Ba họa sĩ Việt Nam là Nguyễn Duy Linh, Lê Thánh Thư và Võ Xuân Huy đã cùng với đồng nghiệp người Nhật Kato Shojiro đang có một cuộc gặp gỡ tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, đến 28-7) vào những ngày mùa hè ở TP. Hồ Chí Minh.
Dù phần lớn các tác phẩm là tranh trừu tượng thì điểm chung của triển lãm này là các họa sĩ bày tỏ xúc cảm của mình trước khung cảnh đất trời, thiên nhiên, quê nhà và mùa màng biến thiên theo thời gian bằng các chất liệu sở trường của họ.
Với Võ Xuân Huy, họa sĩ Huế gốc Quảng Trị, đó là sơn mài truyền thống được anh diễn đạt theo cách riêng của mình bằng những nứt nẻ, nhăn nheo, dúm dó… trên cấu trúc bề mặt tranh, để từ đó một vùng văn hóa cố đô như “từ làn sương mờ thời gian đang và cứ dần hiện ra đồ sộ, lừng lững, sang quý và buồn thảm với phong vị, tính cách rất riêng, càng ngày càng riêng” theo lời nhà phê bình Nguyễn Quân. Trong loạt tranh của Võ Xuân Huy, có bức đã từng được gallery Tự Do đưa sang Hàn Quốc triển lãm năm trước. Ở chiều ngược lại là Kato Shojiro với loạt tranh bột màu trên giấy washi truyền thống của Nhật Bản. Họa sĩ chỉ vẽ mỗi một đề tài “Ao sen” và là ao sen Việt như ông từng bày tỏ: “Tôi chọn vẽ hoa sen vì đây là biểu tượng Việt Nam. Tôi có ý ghi lại ấn tượng về đất nước này qua mắt một người nước ngoài và với công chúng địa phương…”.Nhưng ấn tượng về những ao sen Việt Nam lại được Kato Shojiro biểu lộ bằng ngôn ngữ trừu tượng hiện đại và với bảng màu linh động của mình.Có thể coi đây là một trải nghiệm của tâm hồn ông trước thực tại hơn là sự mô tả thực tại. Cách nào đó, những Ao sen của Kato Shojiro vì thế lại gần gũi với những Quê nhà, Phong cảnh, Hoàng hôn… của Võ Xuân Huy.
Nguyễn Duy Linh, một gương mặt Huế khác mang đến phòng tranh những bố cục màu sắc rực rỡ, những vệt cọ loang loáng, nhảy múa trên mặt toan như thể họa sĩ không nén được cảm xúc của mình trước một Mùa thu bay (tên các tác phẩm của ông). Lạ thay, dù được “nói” bằng ngôn ngữ phi biểu hình, tranh của Nguyễn Duy Linh vẫn cứ gợi một nỗi gì đó thật Huế nơi người xem, nhất là với những ai đã từng sống hay từng trải qua những ngày thu trong những khu nhà vườn lặng lẽở Kim Long hay trên con đường ven sông Hương mùa lá rụng đầy…
Và cuối cùng là những bức tranh của nhà thơ – họa sĩ Lê Thánh Thư: loạt tranh mới này được tác giả thể hiện bằng nhiều giọng điệu, cả biểu hình lẫn trừu tượng với bố cục và cách xử lý màu sắc, đường nét đã làm nên tên tuổi của ông trong hội họa Việt Nam đương đại – một sự pha trộn khéo léo giữa thơ ca với nghệ thuật tạo hình, ở đó họa sĩ làm giàu hơn cho màu sắc thay vì hạ thấp nó như một phương tiện chỉ nhằm minh họa cho thơ ca.
- Như Hoa