Cứ năm bảy tháng một lần, tình hình sản xuất gạo của chúng ta lại được mổ xẻ thấu đáo, nhưng những đổi thay về tư duy lẫn biện pháp vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn những lời than vãn về chính sách, sự báo động về thị trường xuất khẩu lẫn độc quyền của Nhà nước, về chất lượng và số lượng, vân vân và vân vân…
Đừng lo về an ninh lương thực
Tại hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 17-3, thêm lần nữa tầm quan trọng của lúa gạo đối với đời sống người dân và đóng góp vào nền kinh tế lại được bàn đến. Chính phủ có chính sách bảo tồn đất trồng lúa 3,8 triệu hécta nhằm đảm bảo sản lượng lúa và đảm bảo an ninh lương thực.
Trong một nghiên cứu đưa ra trong dịp này, CIEM nhận định rằng các chính sách đất trồng lúa và duy trì sản lượng cao để đảm bảo an ninh lương thực đã và đang gây ra nhiều hệ lụy bất lợi cho nông nghiệp và nông dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chính sách về đất trồng lúa để đảm bảo sản lượng cao có mục tiêu không phù hợp. Việt Nam không cần duy trì 3,8 triệu hécta để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vì hằng năm Việt Nam xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo với giá bán thấp hơn giá bán lẻ trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
CIEM cũng cho rằng với nhu cầu giảm dần và sản lượng dư thừa lớn, có thể nói nỗi lo an ninh lương thực là không có cơ sở thực tiễn.
Báo cáo nêu rõ: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD) cho thấy ngay cả trong trường hợp chỉ có 3 triệu hécta đất, sản lượng ổn định và nhu cầu tiêu dùng gạo bình quân ở mức 120kg/người/năm, sản lượng lúa gạo vẫn thừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Cùng quan điểm đó, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng với xu hướng tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt và thu hoạch, và giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thừa gạo và giá gạo sẽ giảm. Tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng lúa là không cần thiết xét về nhu cầu lương thực.
Phải chăng nỗi ám ảnh về an ninh lương thực một thời nghèo khó đã dẫn đến việc dành nhiều đất trồng lúa và cả nguồn lực đầu tư cho trồng lúa.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thẳng thắn nhận định rằng không những an ninh lương thực có thể đảm bảo với diện tích ít hơn nhiều, mà lượng gạo dư thừa quá lớn cho xuất khẩu cũng đang đẩy Việt Nam vào vị thế khó khăn hơn trên thị trường gạo thế giới do nguồn cung tăng ở các nước xuất khẩu khác và do phụ thuộc ngày càng nặng vào thị trường Trung Quốc và việc bán gạo theo hợp đồng chính phủ. Tình trạng nông dân bỏ ruộng tăng lên vừa làm giảm sản lượng gạo, vừa gây lãng phí lớn về đất đai cũng như bất công đối với những người có nhu cầu sử dụng mà không có đủ đất để canh tác.
Nên bỏ mục tiêu sản lượng và xuất khẩu gạo
Bức tranh sản xuất nông nghiệp chưa sáng sủa là do quy mô sản xuất nhỏ, trung bình chỉ 0,44ha/hộ, chất lượng gạo thấp, nhiều chủng loại, không đồng đều. Giá thấp hơn so với nước khác.
Nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra nhiều thách thức trong thời gian tới của ngành lúa gạo, trong đó đất nông nghiệp đã hết lại bị phân mảnh, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Biến đổi khí hậu, ngập mặn, hạn hán… cũng là những khó khăn không nhỏ. Ngoài ra còn có thói quen canh tác dùng nhiều hóa chất, dẫn đến ô nhiễm, không bền vững.
Rà soát thể chế trong lĩnh vực này cho thấy không ít điểm nghẽn, như chính sách hạn điền không cho phép sở hữu quyền sử dụng đất quá 33ha dẫn đến rủi ro kinh doanh, đất bị thu hồi với giá trị bồi thường thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp không được mua đất lúa để trồng lúa…
Nhận định từ nghiên cứu của CIEM là Việt Nam không cần 3,8 triệu ha đất trồng lúa và thể chế hiện nay đang giảm cơ hội thoát nghèo của nông dân.
Theo nhóm nghiên cứu, vô số những điều kiện bất hợp lý trong xuất khẩu gạo như tình trạng độc quyền đã làm thui chột cạnh tranh và sáng tạo, giảm đầu tư, tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, trái ngược với tinh thần của Hiến pháp.
Đối thủ đáng gờm xuất hiện
Hơn mười năm qua, Thái Lan và Việt Nam luôn có thế mạnh về xuất khẩu gạo, bỗng nhiên năm nay thị trường xuất khẩu gạo có thêm những đối thủ đáng gờm mà trong cuộc chạy đua đường dài đang đe dọa vị trí hàng đầu về cả chất lượng lẫn giá cả.
Những năm gần đây, gạo Thái Lan và Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan, nay có thêm một quốc gia nhảy vào vòng xoáy xuất khẩu gạo là Myanmar.
Tháng 1-2017, nước này đã bán 300.000 tấn gạo cho Công ty Toyota của Nhật và dự tính xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo trong năm nay. Mấy tháng qua, Myanmar đã xuất sang Indonesia – nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai trong khu vực – 200.000 tấn. Còn Philippines – nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là khách hàng quan trọng của Việt Nam – cũng quay sang đàm phán để nhập gạo của Myanmar.
Với Việt Nam, cùng thời điểm này hằng năm, lượng gạo xuất khẩu thường vào khoảng 700.000 đến 1,5 triệu tấn. Trong năm 2017, chúng ta đề ra mục tiêu xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn gạo, so với 7,1 triệu tấn đã xuất hồi năm ngoái.
Chúng ta đang đứng trước hai vấn đề lớn: (1) không đủ gạo chất lượng cao theo nhu cầu thị trường và (2) gạo chất lượng thấp, gạo 25% tấm lại quá nhiều và khó xuất khẩu vì không cạnh tranh nổi với gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan bán giá thấp hơn.
Đừng quên Myanmar từng là vựa lúa Đông Nam Á và 40 năm trước là quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới. Còn hiện nay xuất khẩu gạo của họ đang từng bước lấy lại vị thế trên thị trường do chất lượng cao mà giá thấp trong khi hạt gạo xuất khẩu của chúng ta chất lượng thấp mà giá lại cao. Đối thủ đáng gờm của chúng ta hiện đang tập trung sản xuất loại gạo thơm chất lượng cao để xuất khẩu chủ yếu trong vòng ba năm tới. Hiệp hội công nghiệp gạo Myanmar đã bắt đầu trữ loại gạo này trong năm 2016 và theo kế hoạch sẽ xuất khẩu 1,5 triệu tấn. Năm 2018, xuất khẩu gạo của Myanmar ước đạt 2 triệu tấn, năm 2019 sẽ là 3 triệu tấn hoặc nhiều hơn.
Cùng với Myanmar, hai nước khác chưa bao giờ có thành tích xuất khẩu gạo hiện nay cũng tham gia vòng xoáy này. Lào với 1 triệu tấn gạo xuất khẩu chất lượng cao trong năm 2015 nay đang khai thác tiềm năng nông nghiệp để vào vòng đua. Cũng trong cùng thời gian, Campuchia xuất hơn 1,5 triệu tấn mà toàn là gạo chất lượng cao. Gạo của người bạn láng giềng này đang được tiêu thụ ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, đặc biệt được các gia đình giàu có ưa chuộng.
Như vậy tình hình thực tế sản xuất và xuất khẩu gạo được mổ xẻ trên đây càng đặt ra nhiều khó khăn cho chúng ta, đòi hỏi một sự thay đổi tận gốc rễ về chủ trương lẫn các biện pháp sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu không, e rằng hạt gạo của chúng ta sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường thế giới.
- Trần Đại Lộc