Tiếp chúng tôi sau chuyến đi khảo sát tính khả thi của dự án thông luồng tàu qua kênh Quan Chánh Bố (dự án mở một kênh tắt 10km ra biển nước sâu đoạn giữa cửa Định An và Ba Động, Trà Vinh), cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt dường như vẫn còn giữ nguyên cảm xúc của một người vừa mới đi trong cái mênh mang của sông nước miền Tây.
Đã hơn bảy năm từ giã các chức vụ nhưng thói quen làm việc không mệt mỏi thì hãy còn theo đuổi và có lẽ nhờ thế mà ông vẫn giữ được một dáng vẻ hết sức tráng kiện và một trí tuệ rất minh mẫn. Ông nói: “Tôi muốn đi sâu vào những việc mà trong cương vị trước đây, mình không đủ thời gian để làm”. Câu chuyện của chúng tôi với ông trong buổi chiều hôm đó bắt đầu từ những trăn trở của ông với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
____
Thưa ông, ông quê ở Vũng Liêm, suốt hai thời kỳ kháng chiến lại gắn bó với miền Tây Nam bộ, hẳn ông có nhiều tình cảm sâu đậm khi trở lại vùng này?
Từ năm lên bảy tám tuổi, tôi đã theo cha nuôi đi gặt mướn cho các điền chủ vùng Nam sông Hậu. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi có nhiều năm hoạt động ở đây. Thật không thể kể hết sự đóng góp của người dân Đồng bằng qua các thời kỳ. Trong chiến tranh, ở xa Trung ương, từ con người cho đến cơ sở hậu cần đều phải lo tại chỗ, có lúc còn phải xoay xở, chi viện cho cả miền Đông.
Sau ngày đất nước thống nhất, khi kinh tế đi xuống đến cùng cực do cơ chế, thì Đồng bằng vẫn là nơi lo cho cả nước cái ăn. Hai mươi năm nay, sau đổi mới, ĐBSCL vừa đảm bảo an toàn lương thực vừa làm ra gạo xuất khẩu, dù năm nào đồng bào một số tỉnh đầu nguồn cũng còn phải gánh chịu cảnh ngập lũ.
____
Hình như ông đang có gì trăn trở lắm khi nhắc lại điều này?
Thỉnh thoảng tôi vẫn về lại vùng căn cứ Khu ủy Khu 9 (ông Võ Văn Kiệt là Bí thư Khu ủy Khu 9 trong những năm 70 – TS). Đây là nơi suốt hai cuộc kháng chiến đã gánh chịu đạn bom nặng nề nhất, nhưng sau 30 năm hòa bình vẫn là nơi còn nghèo nhất. Nhiều gia đình vẫn ở trong những cảnh “nhà đá”, “nhà đạp” mà tôi đã thấy từ 50, 60 năm về trước.
Đường sá đi lại khó khăn, các cháu đi học vất vả, đau yếu thì thuốc thang, đi bệnh viện là cả một vấn đề. Không ít nơi nông thôn đồng bằng tôi đến thăm gần đây cũng vẫn còn tương tự như vậy. Tôi biết, trong những bản báo cáo, có không ít gia đình được xác nhận đã ra khỏi cái nghèo, nhưng cũng chính họ chỉ gặp phải thời tiết thất thường, trong nhà có một người đau phải đi chữa bệnh, một cháu đến tuổi đi học hoặc sanh thêm một đứa con là lại “tái nghèo”.
Nhưng, những trường hợp tái nghèo như vậy rất ít được ghi nhận. Mỗi khi trở lại vùng căn cứ, tôi vẫn thấy buồn hơn vui và tôi coi điều này như là một trách nhiệm, một nghĩa vụ mà tôi còn nợ lớn với đồng bào.
Mỗi khi trở lại vùng căn cứ, tôi vẫn thấy buồn hơn vui và tôi coi điều này như là một trách nhiệm, một nghĩa vụ mà tôi còn nợ lớn với đồng bào.
____
Nhưng thưa ông, có không ít những câu chuyện như thế ở trên một đất nước đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh như đất nước mình?
Tôi hiểu. Cho dù tôi có nhiều gắn bó riêng với đồng bào, đồng đội của mình ở ĐBSCL, nhưng đây không chỉ đơn thuần là một câu chuyện ơn nghĩa, đạo lý, mà là một bài toán kinh tế, một bài toán mà theo tôi chúng ta cần phải xem xét ở tầm quốc gia.
Thường anh em nói vui nhưng đượm nỗi buồn khi “khoe” rằng ĐBSCL có “năm cái nhất”: (1) Lương thực, kể cả xuất khẩu, lớn nhất, (2) Thủy hải sản có diện tích nuôi trồng, khai thác cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu lớn nhất, (3) Vườn cây ăn trái, đủ cả bốn mùa, lớn nhất, (4) Tiềm năng cho phát triển nông nghiệp đa dạng, thủy sản phong phú, đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, lớn nhất và (5) Hạ tầng kinh tế xã hội, đào tạo nguồn nhân lực… thấp nhất trong cả nước (giáo dục chỉ ngang với Tây Nguyên).
Chúng ta có thể nhìn thấy tiềm lực to lớn của ĐBSCL, không chỉ so sánh với các vùng khác trong nước mà so với cả các vùng nông nghiệp của ASEAN cũng có nhiều lợi thế hơn hẳn. Nếu đầu tư đúng chỗ có thể dễ dàng thấy được hiệu quả rõ rệt của từng đồng vốn.
____
Nói cho cùng thì vẫn còn có những cái nhất khác nữa. Chẳng hạn đến năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của ĐBSCL là 687USD, trong khi bình quân cả nước lúc đó sẽ là 800USD và nếu so với miền Đông Nam bộ thì chỉ bằng 1/6. Hay về giáo dục, nơi đây chiếm 22% dân số cả nước nhưng chỉ nhận được khoảng 5% ngân sách đào tạo cho bậc đại học… Tình trạng không tương xứng như vậy tồn tại đã lâu và chắc hẳn hồi còn tại chức ông cũng đã nhận ra, nhưng thưa ông vì sao không khắc phục được?
Đất nước, ở mỗi giai đoạn luôn có hàng loạt vấn đề cùng lúc được đặt ra ở tất cả các vùng. Khó có quốc gia nào có khả năng cùng lúc giải quyết được tất cả những vấn đề đặt ra đó. Vì thế, các nhà lãnh đạo, trong mỗi chặng đường, phải chọn cho được một thứ tự ưu tiên để đưa ra cho được các quyết sách của mình, đâu là “quả đấm”, đâu là sự chuẩn bị cho bước bứt phá… Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã có những bài toán đúng cho bước đi của đất nước mình, như không dàn đều mà phải chọn vùng kinh tế động lực làm “đầu tàu”.
Tập trung cho các ngành năng lượng (dầu khí, điện, than) và tập trung có trọng điểm cho hạ tầng giao thông. Ở ĐBSCL, có quyết định 99 của Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hạ tầng kinh tế – xã hội, về môi trường nước sạch, xóa cầu khỉ, cầu tiêu trên sông… Đồng thời dành mức tập trung khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Hiệu quả kinh tế từ hai tiểu vùng này trong gần 10 năm qua có bước thay đổi lớn và có hiệu quả cao, cùng xác định các vùng “trọng điểm”, ngành ưu tiên cho thấy việc lựa chọn thứ tự trong những năm cuối 80, đầu 90 là chính xác.
Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư nhỏ giọt và dàn đều như 5 năm qua thì khoảng cách giữa ĐBSCL và các vùng khác vẫn là như vậy. Nhưng nếu chọn lựa và có sự tập trung hơn thì khoảng cách chắc sẽ khác, hơn nữa còn có thể tạo đà cho bước bứt phá mới của Đồng bằng từ 2010 đến 2015.
Các nhà lãnh đạo, trong mỗi chặng đường, phải chọn cho được một thứ tự ưu tiên để đưa ra cho được các quyết sách của mình.
____
Xin ông nói thêm đôi nét về “thứ tự” này?
Thứ tự ưu tiên ở tầm vĩ mô là phải tính từ kế hoạch ngắn hạn 5 năm hướng đến 10 năm. Đặt lên quyết sách hàng đầu của kế hoạch là điều kiện cho phát triển, là cơ sở hạ tầng cho kinh tế xã hội, nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội, chọn lựa đúng vùng kinh tế đầu tàu. Từ xác định đó mà chọn lựa những công trình ưu tiên bức xúc và hiệu quả.
Tham mưu chọn lựa, điều hành quốc gia, quyết định không chính xác dễ dẫn đến hiệu quả thấp và gây ra lãng phí. Có không ít những công trình, thay vì 5 năm hay hơn 5 năm sau mới cần, lại xây dựng trước, điển hình như đường bộ ở một số nơi, chúng ta dễ dàng nhận thấy lượng xe ở một số cung đường, những vòng xoay, cầu vượt và những cảng biển địa phương đạt hiệu quả rất thấp. Trong khi đó, ai cũng thấy, việc nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ rất bức xúc lại không được mở rộng đồng bộ (vẫn ách tắc từ Trung Lương xuống đến cầu Mỹ Thuận).
Đoạn từ Cần Thơ đi Cà Mau (đã kéo dài hơn 5 năm) cho đến nay còn đang thi công nham nhở… Lẽ ra, sau năm 2000 đã có thể triển khai ngay một trục dọc từ TP. Hồ Chí Minh xuyên Đồng Tháp đến Cao Lãnh – Vàm Cống, nối Quốc lộ 91 (Cần Thơ – Long Xuyên) thì sẽ giảm ngay được một nửa mật độ trên Quốc lộ 1A đi Cần Thơ và ngược lại, nhưng đến nay vẫn chưa làm phương án xong. Trong cùng lúc lại tập trung đầu tư một đoạn đường cao tốc từ Chợ Đệm – TP. Hồ Chí Minh đến Trung Lương – Tiền Giang không bức xúc bằng trục dọc nói trên.
Về đường hàng không, từ TP. Hồ Chí Minh xuống ĐBSCL có ba sân bay cũ là Rạch Sỏi (Rạch Giá), Cà Mau, Trà Nóc (Cần Thơ) lại nâng cấp hai sân bay lẻ trước, còn sân bay Trà Nóc – trung tâm của ĐBSCL – thì mới vừa làm xong phương án khả thi, đó cũng là một cách lựa chọn thứ tự trước sau chưa đúng. Ngoài ra, trong khi chưa dành hàng chục ngàn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, cho yêu cầu phát triển bức xúc thì lại tập trung nguồn vốn ấy cho Trung tâm hội nghị và trụ sở, đó cũng là một cách “chọn lựa”.
____
Còn đường thủy, một nét đặc thù, một ưu thế của miền Tây, thưa ông?
Giao thông đường thủy của ĐBSCL là một lợi thế cực kỳ lớn, trong mỗi loại đường đều có một chức năng riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của vận chuyển hàng hóa và đi lại giữa các vùng. Không có sự thay thế giữa các loại đường giao thông mà chỉ có sự phối hợp. Tuy nhiên, ở ĐBSCL cho đến nay, ngay cả giao thông thủy, chúng ta cũng chưa có được một quy hoạch, một phương án khai thác đạt kết quả cao, đó là một sự lãng phí. Sự chậm trễ đó càng làm tăng thêm mức quá tải của đường bộ mà lẽ ra đường sông gánh vác được một phần trọng tải hàng hóa hai chiều từ ĐBSCL lên TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.
____
Mới đây ông có tham dự một hội nghị bàn về giao thông hàng hải từ sông Hậu ra biển không qua cửa Định An, ý kiến của ông về dự án này như thế nào?
Hơn mười năm nay, chúng ta cứ loay hoay nạo vét cửa Định An cho tàu trọng tải 10 ngàn tấn ra vào nhưng vẫn không thành công. Ba năm nay, chuyên gia nước ngoài với chuyên gia Việt Nam đã nghiên cứu đưa ra phương án khá tốt, có cơ sở khoa học, có tính khả thi: từ Cần Thơ – sông Hậu ra phía Đại An theo kênh Quan Chánh Bố (20km) đào một kênh tắt thuộc địa bàn Trà Vinh (10km) thẳng ra vùng biển nước sâu.
Mực nước từ kênh ra biển đáp ứng được tàu trọng tải từ 10 ngàn đến 20 ngàn tấn ra vào. Cuộc họp được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì và kết luận hứa cố gắng đến năm 2008 sẽ khai thác kinh tế cho tàu từ 10.000 đến 20.000 tấn ra vào cảng Cần Thơ, cùng với các cảng Đại Ngãi, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Nếu có được hệ thống cảng này thì 80% hàng hóa từ ĐBSCL xuất đi các nước và nhập vào sẽ khỏi phải chuyển qua ngõ TP. Hồ Chí Minh.
____
Xin được trở lại một chút về thủy lợi, một vấn đề có tính quyết định cho việc phát triển sản xuất an toàn cho ĐBSCL, vùng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng?
Hiện nay hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL tuy có mức đầu tư khá, đã có bước phát triển mới, có hiệu quả hơn 20 năm nay và một số tiểu vùng được đánh giá là khá, nhưng trên tổng thể đồng bằng (đang còn một khối lượng lớn công việc) thì chưa đủ yên tâm. Thời tiết diễn ra bất thường hơn, đó là chưa kể đến dự báo của thế giới, mực nước biển sẽ có thể dâng cao. Lợi thế lớn mà cũng là thách thức lớn nhất của vùng châu thổ Cửu Long là có quá nhiều cửa sông lớn.
Mùa nước kiệt, các cửa sông đưa nước ngọt trôi tuột ra biển, nước mặn thâm nhập sâu vào các cửa sông. Nguồn nước của sông MêKông là tài nguyên của nhiều quốc gia và mặc dù có một Ủy ban sông MêKông nhưng chúng ta cũng không thể chờ ở đấy sự “phân phối công bằng”. Ý thức được điều này, chúng ta phải biết sử dụng nguồn tài nguyên nước sông MêKông chủ động và có hiệu quả cao. Qua thực tế của các công trình ngọt hóa ở các tiểu vùng, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được ý định này.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, khu Khí – Điện – Đạm Cà Mau là những ví dụ về tình trạng thời gian đã không được coi như một thứ tài sản quốc gia.
____
Theo cách nhìn của ông, mấu chốt vấn đề xử lý chín cửa của con sông MêKông này là gì?
Đây là một phương án rất cần thực tế và tầm nhìn xa, yêu cầu có tính nguyên tắc, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi ĐBSCL là: kiểm soát được lũ, kiểm soát được nước ngọt và nước mặn với mọi thời tiết bất thường, nói gọn lại là “ngăn mặn, giữ ngọt, thoát lũ” của toàn bộ bán đảo Đồng bằng. Đó là một vấn đề có tầm chiến lược, quyết định sự an toàn cho con người và cho phát triển vùng tiềm năng lớn này.
Từ thực tế của nhiều công trình kiểm soát lũ (sống chung với lũ), những công trình ngăn mặn, giữ ngọt từ Gò Công – Tiền Giang; hệ thống Ba Lai – Bến Tre; công trình Nam Mang Thít – Trà Vinh, Vĩnh Long; Vĩnh Phước – Sóc Trăng và công trình ngọt hóa năm huyện vùng U Minh Hạ, U Minh Thượng – Cà Mau, Kiên Giang đang xây dựng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở thực tế, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và chuyên gia giỏi để thực hiện yêu cầu này.
____
Giả thử Nhà nước giao cho ông làm “tổng công trình sư” của chương trình “trị thủy” ĐBSCL, ông có nhận không?
Vấn đề theo tôi không phải là ai làm mà nếu như có một chức vụ như vậy thì vị “tổng công trình sư” phải như một tổng tư lệnh có quyền tự quyết định theo một “kịch bản” được duyệt ở cấp đủ thẩm quyền. Vấn đề ở đây cũng không phải là tuổi tác, lớp chuyên gia trẻ vẫn làm được nếu họ tâm huyết và dám chịu trách nhiệm.
Ở đây, có tình trạng là một khi người cao nhất không quyết định tất cả thì quyền lực sẽ nằm ở những “cái đuôi”. Và vì quyền lực nằm ở những “cái đuôi” này, họ ngồi ở đâu đó, bày biện các thứ thủ tục, không cần biết đến thời gian, vì thời gian là “của trời”. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, khu Khí – Điện – Đạm Cà Mau là những ví dụ điển hình như vậy, những ví dụ về tình trạng thời gian đã không được coi như một thứ tài sản quốc gia.
____
Nếu nhìn tổng quan về phát triển ĐBSCL trong tương lai, thì theo ông đâu là những khâu đột phá từ nay đến 2010-2015 ở vùng này?
Như tôi đã phát biểu ở Hội thảo hồi tháng 3/2004 ở Cần Thơ về chiến lược phát triển của ĐBSCL, cần xác định và chọn 3 khâu tập trung đột phá:
- Một là, toàn bộ hệ thống giao thông Đồng bằng mà tập trung chủ yếu là đường bộ. Đây là một điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội và rút ngắn khoảng cách ĐBSCL với trung tâm lớn TP. Hồ Chí Minh. Phải làm sao từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ không quá hai tiếng, từ Cần Thơ đến Cà Mau không quá hai tiếng và ngược lại,
- Hai là, một hệ thống thủy lợi an toàn cho sản xuất và đời sống của trên 17 triệu dân Đồng bằng,
- Ba là, đào tạo nguồn nhân lực ngang tầm với yêu cầu phát triển của ĐBSCL.
Như tôi nêu ra ở trên, nếu được đầu tư thỏa đáng và thậm chí đầu tư “bù” lại cho những năm nhỏ giọt và dàn đều, huy động mọi nguồn lực bản thân của Đồng bằng và với cơ chế thích hợp của vùng kinh tế trọng điểm, cộng thêm sự chỉ đạo quyết liệt – có đủ thẩm quyền, sâu sát, kịp thời và có đủ trách nhiệm, thì sẽ tạo được sức bật cho ĐBSCL trong khoảng thời gian nói trên.
Đáng lẽ ra cuộc trò chuyện còn phải đề cập đến một tình hình không kém nghiêm trọng, đó là dân trí ĐBSCL còn thấp, nhưng thời gian không đủ trong một buổi chiều ông rất bận rộn. Ông đành hẹn chúng tôi vào một dịp khác.