Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 8-2014, các ngân hàng thương mại tham gia gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng đã cam kết cho vay hơn 7 ngàn tỉ đồng, tăng 64% so với một tháng trước đó. Có một thông tin đáng lưu ý là số trường hợp được giải ngân để mua nhà ở thương mại đã vượt qua với số trường hợp vay mua nhà ở xã hội (đã có 3.594 trường hợp mua nhà ở xã hội, so với con số 3.623 trường hợp mua nhà ở thương mại). Sau khi Nghị quyết số 61/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó mở rộng thêm nhiều đối tượng được vay vốn, nới thời hạn cho vay lên 15 năm thay vì 10 năm như quy định trước đây, đồng thời cho phép thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay chính thức được triển khai, việc giải ngân gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng sẽ còn tăng tốc.
Căn hộ Ehome của Nam Long thuộc phân khúc nhà ở thương mại giá cả hợp lý
Sự gia tăng số lượng nhà ở thương mại được cho vay trong gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng là điều tích cực. Gói hỗ trợ lãi suất này nhắm đến đối tượng là những người có thu nhập thấp, được vay tiền để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2. Việc hạn chế diện tích và giá cả của căn hộ thương mại cũng ngầm được hiểu là phân khúc nhà ở xã hội được ưu ái hơn. Đó cũng chính là phân khúc mà doanh nghiệp tham gia được hưởng nhiều quyền lợi như miễn thuế sử dụng đất, giảm thuế VAT, vay vốn ưu đãi… Mà một khi đã có sự ưu đãi thì việc xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội vẫn đang được thực hiện theo cơ chế xin – cho. Chủ đầu tư cũng không cần phải cố gắng để hoàn thành, dù nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn thiếu. Thậm chí nhiều trường hợp chủ đầu tư còn tỏ ra rất chậm trễ trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội sau khi đã được cấp phép hoặc đã xin chuyển đổi thành công từ dự án thương mại. Chẳng hạn tại Hà Nội, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết quý I-2014 thành phố này có 18 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với khoảng 11.292 căn hộ, chín dự án đã được chấp thuận chuyển đổi, nhưng đến nay mới chỉ có bốn dự án được triển khai và ba dự án trong số đó chậm tiến độ. Chính điều này khiến người ta cho rằng các chủ đầu tư thực ra không mặn mà với nhà ở xã hội, động thái xin phép chuyển đổi dự án chỉ nhằm hưởng những ưu đãi của một doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội mà thôi. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp quản lý chặt chẽ, buộc các chủ đầu tư cam kết về tiến độ triển khai dự án, thu hồi những dự án chậm triển khai…, rất có thể khi thị trường ấm lên các chủ đầu tư này lại xin chuyển dự án từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại để có mức lợi nhuận cao hơn.
Như đã nói, sự nổi lên của căn hộ thương mại khi được đối tượng vay tiền từ gói hỗ trợ lãi suất chọn lựa là một tín hiệu tích cực, để các nhà quản lý cần có những thay đổi về chính sách và cách thức quản lý, không để tình trạng nhà ở xã hội dù được hưởng nhiều ưu đãi mà vẫn kém hấp dẫn hơn nhà ở thương mại giá rẻ trong mắt người mua.
Nguồn cung nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu và cả nước vẫn đang triển khai 129 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 90 dự án là cho người thu nhập thấp với quy mô 55 ngàn căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 27.560 tỉ đồng. Bộ Xây dựng dự báo đến năm 2015, cả nước vẫn cần khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, một con số rất lớn. Thế nhưng, nếu nhà ở thương mại có giá ngày càng rẻ hơn, chất lượng cao hơn, thì làm sao để người dân vẫn lựa chọn nhà ở xã hội thay vì nhà ở thương mại giá rẻ là không hề dễ dàng.
Hồng Thuận