Đó là câu nói thời đại thay cho câu xưa “Nghĩ trước khi nói”. Giờ phải “Google trước khi đăng”. Là vì, dân mạng bây giờ ăn nói… văng mạng quá.
Ngoài những câu chửi bới, còn lòi ra vô khối “chứng bệnh” khác. Thí dụ trong những ngày dân mạng thay màu cờ Pháp trên avatar để chia buồn trước sự kiện khủng bố ở Paris thì không ít vị vẫn đưa lên hình mình cười nhăn nhở.
Có vị còn vặn lại, sao không đau buồn trước việc người dân bị đánh mà buồn vì chuyện… “trên trời”. Có người còn nói, chết tai nạn giao thông nước ta cũng nhiều, sao không có gì “để tang”. Bậy hơn nữa có nhóm người trẻ tuổi còn ngụy tạo trang của… IS kêu gọi thách thức. Thật hết chỗ nói.
- Xem thêm: Vui buồn chuyện “phây”
Tóm lại là so sánh lung tung chẳng có gì phù hợp với trạng thái tình cảm của xã hội. Những người như thế bị gọi là “đã dốt còn cố tỏ ra nguy hiểm”. Thôi thì đủ thứ từ ngữ tân tiến xổ ra.
Có chàng sinh viên nước ngoài làm cái “clip” miêu tả đặc điểm thời hiện đại, nghiện công nghệ đến mức thay đổi hành vi, thành một căn bệnh khủng khiếp. Ác mộng thời nay là, điện thoại hết pin, không có wifi… Không hiểu vì sao các cụ ngày xưa không điện thoại, không máy tính mà sống được tới mấy nghìn năm lịch sử.
Ăn nói trên mạng mới đáng sợ làm sao. “Vĩnh biệt ngữ pháp” đủ các mẫu câu ghê người. Chàng sinh viên nước ngoài còn tìm ra đặc điểm, nhiều anh hùng bàn phím, phán như sư tử gầm trong khi ngoài đời như… con mèo.
Mà ví như vậy thì oan cho mèo quá. Nó lim dim như ngủ nhưng lại nhanh như cắt vồ ngay được chuột khi con người chưa thấy chuột đâu. Mèo dũng mãnh khi cần.
Có người đăng lên tin tức, nói rằng tới 10% dân Việt mắc chứng rối nhiễu tâm lý. Người thì cãi, rằng đâu mà nhiều vậy, người lại “còm” (bình luận) thêm, cứ dựa trên lời nói, cách cư xử trên mạng xã hội thì tỷ lệ chắc nhiều hơn nhỉ?
Thành ra lại xuất hiện lời khuyên mới. Trên mạng bao nhiêu triết lý lời khuyên loạn lên kiểu “5 điều làm trẻ lại”, “7 điều ở đàn ông không nên lấy làm chồng”…, giờ lại khuyên “10 điều không đưa lên Phây (Facebook)”.
Nào là không nói quá nhiều về mình, đừng chỉ trích ai vì bình luận của họ (họ có nói câu nghe tức như bò đá cũng cứ… mặc kệ im lặng). Nào là đừng kết bạn với người lạ, đừng nói chuyện gia đình, thông tin tài chính, địa chỉ…
Nhiều đến nỗi có người “còm” vào: Vậy thì chắc lên Phây chỉ nói chuyện… thời tiết thôi nhỉ, “đóng mạng lại cho rồi”.
Khó nghĩ quá, có cái mạng xã hội, gọi là tài khoản cá nhân mà không có chút tự do nào à? Lại lòi ra cách hiểu sai về tự do. Họ nghĩ tự do có nghĩa là cứ xả rác lung tung mới “đã”, chứ không phải là tự do thả thói xấu của mình bắt người khác chịu đựng.
- Xem thêm: Chuyện… chơi
Lý sự thì ai cũng thấy mình giỏi, phát biểu lên mới thấy “góc nhìn thiển cận mà lòng thù hận thì bao la”. Thật đáng sợ.
Có người đùa, giờ đã đến lúc phải xuất hiện nghề mới: chuyên gia phân tích tâm lý xã hội và trình độ văn minh của người Việt thông qua những biểu hiện trên internet. Rồi “bán” kết quả nghiên cứu cho các nhà giáo dục và hoạch định chính sách. Chẳng biết có ai… mua không?
Thế nên, phát hiện của chàng sinh viên nước ngoài nói về bệnh thời đại không phải để… chơi hay cười vui. Đã đến lúc phải học lại tính cẩn trọng của cha ông, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (chà, tốn thì giờ vàng ngọc quá nhỉ). Thôi thì hỏi “cụ Gồ” cho nhanh: “Google trước khi đăng”.