Một nghiên cứu mới cho thấy rằng đàn ông không hề thích sự thành công của vợ hay bạn gái.
Lòng tự trọng của đàn ông có thể bị tổn thương nếu vợ của họ quá giỏi, trong khi đó cái tôi của phụ nữ không bị ảnh hưởng gì bởi thành công của bạn trai hay người bạn đời. Ngay cả khi người phụ nữ thành công ở một lãnh vực nào đó thì người đàn ông của họ cũng chẳng nhảy cẫng lên mừng hay thực sự quan tâm. Theo một nghiên cứu mới của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, bản thân người chồng cảm thấy bị đe dọa, và chính sự thành công của người phụ nữ “có thể thay đổi nhận thức của người chồng về mối quan hệ lãng mạn của họ trong tương lai”.
Nghiên cứu, được công bố vào tháng 8 trên tập san Nhân cách và Tâm lý Xã hội lần đầu tiên hoàn toàn trùng khít ý kiến “Đàn ông không thích thua kém”, nhưng nhiều chi tiết tỏ ra khác thường hơn. Ví dụ như năm thí nghiệm khác nhau trong cùng nghiên cứu này xem xét cả những cặp vợ chồng ở Mỹ lẫn Hà Lan (quốc gia thường xem như một mô hình về bình đẳng giới) đã cho thấy có chút khác biệt trong cái cách mà đàn ông cảm nhận về thành công của bạn đời. Đàn ông Hà Lan có thể thấy nhiều phụ nữ thành công xung quanh họ, trong ban bệ công ty và trong chính phủ của họ hơn, nhưng họ vẫn có cảm mình trở nên “bé mọn” hơn khi vợ của họ hoặc những người phụ nữ quan trọng khác thành đạt.
Điều thú vị là, trong tiềm thức, những người đàn ông cảm thấy bản thân mình tồi tệ hơn bất cứ khi nào nửa-kia-lãng-mạn của họ đạt được thắng lợi, cho dù họ đang cạnh tranh trong lĩnh vực đó hay không. Tức là một người đàn ông không chỉ cảm thấy bản thân mình nhỏ bé đi khi anh ta theo đuổi cùng một mục tiêu với người phụ nữ mà anh ta còn cảm thấy tồi tệ hơn nếu như người phụ nữ của mình thành công. Và đây là một người phụ nữ mà anh ta kết.
“Có nghĩa là một người đàn ông có thể cảm thấy bị đe dọa nếu bạn gái của mình trội hơn và “qua mặt” anh ta trong việc gì đó mà họ cùng làm như cố gắng để giảm cân chẳng hạn”, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Kate Ratliff, của Đại học Florida, nói. “Tuy nhiên, nghiên cứu này đã tìm được bằng chứng cho thấy đàn ông tự đánh đồng sự thành công của nửa kia với thất bại của chính mình, ngay cả khi họ không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp”.
Một trong những cách các nhà nghiên cứu đã kiểm tra giả thuyết này là đưa cho các cặp vợ chồng cái mà họ gọi là một “bài test về khả năng hiểu biết xã hội và giải quyết vấn đề”. Họ cho người tham gia biết trường hợp người bạn đời có kết quả nằm ở nhóm 12% người có số điểm cao nhất hoặc thấp nhất. Những người tham gia nói rằng thông tin ấy đã không ảnh hưởng gì đến cảm giác của họ cả. Tuy nhiên, trong bài test tiếp theo đó về “lòng tự ái tiềm ẩn” – nhằm kiểm tra cảm giác thực sự – thì một câu chuyện hoàn toàn khác đã hé lộ.
Những người đàn ông tin bạn đời đã xuất sắc vượt qua bài test lộ mức độ tổn thương lòng tự trọng thấp hơn những người đàn ông tin rằng bạn đời của họ rớt chắc. Điều này đúng cả trong trường hợp những người đàn ông không biết gì về kết quả bài test của họ.
(Nhân tiện cũng nói thêm là các thử nghiệm về lòng tự trọng trong tiềm thức cho thấy những từ ngữ mà người ta thường dùng liền kèm với từ “tôi”. Nếu họ liên kết nó nhiều hơn với những từ tích cực, chẳng hạn như “tốt” hay “tuyệt,” thì lòng tự trọng trong tiềm thức của họ được coi là cao; trường hợp họ kèm ngay từ “tôi” với những từ ngữ miệt thị chê bai thì lòng tự trọng trong tiềm thức của họ được xem là thấp. Nếu bạn tò mò muốn biết chiến thắng của nửa kia ảnh hưởng thế nào với bạn thì bạn có thể tham gia một đợt test).
Sau khi lặp lại các đợt test như thế ở Hà Lan và nhận được kết quả tương tự, các nhà nghiên cứu đã làm thêm hai bài test nữa, lần này là online (trực tuyến), với những người không phải là sinh viên cũng không phải người Hà Lan. Hơn 650 người Mĩ tham gia, 284 người trong số họ là đàn ông, đã được yêu cầu nhớ về thời gian mà nửa kia của họ thành công hay thất bại. Tất cả không ngoài dự đoán: những người đàn ông cảm thấy rất tồi tệ khi bị vợ đánh bại ở một lãnh vực nào đó. Không những vậy, họ cũng có cảm giác suy sụp, mất hẳn tự tin khi vợ của mình đạt được bất kỳ thành công nào. Lòng tự trọng của phụ nữ không bị ảnh hưởng theo kiểu như vậy.
Tại sao có sự khác biệt này giữa nam và nữ? Các nhà nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết: nói chung, nam giới có tính tranh đua hơn nữ giới – điều này hợp lý, ngoại trừ trong vài lĩnh vực, đàn ông không thật sự cạnh tranh. Do đó, điều này chỉ đúng khi đàn ông thực sự được cạnh tranh. Ngoài ra, có lẽ là đàn ông cảm thấy họ phải thành công hơn nữa để giữ chặt nửa kia – và phụ nữ có lẽ chí ít cũng phần nào “sai lầm” vì “phạm” vào điều này. Theo các nhà nghiên cứu: “Phụ nữ thực sự cảm thấy hài lòng về mối quan hệ tình cảm của mình khi nghĩ đến thành công của nửa kia hơn là khi họ nghĩ về thất bại của bạn đời.” Cũng có thể do nếp nghĩ hay “áp lực văn hóa” còn nặng nề hằn sâu, và trong tiềm thức, họ đang tuân theo mô hình quan hệ cũ rích từ thời hoa niên: bạn nam là người tận tụy, luôn quan tâm lo lắng và có nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ, cứu giúp bạn nữ.
Một cách giải thích khác là, trên thực tế, phụ nữ hướng tới xã hội, theo cái chung nhiều hơn; vì vậy, họ tìm lý do để sẻ chia, kết nối với những người khác, trong khi những người đàn ông tìm kiếm sự khác biệt. Một khả năng sẽ được test trong nghiên cứu sắp tới là nam giới tập trung vào tính không giống nhau nhiều hơn nữ giới còn nữ giới tập trung vào sự tương đồng nhiều hơn. Điều này sẽ phù hợp với những phát hiện trước đây cho rằng phụ nữ quan tâm nhiều hơn tới hành vi cộng đồng. Họ thích dàn xếp ổn thỏa việc chung hay làm dịu các mối tương tác xã hội hơn nam giới”.
Bất kể những gì xui khiến sự hẹp hòi, tự ti của họ, cái tôi thâm sì bé mọn của đàn ông có thể tác động lâu dài cho các mối quan hệ tình cảm. Cảm thức giá trị bản thân thấp kém làm ảnh hưởng đến tính tình và lối cư xử, và có thể khiến đàn ông cảm thấy thiếu vắng hẳn sự lạc quan trong mối quan hệ tình cảm. (Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người đàn ông mà vợ của họ kiếm được nhiều tiền hơn họ thì thường có khả năng thiếu chung thủy.) Mặt khác, các nhà nghiên cứu cũng nói rằng trong khi đàn ông có cảm giác bé mọn trước thành công của nửa kia, họ thường có những nhận thức rằng mình đã hoàn toàn bất lực. Đó là lý do tại sao họ không thổ lộ cái cảm giác ngày càng tồi tệ bên trong khi nửa kia thành đạt hay làm tốt việc gì.
Thêm vào đó, có một người vợ thành công đồng nghĩa với những thuận lợi. Như các nhà kinh tế đã chỉ ra, những người đã được hưởng lợi nhiều nhất từ khả năng kiếm ra tiền ngày càng tăng của phụ nữ chính là những người đàn ông đã kết hôn với họ.