1. Người đàn ông khoảng hơn năm mươi tuổi, gương mặt gầy gò với hai hố mắt sâu hoắm ngồi lặng lẽ cuối phòng xử án, từng giọt nước mắt mặn đắng chảy dài xuống đôi gò má đen sạm.
Ông đến đây để chứng kiến một cảnh tượng mà có lẽ suốt cuộc đời ông không bao giờ mong muốn. Ông thẫn thờ như người mất hồn, miệng luôn lẩm bẩm: Đồng ơi là Đồng! Chủ tọa phiên tòa với khuôn mặt nghiêm khắc:
– Tại sao bị cáo lại hành động như vậy! Đây là một việc làm không chỉ vi phạm luật hình sự mà còn vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức của một người học trò. Khi bị cáo làm như vậy bị cáo có nghĩ sẽ có thể làm hại đến tính mạng của thầy mình không.
Gương mặt Đồng hốc hác sau vành móng ngựa, nó chỉ cúi đầu im lặng trước những lời buộc tội của tòa với hai mắt đỏ hoe. Cuối cùng, nó cũng nói với Phi, giọng run rẩy đến tội nghiệp:
– Em xin lỗi thầy! Mong thầy khỏe để tiếp tục công việc giảng dạy. Em xin lỗi, thầy ơi!
Phi thấy nhoi nhói trong lồng ngực trước những lời nói chân thành trong tiếng nấc nghẹn của Đồng. Chỉ vì một chút nông nổi, chỉ vì một điểm số mà Đồng đang phải đối mặt với một tương lai mù mịt.
Còn riêng Phi, anh luôn tự hỏi không biết mình có lỗi gì không khi đã giải quyết vấn đề theo hướng như vậy. Tòa xét thấy nhân thân của Đồng rất tốt, bà nội Đồng là bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha là thương binh nặng.
Chính vì gia đình Đồng là gia đình có công với cách mạng lại được Phi xin giảm nhẹ hình phạt cho hành động nông nổi của đứa học trò, nên tòa tuyên án Đồng sáu tháng tù giam.
Người cha nắm chặt thành ghế khi nghe tòa tuyên án, hai môi ông cắn chặt muốn bật máu, hai khóe mắt giật giật cố ngăn dòng nước mắt cứ chực tuôn trào.
Phi nhìn gương mặt ông mà không cầm được lòng mình. Anh cảm thấy như có ngàn cơn sóng ngầm, cứ chồm lên, gầm gừ trong lồng ngực, đau nhói.
Anh không có lỗi gì trong chuyện này mà cứ nghĩ phải chăng mình có lỗi. Gương mặt Đồng cũng đầy nước mắt khi nghe tuyên án, ánh mắt ăn năn hối hận nhìn Phi như cầu mong một lời tha thứ trước khi cánh cửa của chiếc xe cảnh sát đóng sầm lại.
- Xem thêm: Nhà trên đồi
Phiên tòa đã kết thúc. Mọi chuyện đã an bài. Còn lại một mình Phi ngồi trầm tư trên chiếc ghế đá trong khuôn viên tòa án.
Câu chuyện của Đồng như một đoạn phim tài liệu cứ hiện rõ mồn một trong tâm thức Phi không thiếu một chi tiết nào.
Anh có còn cách giải quyết nào khôn khéo hơn hay không, có cần kiên quyết đến như vậy hay không. Nắng đã lên cao ngang đỉnh đầu, Phi vẫn còn ngồi đó nghĩ mông lung…
2. Cậu sinh viên năm cuối đến khu tập thể giáo viên tìm Phi, nhìn vẻ mặt chân chất ấy là anh đoán ra ngay cái gốc gác quê mùa. Nhìn cậu sinh viên này Phi thấy có vẻ quen quen nhưng không nhớ nổi, hình như những gương mặt nhà quê đều có những nét giống nhau, trông hơi khắc khổ và một chút phong trần.
Anh xa quê đã hơn mười lăm năm, công việc bề bộn khiến anh có ít thời gian để về thăm nhà. Thu xếp mãi thì cũng chỉ về được với má vài bữa, cứ ở lòng vòng trong nhà nói chuyện với má rồi đi.
Má không trách vì hiểu công việc của anh phải như vậy. Anh là một giảng viên đại học, điều này làm cho má rất tự hào với bà con chòm xóm mặc dù má không bao giờ nói ra.
Má còn có một niềm tự hào khác khi anh chọn con đường sử học để nghiên cứu và giảng dạy. Má hiểu một cách hết sức tự nhiên là anh sinh ra bên bờ sông Hàm Luông, quê hương của phong trào Đồng Khởi, thì anh chọn môn sử để học cũng là một điều đương nhiên.
Xứ này biết bao nhiều huyền thoại, anh muốn nghiên cứu về phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng của quê hương mình nói riêng và của dân tộc nói chung.
Anh dồn hết tâm huyết của mình cho nghiên cứu lịch sử dù đây không phải là một ngành dễ kiếm tiền sau khi ra trường. Nhờ nỗ lực học tập, anh tốt nghiệp loại xuất sắc và được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy.
Anh lại tiếp tục con đường học vấn bằng suất học bổng ở nước ngoài. Sau hơn sáu năm học hành, anh trở về với tấm bằng tiến sĩ và một bầu nhiệt huyết dành cho ngành sử học.
Anh làm việc và giảng dạy rất nghiêm túc nên trong mắt một số sinh viên thì anh là một ông thầy khó tính. Nhưng anh sinh ra từ quê hương có truyền thống quật cường cộng với nhiệt huyết cao cho nghề nghiệp, anh không thể chấp nhận kiểu đánh giá hời hợt, dễ dãi như một số giảng viên khác.
Nhiều sinh viên tìm đến anh để xin điểm với đủ các lý do nhưng chưa có một lần họ được toại nguyện, cậu sinh viên này chắc cũng tương tự như vậy. Sau một chút bối rối, cậu sinh viên nhỏ nhẹ:
– Thưa thầy! Em tên Đồng, học lớp Kinh tế, môn Lịch sử văn minh thế giới em thiếu một điểm, thầy có thể xem xét lại bài cho em đủ điểm đậu không. Đây chỉ là môn tự chọn, mong thầy thông cảm. Năm nay em học năm cuối rồi, em muốn ra trường đúng hạn để có việc làm nuôi ba em, ông là thương binh, sức khỏe yếu lắm mà vẫn phải làm việc cực khổ lắm thầy à!
Rồi Đồng nói rất nhiều về hoàn cảnh của mình. Không muốn cha quá cực nên Đồng vừa học vừa phải đi làm thêm nên chỉ tập trung được những môn bắt buộc, còn những môn tự chọn thì chỉ học qua loa. Bây giờ năm cuối rồi, không tích lũy đủ các tín chỉ thì không thể ra trường được.
Phi tìm lại bài của Đồng thì rõ ràng bài làm rất yếu không thể nào cho điểm đạt được, phải công bằng với tất cả các sinh viên là phương châm làm việc của Phi. Anh không thể chấp nhận được việc nâng điểm:
– Em về học lại, học kỳ tới sẽ mở lại môn này, chỉ trễ vài tháng, em nên học và thi lại. Thầy không làm theo yêu cầu của em được. Suốt tuần sau đó, ngày nào Đồng cũng đến tìm Phi với câu chuyện cũ. Nhiều lần cậu đã khóc trước mặt Phi để xin anh cho thêm điểm. Anh thương cậu học trò lắm, nhưng với điểm số như vậy anh không thể nào làm khác. Phi nhớ rất rõ lần cuối cùng Đồng nói với anh:
– Em đã đến tất cả năm lần rồi mà sao thầy vẫn cương quyết như vậy. Ba em bị vết thương cũ hành hạ đau lắm. Chị Hai em làm công chức lương rất thấp không cáng đáng nổi gia đình. Em mong lắm ngày ra trường để được đỡ đần cho ba, cho chị em. Thầy giúp em, em sẽ mang ơn thầy suốt đời.
Không phải Phi là người sắt đá. Nhìn vẻ mặt đau khổ và tuyệt vọng của Đồng, đã nhiều lần anh định nâng điểm cậu lên trung bình cho rồi, nhưng mà anh vẫn không làm được.
Đã có rất nhiều trường hợp đến tìm Phi xin điểm với đủ các lý do nhưng hầu hết đều để che đậy sự lười biếng của mình. Mà có chính đáng đi nữa thì cũng rất khó cho Phi.
Anh không muốn mình góp phần đào tạo ra những con người không đủ năng lực. Phi muốn sinh viên của mình phải nỗ lực học để sau này có thể phục vụ tốt cho xã hội. Và anh đã kiên quyết lắc đầu.
Đồng gật đầu chào Phi với khuôn mặt buồn và lạnh. Hai bàn tay cậu ta nắm chặt, môi mím lại bước nhanh ra cửa.
Đồng đi rồi, Phi ngồi lặng lẽ trên ghế suy nghĩ về quyết định của mình. Anh thấy mình không sai nhưng quả thật anh cảm thấy hơi ray rứt khi cậu sinh viên nói quê mình ở Bến Tre. Anh cũng dân Bến Tre.
Nhưng dân Bến Tre phải kiên cường và ngay thẳng chớ. Nghĩ như vậy anh cảm thấy nhẹ lòng. Mặc vội chiếc áo, anh chạy ra quán ăn cơm để tối về còn đọc luận văn tốt nghiệp của mấy đứa sinh viên năm cuối.
- Xem thêm: Một ngày không vội vã
Mới ra khỏi cổng khu tập thể chừng hai trăm mét, anh vừa chạy xe vừa suy nghĩ về câu chuyện vừa rồi.
Anh cảm giác như có ai đó đang chạy theo mình, sau đó anh nghe đau nhói ở vai trái sau một cú đập mạnh, tay anh mất hẳn cảm giác, chiếc xe ngã xuống trượt dài một đoạn trên đường, kêu lên ken két, đầu anh đập mạnh xuống mặt đường. Anh thấy bầu trời trước mắt anh quay cuồng rồi tối sầm lại…
3. Sau phiên tòa, Phi lên giảng đường như một kẻ mộng du, khi nhìn những đứa học trò thân thương của mình anh lại thấy khuôn mặt của Đồng. Khuôn mặt đó làm anh chùng lòng, anh chẳng còn nhớ gì để giảng nữa.
Học trò thấy lạ vì thường ngày thầy Phi nổi tiếng với khối kiến thức rất sâu sắc. Vậy mà bây giờ thầy nhớ trước quên sau, nói năng ngớ ngẩn.
Chuyện đến tai khoa, trưởng khoa mời Phi lên nói chuyện, anh trình bày tất cả những vấn đề mình mắc phải và xin khoa đồng ý cho anh nghỉ phép vài tháng để tinh thần ổn định lại.
Cuối cùng nhà trường duyệt cho anh nghỉ dưỡng sức ba tháng được hưởng lương. Đáng lý ra anh đi du lịch đây đó cho khuây khỏa nhưng cuối cùng anh chọn về quê vì ở đó có má, có quê hương, có nơi chôn nhau cắt rốn.
Phi chạy xe chầm chậm dọc theo con đường nhỏ về nhà, mắt dòm qua dòm lại hai bên đường để tìm lại cảm giác then quen, lồng ngực như căng ra hít thở không khí trong lành, dân dã, cái mùi của quê hương.
Nhà mình kìa! Phi muốn hét lên thật to một tiếng cho đã, nhưng trong lòng như nghẹn lại. Má đang ở trước sân, phơi những miếng cơm dừa, cái dáng nghiêng nghiêng đã trở nên quen thuộc và thiêng liêng mà Phi không bao giờ quên được.
Anh đậu xe ngoài cổng, bước nhè nhẹ đến sau lưng lặng nhìn má mà muốn rơi nước mắt. Không kềm được nữa, Phi nghẹn ngào:
– Má! Con nè…
Má Phi quay lại, một mái đầu bạc như sương khói, anh nhìn má mà thấy cay cay ở khóe mắt mình. Sao má mau già vậy không biết? Má anh cười như mếu:
– Phi hả bây! Tổ cha bây, sao lâu vậy con! Út à, anh Hai bây dìa nè!
Út Mơ đang cho con heo nái ăn sau hè, quần ống cao ống thấp, tay còn cầm nguyên xô cám chạy vào:
– Dữ ác hôn! Gần cả năm rồi mới dìa thăm má hén! Mà có chị Hai em dìa hôn!
– Có mình tao hà, có ai thương tao đâu mà dắt dìa, má coi giùm xóm mình còn ai không má đi nói giùm con nghen!
Nghe Phi nhắc đến chuyện vợ con, má anh chợt cảm thấy buồn. Anh đã ba mươi lăm tuổi rồi, cái tuổi này ở quê chắc cũng mấy đứa con rồi chớ chẳng chơi. Má chắt lưỡi, thở dài thườn thượt:
– Tao rầu bây quá Phi à! Già đầu rồi mà không chịu có vợ con gì. Mơi mốt tao theo ba bây thì ai lo đây.
Phi thấy thương má quá chừng, người mẹ nào cũng như thế, lo lắng cho con đến hết cuộc đời. Phi nói cho má an lòng:
– Cũng gần tới rồi má ơi! Má ráng chờ thêm một, hai năm nữa. Má sống đến trăm tuổi lận mà.
Má anh cú lên đầu Phi một cái, rồi lẩm bẩm:
– Tổ cha bây, lúc nào cũng vậy hà!
Cơm trưa xong, Phi xách cái võng dù ra ngoài mé sông, giăng qua hai gốc cây bần nằm ngủ trưa. Con bìm bịp cất cái giọng già nua, khàn khàn báo con nước.
Âm thanh này rất đỗi thân thương, hễ bìm bịp kêu là nước lớn, bao nhiêu năm qua vẫn vậy. Anh thấy lòng mình thật thanh thản, bình yên.
Đã lâu lắm rồi, anh mới có một giấc ngủ trưa an lành đến vậy. Gió ngoài sông cái thổi vào lồng lộng, đi cùng trời cuối đất rồi mà trong giờ phút này, anh thấy không nơi đâu bằng chính quê mình.
Đang thiu thiu ngủ, tiếng người lao xao và một giọng cười rất trong trẻo làm Phi sực tỉnh. Từ dưới bến nhìn lên, anh thấy một cô gái tóc dài ngang lưng, eo thon thon đang nói chuyện với má. Anh bật cười, đúng là con gái Bến Tre.
Không hiểu sao mà khi không anh lại muốn nghe xem cô gái đó đang nói gì với má.
– Bác nhớ uống thuốc đều đặn nghen bác Tư, mỗi chiều trên trạm xá dìa con sẽ ghé qua đo huyết áp lại cho bác. Bác nhớ đừng ăn mặn quá, không tốt, bác nhớ nghen bác. À. Còn nữa…
Anh nghe mà muốn chóng mặt, má anh là gì với cô gái đó mà nghe giọng cổ quan tâm dữ vậy cà! Chờ cho cái eo thon thon khuất dần sau mấy đám dừa. Anh đi xăm xăm lên:
– Ai vậy má!
Má anh cười cười:
– Con Hà y sĩ trên trạm xá. Nó nhận chăm sóc má theo phong trào đền ơn đáp nghĩa gì đó. Con nhỏ đẹp người đẹp nết lắm.
Như chợt nhớ ra điều gì, bà nhìn Phi chăm chăm:
– Hay là bây hỏi cưới nó đi! Nó chưa có ai hết á!
Anh cười cười:
– Má thiệt là, quen còn chưa quen ai hỏi cưới được.
Anh đi nhanh vào nhà vì biết chắc thế nào má anh cũng nói: Tao với ba bây hồi xưa có quen đâu mà… Điệp khúc ấy anh đã nghe hàng ngàn lần rồi.
Một tháng sau, anh và Hà đã trở thành người quen. Chiều nào trên trạm xá về cô cũng ghé chăm sóc sức khỏe cho má và nói chuyện với anh.
Má anh vui mừng ra mặt, chiều nào cũng ra sân trông Hà về. Biết đâu bà sẽ có dâu, biết đâu thằng Phi chịu cưới vợ sau nhiều nằm bôn ba. Ờ! biết đâu…
4. Phi chở Hà chạy xe trên con đường quê sạch sẽ, hai bên rợp mát bóng dừa. Hôm nay, anh về nhà Hà chơi và thăm ba Hà cho biết. Má anh nói ba Hà hiền lành lắm, gặp anh sẽ thương liền cho coi. Anh cũng nghĩ như vậy, vì má nói con Hà giống ba nó lắm.
Ông Mười châm một bình trà, ngồi trên bộ ván ngựa để trước hàng ba trông Hà về. Hà nói chiều nay có bạn về chơi, mà là con trai nữa.
Ông có ý trông coi thằng này thế nào, nhắm chừng coi nó có làm rể ông được hôn. Nghe nó ở Cần Thơ về, ông lại sợ nó chê con mình. Nghe tiếng xe máy, ông bước vội ra sân:
– Hà dìa rồi hả bây! Mời bạn con vô nhà đi! Vô đây con, coi như nhà của mình nghen!
Ông kéo tay Phi lôi vào nhà nhưng bất chợt buông thõng cánh tay xuống, lắp bắp:
– Thầy… thầy… thầy Phi!
Ông thấy tim mình đau nhoi nhói, hai chân sụm xuống. Ông dựa vào gốc cột hàng ba thở dốc. Hà lo lắng, nắm tay ông lắc lắc:
– Sao vậy ba! Khi không lại mệt vậy! Ba có sao hôn?
Ông Mười ôm lấy ngực, miệng há hốc không nói nổi một tiếng. Trong tích tắc Phi hiểu ra ngay câu chuyện. Ông Mười, ba của Hà chính là người đàn ông khắc khổ dự phiên tòa xét xử Đồng với tư cách là cha của bị cáo. Anh đỡ ông vào nhà, siết tay ông:
– Không sao đâu bác! Mọi chuyện đã qua rồi! Con cũng không còn giận Đồng nữa. Nhìn bác như vầy, con lo lắm.
Nước mắt Hà chảy dài trên má khi cô hiểu ra mọi chuyện. Thì ra Phi là ông thầy mà em cô đã đánh vì không xin được điểm. Cô không ngờ trái đất này lại nhỏ đến như vậy. Cuộc đời xui khiến cô gặp Phi trong một hoàn cảnh thật trớ trêu. An ủi mãi cuối cùng ông Mười cũng bớt dằn vặt mình. Phi nói:
– Lát con điện dìa kêu má con khỏi chờ! Tối nay bác cho phép con ở lại nói chuyện với bác một buổi. Nghen bác!
Ông Mười bóp chặt vai Phi, gật đầu:
– Ờ! Hà coi nhà còn gì nấu cơm đi con. Nấu gì ngon ngon cho thằng Phi nó ăn!
Buổi tối, sau khi xem xong chương trình thời sự, ông Mười kêu Phi ra hàng ba, ông nằm trên chiếc võng giăng qua hai gốc cột, Phi bắc ghế đẩu ngồi chò co kế bên nghe ông kể những câu chuyện ngày xưa, cái thời mà ông không bao giờ quên được.
Ông vói tay lấy bịch thuốc rê trên bộ ván ngựa, se một điếu bằng ngón tay út, hít lia lịa rồi quăng cái tàn thuốc xuống mương cái xèo, ông bắt đầu:
– Bây biết không, xóm này ngày xưa nghèo lắm, chiến tranh mà. Lúa đang trổ đòng đòng chưa kịp chín mà nó bỏ bom ầm ầm như vậy thì thử hỏi gạo đâu mà ăn. Tao đi chiến đấu vì nhà tao ai cũng vậy, mà hình như cả xóm này ai cũng vậy cả.
Đôi mắt ông đùng đục nhìn khơi khơi lên những vì sao nhấp nháy xa mờ như tìm về miền ký ức xa xăm, biết đâu đồng đội ông hy sinh đã biến thành những ngôi sao ở chân trời xa kia. Ông lại vói tay lấy bịch thuốc rê, lại le lưỡi liếm, hít mấy hơi rồi lại quăng cái xèo xuống mương. Ông kể tiếp:
– Cuộc kháng chiến cuối cùng cũng giành được thắng lợi. Tao mừng lắm dù trên mình đầy thương tích. Rồi tao được cử đi học đại học vì trước đó có bằng tú tài rồi. Ơ! Cái trường bây đang công tác là cái trường hồi xưa tao học đó nghen. Hôm rồi lên Cần Thơ vì vụ thằng Đồng tao có ghé lại thăm trường, nhưng mà trong bụng đau như muối xát. Con cái như vầy cũng thấy mình có lỗi với trường.
Ông nghẹn ngào khi nhắc đến thằng contrai út:
– Bây biết hông, đẻ được thằng con trai tao mừng lắm, đặt tên nó là Nguyễn Thành Đồng để mong nó nên người. Má tụi nhỏ mất năm con Hà học lớp chín và thằng Đồng mới học lớp ba. Ba cha con đùm bọc sống với nhau, hơn chục năm trước, sức khỏe tao kém vì những vết thương cũ hành lại nên đã nghỉ hưu. Tính từ lúc ở phòng nông nghiệp huyện dìa cũng hơn chục năm rồi. Tao thì ở nhà lo mấy công dừa, nhưng mà cứ nhập viện hoài vì chứng hen suyễn. Chắc tao cũng sắp theo bác gái bây rồi. Một mình con Hà lo cho em nó ăn học. Vậy mà bây giờ… Tao ghé thăm trường trong một dịp đau lòng như vậy. Nhớ trường lắm, nhớ thầy cô lắm nhưng không dám tìm thăm một ai. Thằng Đồng gây ra lỗi lầm này vì cũng muốn lo cho tao, cái thằng này ngu quá!
- Xem thêm: Tuổi thơ như tranh
Hai hàng nước mắt chảy dài trên hai gò má hốc hác. Ông đã khóc không biết bao nhiêu lần kể từ phiên tòa xét xử thằng Đồng. Phi nắm lấy tay ông, an ủi:
– Mọi chuyện đã xảy ra rồi không quay lại được, nhưng con hứa với bác là sẽ tìm mọi cách để giúp Đồng được đi học trở lại, dù sao nó cũng còn rất trẻ. Hy vọng là nó sẽ vượt qua lần vấp ngã này để làm lại từ đầu.
Ông Mười vẫn chưa hết xúc động:
– Ờ! Được vậy tao mừng lắm. Ai muốn con mình hư đâu, chắc giờ nó cũng đã hối hận lắm rồi. Sau này, bây ráng giúp nó, tao mang ơn!
Khi đã hiểu nhau hơn, ông và Phi nói đủ chuyện trên trời dưới đất về ngôi trường mà cả hai cùng theo học. Dù đó là hai thế hệ cách xa nhau mấy chục năm, dù Trường đại học Cần Thơ nay đã thay đổi nhiều, đã phát triển thành một ngôi trường mang tầm khu vực nhưng tình cảm thầy trò, sự đam mê đi tìm tri thức thì vẫn vậy. Gà đã gáy sáng.
Ông biểu Phi:
– Thôi bây vô bộ ván ngủ đi! Con Hà nó đã giăng mùng rồi! Mai bác cháu mình nói chuyện tiếp.
Phi trằn trọc không ngủ được mặc dù trời đã gần sáng. Anh cũng không ngờ mình lại gặp những chuyện kỳ lạ đến như vậy. Tuy nhiên, anh cảm thấy lòng mình thanh thản hơn rất nhiều khi nghe ông Mười trút cạn nỗi lòng. Anh nhìn qua khe vách, trăng muộn đã lên ngoài sông. Ông Mười vẫn còn nằm trên chiếc võng ngoài hàng ba, điếu thuốc vẫn cháy đỏ trên môi. Chắc đêm nay ông thức trắng…
5. Ba tháng nghỉ ngơi rồi cũng trôi qua, đến ngày Phi phải lên Cần Thơ nhận công tác trở lại. Phi bây giờ khác hẳn với Phi của ba tháng trước.
Anh tự tin hơn rất nhiều, anh về quê để tìm lại ý chí và niềm tin. Anh đã tìm được. Chính ông Mười là người đã thắp lại ngọn lửa sống cho anh, giúp anh có thể quật cường hơn.
Thế hệ của ông Mười, của cha anh và nhiều người khác nữa, họ đã dám sống và dám chết cho lý tưởng cao đẹp của mình. Lẽ nào, khi cuộc sống đã thanh bình, đất nước đang phát triển thì anh lại gục ngã.
Anh ôm má, siết chặt tay ông Mười rồi chở Hà theo con đường làng ngoằn ngoèo lên dốc cầu Hàm Luông. Lên đến giữa cầu, Phi dừng lại nhìn về phía nhà mình, má vẫn còn đứng trước sân, tay che nắng nhìn theo hướng anh đi.
Anh muốn khóc quá khi thấy má đưa tay quẹt nước mắt rồi lủi thủi vô nhà. Anh tự hứa với mình phải cố gắng về quê thăm má và ông Mười nhiều hơn, về quê để có thêm bản lĩnh, để sống và vươn lên.
Bây giờ anh còn có Hà bên cạnh, anh đã cảm nhận được tình yêu của mình dành cho Hà và Hà cũng vậy. Đi cả vòng trái đất rồi Phi lại tìm được tình yêu ngay trên quê hương mình. Anh mỉm cười khi chợt nhớ lời má nói khi trước: trai cù lao phải lấy gái cù lao mới xứng con à!
Còn bây giờ, việc đầu tiên khi đến Cần Thơ là anh giúp Đồng làm đơn bảo lưu kết quả học tập để hy vọng nó có thể tiếp tục con đường học vấn sau khi mãn hạn tù…