Sự thành công lần nữa của giáo dục tại đất nước Phần Lan ở Bắc Âu trong bảng xếp hạng “thành tựu giáo dục thế giới” đã cho thấy có một số bài học mà giáo dục Mỹ và nhiều nước khác phải học ở Phần Lan nếu không muốn bị lạc hậu.
Quay sang nước Anh, trong cuộc khảo sát mới nhất, thủ đô London đã được xếp hạng đầu trong danh sách “các thành phố thuận lợi nhất cho sinh viên nước ngoài đến học”.
Danh sách “Top 30 World University Rankings” do nhóm phân tích dữ liệu giáo dục sau trung học QS công bố cho thấy London đã bất ngờ soán ngôi của Montréal (Canada) và Paris (Pháp).
Phần Lan vẫn là nơi có nhiều thứ để học về giáo dục
Theo phần lớn các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới, hệ thống giáo dục Phần Lan vẫn tiếp tục “có những cái để học” và phương cách gỉang dạy có nhiều điều thế giới cần noi theo, kể cả những quốc gia có nền giáo dục “đẳng cấp” như Mỹ, Úc, Canada.
Thứ nhất, Phần Lan, một đất nước chỉ có 5,5 triệu dân rất xem trọng giáo dục từ nhà trẻ và khẳng định đây là “nền tảng” cần phải làm thật tốt để tạo đà cho học sinh tiến xa hơn sau này.
Ngay khi bước vào lớp mẫu giáo, trẻ em đã được học về những việc tưởng chừng đơn giản, nhưng lại không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách các em.
Ví dụ, các em được hướng dẫn cách sắp xếp giờ giấc hợp lý, chơi và giao tiếp với trẻ khác và học cách tự vượt qua những rối loạn nhỏ về cảm xúc, kể cả nỗi buồn.
Lúc trẻ lên lớp cao hơn, giáo dục Phần Lan vẫn đặt nặng mục tiêu: làm sao để học sinh có thể “thành công trong cuộc sống sau này với trí óc và đôi tay của mình chứ không quá lệ thuộc vào người khác”, đồng thời cho học sinh thấy “thành công phần lớn nằm ở sự hợp tác nhịp nhàng chứ không phải cạnh tranh, tiêu diệt lẫn nhau”.
Trong những bài học lớn giúp Phần Lan chiến thắng trong cuộc đua giáo dục toàn cầu, nổi bật nhất là:
– Hợp tác là ưu tiên, cạnh tranh là thứ yếu
Giáo dục Phần Lan nhấn mạnh sự hợp tác giữa các trường học để đi lên chứ không phải cạnh tranh giành học sinh để loại bỏ nhau.
Một lý do là Phần Lan không có trường tư. Tất cả các cơ sở giáo dục đều nhận kinh phí từ ngân sách công. Giáo viên được đào tạo để có thể tự ra bài tập của mình chứ không theo bài văn mẫu.
“Không có sự rập khuôn trong giáo dục tại Phần Lan – chuyên viên giáo dục Pasi Sahlberg phát biểu tại Trường Sư phạm thuộc Đại học Columbia, Canada – Giáo viên được trang bị đủ kiến thức và đủ tự tin để tự mình soạn đề thi. Cũng không có tâm lý hơn thua với các đồng nghiệp”.
– Giáo viên rất được tôn trọng
Giáo viên tại Phần Lan nhận mức lương cao, tương xứng với công sức bỏ ra, hơn cả đồng nghiệp Bắc Mỹ. Giáo viên là nghề được tôn trọng.
Người dân Phần Lan xem giáo dục là “cách tốt nhất để phát triển nhân cách và năng lực của học sinh để chúng có thể thành công trong cuộc sống”.
Muốn trở thành giáo viên, các ứng viên phải có tối thiểu bằng master và hoàn thành chương trình thực tập nội trú giống như tại các trường y ở Mỹ.
Sinh viên sư phạm thường phụ giảng tại một ngôi trường gần trường họ theo học. Trải nghiệm thực tế với học sinh tương lai giúp các giáo viên có được những hiểu biết cơ bản nhất về nghề của mình sau này.
- Xem thêm: Giáo dục miễn phí ở Phần Lan
– Không có chỗ cho chính trị trong những quyết sách giáo dục
Tại Mỹ và nhiều nước khác cũng có những nghiên cứu về phương pháp giảng dậy, giáo trình và hiệu quả của nó đối với giáo dục.
Hội đồng trường và phụ huynh học sinh thông qua những nghiên cứu này để đề xuất điều chỉnh. Tuy nhiên, yếu tố chính trị lại can thiệp khá nhiều vào quá trình nghiên cứu và cả các đề xuất.
Tại Phần Lan không có tình trạng như thế. Chính phủ đưa ra các quyết sách giáo dục chủ yếu dựa vào hiệu quả của nó. Chính trị và đảng phái, tổ chức công dân không được can thiệp vào.
Nếu quyết sách giáo dục đem lại kết quả tốt ở bước thử nghiệm nó sẽ được Bộ Giáo dục và Văn hoá bật đèn xanh cho áp dụng rộng rãi.
“Nói rõ hơn, tại Phần Lan, giáo dục là hoạt động nghề nghiệp nên chính trị không can thiệp vào” – Passi Sahlberg, tổng giám dốc trung tâm nghiên cứu giáo dục CIM nhận định với tờ Business Insider.
– Không sợ thử nghiệm sáng kiến mới
Khi một đề xuất mới dựa vào nghiên cứu nghiêm túc được đánh giá là có triển vọng, Bộ Giáo dục và Văn hoá sẽ mạnh dạn thử nghiệm chứ không phải chỉ “lắng nghe, tiếp thu rồi… để đó”.
Không có rào cản tiền bạc hay chính trị ở đây. Các giáo viên được khuyến khích tạo ra những phòng thí nghiệm mini để hiện thực hoá bài giảng, giúp học sinh “mục sở thị” và tự mình thực tập bài học lý thuyết.
– Thời gian dành cho giải trí chơi đùa là “thiêng liêng”
Nếu tại Mỹ, thời gian vui chơi tại các nhà trẻ và trường tiểu học bị giảm dần trong 2 thập niên qua thì tại Phần Lan, luật buộc các giáo viên phải cho học sinh chơi đùa 15 phút sau mỗi 45 phút học.
Nói chung, học sinh Phần Lan được tạo điều kiện vui chơi càng nhiều càng tốt (dĩ nhiên là vẫn phải bảo đảm tiết học). Chơi đùa giúp trẻ ở lại lâu hơn với tuổi thơ của mình. Đạo mạo quá sớm và trở thành “con mọt sách” là điều không tốt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh được chơi đùa đúng mức sẽ cư xử và học tập tốt hơn. Chơi là cách thư giảm đầu óc và giải toả sự ức chế cho các em.
– Học sinh rất ít bài tập làm ở nhà
Học sinh Phần Lan không bị áp lực làm bài tập về nhà như nhiều nước khác, đặc biệt là châu Á. Nhiều giáo viên giới hạn thời gian tối thiểu làm bài tập ở nhà của học sinh. Trường học, phụ huynh và giáo viên hợp tác khá tốt để giảm thời gian làm bài ở nhà.
Bài tập về nhà không còn cần thiết nữa khi học sinh đã được học đầy đủ tại trường. Thời gian ở nhà các em dành cho gia đình với những bài học về cách sống.
– Các nhà trẻ đều có chất lượng cao và giống nhau
Có rất nhiều bài học đầu đời trẻ em nhận được là tại nhà trẻ, trước tuổi đến trường’ vì vậy hệ thống nhà trẻ tại Phần Lan luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp thu được những bài học này.
Phần Lan có một khác biệt nữa là trẻ em không phân biệt xuất thân đều được hưởng thụ môi trường nhà trẻ tốt như nhau, không có phân biệt giữa nhà trẻ này và nhà trẻ khác.
Các bậc cha mẹ được bảo đảm là con cái họ đều được vào nhà trẻ chất lượng cao và bình đẳng từ năm 3 tuổi và ở lại đó cho đến năm 7 tuổi. Hơn 97% trẻ em Phần Lan, kể cả trẻ nhập cư được sống trong nhũng nhả trẻ tốt nhất thế giới.
– Giáo dục miễn phí
Khác với hàng chục ngàn sinh viên Mỹ phải vay nợ để học đạo học, sinh viên Phần Lan không tốn khoản học phí nào.
Từ chương trình cử nhân, kỹ sư đến master và tiến sĩ, học phí đã do tiền thuế của dân và chính phủ liên bang lo.
“Không phải bận tân với học phí là một động lực rất lớn để sinh viên học cao lên. Miễn học phí là cú huých rất lớn cho phổ cập giáo dục. Quyền con người và sự bình đẳng xã hội được giải quyết cũng nhờ chính sách này” – Sahlberg nói
London vượt Paris như “thành phố thân thiện nhất với sinh viên nước ngoài”
Trong một cuộc thăm dò mới đây, các sinh viên ra nước ngoài du học đã chọn London là nơi “thoải mái” nhất để theo học.
Lý do: thủ đô của nước Anh đã cho sinh viên nước ngoài các trải nghiệm văn hoá, bảo tàng phong phú cũng như chọn vào các đại học hàng đầu bất chấp chi phí sinh hoạt cao.
London được xếp hạng đầu trong danh sách các thành phố tốt nhất cho sinh viên nước ngoài đến học.
Danh sách “Top 30 World University Rankings” do nhóm phân tích dữ liệu giáo dục sau trung học QS công bố cho thấy London đã bất ngờ soán ngôi của Montreal và Paris.
Bảng xếp hạng này dựa vào các yếu tố như số lượng đại học trong thành phố, triển vọng thị trường việc làm tại chỗ, sự đa dạng văn hoá và chất lượng sống.
Nhưng trong số các tiêu chí xếp hạng, London bị đánh giá thấp ở “khả năng trang trải phí sinh hoạt” của sinh viên.
Bảng xếp hạng này chỉ liên quan đến đánh giá của các sinh viên về thành phố họ sống chứ không liên quan đến chất lượng các đại học. Mỗi năm, QS đều công bố bản đánh giá này.
Việc so sánh giữa các thành phố dựa vào ý kiến của hơn 50.000 sinh viên được phỏng vấn mà mục đích chính là nêu bật những hấp dẫn hay bất tiện của các thành phố có nhiều đại học theo nhãn quan của các sinh viên đã và đang theo học ở đó.
London là mơi có nhiều đại học đẳng cấp thế giới hơn bất cứ thành phố nào khác và đây cũng là điểm cộng trong đánh giá của các sinh viên nước ngoài.
Ví dụ các đại học: Imperial College, University College London, London School of Economics và King’s College.
Tại London, nhiều sinh viên được hỏi cho biết họ rất ấn tượng về cuộc sống văn hoá phong phú với nhiều viện bảo tàng, nhà hát kịch, rạp chiếu phim và nhà hàng. Đây là những nơi sinh viên thường đến để thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.
Giao thông thuận tiện giúp họ dễ tiếp cận với những nơi này hơn. Các sinh viên cũng cho điểm London về “sự thân thiện và tiếp đón nồng nhiệt” cao hơn nhiều thành phố khác.
Ngoài ra, London cũng là nơi “dễ tìm việc làm hơn và giới chủ có suy nghĩ thoáng hơn khi tuyển dụng nhân công nước ngoài”. Sự kỳ thị hầu như không có
London còn được đánh giá cao về “tính quốc tế”, lòng khoan dung và tính đa dang nên sinh viên nước ngoài không cảm thấy bị cô lập hay bị gạt ra ngoài lề.
Nhưng London cũng có 2 điểm yếu là “đắt đỏ” và “phải đắn đo nhiều trong chi tiêu” nếu không muốn bi thiếu hụt, đặc biệt là những sinh viên yếu về tài chính.
Ông Ben Sowter, giám đốc nghiên cứu cua QS nhận định: “Kết quả khảo sát cho thấy London vẫn còn là thành phố lý tưởng để học tập dù chi phí sinh hoạt cao. Số điểm cộng vượt a số điểm trừ”.
Sự thành công của London trong bảng xếp hạng năm nay đã làm sống lại cuộc tranh luận kéo dài về thái độ của nước Anh đối với sinh viên nước ngoài và thủ tục xin visa khó khăn.
Một nghiên cứu công bố đầu năm nay của Viện Chính sách giáo dục đại học (HEPI) cho thấy các sinh viên quốc tế đóng góp 20 tỉ bảng Anh một năm cho nền kinh tế Anh. Tính riêng London là 4,6 tỉ bảng với quận Sheffield được hưởng lợi nhiều nhất nếu chia cho từng địa phương.
Dựa vào kết quả này, HEPI kêu gọi chính phủ Anh hãy loại sinh viên nước ngoài ra khỏi danh sách những hạn chế nhập cư. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ khẳng định không hề giới hạn số sinh viên vào Anh theo học hợp pháp.
Chiếm vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng là thành phố Tokyo của Nhật Bản, nơi được điểm cao về “an toàn”, “ô nhiễm thấp” và “chất lượng sống”.
Ba yếu tố này đã tạo nên sự hấp dẫn và nhiều sinh viên cảm thấy hạnh phúc khi được theo học ở đó. Nhưng Toronto ở Canada mới đạt điểm cao nhất về yếu tố “đáng sống”, trước Tokyo và Amsterdam (Hà Lan).
- Xem thêm: Tìm nhà ở London
Nước Úc ngày càng được nhiều sinh viên nước ngoài đánh giá cao trong thị trường du học quốc tế với số sinh viên đến học ngày càng đông.
Xu hướng này đã giúp thành phố Melbourne chiếm vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng và Sydney chiếm thứ 9.
Melbourne ghi điểm cao như “thành phố cởi mở với chất lượng sống tốt” cho sinh viên nước ngoài. Cả hai thành phố của nước Úc đều đạt điểm cao về “tầm nhìn thoáng với bên ngoài” và “khả năng hội nhập của sinh viên”.
Các đại học Canada và New Zealand cũng được đánh giá cao như thế. Thành phố Edinburgh của Scotland chiếm vị trí 16 trong danh sách.
Dù trong bảng xếp hạng chất lượng đại học của QS, các đại học Mỹ vẫn thống trị, chiếm 4 vị trí đầu với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng thứ nhất, nước Mỹ lại không có thành phố nào lọt vào top 10 các thành phố đại học được sinh viên nước ngoài yêu thích nhất, trong khi Đức có 2 thành phố: Berlin và Munich.
Chỉ có 2 thành phố Mỹ lọt vào top 30: Boston và New York. Paris của nước Pháp suốt nhiều năm chiếm vị trí đầu nay tụt xuống hạng 5.
Xét riêng yếu tố “thành phố đỡ tốn kém nhất”, thành phố Budapest của Hungary xếp hạng đầu, theo sau là Kuala Lumpur của Malaysia.
Một nghiên cứu hàng năm khác được công bố cùng lúc bởi bộ phận khác của nhóm phân tích QS cho thấy có hai yếu tố được sinh viên nước ngoài quan tâm nhất là “chất lượng giảng dậy đại học” và “sự đón tiếp thân tình của thành phố”.
Có tên “The International Student Survey”, nghiên cứu lấy ý kiến của 67.000 sinh viên cũng đưa ra cảnh báo là 39% sinh viên đến từ Liên hiệp châu Âu (EU) tin rằng sau khi Anh rời châu Âu (Brexit), các đại học Anh sẽ không còn được quan tâm như trước.
Lý do, họ sợ Brexit sẽ làm cho việc học tập ở Anh tốn kém hơn và sự đón chào không còn nồng nhiệt như trước đối với sinh viên đến từ các nước châu Âu.
Danh sách 30 thành phố tốt nhất được sinh viên đại học bình chọn: London, Tokyo, Melbourne, Montreal, Paris, Munich, Berlin, Zurich, Sydney, Seoul, Vienna, Hong Kong, Toronto, Boston, Singapore, Edinburgh, Vancouver, New York, Kyoto-Osaka-Kobe, Đài Bắc, Brisbane, Canberra, Auckland, Manchester, Buenos Aires, Bắc Kinh, Amsterdam, Moscow, Thượng Hải, Prague.