Vào năm 2002, Duncan White, tổ chức tư vấn lớn nhất ở Anh, đưa ra tiên đoán chấn động: hôn nhân sẽ “tuyệt chủng” sau 30 năm nữa. Đến nay, 20 năm đã qua và tỷ lệ kết hôn thật sự suy giảm trên toàn cầu. Từ ở các nước chậm phát triển đến các nước giàu nhất thế giới, số lượng các cuộc kết hôn đều đi xuống. Ngược lại, tỉ lệ ly hôn và trẻ em chào đời ngoài giá thú gia tăng. Tại một số quốc gia, nó thậm chí vượt qua mức 50%.
Lý thuyết gia khởi đầu
Năm 17 tuổi, John Humphrey Noyes (1811-1886, Mỹ) – cha đẻ của lý thuyết “thế giới không hôn nhân”, lần đầu tiên bày tỏ suy nghĩ về phụ nữ. Anh khá xấu trai nên không đủ tự tin bắt chuyện với các nàng. Cha mẹ Noyes thuộc tầng lớp thượng lưu Hoa Kỳ. Nhờ họ, anh sớm được tham gia các bữa tiệc trai thanh gái tú, nhưng chỉ tổ chuốc thêm tự ti. Năm 1831, Noyes quyết định chỉ dành tình yêu cho Thiên Chúa. Anh đăng ký vào một trường dòng ở Massachusetts, học làm cha xứ. Cùng thời gian này, chủ nghĩa phục hưng quét qua châu Mỹ. Thay vì tin tưởng và làm theo giáo luật, Noyes bị cuốn hút bởi các quan niệm mới.
Năm 1833, “giáo chủ trẻ” Noyes gặp gỡ và phải lòng Abigail Merwin (lớn hơn 8 tuổi). Bất cứ ở đâu, đang làm gì, anh cũng chỉ thấy hình ảnh cô tràn ngập trong đầu. Bất chấp Merwin tuyên bố đính hôn, Noyes gửi cả đống thư tình, ngỏ ý muốn cùng cô nên duyên.
Merwin không hứng thú với Noyes. Sau khi kết hôn, cô và chồng chuyển đến Ithaca, New York. Noyes lẽo đẽo bám theo, tìm kiếm cơ hội “xoay chuyển tình hình”. Thế rồi đột nhiên, anh giới thiệu học thuyết mới gây bàng hoàng nhất: con người không cần phải kết hôn hay chịu trách nhiệm về hôn nhân. Năm 1848, Noyes thành lập Cộng đồng Oneida (Oneida Community), bước đầu “xóa sổ hôn nhân truyền thống”.
- Xem thêm: Lễ ly hôn
Oneida quy định: Đàn ông có quyền gạ tình mọi phụ nữ, còn phụ nữ có quyền từ chối hoặc đồng ý. Mọi người được phép quan hệ tự do, không cần kết hôn. Trẻ em là con cái và nghĩa vụ chung của cả cộng đồng. Cha mẹ bày tỏ quá nhiều tình cảm cho con ruột bị lên án. Ban đầu, Cộng đồng Oneida chỉ có 87 thành viên. Đến năm 1878, nó có tới 306 người. Lẽ tất nhiên là với chủ nghĩa “tự do thái quá”, cộng đồng này sớm bị dẹp tan. Chỉ là trong kỷ nguyên suy giảm hôn nhân ngày nay, nó rục rịch hồi sinh.
Bộ tộc không hôn nhân
Vào năm 1881, sau 33 năm hoạt động, Cộng đồng Oneida giải thể. Năm 1886, Noyes qua đời. Thất bại của ông là bằng chứng cho thấy hôn nhân là cần thiết. Gia đình là hạt nhân của mọi xã hội và hôn nhân là nền tảng xây dựng của mọi gia đình. Song trong thế giới vẫn tồn tại một ngoại lệ: người Mosuo ở Trung Quốc.
Mosuo là bộ tộc thiểu số sống rải rác trên các vùng cao của tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Họ có dân số khoảng 40.000 người theo chế độ mẫu hệ. Với dân tộc này, hôn nhân là thứ yếu. Họ thực hành tập tục tisese – “hôn nhân qua đường”. Theo lệ Mosuo, đàn ông được quyền ghé phòng của mọi phụ nữ, xin phép “qua đêm”. Nếu người phụ nữ đồng ý, họ đồng sàng, nhưng đến sáng thì phải âm thầm rời đi. Lệ Mosuo cũng cho phép đàn ông hoặc phụ nữ “qua đêm” lâu dài với chỉ một đối tượng, nhưng không yêu cầu nghĩa vụ. Ngay cả khi đã mang thai, người phụ nữ cũng không đòi hỏi cha của đứa trẻ chịu trách nhiệm.
Bên cạnh “hôn nhân qua đường”, người Mosuo cũng có “hôn nhân chính thức” là tập tục zhi-chi-ha-dzi. Tuy nhiên trước thế kỷ XXI, chỉ có dưới 10% dân số tuổi trưởng thành thực hiện tập tục này. Từ khi bước sang thiên kỷ mới, con số người Mosuo thực hiện zhi-chi-ha-dzi có tăng, song cũng mới chỉ lên đến 13%.
Vào năm 1963, các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc quyết định tìm hiểu sâu tisese của người Mosuo. Họ được Jiaama, con gái út trong một gia đình Mosuo có đến 10 anh chị đồng ý chia sẻ đời tư. Cô cho biết mình bắt đầu “hôn nhân qua đường” từ năm 14 tuổi. Sau khi có thai và sinh con với “người chồng qua đường” thứ 2, cô tiếp tục có thêm 3 đối tượng nữa, trong đó có Liangzhe Bubu.
- Xem thêm: Để bước vào cuộc tình mới sau khi ly dị
Bubu là thanh niên trẻ, đẹp, con nhà khá giả. Anh “qua đêm” với Jiaama 2 năm thì cô có thai. Đứa trẻ chào đời giống Bubu như đúc. Bubu vô cùng hạnh phúc, cầu hôn Jiaama và xin được ở rể. “Em có đến 9 người anh trai”, cô trả lời. “Nhà em đâu cần thêm một đàn ông nữa mà nhận anh ở rể. Nếu anh vẫn còn yêu em, chúng ta tiếp tục qua lại với nhau. Nếu hết, vậy thì kết thúc như lệ thường”. Câu từ chối của Jiaama cũng chính là đáp án lý giải sự áp đảo của tisese. Trong bộ tộc mẫu hệ Mosuo, con cái ở cùng nhà với mẹ. Các anh chị em ruột cũng sống chung và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Một phụ nữ không hề gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Vì thế, sự có mặt của người chồng là không cần thiết.
Không chết, mà là đa dạng hơn
Từ khi bước sang thế kỷ XXI, tỷ lệ hôn nhân toàn cầu liên tục giảm dần đều. Tại Bồ Đào Nha, nó giảm từ 6,6/1000 người (năm 1995) xuống còn 3,3/1000 người (năm 2017). Cùng thì tại Chile, Hàn Quốc, Mexico, Mỹ… tỷ lệ hôn nhân đều giảm đi ít nhất là 2/1000 người. Trong năm Covid-19 vừa qua, nó còn như thể “tuột dốc không phanh”. Ngược lại, tỷ lệ các bà mẹ đơn thân gia tăng chóng mặt. Tại các quốc gia như Na Uy, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Rumani… số gia đình đơn thân chiếm trên 20% tổng hộ khẩu toàn quốc. Tỷ lệ trẻ em khai sinh ngoài hôn thú cũng lên cao ngất. Nếu vào năm 2000 ở khu vực Liên minh châu Âu (EU), nó mới chiếm 25,4% trẻ sơ sinh thì đến năm 2018 đã chiếm 42,2%. Tại nhiều quốc gia, tỷ lệ này còn vượt 50%, ví dụ như Bulgaria (58,5%), Pháp (60,4%), Iceland (70,5%).
Như phụ nữ Mosuo, các chị em trên thế giới cũng có cha mẹ, anh em. Từ khi quyền phụ nữ được thông qua trên toàn cầu, họ còn có cả sự bảo trợ của chính quyền. Tại Iceland, các bà mẹ đơn thân được ưu tiên nhiều gói phúc lợi xã hội hơn, ví dụ như nghỉ phép có lương 9 tháng, miễn giảm chi phí cho con em học mẫu giáo… Từ năm 2002, Duncan White ở Anh đã tiên đoán: Hôn nhân đang đến hồi tận số bởi vì với phụ nữ, chuyện một mình nuôi con mỗi ngày một dễ dàng. Họ dự báo, chỉ sau 30 năm nữa, thế giới sẽ thành “Cộng đồng Oneida vĩ mô”.
Vào năm 2019, các nhà nhân khẩu thế giới lập bảng số liệu thống kê về tình trạng sống thử. Họ kinh ngạc nhận ra tại Mỹ, số các cặp khác giới sống chung đã tăng từ 1,6 triệu (năm 1980) lên 8,5 triệu (năm 2018), gấp 5,3 lần. Trong cuộc khảo sát mức độ đồng tình về vấn đề sống thử ở Na Uy vào năm 2007, hơn 80% người tham gia bày tỏ sự ủng hộ. “Nếu hôn nhân là ổ khóa đã bị đóng, phải có chìa mới mở được thì sống thử là ổ khóa mở sẵn”, một công dân Nga sống thử giải thích. “Tôi có thể rời đi lúc nào cũng được, và chẳng phiền hà gì đến ai”.
Bên cạnh tỷ lệ kết hôn suy giảm, tỷ lệ ly hôn toàn cầu cũng gia tăng. Ở khu vực EU, tỷ lệ này đã từ 0,8/1000 người (năm 1965) lên 2/1.000 người (năm 2017). Tại Mỹ, 50% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng việc li hôn hoặc li thân.
Có điều, chính tại Mỹ, 70% dân số vẫn tin tưởng hôn nhân là nền tảng gia đình và chìa khóa cuộc sống viên mãn. Người Na Uy sống thử đến 80% cũng hy vọng được kết hôn với đối tượng muốn bên nhau trọn đời. Không thể phủ nhận hôn nhân đang suy giảm, nhưng cốt lõi của hôn nhân thì vẫn nguyên vẹn. Dù là sau 12 năm nữa theo dự đoán Duncan White hay hàng trăm năm, hôn nhân sẽ không chấm dứt. Chỉ là nó tự do và đa dạng hơn.
- Xem thêm: Nuôi con một mình cần có chiến lược