giờ giấu anh một điều gì.
Sự giàu có của con người cũng mong manh lắm nếu không biết nghĩ và không biết giữ. Như người bạn doanh nhân của tôi ở Phuket đó, chỉ một cơn sóng thần là cuốn trôi tất cả. Tôi ý thức rất rõ về sự mong manh ấy, “vũ khí” để tôi chống lại chính là sự bằng an trong tâm hồn, là cái thiện. Ông bà mình thường nói: “Mình ăn thì hết, mình cho thì còn, của cho là của được”. Tôi không xài hàng hiệu, không đi xe hạng sang, không mặc đồ mắc tiền, không đeo bất cứ trang sức gì trên người.
Mua cho mình cái gì cũng so đo tính toán, nhưng rất vui khi làm được việc gì giúp ai. Tôi là con nhà nghèo, và rất thoải mái trong sự nghèo của mình. Với lại trưởng giả se sua quá thì đâu có bạn thân. Tôi biết quý trọng những gì mình có, và biết quý trọng những người nghèo mà giàu ý chí. Mình làm điều tốt thì rủi ro sẽ qua đi, điều tốt sẽ đến với gia đình, con cái mình, tôi tin như thế.
Giàu có nhất với tôi là tình thương yêu của gia đình, bà con, bè bạn thân, nhân viên… dành cho mình. Là niềm tự hào về bản thân, là khi mình còn biết chia sẻ… Tôi làm trưởng ban bảo trợ Hội chữ thập đỏ thành phố cũng là dồn tâm sức của mình để kêu gọi được nhiều tấm lòng hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn. Làm từ thiện chính là nghĩa vụ của mình.
____
Phải chăng “điểm tựa” của chị chính là một cá tính quá độc lập và mạnh mẽ ngay từ thuở ấu thơ? Vì sao đang học trường Dược, chị lại bỏ ngang để bước vào kinh doanh?
Tôi là người không có điểm tựa. Ba tôi bị địch xử tử hình lúc tôi mới tám tháng tuổi, để lại đàn con sáu đứa nheo nhóc bơ vơ. Lúc tôi lên hai tuổi, má tôi đi bước nữa, gánh thêm một gia đình bảy đứa con mồ côi mẹ, tổng cộng 13 đứa con, rồi sinh thêm hai em nữa… Giấy khai sinh của tôi đề cha mẹ vô danh để khỏi bị địch nghi ngờ. Có lần ngay giữa lớp, ông thầy nói tôi một câu đau điếng: Nhiều người sao ngộ quá, lại để cha mẹ vô danh, bộ từ đất nẻ chui lên sao? Tôi đã òa khóc nức nở. Từ đó tôi có nung nấu mãnh liệt rằng những đứa trẻ không cha như tôi phải làm được một điều gì đó để đóng góp cho xã hội, để thành công…
Bảy tuổi đầu tôi đã phải đi ở nhờ từ nhà cô này đến nhà cô khác, vừa trông em, đi chợ, nấu cơm, giặt đồ… Làm thế nào để tồn tại, để có thể vừa học, vừa làm hết việc nhà… đã tập cho tôi một bản năng chống chọi, độc lập từ bé. Tôi đang học năm thứ tư trường Dược thì một biến cố bất ngờ đã khiến anh trai tôi bị vào tù (vì cho bạn mượn xe gây tai nạn chết người).
Nhìn chị dâu nuôi bốn đứa con thơ, có hôm đói tới nỗi không có lấy 100 đồng mua hai ký gạo cho các cháu, lòng tôi quặn thắt… Những ngày đi thực tập trồng xuyên tâm liên cả tháng trời trên Đà Lạt, tôi chợt hiểu nếu mình theo đuổi giảng đường sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì, mà cái đói thì đang ám ảnh ngay trước mắt. Tôi đã buộc phải nghỉ học để kiếm tiền, và chấp nhận kiếp “chợ trời” từ đó. Vốn khéo tay, biết đan lát, thêu thùa từ nhỏ tôi lấy len vụn đan thành giỏ rồi phụ chị tôi bỏ mối cho những cửa hàng mỹ nghệ trên đường Đồng Khởi, rồi từ đó gầy dựng cửa hàng đầu tiên cho riêng mình…
Những kỷ niệm buồn đó tôi mang theo suốt cuộc đời, chính sự khổ cực giúp tôi tìm ra con đường đúng nhất để tồn tại, biết bỏ qua nhiều thứ, biết nhân ái hơn với mọi người. Sau này khi con tôi hỏi tại sao bố lại chọn mẹ, chồng tôi đã trả lời: “Ba biết tính ba hiền, chậm chạp, nên thấy má con lanh ba chọn liền, để sau này nhờ tấm thân… Ba có thể kiếm được một người vợ đẹp hơn má, có thể không giỏi bằng má, nhưng không thể kiếm được người nào thương ông bà nội bằng má của con”… Tôi nghe mà mát ruột…
____
Công ty Trung Thủy là tên ghép của hai vợ chồng chị, tính cách hai người trái ngược thế, lại kinh doanh một lúc nhiều lĩnh vực, liệu có bao giờ bất đồng quan điểm?
Nói thế chứ trong cuộc sống, kinh doanh cũng đụng chạm dữ lắm, nhất là khi bắt tay vào một lĩnh vực mới anh ấy rất hay cản tôi. Anh vốn là một bác sĩ, nên luôn mong bình yên và không muốn chuốc lấy những khó khăn trước mắt. Trong anh có hai luồng suy nghĩ, vừa biết vợ giỏi, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình rồi, vừa sợ vợ khổ. Còn con người tôi thì lúc nào cũng sôi sùng sục.
Có lúc hai bên tranh luận với nhau kịch liệt chỉ vì chuyện giữ người hay đuổi người. Anh giận quá bỏ đi, đóng cửa cái rầm đến bể cả kính, lúc ấy bản năng phụ nữ mới bừng dậy, tôi chạy lại ôm lấy anh: “Em xin lỗi, có gì anh bỏ qua cho em, em không cần tiền bạc, không cần gì hết, chỉ cần anh và con”… Trong kinh doanh, đối diện với bao nhiêu thứ, mình rất dễ bực, nếu vợ chồng mà không biết nhường nhịn, mềm mỏng với nhau thì không thể sống với nhau được, chứ đừng nói đến chuyện kinh doanh…
Cho đến bây giờ thì vợ chồng tôi đã quy ước với nhau: đầu tư cái gì dưới một triệu USD thì không bàn, tự mỗi người có thể quyết định, chỉ trên 1 triệu USD mới bàn, để tránh đụng chạm. Mặc dù rất yêu thương, giúp đỡ nhau, nhưng cái tôi của mỗi người đều lớn như nhau (cười rất thấu hiểu).
Chính sự khổ cực giúp tôi tìm ra con đường đúng nhất để tồn tại, biết bỏ qua nhiều thứ, biết nhân ái hơn với mọi người.
____
Trong thời buổi hội nhập dữ dội, để có thể vừa làm chủ doanh nghiệp, vừa cân bằng được cuộc sống gia đình, người nữ doanh nhân cần phải nỗ lực thế nào, theo chị?
Là người châu Á, tư tưởng Khổng Tử thấm vào máu thịt của mình rồi, xong công việc còn phải làm thêm việc nhà, chăm sóc con cái. Tôi là một người rất thích nấu ăn, khi nào rảnh là lại nấu ăn cho chồng con. Nhìn con ăn những món mình nấu một cách ngon lành là hạnh phúc nhất. Ít có phụ nữ nào thành công mà không cần sự giúp đỡ của chồng, vì nếu không có một gia đình êm ấm, một cuộc sống ổn định, một người chồng thông cảm, chia sẻ và gánh đỡ trách nhiệm nuôi con, thì làm sao mình có thể tập trung toàn bộ sức lực và trí tuệ vào công việc được.
Hôm rồi con trai tôi bị bệnh, phải đưa cháu sang Úc mổ, tôi hỏi cháu: “Con chọn ba hay mẹ để ở lại với con?”, cháu nói: “Con chọn ba, vì mẹ phải lo công việc kinh doanh, nhưng con rất muốn mẹ ở lại…”. Tôi nghe mà muốn ứa nước mắt. Cháu 17 tuổi, rất ý thức được nỗi vất vả của mẹ, và biết hy sinh.
Tôi luôn nói với con: “Mẹ là người chưa tốt nghiệp đại học, niềm mơ ước của mẹ là được cắp sách tới trường học lại đại học… Mẹ nghĩ nếu mình tốt nghiệp được đại học, thì thành công tạm thời của mình bây giờ có thể hơn… Con ráng học nhé!”. Con tôi lại an ủi tôi: “Mẹ đừng buồn, nếu có thể con sẽ viết một quyển sách về mẹ. Mẹ có biết rằng một tỉ phú người Úc chưa bao giờ tốt nghiệp đại học không? Con tự hào vì mẹ luôn là người muốn làm tốt hơn, tốt hơn nữa cái mà người khác đã cho là tốt”.