Hơn hai tháng nay cô Cảnh Duyên không về thăm nhà. Trước tết công việc cuối năm lu bu, phần thì con cái về thăm nhà… Đôi lúc ở không hiếm hoi và bầu không khí nóng nực ngày áp tết khiến cô mơ màng nhớ tới căn nhà nhỏ lẻ loi trên đồi thông lộng gió.
Mãi đến hôm nay, cô mới bỏ phố lên rừng được. Dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, người của thành phố trên cao, nhìn như già hẳn lại. Những tấm áo lạnh nhiều màu tươi nhuận biến hẳn trên hè phố. Hai hồ nước to ngay đầu thị xã nước cạn khô gần đến đáy, nhà thủy tạ chuyên phục vụ cà phê cà pháo hát hò karaoke nhìn xấu đến lạ lùng. Chỉ có hàng cây hoa vàng trên bờ hồ là rực rỡ, hoa như hình cái chuông mà lại có cái tên rất xấu: cây sọ khỉ. Quả của cây nhẵn thín và trơn láng hơi meo méo như cái sọ của con khỉ già, cái tên chết từ đấy.
Về tới căn nhà nhỏ, thay bộ quần áo nhẹ nhàng mặc trong nhà và đi ra đồi thông. Gió vi vu nhè nhẹ. Góc vườn cây hoa giấy màu cánh sen mang từ Sài Gòn lên trồng đã ra hoa, màu sen đậm lẻ loi mỏng manh thấy yếu ớt mà chẳng yếu chút nào giữa bạt ngàn màu xanh. Trời quá nắng, cái nắng ở chốn này dù sao cũng đỡ hơn thành phố nhiều lắm. Nắng ở đây có màu trong như ly nước lọc, gió và bầu không khí thanh sạch cho cô cảm tưởng như rũ bỏ được lớp bụi trần gian khét nghẹt mùi dầu nhớt mỗi khi chạy xe đi đâu đấy trên thành phố. Nắng ở đây chỉ cần ngồi bên thành giếng cũ dưới gốc cây mận già khoảng năm mười phút đã thấy cái nắng lui dần, đầu óc êm êm nhẹ nhõm, chuyện thế sự chuyện thiên tai nhân họa chuyện gia đình điềm nhiên trôi dần vào một không gian khác.
Li và Ki, hai con chó vàng gầy trơ xương từ cuối vườn ù té chạy lên mừng rỡ. Chưa có người lên phụ giúp trông nom vườn trà, cô đã gửi hai con chó này cho vợ chồng người hàng xóm, hơn hai tháng không lên, nhìn tụi nó lèo khoèo xiêu xiêu niểng niểng như cơn gió chướng. Ở đây, nông dân có thói quen cho chó ăn cám nấu với cỏ đồng tiền, một loại cỏ lá sờ nhám tay vân lá chạy vòng tròn mọc đầy trên những lối đi trong vườn trà… Nuôi vậy mà đàn chó của cả hai nhà đều béo múp míp, nhưng mùa này có lẽ trời nắng quá mấy con chó chẳng buồn ăn… A di đà Phật… kiếp sau làm người không làm chó nghe con… Cô Cảnh Duyên thì thầm.
Cây mít cuối vườn năm nay ra rất nhiều quả. Mùa trước, o Bưởi cầm cây rựa to chặt chém mấy nhát vào thân cây và lớn tiếng hăm he… năm sau mày không ra trái tao chặt bỏ mày cho rồi. Cái cây cũng biết sợ, mùa mít năm nay trái ra lúc lỉu đeo dính thân cây. O Bưởi bảo ở quê con, cây nào trồng mãi mà không ra trái cứ đem con dao ra băm cho mấy nhát là năm sau ra trái cấp kỳ. Chữa mẹo đó cô. Hèn gì hồi đó bà cô chồng tôi, trồng được cây mãng cầu, cây ra hoa kết trái, trái đầu tiên có đứa bé con nhà hàng xóm táy máy hái mất, từ đấy trái của cây này chưa chín hay sắp chín cũng bị nứt làm hai. Cô tôi bực mình càu nhàu mãi.
Cô bảo trẻ con hái quả bói là hư hết trái của cả đời cây sau này, quả bói là quả đầu lòng cây để dành cho người già, cây cũng biết kính lão đắc thọ đấy. Đứa con gái nhỏ đầu lòng học lớp mầm chồi của tôi hồi đó mặt rất nghiêm nghị ngồi nghe như uống lấy từng lời nói của bà… Thật vậy, cả nhà chẳng ai ăn được trái mãng cầu nào, cây được giữ lại trong sân nhà chỉ để lấy chút bóng mát cho buổi trưa hè. Người quê và người già có nhiều câu chuyện huyền bí mà có thật, tồn tại và ứng dụng qua không biết bao đời người và bao đời cây. Cô Cảnh Duyên cười cười, vậy o cầm sẵn dao rựa nghe, trong vườn còn mấy cây vú sữa và mấy cây bơ chưa chịu ra hoa nữa đó.
Đi dần xuống cuối vườn, tiếng suối róc rách cũng mất tiêu, lòng suối trơ ra những viên đá cuội mặt đá không có nước nhìn xấu ỉn và cũng già hẳn đi. Vào mùa mưa tiếng suối reo gợi trí tò mò khám phá như réo gọi mọi người mau mau xuống suối chơi, cô Cảnh Duyên nhớ cách đây vài ba năm có một ông thầy dẫn đoàn Phật tử trẻ gần 20 người ở nước ngoài về, họ đã ồ lên thích thú khi nhìn thấy đồi trà bát ngát của cô, buông hành lý xuống, rủ nhau ra đồi trà, nghe tiếng được tiếng mất họ bảo nhau ở bên Mỹ mua trà ba niên uống và ăn gạo lứt muối mè là theo phép ẩm thực dưỡng sinh.
Cô bảo họ đây là trà thập niên đấy… Lại một tiếng ồ khác to hơn và vui hơn, ai cũng reo lên vậy tụi mình hái trà này uống đi, tiếc rằng thời gian ở lại không đủ lâu cho họ kịp phơi trà mang theo. Mê mẩn với những luống trà một lúc thì cũng chán. Xuống suối chắc vui hơn, người nọ bám vai người kia, rồng rắn men theo triền đồi dốc xuống con suối chạy quanh dưới chân đồi. Những bàn chân trắng như bột quen giày dép e dè lội xuống nước, đùa nghịch hái hoa.
Ông thầy đầu tròn áo vuông, chắc cũng còn chút tinh nghịch và lãng mạn đời thường cười tươi hái một bông hoa dại màu tím ban cho cô Phật tử đứng kế bên. Cô Phật tử mắt chớp chớp như con búp bê biết nói. Nhanh thật, mới đó mà đã hơn ba năm rồi.
Đồi trà nhà cô Cảnh Duyên nằm cạnh một ngôi chùa to lớn và danh tiếng bậc nhất của cả nước. Buổi sáng sau khi uống cà phê và pha ấm trà đầu tiên hái trong vườn nhà, ngày sảng khoái cũng bắt đầu khi o Bưởi hãm ấm trà tươi đổ bỏ nước trà nhất vào cái bát sành to, cô Cảnh Duyên lấy nước trà này rửa mặt mỗi buổi sáng, mùi trà nóng bốc lên nhẹ nhàng thơm, lan tỏa trong căn phòng khách ấm cúng. Nước trà thứ hai sóng sánh vàng tươi trong chiếc ly thủy tinh trong vắt nhìn thật bắt mắt và ngon miệng uống.
Những ngày trời lạnh cả một vùng rộng lớn như nằm trong tấm chăn mỏng của sương mù. Cảnh vật như ở trên tiên khi nhìn sang bên kia chùa, mọi thứ biến hiện chậm rãi từ từ trong màn sương sớm mái chùa cong vút đỏ tươi thấp thoáng trong màu xanh của thông ngàn đẹp gấp ngàn lần tranh lụa của đại lão họa sĩ Tề Bạch Thạch. Cảnh vật thái bình thịnh trị êm ả làm sao, sống trong mây, tai nghe tiếng nước chảy, ăn toàn rau củ quả, ngửi mùi hương hoa thơm… biết đâu quý thầy và quý sư cô lại chẳng bay bổng hơn cả người thường mình nữa chứ…
Cô Cảnh Duyên bất giác nhoẻn nụ cười, những ngày lên đây ở, tự nhiên cô thích nói một mình, cười một mình. Không khéo mình thành người trầm cảm dần dần rút mình sâu vào cái thân tôi này. Vậy cũng hay, tính khí cô vốn sôi nổi làm việc gì cũng cố làm cho bằng được, nhiều khi xôi hỏng bỏng cũng không, thất bại không phải chỉ một hai lần, đôi lúc cũng thấy tiếc công tiếc của… nhưng thà như vậy còn hay hơn, chẳng làm gì. Đời sống ai cũng vui ít buồn nhiều, như chàng say rượu ưa nói ẩu tôi uống rượu để say để quên nhưng than ôi khi tôi say tôi lại nhìn thấy em những hai lần.
Trên đường đi, cô tạt vào nhà người hàng xóm, gia đình này cũng có nhiều nét đặc biệt, bà vợ người nhỏ thấp, hàm răng cái mất cái còn, món tóc búi tó củ hành to đúng bằng củ hành tây nhỏ, trán hói lên đến tận đỉnh đầu vì tóc rụng sau 10 lần sinh đẻ. Nhưng hai con mắt sáng lóng lánh và tròng đen vẫn đen tuyền, nhan sắc này khi còn trẻ chết chắc khối anh trai làng. Khi cà phê trong vườn nhà chín đỏ, mùa thu hoạch bắt đầu, bà Điệp chẳng bao giờ ngủ trong nhà, mình bà trong chiếc lán nhỏ chỉ lớn hơn chiếc chiếu đơn cất bên bờ suối, cây đèn pin bên cạnh, dù mưa gió bão bùng, dù trăng thanh gió mát dù côn trùng rả rích thâu đêm, dù chồn chuột thỏ rừng sột soạt bà cũng mặc.
Màn đêm ở đây giơ bàn tay còn chẳng thấy ngón, hết mùa thu hoạch này sang mùa thu hoạch khác bà vẫn ngủ trong cái lán này bao nhiêu năm như vậy của cải chẳng mất mát tí nào, chỉ có mấy con chim là ăn cắp được hột cà phê chín đỏ của bà thôi. Đàn chó sáu bảy con lực lưỡng chẳng con nào đi theo bà hết, trừ con Gấu nhưng nó cũng chết mất rồi từ mấy năm nay vì già ốm. Bà Điệp có nhiều con gái, cô lớn cô bé, cô chưa chồng cô có chồng và cô không chồng nhưng có thằng bé con bụ bẫm. Cô nào cũng xinh, nghe cô Cảnh Duyên khen bà mẹ cần cù giỏi giang can đảm dám ngủ một mình trong vườn cà phê, bà mẹ trẻ con cười khúc khích, cô không biết đó thôi, mẹ cháu còn tay không bắt rắn nữa đó.
Trời đất. Đúng đó cô, hôm đó có con rắn ở bụi chuối gần suối phóng lên, mẹ cháu quơ tay bắt ngay được cổ nó thế là mẹ cháu bóp nó nghẹt thở luôn, tụi cháu nghe xong hết cả hồn vía, may là rắn thường thôi… Bà mẹ trẻ người non dạ tên là Lan “Lan nở hang sâu nụ vẫn khép, hồn trinh phong kín trao tay chàng”, tình yêu cô đem cho không biếu không chàng trai Việt gốc Hoa nhà ở ngã năm cuối con dốc. Khi cô có em bé, chàng nhất định không nhận, thằng cu tí càng lớn càng giống bố như khuôn, ông bà nội nhìn thấy bé thì tiếc ngẩn người mấy lần sang xin lại, nhưng chẳng ai cho, ông bà ngoại âm thầm nuôi nấng cưu mang cả mẹ trẻ lẫn em bé…
Thỉnh thoảng có dịp cô Cảnh Duyên tâm tình nhắn nhủ: “Con còn trẻ và rất xinh, nếu bố thằng cu Tí quay lại dụ khị nữa thì phải biết phòng thân nghe con”, cô bé hồn nhiên trả lời: “Dạ, qua tết này con sẽ uống thuốc ngừa thai cô ơi!”. Xem chừng cô bé còn thương tình lang lắm lắm.
Ông chồng cũng độc đáo xanh rờn, là một tay thợ mộc tài hoa, mỗi lần gặp tôi, ông hay kể chuyện đời đi lính của mình, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc của trận Hạ Lào, chân đạp lên xác đồng đội khi chạy ra chỗ trực thăng. Đêm đêm ông vẫn ngủ với những giấc mơ của thời chiến trận năm xưa. Thế nên ông hay uống rượu, ông say túy lúy càn khôn, chân nam đá chân chiêu, dò dẫm tìm đường về. Có đêm trăng sáng lắm, ông đi uống rượu ở đâu về. Về nhưng không vào nhà, người ông ngập ngụa trong ánh trăng xanh dịu, ông đứng ở ngoài sân, chửi vợ.
Chiếc áo sơmi trắng lóa quay bên này ngoắt bên kia, ông chửi cho đến sáng. Ông cứ say sưa như thế cho đến lần thứ nhất ngã xe Honda chấn thương đầu đi bệnh viện mổ, ngã lần thứ hai gần như nát bét mặt và như người đi mượn quai hàm của người khác vậy. Sức khỏe yếu hẳn đi sau hai lần ngã xe. Từ đấy ông cũng bớt uống ba xị đế. Mỗi lần lên vườn cô Cảnh Duyên tặng ông hai lon bia con cọp và miếng chả chiên thơm. Cô nói để anh Điệp uống lấy thảo và đỡ nhớ bạn hiền…
Tỉnh rượu, ông khác hẳn cái ông say ngày hôm trước, củ mỉ củ mì cả ngày làm việc này việc nọ lại rất thật thà. Vào rừng đốn tre làm cái chõng cho thằng cháu bé nằm chơi, làm những cái cửa thấp không cho cháu bò ra ngoài hiên, không cho lũ gà vào bới và ỉa bậy trong nhà. Hàng xóm cũng hay đến thuê ông đóng giường tủ khi con cái họ ra riêng, ông chỉ đóng được các kiểu ngày xưa, không đóng đinh chỉ đóng mộng mặc dù đóng mộng khó và tốn công nhiều. Ông rất khéo tay, mài dao mài kéo sắc như nước, dao lớn, dao bé, liềm, cưa, đục… của nhà cô đều do một tay ông mài hết.
Cô Cảnh Duyên tạm nhờ bà ban ngày nấu cám cho Li với Ki ăn, nhờ ông ban đêm qua ngủ trông nhà và tưới giùm cô mấy luống cà phê đang ươm dở. May mà có họ, nếu không cô không biết xoay trở thế nào với hai con chó nhóc.
Cô Cảnh Duyên thích nhất giàn chanh dây, trái tròn căng láng bóng dưới nắng, cành lá xum xuê những nhánh chanh khỏe mạnh có những cái tua dài thượt quấn quýt vào những thanh tre cho cô một khoảng sân rợp mát… Nắng quái chiều hôm dù có quái đến mấy, mưa to gió lớn dữ đến đâu hình như cũng chùn lại trước hiên nhà khi gặp giàn chanh dây xanh mướt này. Cô hay ngồi ở mấy bậc tam cấp trước hiên nhà nhìn ngắm mặt trời lên trên ngọn cây tre vàng cao vút, sau khi đã thắp mấy nén nhang thơm trước tượng ngài Địa Tạng.
Hình như ở nhà quê, ai cũng thích ngồi trước hiên nhà trên mấy bậc tam cấp. Cô cũng vậy, ngồi ở đây, hai bàn tay ủ ly cà phê nóng, uống từng ngụm nhỏ cô luôn thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng lắm thoáng qua. Ở đấy cô hay nghĩ về gia đình, con cái lớn phương trưởng như con chim lìa đàn bay đi xa. Cô nghĩ về căn nhà ở thành phố rộng lớn thoáng đãng mà sao ngột ngạt quá chừng.
Trước sân nhà, trong ánh nắng chiều hôm, tượng ngài Địa Tạng không mũ mão, cây tích trượng trong tay, ánh mắt nụ cười bao dung chia sẻ mọi nỗi đau của dân chúng cõi Diêm Phù. Ở chốn này chúng nó nhắng nhít, yêu đương phù phiếm ăn chơi ta bà dối láo như thằng cuội. Độ được chúng đằng trước mặt thì đã thấy bóng chúng thấp thoáng phía sau lưng. Lời nguyện chấn động tam thiên đại thiên thế giới của ngài là phải độ được tất cả chúng sanh thì ngài mới thành Phật chẳng biết đến vô lượng kiếp nào mới thành tựu được…
– Tranh Hoàng Tường