Một số quan điểm cơ bản
Theo nhiều nhà nghiên cứu, quyền con người là những quyền cơ bản nhất của con người, được có một cách tự nhiên gắn bó với con người và không ai có quyền xâm phạm các quyền ấy. Mục tiêu của mọi chế độ chính trị dân chủ là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; và đó cũng là “mục đích xét đến cùng” của Hiến pháp.
Như vậy, một mặt, cần ghi nhận đầy đủ các quyền con người để con người biết mà có thể thụ hưởng và ngăn chặn sự vi phạm các quyền đó; mặt khác, phải quy định nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm quyền con người, ngăn chặn nguy cơ xâm phạm quyền con người từ phía nhà nước; hai mặt này phải được gắn chặt với nhau bằng Hiến pháp – đạo luật cơ bản của một quốc gia.
Trên thế giới, văn bản pháp lý được cộng đồng quốc tế thỏa thuận đầu tiên về quyền con người và sử dụng cho đến nay là “Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền” (Universal Decleration of Human Rights) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Pháp. Tiếp theo là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1976 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1976 (Việt Nam đã ký hai văn bản này vào tháng 9-1982). Từ đó đến nay, đã có thêm hàng chục văn bản (như công ước, thỏa thuận, v.v…) nhằm cụ thể hóa các quyền, được phổ biến và áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Qua các tài liệu trên, có thể coi “Quyền con người” gồm có bốn quyền cơ bản là: quyền được sống, quyền được tồn tại, quyền được phát triển và quyền được đóng góp ý kiến. Hoặc nói tóm tắt là quyền được sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc.
Vềquyền công dân, theo nhiều nhà nghiên cứu, “Công dân” là người dân trong quan hệ về mặt pháp lý về quyền và nghĩa vụ với Nhà nước. “Quyền công dân” (hoặc còn gọi là quyền của công dân) là quyền con người được Nhà nước quy định đối với công dân nước đó. Khác với quyền con người có nội dung rộng hơn, quyền công dân là sự xác định về mặt pháp lý của một cá nhân trong một quốc gia nhất định, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của cá nhân đó đối với quốc gia nơi họ sinh sống, làm việc trong mối quan hệ lâu dài, bền vững và ổn định.
Trên đây là định nghĩa và những quy định chung, có ý nghĩa phổ quát cho các nước, các chính thể. Trong thực tế, cuộc sống luôn luôn rất phong phú và biến động qua không gian, thời gian; quyền con người được nhận định và thực hiện không thể không tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể về kinh tế, xã hội cũng như truyền thống, văn hóa của mỗi quốc gia, lãnh thổ. Không thể áp đặt một mô hình “Quyền con người” và quyền công dân của nước này cho nước khác.
Ở nước ta, vấn đề bảo vệ quyền con người cũng đã được khẳng định rất rõ ràng và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) thông qua đã viết: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 76). Đại hội lần thứ XI cũng đã quyết định: “Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết” (như trên, tr. 239) và “Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người” (Như trên, tr. 250). Đây chính là quan điểm cơ bản của Đảng lãnh đạo về vấn đề quyền con người, là cơ sở để bàn luận trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992.
Một số ý kiến cụ thể
Dưới đây, xin nêu một số ý kiến tập trung vào chủ đề quyền con người, quyền công dân góp vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992 dựa trên bản “Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013)” đã được công bố (dưới đây, xin gọi tắt là “Dự thảo”).
1. Điều rất đáng hoan nghênh trước tiên là Dự thảo đã có sựphân biệt quyền con người và quyền công dân, đã thiết kế hẳn một Chương mới: Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đặt ngay sau Chương I. Đây là điều khác hẳn với Hiến pháp 1992 chỉ có một chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong đó không phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân. Có thể coi đây là một điểm mới, tiến bộ rất quan trọng trong việc sửa Hiến pháp lần này.
Riêng Khoản 2 Điều 15 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” là đúng, song đề nghị cần quy định thêm là sự giới hạn này “phải do luật quy định” (tức là phải được Quốc hội ban hành) để tránh sự lạm dụng của cơ quan nhà nước để xâm phạm các quyền con người, quyền công dân có thể xảy ra.
2. Về quyền con người. Dự thảo quy định tại Điều 21 “Mọi người có quyền sống”, như vậy là quá ngắn gọn. Đề nghị tham khảo Tuyên ngôn Độc lập 1945: mọi người có “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” để thiết kế lại quy định này cho đầy đủ hơn. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu thêm, sắp xếp lại các quy định, để có thể tách bạch rõ đâu là quyền con người, đâu là quyền công dân.
3. Về các quyền về chính trị. Điều 26 Dự thảo quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Đây là những quyền rất cơ bản. Đề nghị xem lại (i) Cần thiết kế lại để tránh hiểu là trong quy định này có hai ý: “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và “được thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình”; (ii) Nên bỏ“theo quy định của pháp luật”, vì khái niệm “pháp luật” khá rộng, dễ bị lạm dụng; việc thực thi các quyền này cần được quy định bằng Luật do Quốc hội ban hành.
4. Về quyền sở hữu. Hoan nghênh Điều 56 quy định “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.
Thế nhưng, đối với đất đai, Điều 57 Dự thảo vẫn quy định “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật” và Điều 58 Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Đề nghị thiết kế lại Điều này theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người đang có quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bất công dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây bất ổn xã hội lâu nay và tạo kẽ hở cho tham nhũng. Nên phân biệt: trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì có thể trưng mua, trưng dụng; còn các dự án phát triển kinh tế – xã hội thì cần đấu thầu theo nguyên tắc thị trường.
5. Về quyền kinh doanh. Hoan nghênh Điều 54 Dự thảo đã quy định “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”, và “2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”; không đề cập “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như lâu nay. Có thể coi đây là một điểm mới rất quan trọng xuất phát từ thực tế, thể hiện tư duy mới về quyền bình đẳng của các thành phần kinh tế. Hoan nghênh Điều 56 Dự thảo đã quy định “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Trong điều này, đề nghị bổ sung: “thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội”, trước nghĩa vụ đối với Nhà nước.
6. Về quyền của nhóm người yếu thế. Trong nước ta hiện nay, do nhiều nguyên nhân, đang có nhiều người thuộc nhóm yếu thế, như gia đình thương binh, liệt sĩ, người già cô đơn, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, đồng bào vùng bị thiên tai, dịch bệnh, v.v… rất cần có những chính sách ưu đãi. Đề nghị thiết kế lại Điều 63 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, cũng là sự thể hiện tinh thần nhân văn của xã hội ta.
Trên đây là những kiến nghị chủ yếu góp vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992 về chủ đề “quyền con người, quyền công dân”. Hy vọng việc sửa đổi lần này thể hiện đúng đắn các quyền đó, đáp ứng nguyện vọng của dân và cam kết quốc tế, xây dựng được một bản Hiến pháp xứng tầm với dân tộc ta trong thời đại mới.
Kỳ sau: Quyền và nghĩa vụ của doanh nhân
Vũ Quốc Tuấn