Kết thúc phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật đương đại vào ngày 15-5 vừa qua, do nhà Christie’s tổ chức tại Trung tâm Rockefeller ở New York, ngay những nhà buôn tranh chuyên nghiệp nổi tiếng như ông Larry Gagosian cũng choáng váng: “Nó cho thấy thị trường (tác phẩm mỹ thuật) mới mênh mông dường nào và túi tiền (người mua) mới sâu làm sao!”.
Có tới 12 tên tuổi đương đại đã lập kỷ lục về giá tác phẩm được bán hôm ấy, đáng kể nhất là Jackson Pollock (1912-1956), Roy Lichtenstein (1923-1977) và Jean-Michel Basquiat (1960-1988). Tổng số tiền thu được trong phiên đấu giá các tác phẩm hậu Thế chiến II và đương đại lên đến 495 triệu USD, cao nhất so với bất kỳ phiên đấu giá nào được tổ chức trong lịch sử mỹ thuật thế giới, vượt xa mức 293,6 triệu USD của phiên đấu giá tác phẩm đương đại tại nhà Sotheby’s được tổ chức một ngày trước đó, cũng như vượt xa phiên đấu giá tác phẩm Ấn tượng và hiện đại ngày 7-5 cũng tại Sotheby’s (xem bài Những quả táo ngàn vàng của Cé zanne – DNSGCT số 506). Dù tranh của Barnett Newman và Gerhard Richter đã đạt mức giá gần như không tưởng tại nhà Sotheby’s tối 14-5, xem ra cơn khát tác phẩm đương đại vẫn thật dữ dội tại nhà Christie’s.
Theo ghi nhận của phóng viên báo New York Times, trong phiên đấu giá kỷ lục này tràn ngập các nhà sưu tập và nhà buôn tác phẩm lừng lẫy nhất, như Larry Gagosian – chủ nhân hệ thống gallery Gagosian ở New York, Los Angeles, London và Paris; tỉ phú Eli Broad ở Los Angeles; J. Tomlison Hill – Phó chủ tịch Tập đoàn đầu tư Blackstone; Leonard Riggio – nhà sáng lập Tập đoàn xuất bản Barnes & Noble… Họ chăm chú theo dõi diễn biến đấu giá, khi mà hết tác phẩm này đến tác phẩm khác được nâng giá lên không ngừng. Trong tổng số 70 tác phẩm được đưa ra đấu giá, chỉ có bốn tác phẩm không tìm được chủ nhân mới.
Tác phẩm Số 19, 1948 của Jackson Pollock cuối cùng đã được bán với giá kỷ lục 58,3 triệu USD, sau khi bốn người đặt giá qua điện thoại liên tục nâng giá bức tranh được vẽ nhiều lớp chồng lên nhau theo kỹ thuật nhỏ giọt sơn đặc trưng của tác giả. Từng thuộc sở hữu của nhà tư bản công nghiệp Mitchell P. Rales ở thủ đô Washington, bức tranh này được tỉ phú François Pinault, ông chủ của nhà đấu giá Christie’s mua vào năm 1993 với giá 2,4 triệu USD nhưng sau đó đã bán lại cho chính gia đình Rales.
Ronald O. Perelman, nhà đầu tưở New York cũng là người hết sức vui mừng trong buổi tối 14-5, khi bức Thiếu phụ đội nón hoa của Lichtenstein mà ông sở hữu đã bán được với giá 50 triệu USD. Năm 1963, Lichtenstein đã vẽ bức tranh này nhại lại một tác phẩm cùng tên của Picasso và chủ nhân mới của nó là nhà buôn kim hoàn Laurence Graff ở London, người đã kiên nhẫn ngồi ở hàng ghế đầu trong phiên đấu giá, lần lượt vượt qua ba người đặt giá qua điện thoại. Sau đó, ông cho biết mua bức tranh để làm quà sinh nhật thứ 75 của chính mình: “Tôi biết nó trong nhiều năm rồi và luôn xem nó trong các tập sách. Quả là một kiệt tác!”. So với giá ước tính, bức tranh được mua cao hơn tới 32 triệu USD, đây cũng là giá tranh cao nhất từ trước tới nay của Lichtenstein. Tác phẩm này từng được trưng bày tại các bảo tàng danh giá nhất như Solomon R. Guggenheim và Whitney ở New York, Tate ở London. Cũng được bán với giá “khủng” là bức Đầu bụi của ông vua tranh đường phố Jean-Michel Basquiat. Được vẽ vào năm 1982, sáu năm trước khi Basquiat qua đời ở tuổi 28, Đầu bụi được bán với giá 48,8 triệu USD cho một người đặt giá qua điện thoại, lập kỷ lục mới cho Basquiat vì vào năm 2012 một bức tranh của anh đã được bán với giá 26,4 triệu USD cũng ở nhà Christie’s.
Jussi Pylkkanen, người điều hành phiên đấu giá chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật đã thốt lên sau khi kết thúc công việc của ông: “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới của thị trường nghệ thuật!”. Phải chăng đó là lời tiên báo, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn, thị trường chứng khoán dễ chao đảo, thị trường bất động sản không có gì sáng sủa và giá vàng đang giảm mạnh?
- Lê Bản