Loa nhắc nhở hành khách thắt lại dây an toàn. Quyên choàng tỉnh. Cô không biết mình đã thiếp đi trong bao lâu. Cảm giác như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Mười ngày qua đối với Quyên là một cơn ác mộng. Ăn, ngủ, nói năng, đi đứng, giải quyết công việc trong trạng thái lơ mơ dưới sự chỉ dẫn của người khác.
Một công việc mà trước đó dù có giàu sức tưởng tượng đến mấy cô cũng không thể nào nghĩ ra được. Mong chỉ là giấc mơ. Và đó là suy nghĩ của cô sau mỗi lần thức giấc. Nhưng mà không. Cô nhìn sang bên cạnh. Đứa bé ngồi đó không nhìn Quyên mà chăm chú vào con gấu bông cũ đang cầm ở tay, vẻ mặt tư lự. Vẻ mặt ấy ở một đứa con nít năm tuổi khiến người lớn nao lòng.
Quyên choàng tay qua người nó thắt lại dây. Cô không quen giao tiếp với trẻ con nên không biết nói gì, chỉ buột miệng một câu bâng quơ: “Sắp về nhà rồi”. Con bé im lặng. Cô thấy mình hớ. Nhà cô hay nhà nó? Biến cố đột ngột đã rứt con bé ra khỏi ngôi nhà thân yêu và mẹ nó… Nó đâu còn nhà.
Bình đón hai dì cháu ở sảnh đến. Thấy con bé, cậu ta ngồi thụp xuống, cười thật tươi:
– Làm quen nào. Chú là Bình. Chào cháu. À, chào gấu Mi-sa…
– Sao chú biết tên nó?
– À… Bí mật… (Bình gọi đại tên một con chó trong một tiểu phẩm hài trên tivi, không ngờ đúng phóc).
Con bé đã chịu mở miệng. Quyên ngạc nhiên. Làm sao cậu ta có thể bắt chuyện với một đứa bé lần đầu tiên gặp mặt một cách tự nhiên và thân thiện thế nhỉ.
– Mình sẽ đón taxi. Hai dì cháu ăn gì chưa? Cứ về trước. Mình sẽ mua cái gì đó.
Chiếc taxi nhập vào dòng xe đông nghìn nghịt của thành phố náo nhiệt, năng động, thân quen mà cô xem như quê hương thứ hai sao hôm nay bỗng dưng thấy lạ. Một cảm giác mệt mỏi, trống trải xâm chiếm cả người. Đứa trẻ không hề để ý đến mọi vật chung quanh, tay mân mê và chăm chú nhìn vào con gấu bông nhỏ như lần đầu tiên thấy nó. Con gấu bông là cầu nối con bé với thế giới cũ vừa tan biến mà Quyên bất lực không thể nào xâm nhập được.
***
Quyên thức giấc. Chiều muộn rớt lại một vài vệt nắng trên mảng tường đối diện. Căn hộ nhỏ trên tầng bảy như chiếc chuồng chim câu lơ lửng. Và vì thế những tiếng động đâu đó vọng lại cũng trở nên mơ hồ. Ở đây, người ta có thể đo bóng nắng để biết thời gian và thao thức cùng với sao khuya. Giấc ngủ dài khiến Quyên tỉnh táo hẳn như cây khô vừa được tưới nước. Đồ đạc trong vali chưa được giở ra, nhưng cô không vội. Cô muốn được tiếp sức trên chiếc giường thân quen. Tất cả, rồi từ từ sẽ phải sắp xếp lại hết…
Bé Vy đang ngủ say, má áp vào gối. Tóc nâu mịn, xoăn tít, lòa xòa. Đây là lần đầu tiên cô quan sát kỹ con bé. Những chuyến về quê nghỉ tết vội vã năm bảy ngày, vẻ tây tây của con bé, người đàn ông xa lạ mà cô chưa bao giờ gặp và quan niệm sống khác người của mẹ nó là một rào cản làm mất đi sự thân mật, gần gũi giữa hai dì cháu.
Càng nhìn, cô phát hiện ra ở nó có nhiều nét của Khuê, đậm là đằng khác nhưng được pha chế một cách tinh vi, khiến nó chỉ là nó, một cá thể riêng biệt. Đứa bé lai kia là phần máu thịt của chị cô gửi lại, nghĩa là có một phần của cô trong đó và là người thân duy nhất còn lại của Quyên trên cõi đời này. Lần đầu tiên ý niệm huyết thống trào dâng trong cô, một người quen sống tự do, độc lập, ít chịu ràng buộc với những mối liên hệ gia đình.
***
Hai chị em lớn lên trong một gia đình, chỉ cách nhau ba tuổi nhưng chẳng có điểm nào giống nhau. Chị Khuê thông minh, học giỏi. Còn nhỏ đã váy bồng, tóc thả điệu đàng. Lớn lên thanh thoát như một đóa ngọc lan, đầy nữ tính, luôn được chú ý, gợi bản năng bảo vệ không chỉ trong gia đình mà cả ở những người vừa tiếp xúc. Quyên có thể cũng là người bình thường nếu không đặt cạnh Khuê. Trong đời, có những câu nói, những sự việc như chạm khắc vào ký ức của con người. “Con bé này chắc mụ bà bắt lộn” – Lúc nào cũng một câu than thở ấy của mẹ để thể hiện sự không bằng lòng về tính nghịch ngợm và hiếu động của Quyên.
Có một lần, hai chị em giành nhau cái gì đó, đuổi bắt và cùng té lăn cù trên lối đi toàn đá dăm nham nhở. Chị Khuê khóc to, trông có vẻ đau đớn thảm thiết. Bố mẹ chạy ra, người đỡ, người ra sức dỗ dành. Quyên lồm cồm đứng dậy định khóc nhưng không hiểu sao nước mắt ngừng lại trên mi. Mãi lúc sau, họ mới nhớ ra và nhìn Quyên bằng cái nhìn trách móc thường thấy như chính cô là nguyên nhân gây ra mọi sự.
Quyên lủi thủi trốn ra sau vườn rồi chui vào nhà kho bỏ trống. Một mảng quần ở đầu gối bị rách lộ ra một vết thương tươm máu. Nó thu mình trong góc tối ấy, bàn tay nhỏ áp lên đầu gối bỏng rát, lặng lẽ khóc rồi ngủ thiếp đi với nỗi buồn như con thú hoang tự tìm vào hang sâu chữa trị. Không biết tự bao giờ, Quyên hình thành thói quen che giấu cảm xúc và sự yếu đuối. Luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, đôi lúc giả vờ và mất dần nhu cầu chia sẻ với người khác, nhất là với những người trong gia đình.
Bố mất, còn lại ba mẹ con. Ba người phụ nữ trong một gia đình với ba thế giới riêng biệt. Sau cái chết của chồng, mẹ Quyên lao vào đời sống tâm linh như một sự an ủi, xoa dịu, một sự chuẩn bị cho một đời sống khác so với cuộc đời trần thế còn lại dường như quá ngắn ngủi. Hai cô con gái của bà vốn tính tự do, độc lập, nay đã trưởng thành có lẽ cũng chẳng cần bà nữa. Chị Khuê mơ mộng và rất lãng mạn. Chị cũng có thế giới riêng của mình và Quyên cũng thế. Mất người trụ cột, thay vì xích lại gần họ lặng lẽ rời xa nhau.
Nhưng có một lần rất đặc biệt. Đó là một buổi trưa hè êm êm và buồn như trong ca dao mà tiếng gà đâu đó ở vườn bên không đủ sức khuấy động không gian tĩnh lặng. Cuộc nói chuyện hiếm hoi của hai chị em hé mở cho Quyên thấy một chút thế giới riêng bí ẩn của chị. “Chị chẳng thích đàn ông ViệtNam. Những mối tình dị chủng có gì đó thật hấp dẫn. Ta không chỉ khám phá một con người mà khám phá cả một nền văn hóa. Đó thực sự là một cuộc phiêu lưu…”. Phụ nữ trí thức, trẻ trung, xinh đẹp lấy chồng nước ngoài là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay nên Quyên không lạ. Nhưng cô cứ nghĩ đó chỉ là quan niệm của một người chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, thế thôi.
Hai năm sau, chị Khuê bất ngờ cho biết đã có thai và muốn giữ đứa bé khiến mẹ và Quyên bật ngửa. Một anh người Mỹ học ngành ViệtNamhọc yêu Khuê. Anh ta ra trường và về nước. Hai năm sau, trở lại ViệtNamdu lịch. Họ gặp lại nhau… Khái niệm “bà mẹ đơn thân” phổ biến ở các thành phố lớn có vẻ hiện đại và nhẹ nhàng dễ khiến mọi người chấp nhận. Nhưng ở cái thành phố nhỏ quê cô, nếp cũ còn nặng nề lắm.
Có thể gọi đây là một biến cố kéo mẹ ra khỏi thế giới êm ả và đẩy bà trở lại với cuộc sống thực tế khắc nghiệt. Biết chút Phật pháp nên cuộc sống của mọi sinh linh đều quý huống chi là con người. Vả lại, chị Khuê đã quyết thì không ai có thể làm lung lay. Cái gì rồi cũng qua, mọi việc theo thời gian mà lắng xuống. Bản năng làm mẹ khiến chị Khuê sống có trách nhiệm hơn và tình cảm bà cháu trời sinh cứ tự nhiên mà nảy nở khiến Quyên dù ở xa cũng yên lòng.
Hơn năm trước mẹ mất vì bệnh tim. Vừa mới đây, chị Khuê đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Người chị vô tâm đến vô tình của cô cứ nhởn nhơ, lượn lờ như con bướm lạ rồi vỗ cánh để lại gánh nặng cho cô. Và Quyên, một cô gái tuy đã ngoài ba mươi nhưng quen sống tự do, bỗng dưng trở thành “bà mẹ đơn thân”, nhưng không phải nuôi con mà nuôi cháu!
***
Quyên từ phòng ngủ đi ra. Trông cô mệt mỏi và phờ phạc. Bình bỏ tờ báo xuống:
– Con bé đỡ chưa?
– Hình như đã bớt sốt. Có điều chưa ăn gì. Có bao nhiêu ói ra hết. Sợ đói.
– Không sao. Có gì thức dậy cho uống chút sữa. Cậu ăn gì chưa?
– Hồi chiều, sau khi lấy tin, mình có ăn chút xíu, định ghé tòa soạn làm việc luôn thì chị giúp việc gọi điện thoại. Mình về ngay. Con chị cũng ốm nên không ở lại được. Mình loay hoay một mình với con bé. Khiếp quá!
- Xem thêm: Sinh con trước buổi bình minh
Bình nhớ giọng nói hoảng hốt của Quyên qua điện thoại và bộ dạng lo sợ đến cuống cuồng của cô mà tội nghiệp. Cô bạn tinh nghịch như con trai, có biệt danh là Quyên Đờ – Mi với mái tóc tém rất ấn tượng hóa ra là một con người khác. Rất khác. Học cùng lớp thời cấp ba, lớn lên làm việc trong cùng một thành phố. Gặp nhau một vài lần rồi lướt qua nhau. Một quãng thời gian dài như thế. Tình cờ gặp lại khi năm ngoái Quyên chuyển về sống cùng chung cư với Bình. Ngoài ba mươi, người ta bắt đầu chững lại. Tha hương ngộ cố nhân, kỷ niệm một thời đi học… tự nhiên họ xích lại gần nhau. Nhất là từ sau biến cố, Bình là người biết chuyện và chia sẻ với Quyên nhiều nhất.
– Cảm ơn cậu. Không có cậu chẳng biết mình xoay xở thế nào. Dạo này mình làm sao, cứ như bị ám ảnh điều gì. Nên khi con bé bị thế mình sợ quá! Con nít đau chẳng biết nói nó đau thế nào…
– Trẻ con chuyển mùa, cảm sốt là chuyện thường. Bác sĩ đã nói không sao, chỉ cần theo dõi vì đang có dịch. Công việc của mình giờ giấc không bó buộc. Có gì cậu cứ gọi. Đừng ngại…
Quyên nhìn Bình. Chân thực, tốt bụng là bản chất của anh. Ngày xưa đã thế. Có điều khi gặp lại, anh con trai hiền lành và rụt rè năm xưa nay đã thành người đàn ông chững chạc. Mọi cái ở Bình đều giản dị, nhẹ thênh. Bình không có sự tự tin, vững vàng của một người thành đạt. Điều này nhiều khi mang đến cho người khác sự e dè. Bình là một người trải đời và bao dung tuy chưa nhiều tuổi. Anh chấp nhận cuộc sống với tất cả sự phức tạp vốn có của nó và biết vượt qua. Anh không cúi mình nhưng luôn chìa bàn tay ấm áp ra để mọi người nắm lấy. Và vì thế, dù không phải là người thích chia sẻ, anh vẫn mang lại cho Quyên cảm giác tin cậy.
Quyên đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Và thêm ngày hôm nay nữa… Thực là quá sức chịu đựng. Chưa bao giờ cái chết lại ám ảnh cô một cách thường trực như thế. Trước đây, nó chỉ tồn tại như một khái niệm mơ hồ, đâu đó, chẳng hề liên quan đến cô. Nhưng từ sau cái chết của mẹ rồi chị Khuê, phải đối diện với cái chết thật gần cô mới thấy hết sự phi lý và khắc nghiệt của nó.
Làm sao một con người đang sờ sờ thế kia bỗng dưng biến mất như bị bốc hơi chẳng để lại dấu vết? Đã từ lâu cô không còn quan tâm đến mối liên hệ lỏng lẻo, bất thường của gia đình. Cô chẳng đã muốn mình được độc lập trong mọi thứ. Vậy, tại sao lại dằn vặt, đau đớn, buồn bã đến vậy… “Cậu có tin vào nhân quả, báo ứng không?” – Quyên nhìn Bình. Trên khuôn mặt xanh xao, bất động của cô chỉ còn lại đôi mắt như hai chấm sáng, long lanh, dò hỏi.
– Sao cậu hỏi vậy?
– Mình nghĩ mình bị quả báo (giọng Quyên run run, căng thẳng). Đã từ lâu và không biết từ bao giờ mình có suy nghĩ chẳng ai cần mình và vì thế mình cố chẳng gây phiền hà đến ai. Mình chui vào cái vỏ bọc và đẩy mọi người trong gia đình về hướng khác. Cứ cho là mình ganh tỵ với chị Khuê đi vì chị có mọi thứ còn mình thì không. Nhưng còn mẹ mình? Sự thờ ơ và lạnh lùng của mình khiến bà đau lòng. Mình cũng đau lòng nhưng lại thấy hả hê. Hình như là một sự trả thù vô thức. Làm sao một đứa con gái lại đối xử với mẹ mình như thế? Mình cố tỏ ra cứng cỏi khi có họ. Khi họ không còn, mình như chiếc lò xo gãy sụp…
- Xem thêm: Một ngày thong thả
Giọng Quyên lạc đi. Những ngón tay gầy đan vào nhau, vặn xoắn, căng thẳng và bất lực. Bình biết cô cần nói với ai đó những điều từ lâu bị dồn nén và anh im lặng. Mãi lúc sau, Bình chậm rãi:
– Trong những việc mình làm có cái đúng, cái sai là chuyện thường. Người chứ có phải thánh đâu. Cậu biết là được, đừng nên tự dằn vặt quá. Không phải lỗi hết phần cậu. Còn người này, người kia và cả hoàn cảnh nữa. Thôi, cho qua đi, quá khứ và những trải nghiệm là một phần của đời sống, sẽ rất quý nếu biết tận dụng. Vả lại cậu còn có bé Vy. Những ngày tới sẽ khó khăn nhưng mình tin cậu sẽ vượt qua. Còn có những người chung quanh. Ở đâu đó cũng có người sẵn sàng giúp ta và cũng có người cần ta giúp. Rồi thì mọi cái sẽ ổn.
– Chắc là sẽ phải cố gắng thôi. Làm sao được.
Nói được những điều tưởng như không thể nào nói ra được, Quyên thấy nhẹ nhàng và nỗi buồn dường như vơi bớt.
– Cậu uống gì không? Đằng nào cũng mất ngủ, mình sẽ uống một ly cà phê cho tỉnh táo, vừa trông chừng con bé vừa gõ nốt bài viết cho kịp.
– Mình sẽ uống với cậu một ly rồi về. Để mình tự pha.
Quyên bước ra ban công. Những đêm làm việc khuya, cô thường ra đây. Gió lạnh làm cô tỉnh táo. Đây là giây phút hiếm hoi của ngày cô cảm nhận một điều gì đó hoàn toàn không liên quan đến công việc. Ở tầng cao này, thành phố luôn sáng đèn không tước được vẻ huyền ảo của ánh trăng. Những ngôi sao đêm nhấp nhánh như mắt nhìn thao thức từ những nơi rất xa xôi… Những căn hộ đối diện, lác đác vẫn còn người thức nhưng cửa đóng, rèm buông, ủ kín hạnh phúc đâu đó ở bên trong. Thân thể rã rời nhưng bỗng dưng lòng thấy ấm áp vì cô không chỉ một mình trong căn hộ cũng đang sáng đèn. Và còn cả mùi cà phê đang tỏa ra ngào ngạt…
***
Quyên tần ngần trước gương và thấy hối hận vì trót nhận lời Bình. Bây giờ thì không thể viện cớ gì để chối từ vì cậu ta và bé Vy đang chờ dưới sảnh. Đã từ lâu, Quyên không mặn mà gì với những cuộc họp mặt đồng hương như thế này. Vô bổ và nhạt thếch. Nhưng hôm nay cô nhận lời, nể Bình, một phần. Cái chính là cô thấy cần thay đổi không khí, nhân tiện cho bé Vy đi chơi công viên và ăn kem. Bình đã hứa và con bé háo hức lắm.
Ngắm mình một lần nữa trong gương, Quyên mang giày rồi đi xuống. Quyên chẳng phải là loại phụ nữ chăm chút cẩn thận mỗi lần đi đâu. Nghề nghiệp cứ buộc phải phơi mặt ra ngoài đường làm sao giữ được nét tươi như cánh phụ nữ văn phòng. Riết rồi, cô mất thói quen chú ý đến ngoại hình. Chỉ khi nào có tiệc tùng, họp mặt, nhìn mình trong gương, cô giật mình và cảm nhận rõ rệt sức nặng của tuổi ba mươi hai.
Khi thấy Quyên xuất hiện với những bước dài trên sảnh, Bình không tin được mắt mình. Cô hoàn toàn là một con người khác. Chiếc váy màu beige sáng và dịu, đơn giản đến mức tưởng như là một mảnh vải khoác lên tấm thân mảnh dẻ của cô. Cái thắt lưng nhỏ thắt hờ ở vòng eo là điểm nhấn duy nhất. Đôi giày cùng màu, gót thanh khiến Quyên cao hẳn lên. Cô đến gần anh với dáng đi uyển chuyển. Một lớp phấn mỏng, một chút son môi nhạt làm nổi hẳn đôi mắt đen, to, tròn tinh nghịch. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là mái tóc.
Khác với kiểu tóc loăn xoăn, bồng bềnh thời trang đang thịnh hành, mái tóc tém, hơi quá lứa trông lởm chởm nhưng hóa ra cực kỳ hợp với khuôn mặt và dáng người. Mái tóc và bộ váy khiến Quyên trở thành một phụ nữ cá tính, hiện đại nhưng thanh thoát và đầy nữ tính.. Bình không nhận xét và cũng không tỏ dấu tán thưởng. Anh biết những lời khen thường được phụ nữ thích mê nhưng sẽ khiến Quyên lúng túng và mất tự nhiên.
Một ngày không vội vã. Quyên sải những bước dài. Chiếc váy mỏng, nhẹ, mặc cứ như không và đôi giày gót cao khiến Quyên có cảm giác lạ. Chiếc váy này cô sắm lần chị Khuê vào đây dự hội thảo, từ lâu bị bỏ quên không hiểu sao sáng nay lại đem nó ra mặc lại. Trên kia, da trời xanh lơ, cái màu xanh của thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Trận mưa đêm rửa sạch thảm lá nền màu lục non, sáng bóng. Đám dây leo loăn xoăn trên giàn thả ra những chùm hoa vàng rực. Những khuôn mặt rạng rỡ lướt qua và cô muốn gửi đến họ nụ cười thân thiện. Một ngày không vội vã. Thong thả bước đi, Quyên như tìm thấy mình và tìm lại được những điều bị bỏ quên từ lâu lắm.
Bé Vy tung tăng đi trước. Mới tí xíu mà đã váy bồng, tóc thả điệu đàng giống hệt mẹ nó. Con cái là phần nối dài của cha mẹ. Như cây cổ thụ bên đường vỏ sần sùi, nứt nẻ, cau có, lầm lì chẳng khác một ông già khó tính bất ngờ nứt ra những chồi non xanh mướt. Hình như chẳng có gì thực sự mất đi. Ý nghĩ ấy làm Quyên vui hẳn. Cô rảo những bước dài tránh đám cỏ non tơ đang cố vươn lên giữa khe nhỏ của những phiến đá trên lối đi để khẳng định sự tồn tại của mình. Thì ra, cuộc đời có ngày nắng, ngày mưa nhưng sự sống không ngừng sinh sôi từ đâu đó…