Đức Phật đã đản sinh từ cách đây hơn 2.500 năm. Nhờ lòng từ bi, ánh sáng trí tuệ của ngài, chúng sinh đã thoát khỏi vô minh, những khổ đau, bệnh tật và có đời sống hạnh phúc, an lạc. Vì thế, hình ảnh Đức Phật cùng các biểu tượng Phật pháp thường xuất hiện trong khá nhiều vật dụng nhằm mang lại niềm vui, may mắn, trong đó có cả tiền tệ với những đồng xu và tiền giấy in hình Phật, gọi là Phật thông bảo, với giá trị trao đổi, giáo dục và tâm linh hết sức to lớn.
Trên mỗi tiền Phật thường thấy những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, hành trình của ngài, các thánh tích mà nay là di sản thế giới.Tuy rằng, chúng được giao dịch mỗi ngày, song phần lớn đều được lưu giữ làm vật kỷ niệm, tác phẩm trang trí và cầu phúc nhiều hơn, nhờ những hình ảnh và ý nghĩa tôn quý.
Cách đây khoảng 2.060 năm, tại thành Taxila, thời vua Maues Ấn Độ, đã có loại tiền xu hình vuông đúc hình Đức Phật tọa thiền và đó là đồng tiền Phật đầu tiên trên thế giới. Vào thời vua Kanishka I Ấn Độ (127-150), tiếp tục có đồng dinar Shakamano Bodo bằng vàng, với Phật Thích Ca đứng, tay trái cầm vạt áo cà sa, tay phải thủ ấn vô úy, đôi tai rất dài biểu thị quý tướng, còn đôi chân đứng rộng vững chãi, và đồng tetradrachm Metrago Boddo bằng đồng, với Phật Di lặc ngồi trên đài cao, tay trái cầm bình nước, tay phải thủ ấn vô úy. Loại tiền này ngày nay chỉ còn vài xu.
Kế thừa người xưa, trong quá khứ, nhất là giữa thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, nhiều nước theo đạo Phật cũng đã đúc liên tiếp tiền Phật để chào mừng lễ Phật đản. Tại Nepal, quốc gia Đức Phật sinh ra, vào năm 1995 và 2000 đã có loại tiền xu vàng mệnh giá 1/2 và 1/4 Asarfi, đặc tả khuôn mặt Phật hiền từ nhìn xuống và quanh đầu tỏa hào quang. Đồng vàng này chỉ có số lượng 15.000 xu nên rất khan hiếm. Năm 1998 lại có đồng bạc Rs50 và Rs2000, hình Thủ Phật, vòng kim quang cùng cột đá Ashoka là công trình được A Dục Vương (Ashoka) dựng lên năm 249 trước Công nguyên để đánh dấu nơi Phật đản. Số lượng còn khan hiếm hơn, vỏn vẹn 5.000 xu.
- Xem thêm: Thú vị tiền xu nhỏ và lớn nhất thế giới
Đặc biệt năm 2001, Nepal đã phát hành ba loại tiền xu vô cùng sinh động và hấp dẫn, tại thời điểm ấy là tiền Phật đẹp nhất khu vực. Đó là đồng xu đồng Rs100, xu bạc Rs1500, xu bạc Rs2000 và 3 đồng xu vàng 1/25 oz, 1/10 oz và ½ oz cho thấy Đức Phật ngồi dưới cội bồ đề chuyển Pháp luân lần đầu. Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa ngộ đạo dưới gốc đại thụ ở Bồ đề đạo tràng Ấn Độ lúc ngài 35 tuổi, Ngài đã tới Lộc Uyển ở thành Ba La Nại để giảng pháp cho anh em Kiều Trần Như, và trong suốt 45 năm đã đi khắp Ấn Độ, thuyết giảng về tri thức, lòng từ bi và khuyên mọi người gạt bỏ dục vọng để tìm thấy sự vui vẻ, thanh bình trong tâm hồn.
Từ Ấn Độ, Phật giáo đã đến Sri Lanka vào thế kỷ 3 trước Công nguyên. Năm 2006, nhằm kỷ niệm 2.550 ngày Phật đản, nước này đã cho ra 3 loại tiền xu Phật Rs5, Rs1500 và Rs2000. Đầu tiên là loại tiền thép mạ đồng 5 rupee có hình dãy núi linh thiêng SiriPada thể hiện đạo Phật đã phổ biến cả nước và là hệ tư tưởng, tín ngưỡng của đại chúng. 2 loại tiền còn lại là những đồng sterling bạc, khảm vàng đặc tả giờ phút Đức Phật đản sinh tại Lâm Tì Ni, khi ấy ngài đi 7 bước, và từ mặt đất nảy nảy ra 7 đóa sen đỡ chân Phật, báo trước thành tựu tươi đẹp. Mặt sau là hồ sen đầy hoa dưới bánh xe pháp 24 nan. Đây là lần thứ ba Sri Lanka thời hiện đại phát hành tiền xu Phật. Lần thứ nhất là năm 1957 với đồng bạc RS5, kỷ niệm Phật đản lần thứ 2.500, trên đó in hình hoa sen và nhiều con vật tượng trưng cho Phật giáo gồm voi, ngựa, sư tử, bò vàng và thiên cầm. Lần thứ hai là năm 1993 với đồng bạc RS500 nhân lễ Anubudu Mihindu Jayanthiya 2.300. Mặt trước ghi lại cuộc gặp gỡ của vua Devanampiyatissa với A La Hán Ma Hin Đà, người đã đưa đạo Phật tới Sri Lanka tại núi Mihintale. Mặt sau là cội bồ đề ngụ ý về linh thụ, nơi Phật đạt chính đẳng chính giác.
Vào thế kỷ 7, Bhutan mới có Phật giáo, song đạo Phật đã nhanh chóng trở thành quốc giáo của người dân có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc nhất thế giới. Trong các triều đại, Bhutan đã đúc nhiều tiền Phật độc đáo, mà đặc biệt năm 2003có đồng vàng 1000 ngultrum, khắc họa Phật tọa thiền dưới cội bồ đề và dòng chữ “Người khai sáng” in nổi màu vàng trên nền thẫm. Mặt sau là những con rồng uốn lượn. Thế nhưng, lôi cuốn nhất lại là bộ tiền xu về “Những di sản Đức Phật thế giới ở châu Á” phát hành từ năm 2010 đến năm 2015. Một trong số đó là bộ tiền xu bạc 250 ngultrum và xu vàng 200 ngultrum ra đời năm 2010, với tượng Đức Phật 4 mặt – Tứ Thủ Phật lấy từ Di sản thế giới tại Campuchia. Mặt trước miêu tả Phật tượng ở đền Bayon theo Phật giáo nguyên thủy, và mặt sau là Bảo Bình chứa đầy của cải, thần dược tượng trưng cho phú quý, tuổi thọ. Chiếc bình còn có cổ dài biểu thị cổ Phật và ở miệng ngậm tam bảo ngụ ý Phật-Pháp-Tăng phù trì cuộc sống.
Bộ thứ hai là hai đồng xu bạc và vàng khắc họa Thạch Quật Am Hàn Quốc với Pháp Loa cũng xuất hiện năm 2010. Thạch Quật Am là một ngôi đền bằng đá thờ Phật Như Lai bên sườn núi Toham, thành phố Khánh Châu. Nơi đây vào thế kỷ 8 là trung tâm Phật giáo Hàn Quốc. Ngôi đền có kiến trúc chùa hang với nhiều hang hốc. Trong đó, có tượng Đại Phật ngồi chính giữa, cao 3,5m tọa trên đài sen cao 1,4m và 39 vị Phật tập trung xung quanh. Ngoài việc phản ánh sắc nét phong cách đền thờ xứ Hàn, tiền còn cho thấy hình tượng Pháp Loa là con ốc biển có nhiều rãnh xoắn được dùng làm tù và, trong Phật giáo tượng trưng cho tâm ý Phật, tỏa lan muôn cõi, giúp chúng sinh tỉnh ngộ, và làm quái thú, ma quỷ kinh sợ.
Ra đời năm 2011, bộ đồng xu Đại Phật Lạc Sơn Trung Quốc đặc tả Phật Di Lặc theo Phật giáo Đại thừa dưới hình một vị sư béo tốt, hở ngực, cười hoan hỷ giữa dãy núi phía đông thành phố Lạc Sơn, và mặt kia là Pháp luân. Phật tượng cao đến 71m, hai chân để song song, hai tay đặt lên gối, dựa sâu vào núi mà thực ra là một quả núi được đẽo thành tượng. Vào đời Đường, các nghệ nhân đã phải mất 90 năm mới tạo xong pho tượng này, và đến nay đây là một tượng Phật lớn nhất thế giới. Bánh xe Pháp được bài trí để thể hiện cho bàn chân Phật đi khắp nơi, với tám nan chỉ Bát chính đạo là những cách thức đúng đắn, mau lẹ để con người đạt tri thức, chính quả. Nó còn có màu vàng cho sự an lành và trù phú khi xoay chuyển muôn hướng.
Tương tự, bộ tiền xu Đền Wat Po Thái Lan lại đem tới hình ảnh ngôi chùa lớn và cổ nhất nước Xiêm, có tượng Phật Nằm vĩ đại cùng Lọng Báu. Wat Po đã ra đời trước khi Bangkok trở thành kinh đô gần 200 năm. Suốt lịch sử, nó là một trung tâm giáo dục về y học cổ truyền và thiền định Thái Lan với mọi pho tượng đều trong tư thế yoga. Giữa đền có tượng Đại Phật thiếp vàng dài 46m, cao 15m miêu tả Phật nhập Niết Bàn, Ngài nằm nghiêng, tay phải kê đầu, tay trái xuôi dọc thân, đôi mắt nhắm nghiền thanh thản. Trong gan bàn chân chứa 108 tướng tốt và vẻ đẹp. Song hành với hình Phật Nằm, ở mặt bên hiện lên Lọng Báu, tượng trưng cho đầu Phật và bầu trời để che chở mọi chúng sinh khỏi phiền não, bệnh tật, ma quỷ và biểu đạt sự hóa độ, gia hộ của Tam Bảo.
Bộ tiền xu bạc 250 ngultrum và vàng 1.000 ngultrum về Bồ đề đạo tràng ra đời năm 2012 in hình Phật dưới cội bồ đề, không xa là ngôi đền Mahabodhi và Liên Hoa. Sau khi chứng kiến mọi khổ đau ở đời, thái tử Tất Đạt Đa đã xuất gia đi tu và cuối cùng giác ngộ dưới gốc bồ đề nhờ sự tập trung thiền định sâu sắc. Tại nơi ngài đắc đạo, vào năm 250 trước Công nguyên, vua A Dục (Ashoka) đã dựng lên ngôi đền Mahabodhi để hoằng dương Phật pháp, và hôm nay là một công trình bằng gạch cổ nhất Ấn Độ với diện tích lên tới 4,8 hecta cùng một tháp cao 55m. Hằng năm, đều đặn có hàng triệu Phật tử hành hương về đây, để được học tập những giáo lý cao quý. Trong đạo Phật, hoa sen là một bảo vật đẹp nhất, thể hiện sự thuần khiết của tâm hồn cùng sự nỗ lực vượt qua luân hồi để đạt thành công cao nhất. Đó là lý do cùng với bồ đề ở đây còn thấy hoa sen.
Với nội dung Quan Thế Âm Bồ tát nghìn mắt nghìn tay Trung Quốc và Nút thắt vô tận, cũng có 2 loại tiền xu năm 2013. Cùng miêu tả tượng Quan Âm cao 7,7m, rộng 12,5m với rất nhiều tay và mắt trên vách đá, núi Bảo Đỉnh, thành phố Trùng Khánh. Vào năm 2009, người ta đã đếm được ở tượng 1.007 bàn tay và nay là 830 bàn tay, kèm mắt to.
- Xem thêm: Sự phát minh ra tiền
Quán Thế Âm là một bồ tát, tuy đắc đạo song đã tình nguyện ở lại dương gian hóa độ chúng sinh. Bồ tát thường có nhiều tay, mắt để thị hiện khắp nơi cứu khổ, cứu nạn. Nút thắt vô tận cũng có ý nghĩa về sự kết nối nhân duyên giữa Phật Pháp và nhân thế, ngoài ra với việc không đầu không cuối, còn biểu thị sự kỳ diệu cùng trí tuệ và lòng từ bi bao la.
Một trong các đại Phật tượng của Việt Nam cũng xuất hiện trong bộ tiền xu Bhutan, là tượng Di Lặc Tôn Phật trên đỉnh núi Cấm trong loạt tiền Phật Di Lặc Việt Nam và Song ngư năm 2014. Tiền cho thấy Phật Di Lặc trong hình tướng Bố Đại hòa thượng với nụ cười hoan hỷ và cái bụng to đặc trưng của tượng Phật Di Lặc Việt Nam. Ngoài ra, ngài còn ngồi trên mây nước với những con rồng là hình ảnh rất đẹp trong nền văn minh lúa nước, biểu trưng cho tài lộc- phú quý- vận hội. Là tượng song cũng là chùa, pho tượng cao đến 33,6m, nặng gần 1.700 tấn, tọa lạc trên đỉnh Cấm Sơn, huyện Tịnh Biên – An Giang, vào năm 2013 đã được ghi nhận là tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á. Trong đạo Phật, Phật Di Lặc thường được gọi là Hoan hỷ Phật và Vị lai Phật vì ngài luôn cười và cho mọi người thỏa mọi ý nguyện, biết trước họa phúc. Song ngư trên tiền là biểu tượng của đôi mắt Phật dõi theo chúng sinh và niềm hạnh phúc của dân gian được sinh sôi, bay nhảy, tự do trong biển rộng.
Loạt tiền cuối cùng trong bộ tiền xu Bhutan là tiền có hình công trình Phật giáo của chính nước này- tượng Đức Phật Thích Ca Bhutan. Vào năm 2015, loạt tiền đã ra đời, với tôn tượng Đức Phật vĩ đại trên đỉnh núi nhìn sang cửa ngõ phía Nam thung lũng Thimpu. Tượng cao tới 51m, bằng đồng mạ vàng, tọa thiền trên đài sen cao 20m, với bàn tay phải đặt trên đầu gối hướng xuống đất, và tay trái cầm bình bát hướng thiên. Giữa hai lông mày là con mắt thứ ba (Urna) được làm từ những viên kim cương 1.000 carat và 10 kilôgam vàng 18 k. Cũng như tượng Phật Di Lặc Việt Nam, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Bhutan cũng là một ngôi chùa, chứa đến 125.000 tượng Phật nhỏ. Mặt sau của đồng bạc 250 ngultrum và vàng 1.000 ngultrum là Tràng Phan có ý nghĩa về thân thể Phật, sự chiến thắng trước ma vương, tham ái, sân hận để vững vàng tu tỉnh hướng tới mục tiêu cao quý. Mặt sau đồng bạc 1.000 ngultrum lại có Tám Pháp Bảo và rồng bay mang tới hòa bình, an lạc.
Ở Hàn Quốc, đạo Phật bắt đầu hình thành từ thế kỷ 5. Nước này mới đầu cũng có một số loại tiền in hình tháp Phật, mà tiêu biểu là năm 1986 với đồng xu đồng 10 won tháp Dabotap và gần đây là hình Phật tọa thiền. Năm 2012, Hàn Quốc cũng phát hành đồng bạc 50.000 won về Thạch Quật Am và đền Phật Đá, di sản thế giới.
- Xem thêm: Đồng tiền vàng siêu cấp bị đánh cắp
Một mặt khắc họa tượng Đại Phật cùng hai Kim Cang tại chính điện Thạch Quật Am, mặt kia đặc tả ngôi đền Phật Đá giữa hai cầu Thanh Vân và Bạch Vân, cùng dòng chữ Di sản thế giới. Tiếp tục năm 2015 có đồng bạc 30 nghìn won với Ngũ Phật tại di tích Chilburam, Nam Sơn, trong đó tại một tảng đá tròn Đức Phật quay mặt về bốn phía.
Tại Trung Quốc, vào các năm 1993, 1994, 1997, 1999, 2000, 2001, 2004 đều có tiền xu bạc, vàng về tượng Phật và chùa chiền. Đáng kể là năm 1994, ngân hàng trung ương đã phát hành tại Đài Loan bộ tiền xu bạc 50 nhân dân tệ và xu vàng 500 nhân dân tệ với tượng Phật vĩ đại cao 26m trên đỉnh núi Bát Quái, phía tây hòn đảo. Năm 1997, để kỷ niệm tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Thái Lan, nước này đã cho đúc một đồng tiền chung là đồng bạc 10 nhân dân tệ, in hình Đại Phật Lạc Sơn ở Tứ Xuyên và tượng Phật ngọc Thái Lan.
Một số nước Đông Nam Á như Lào vào năm 1975 cũng có đồng vàng 100 nghìn kip với tượng Phật tọa thiền ở Luang Prabang và chân dung vua Savang Vatthana. Năm 1997 có đồng bạc 50 kip Phật tọa thiền với Pháp Luân mạ vàng và 2006 là đồng bạc 15 nghìn kip với Thủ Phật. Cambuchia năm 2001 lại có đồng bạc 3.000 riel về Tứ Thủ Phật và Đức Phật ngồi tỏa hào quang. Thái Lan tuy không có nhiều tiền xu in hình Phật, song lại có tiền hình đền chùa như đồng 1 baht với đền Phật Ngọc, 2 baht – đền Hoàng Sơn, 5 baht- đền Hoa Cương, 10 baht- đền Bình Minh, 25 satang- Wat Phra Mahathat Woramahawihan và 50 satang- Wat Phra That Doi Suthep… Trong Phật giáo, đền chính là thân thể Phật, hàng ngày tỏa từ quang.
Một số nước châu Phi như Sierra Leone năm 2000 cũng có đồng coppernickle 1 đô la với Phật tọa thiền trên đài sen. Liberia năm 2001 có đồng coppernickle 10 đô la với Phật nhiều tay và dòng chữ Tự do trong tâm khảm, song chữ Phật được in là Budha (thay vì Buddha).
Bên cạnh tiền xu, các nước cũng từng phát hành nhiều tiền giấy hình Phật và biểu tượng Phật giáo như vào thời Nhật Bản chiếm đóng năm 1942 ở Burma (Miến Điện) có tờ tiền ½ rupee, 5 rupee và 10 rupee hình chùa vàng; năm 1944 tại Indonesia cũng có tờ 10 rupiah với Đức Phật ngồi trong hai tòa tháp. Năm 1957, nhân kỷ niệm 2.500 năm Phật lịch, ở Lào có tờ 500 kip với chùa That Luang và chân dung nhà vua Sisavang Vong. Tiếp tục năm 2010, nhân kỷ niệm 450 năm ngày thành lập thủ đô Vientiane và 35 năm ngày thành lập nước là tờ 100.000 kip với tượng nhà vua Setthathirat ngồi trên sân của Pha That Luang. Năm 2014, ở Campuchia có tờ 100 riel với Đức Phật tọa thiền và Phật tỏa kim quang cùng chân dung đức vua Campuchia. Ngoài việc lưu hành, tờ 100 riel còn được chùa chiền dùng làm tiền lộc cầu hỷ tài, phúc, lộc, thọ cho người dân.